TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Đài Loan đang diễn trò gì ở Biển Đông? (2)

Đài Loan trên thực tế đang bị đẩy ra ngoài lề trong vấn đề Biển Đông. Chính điều này đã khiến Đài Bắc trong tháng qua liên tục có những hành động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông.
 

Có không sự “câu kết” giữa Đài Loan và Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp Biển Đông?

Trên tạp chí Bình luận Trung Quốc số tháng 8, nhà nghiên cứu Vương Kiến Dân thuộc Trung tâm Nghiên cứu Đài Loan đã có bài viết với tựa đề “Thảo luận chủ trương chính sách và vấn đề hợp tác Nam Hải (Biển Đông) giữa hai bờ eo biển Đài Loan”. Tác giả đã phân tích và chỉ ra rằng, lập trường của hai bờ trong vấn đề Biển Đông vẫn tồn tại những bất đồng khá lớn.

Theo tác giả, hai bờ có sự bất đồng về định vị an ninh chiến lược trong vấn đề Biển Đông, Trung Quốc đại lục coi tranh chấp Biển Đông là sự uy hiếp nghiêm trọng đối với an ninh quốc gia và an ninh hải dương của Trung Quốc, trong khi Đài Loan lại không coi những nước Đông Nam Á liên quan (trong tranh chấp Biển Đông) là mối uy hiếp nghiêm trọng đối với an ninh Đài Loan. Trên cơ sở đó, chủ trương của hai bờ trong việc giải quyết tranh chấp Biển Đông cũng khác nhau: Đại lục chỉ muốn đàm phán song phương để giải quyết các vấn đề tranh chấp, phản đối giải quyết theo cơ chế đa phương; Đài Loan lại có khuynh hướng tham gia đa phương cùng các nước có liên quan trong tranh chấp Biển Đông.

Dù có bất cứ hành động khoa trương quân sự hay chính trị nào thì Đài Loan cũng sẽ không có chỗ trong các cuộc đàm phán về tranh chấp tại Biển Đông. Trong ảnh: Giới chức Đài Loan ngày 31-8 lần đầu tiên kéo nhau đổ bộ lên bãi Bàn Than cắm cờ tuyên bố cái gọi là “chủ quyền” phi lý, phi pháp và vô hiệu đối với Trường Sa, thuộc chủ quyền của Việt Nam

Cùng với đó, mục tiêu chiến lược trong xử lý tranh chấp Biển Đông của hai bờ cũng rất khác nhau, mục tiêu hạt nhân của đại lục là duy trì, bảo vệ chủ quyền và lợi ích Biển Đông của Trung Quốc, song Đài Loan lại muốn tỏ rõ rằng, họ mới là một thực thể chính trị (thời đảng Dân Tiến cầm quyền, Đài Loan muốn là một “quốc gia”) có vai trò và sức ảnh hưởng quan trọng trong vấn đề Biển Đông, chứ không hoàn toàn là vì chủ quyền của cái gọi là “Trung Hoa Dân quốc”.

Tác giả cho rằng, vì không có điểm hội tụ, vì diễn biến của tình hình Biển Đông, hai bờ có thể sẽ ngày một tách xa nhau trong vấn đề Biển Đông, bất đồng không những không thể dung hợp, ngược lại còn sẽ bị xé to ra, từ đó ảnh hưởng ngược lại quan hệ hai bờ, đây là điểm không thể không chú ý.

Đài Loan trên thực tế đang bị đẩy ra ngoài lề trong vấn đề Biển Đông. Chính điều này đã khiến Đài Bắc trong tháng qua liên tục có những hành động khẳng định chủ quyền ở Biển Đông. Đài Loan muốn tham gia “Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông” (DOC), muốn là một bên trong số “năm nước sáu bên” (hoặc cũng có thể “sáu nước bảy bên”) có liên quan trực tiếp đến vấn đề Biển Đông, song vì Đài Loan không phải là một quốc gia có chủ quyền, chỉ là một thực thể kinh tế hay một thực thể chính trị, cho dù Đài Loan luôn nói là “Trung Hoa Dân quốc” có chủ quyền Biển Đông, nhưng vì tính đặc thù và tính đối kháng chính trị của quan hệ hai bờ, Đài Loan chưa thể trực tiếp tham gia bàn bạc và thảo luận DOC, Đài Loan bị bài trừ ra ngoài. Đây là thực tế được lịch sử quyết định và cũng là thực tế được hiện thực quyết định, không cần phải tranh cãi nữa. Xét tình hình hiện nay, Đài Loan dù thế nào đi nữa cũng không dám đề cập đến việc hợp tác giữa hai bờ trong vấn đề Biển Đông, bởi ở bên ngoài, Đài Loan chịu sự trói buộc của mối quan hệ Mỹ - Đài, ở bên trong bị trói buộc bởi mối quan hệ lục - lam (Quốc Dân đảng và đảng Dân Tiến), trên thực chất lại bị trói buộc bởi địa vị chính trị của Đài Loan trong vấn đề Biển Đông.

Với ba sự trói buộc này, Đài Loan sau này có muốn tham dự “chính trị Biển Đông” cũng hoàn toàn không còn khả năng. Cho nên có thể thấy những hành động khoa trương của Đài Loan ở Biển Đông trong tháng qua chỉ là cố đánh động dư luận nhằm cứu vớt vị thế đang bị lu mờ của mình trong vấn đề tranh chấp Biển Đông chứ về lâu dài, xét trong khuôn khổ các cuộc đàm phán chính thức giữa các bên liên quan tranh chấp ở Biển Đông (nếu diễn ra), Đài Loan sẽ chẳng có cửa nào.

Đài Loan và Trung Quốc “ngầm bắt tay” chống Nhật ở biển Hoa Đông?

Không chỉ tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông, Đài Loan cũng đòi chủ quyền đảo Điếu Ngư/Senkaku với Nhật Bản và Trung Quốc. Cũng như Trung Quốc, Đài Loan đã phản ứng mạnh mẽ trước thông tin Chính phủ Nhật vừa quốc hữu hóa một số hòn đảo của tư nhân trong quần đảo Điếu Ngư/Senkaku. Sau vụ một số người Nhật đổ bộ lên quần đảo cắm cờ, Đài Bắc cũng đã triệu mời đại diện của Nhật Bản lên để phản đối.

Các nhà hoạt động Hồng Công đổ bộ lên đảo Điếu Ngư/Senkaku hôm 15/8

Từ trước đến nay chính sách của nhà cầm quyền Đài Loan là “không liên kết với đại lục”, tự bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư, nhưng sau khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, quan hệ hai bờ được cải thiện, giữa hai bờ tuy không có hành động công khai nhưng trong thực tế vẫn có sự hiểu ngầm nhau ở mức độ nào đó trong việc liên kết bảo vệ đảo Điếu Ngư. Trước mắt, hai bờ vẫn chưa có được ý kiến thống nhất trong việc xác định địa vị chính trị của Đài Loan, nhưng nhà cầm quyền hai bờ đều có thể lấy đại cục làm trọng, tạm gác lại bất đồng đương đầu với Nhật Bản. Cả hai đều cho rằng, “chủ quyền đảo Điếu Ngư thuộc về Trung Quốc” mà không truy cứu xem hàm nghĩa của “Trung Quốc” cuối cùng là gì. Thực tế mơ hồ như vậy đã để lại không gian cho hợp tác hai bờ. Chính sự hiểu ngầm đã tạo cơ sở để hai bờ hợp tác bảo vệ chủ quyền biển đảo. Đó là sự hiểu ngầm lớn nhất.

Hai nữa là sự hiểu ngầm trong hành động chống lại Nhật Bản. Năm 2008, tàu chiến Nhật Bản đã bắn chìm tàu cá liên hợp của Đài Loan và bắt trưởng tàu của Đài Loan. Trước việc làm như vậy, Đài Loan tích cực gây sức ép yêu cầu phía Nhật Bản thả người, xin lỗi và phải bồi thường. Chính phủ Trung Quốc cũng không nề hà thời cơ nhạy cảm sắp diễn ra Thế vận hội Olympic, đã phê chuẩn cho các nhân sĩ bảo vệ đảo Điếu Ngư mà trước đó chưa có tiền lệ được đến Đại sứ quán Nhật Bản tại Trung Quốc phản đối. Tháng 7-2010, tàu cá Toàn Gia Phúc của Đài Loan đến vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư để thực hiện hành động bảo vệ Điếu Ngư, Sở Hải tuần Đài Loan cũng điều tàu của mình đến bảo vệ, trong khi đại lục tích cực giao thiệp với nhà cầm quyền Nhật Bản, cảnh cáo Nhật Bản “không được áp dụng bất cứ hành động nào gây tổn hại đến sự an toàn về người và tài sản của tất cả mọi người, trong đó có đồng bào Đài Loan”.

Trước đây, hai bờ không thể chung tay bảo vệ đảo Điếu Ngư, trở ngại lớn nhất là trạng thái đối địch lâu dài giữa hai bờ, hai bên cơ bản thiếu tin cậy lẫn nhau. Cả hai tuy đều chủ trương “Trung Quốc” có chủ quyền ở đảo Điếu Ngư nhưng phía Đài Loan cho rằng, quan hệ căng thẳng với đại lục thậm chí có lúc còn nghiêm trọng hơn cả quan hệ đối đầu với Nhật Bản. Trong thời kỳ cầm quyền của cha con Tưởng Giới Thạch, sau đó là Lý Đăng Huy và Trần Thủy Biển, Đài Loan luôn coi Nhật Bản là đồng minh, thông qua Nhật Bản đối trọng với đại lục. Trong khi xem xét các mâu thuẫn chính phụ, sự lựa chọn của nhà cầm quyền Đài Loan hiển nhiên là “không hợp tác với đại lục bảo vệ đảo Điếu Ngư”. Sau khi Mã Anh Cửu lên nắm quyền, chính sách “hòa với đại lục” của Mã Anh Cửu tuy vẫn còn khoảng cách so với chính sách “kết bạn” với Nhật Bản, nhưng quan hệ hai bờ cuối cùng đã xuất hiện bước ngoặt mang tính lịch sử, hai bên đã sơ bộ xây dựng lòng tin chính trị, giữ quan hệ tích cực. Trong điều kiện đó, nhân tố kìm hãm lớn nhất để hai bờ hợp tác đã được loại bỏ, hợp tác hai bờ đã xuất hiện cơ hội lịch sử mới.

So với bất cứ nhà lãnh đạo nào ở Đài Loan, Mã Anh Cửu cũng là người có thái độ tích cực và lập trường kiên định nhất trong việc bảo vệ chủ quyền đảo Điếu Ngư. Trong “phong trào bảo vệ đảo Điếu Ngư” của những năm 70 của thế kỷ trước, Mã Anh Cửu đã là người tổ chức tích cực. Luận văn tiến sĩ của Mã Anh Cửu ở Trường đại học Harvard cũng là vấn đề liên quan đến đảo Điếu Ngư, có tên “Bàn về vấn đề phân định ranh giới cụm đảo Điếu Ngư và Hoa Đông từ góc nhìn của luật biển mới”, luận văn này còn được xuất bản vào năm 1986. Sau khi lên nắm quyền, Mã Anh Cửu luôn tích cực ủng hộ hoạt động của những người bảo vệ đảo Điếu Ngư. Năm 2005, khi ngư dân Đài Loan bị Nhật Bản gây khó khăn trong tác nghiệp ở vùng biển thuộc đảo Điếu Ngư, với tư cách là Thị trưởng Đài Bắc, Mã Anh Cửu đã thể hiện ngôn luận về một trận “quyết chiến với Nhật Bản bằng mọi giá để bảo vệ đảo Điếu Ngư”. Năm 2008, sau khi trở thành nhà lãnh đạo Đài Loan, ngôn luận và chính sách của Mã Anh Cửu đối với Nhật Bản có phần thu hẹp, nhưng lập trường cơ bản vẫn chưa thay đổi. Tháng 11/2008, nhà cầm quyền Mã Anh Cửu đã phê chuẩn đơn xin của những người bảo vệ đảo Điếu Ngư trong dân chúng Đài Loan để thành lập “Hiệp hội Bảo vệ Điếu Ngư Trung Hoa”, khiến cho phong trào bảo vệ đảo Điếu Ngư lần đầu tiên chính thức có tổ chức. Sau khi Nhật Bản đâm chìm tàu cá liên hợp của Đài Loan, Mã Anh Cửu thậm chí còn phát đi tuyên bố có ý “động viên quân sự”. Người phát ngôn của Mã Anh Cửu lúc đó là Vương Uất Kỳ nói rằng: “Trong vấn đề đảo Điếu Ngư, Mã Anh Cửu trước đây là thanh niên có nhiệt huyết, nay vẫn là trung niên nhiệt huyết”.

Quân cờ Hồng Công trong tranh chấp biển Hoa Đông

Trong những ngày gần đây, quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Nhật Bản trở nên căng thẳng do những động thái và tuyên bố liên quan tới quần đảo tranh chấp Điếu Ngư/Senkaku giữa hai nước ở biển Hoa Đông. Việc Bắc Kinh ngầm cho phép các nhà hoạt động địa phương đến quần đảo Điếu Ngư nhằm phản đối tuyên bố chủ quyền của Nhật Bản đối với quần đảo này, đã cho thấy Hồng Công là một phần trong chính sách ngoại giao khu vực của Trung Quốc.

...sau đó bị Nhật Bản bắt giữ và trục xuất ngày 17/8

Giới phân tích nhận định vụ các nhà hoạt động Hồng Công kéo lên quần đảo Điếu Ngư/Senkaku và bị nhà chức trách Nhật Bản bắt giữ rồi quyết định trục xuất cho thấy Hồng Công đóng một vai trò trong chính sách ngoại giao và chiến lược của Trung Quốc trong việc giải quyết các tranh chấp lãnh thổ, lãnh hải ở khu vực biển Hoa Đông. Chuyến đi của các nhà hoạt động Hồng Công đã củng cố tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh đối với quần đảo Điếu Ngư/Senkaku trong khi vẫn tránh được một cuộc đối đầu trực tiếp với Tokyo. Giáo sư Chu Vĩnh Sinh thuộc Trường đại học Ngoại giao Trung Quốc nhận định: “Những kế hoạch trước đây của các nhà hoạt động Hồng Công đến quần đảo Điếu Ngư đều bị chính quyền Trung Quốc ngăn chặn. Do vậy, có thể thấy rằng, lần này họ thực hiện thành công chuyến đi là do đã được Bắc Kinh cho phép”.

Bắc Kinh dường như đang cho thế giới thấy rằng, họ vẫn đang thể hiện sự kiềm chế, nhưng đồng thời cũng muốn cảnh báo để Tokyo biết rằng, đây là một vấn đề nghiêm túc. Theo Giáo sư Chu Vĩnh Sinh: “Khi các nhà hoạt động Hồng Công lên quần đảo Điếu Ngư, chủ quyền của Trung Quốc vẫn có thể được chứng tỏ, bởi vì các nhà hoạt động đó cũng là người Trung Quốc. Bắc Kinh đã nói với Tokyo một cách tế nhị rằng, Trung Quốc không muốn đối đầu, nhưng Tokyo không nên hiểu nhầm rằng, thái độ của Trung Quốc thể hiện sự yếu thế”.

Ngày 15/8, Trưởng đặc khu Hành chính Hồng Công Lương Chấn Anh đã triệu Tổng lãnh sự Nhật Bản Yuji Kumamaru để kêu gọi Tokyo thả 8 nhà hoạt động bị Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Nhật Bản bắt giữ. Động thái này được xem như là một tín hiệu rằng, Hồng Công đang phối hợp nhịp nhàng với Bắc Kinh.

S.Phương

(Năng lượng Mới số 155, ra thứ Sáu ngày 14/9/2012)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te