TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

VLT Đài Loan đưa tàu vào vùng tranh chấp gây căng thẳng

Trong khi Nhật Bản đang phái đi một nhà ngoại giao hàng đầu của nước này đến Trung Quốc để “tháo ngòi nổ” cuộc đối đầu hiện nay thì Vùng lãnh thổ Đài Loan lại đưa tàu thuyền ồ ạt vào vùng tranh chấp. Động thái này của Đài Loan có nguy cơ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng trong khu vực.
 
Nhật, Trung tìm cách làm hòa
 
Các quan chức Trung Quốc và Nhật Bản dự kiến sẽ gặp nhau trong ngày hôm nay (25/9) để làm dịu tình hình cuộc tranh chấp nóng bỏng giữa hai nước xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Thứ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Chikao Kawai đang trên đường tới Trung Quốc để bàn về vấn đề quần đảo tranh chấp. Theo kế hoạch, ông Chikao sẽ có cuộc gặp với người đồng cấp Trung Quốc Zhang Zhijun.
 
Nỗ lực giải quyết tranh chấp giữa Trung Quốc và Nhật Bản được đưa ra sau khi Trung Quốc đưa tàu tuần tra của mình xâm nhập vào vùng lãnh hải xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Các quan chức Nhật Bản đã lên tiếng phản đối. Hiện tại, không có tàu thuyền nào của Trung Quốc được nhìn thấy ở xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
 
Tờ Asahi Shimbun của Nhật Bản đưa tin, cuộc tranh chấp quyết liệt giữa Trung Quốc và Nhật Bản quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đã dẫn tới việc hủy kế hoạch kỷ niệm 40 năm ngày hai nước bình thường hóa quan hệ ngoại giao. Lễ kỷ niệm này được dự kiến sẽ diễn ra vào ngày 27/9 ở thủ đô Bắc Kinh.
 
Theo các nhà phân tích, gốc rễ của cuộc đối đầu căng thẳng hiện nay giữa Trung Quốc và Nhật Bản là “hai bên không thể hiểu nhau”. Vì vậy, cách duy nhất để dàn xếp cuộc tranh chấp này là hai bên cần phải tăng cường sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau. Tuy nhiên, đây là việc không hề dễ dàng bởi hai nước Trung Quốc và Nhật Bản vốn có một lịch sử không mấy tốt đẹp. Người Trung Quốc vốn vẫn bị ám ảnh bởi thời kỳ họ bị Nhật Bản chiếm đóng. Họ rất dễ bị kích động trước bất kỳ hành động cứng rắn nào của Nhật Bản.
 
Mặc dù vậy, giới lãnh đạo ở Trung Quốc và Nhật Bản đều mong muốn sớm giải quyết cuộc khủng hoảng hiện nay trong quan hệ giữa hai nước nhằm tranh những hậu quả đáng tiếc.
 
Trong khi Tokyo và Bắc Kinh đang nỗ lực cho một giải pháp hòa bình thì một bên thứ ba xuất hiện, nhảy vào cuộc tranh chấp bằng một động thái đầy khiêu khích. Đó chính là Vùng lãnh thổ Đài Loan.
 
Đài Loan khuấy động biển Hoa Đông
 
Vùng lãnh thổ Đài Loan cũng đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong thời gian qua, khi Trung Quốc và Nhật Bản có cuộc đối đầu căng thẳng vì cuộc tranh chấp ở đây thì Đài Loan giữ một thái độ khá im lặng. Tuy nhiên, khi Tokyo và Bắc Kinh bắt đầu dịu đi thì Đài Loan bắt đầu có những động thái “đổ thêm dầu vào lửa”.
 
Hãng tin Reuters đưa tin, một “hạm đội” tàu hùng hậu gồm hơn 100 tàu cá được hộ tống bởi 10 tàu của Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Đài Loan hôm nay (25/9) đang rầm rộ tiến về quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư. Đội tàu này mang theo những biểu ngữ và cờ Đài Loan cỡ lớn. Kế hoạch của nhóm tàu là sẽ đi quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư để “khẳng định quyền của Vùng lãnh thổ Đài Loan trong việc được đánh cá trong khu vực”.
 
Trong một động thái đe dọa sẽ thổi bùng ngọn lửa căng thẳng trong tranh chấp ở biển Hoa Đông, nhóm tàu của Vùng lãnh thổ Đài Loan cho biết, họ không loại trừ khả năng đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.

Trước đó, hôm 23/9, hàng trăm nhà hoạt động Đài Loan đã tiến hành các cuộc biểu tình chống Nhật Bản. Những người biểu tình đã kêu gọi tẩy chay hàng hoá Nhật Bản khi họ diễu hành qua một cửa hàng bán đồ của Nhật Bản. Một số còn kêu gọi bắt tay với đại lục Trung Quốc để giải quyết cuộc tranh chấp với Nhật Bản.

Những động thái trên của Đài Loan khiến cho cuộc tranh chấp lãnh thổ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư có nguy cơ bùng phát trở lại. Và nó sẽ khiến cho Trung Quốc và Nhật Bản khó khăn hơn trong việc tìm kiếm một giải pháp hòa bình nhằm xoa dịu tình hình hiện nay.
 
Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Vùng lãnh thổ Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với một quần đảo ở biển Hoa Đông mà Trung Quốc gọi là Điếu Ngư, Nhật Bản gọi là Senkaku còn Đài Loan gọi là Tiaoyutai. Đài Loan vốn ít lên tiếng nhất trong căng thẳng gần đây xung quanh cuộc tranh chấp liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư này.
 
Căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc và Nhật Bản đang leo đến đỉnh điểm sau khi cuộc tranh chấp giữa họ quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bị “khuấy tung” lên bởi sự kiện một nhóm các nhà hoạt động Trung Quốc hôm 15/8 đổ bộ lên quần đảo Senkaku/Điếu Ngư cắm cờ nhằm “khẳng định chủ quyền”. Cuộc đối đầu này đã leo thang lên đến đỉnh điểm sau khi Tokyo quyết định mua lại quần đảo tranh chấp từ tay những người chủ sở hữu tư nhân.
 
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng.

 

Kiệt Linh - (tổng hợp)
Theo Vnmedia

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te