Việc Nhật Bản thực hiện “quốc hữu hóa” đối với đảo Điếu Ngư/Senkaku đã dẫn đến sự phản đối mạnh mẽ từ phía Trung Quốc, thậm chí có lúc tình hình trở nên vô cùng căng thẳng. Tuy nhiên, tranh chấp nay đã xuất hiện dấu hiệu kiềm chế, lắng dịu.
Đầu tiên, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thừa nhận Tôkyô trước đó đã sai lầm khi đánh giá về những phản ứng có thể xảy ra của Trung Quốc. Quả thực là ban đầu Tôkyô không đánh giá được Bắc Kinh sẽ phản ứng mãnh mẽ như vậy.
Ngày 10/10, hãng tin Kyodo đưa tin Tôkyô đang nghiên cứu phương án thỏa hiệp, áp dụng rằng quan chức Nhật Bản “nhận thức thấy” phía Trung Quốc có đòi hỏi chủ quyền liên quan, cho rằng cách làm như vậy vừa có thể duy trì được lập trường kiên định của Nhật Bản, vừa có thể xem xét tới lập trường Trung Quốc yêu cầu Nhật Bản thừa nhận sự tồn tại của tranh chấp chủ quyền. Theo tin, phía Nhật Bản phán đoán Trung Quốc xây dựng mục tiêu ngắn hạn trong tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku là ép phía Nhật Bản thừa nhận “tồn tại tranh chấp chủ quyền”, tức phương pháp như vậy có tính khả thi.
Mỹ không muốn nhìn thấy chiến tranh Trung-Nhật
Động thái trên cho thấy phía Nhật Bản lộ ra kỳ vọng dùng biện pháp thỏa hiệp để làm dịu quan hệ căng thẳng giữa hai nước. Điều này hoàn toàn khác biệt so với lập trường cứng rắn của Nhật Bản trước ngày 11/9.
Tiếp đó, lập trường của Mỹ cũng có thay đổi. Ngày 28/9, trong cuộc gặp với ngoại trưởng Nhật Bản tại Niu Yoóc, Ngoại trưởng Mỹ Hillary đã nhắc nhở một cách bất thường (rằng) Nhật Bản cần thận trọng xử lý quan hệ ngoại giao với Trung Quốc; về sự căng thẳng trong quan hệ Trung-Nhật do tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku gây ra, bà Hillary chỉ rõ khi hành động, Nhật Bản cần “thận trọng”. Thứ trưởng Ngoại giao phụ trách vấn đề châu Á-Thái Bình Dương Mỹ Campbell cũng có thái độ tương tự khi thúc giục Nhật Bản cần hành động thận trọng.
Hiện nay, nền kinh tế Trung Quốc đang đứng ở vị trí thứ hai, hy vọng chiếm ngôi thứ nhất thế giới, nằm ở vị trí then chốt đang trỗi dậy. Thực lực kinh tế của Trung Quốc và Nhật Bản đứng vị trí thứ hai và thứ ba thế giới, khi hai bên phát sinh xung đột, va chạm, Mỹ đương nhiên vui mừng đứng ngoài quan sát. Tuy nhiên, Mỹ thực sự cũng không hy vọng xảy ra chiến tranh giữa hai nước này. Huống hồ, phương Tây đang đánh bài ngửa quân sự với Têhêran xung quanh vấn đề vũ khí hạt nhân của Iran, suy cho cùng thì tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku chỉ là vấn đề nhỏ, vấn đề hạt nhân của Iran mới là nguồn căn của cơn bạo bệnh. Quan sát kỹ thái độ của Mỹ trong tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku có thể thấy được sự thay đổi tinh tế trong lập trường của Mỹ.
Theo phán đoán của các nhà chiến lược Trung Quốc, mấy năm gần đây, xung quanh Trung Quốc liên tục dậy sóng, hình thành cục diện nguy hiểm bốn bề, cơn sóng lớn bao trùm nằm ở quyết định chiến lược quay trở lại Châu Á của Mỹ và 65% lực lượng hải quân và không quân của Mỹ sẽ bố trí tập trung ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Mỹ quyết định quay trở lại châu Á, đương nhiên phải dựa vào sự phối hợp và ủng hộ của Nhật Bản, Hàn Quốc; ngược lại, cũng tất phải coi trọng lời hứa đảm bảo quốc phòng cho đồng minh của Mỹ.
Nhật Bản có chỗ dựa nên không còn e sợ, xuất kích bốn phía về chiến lược an ninh Đông Bắc Á, Mỹ và Nhật Bản không hẳn là cùng hội cùng thuyền, mà là “giống nhưng có khác”. Bắc Kinh cần chú ý đến điều này khi đưa ra quy hoạch chiến lược.
Để duy trì cục diện chính trị ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ cần chú ý đề phòng trước ảnh hưởng mang tính khu vực do sự tăng cường sức mạnh quốc gia của Trung Quốc tạo ra, Mỹ chỉ nên trông chờ vào hành động chi viện của Nhật Bản chủ yếu giới hạn ở vùng biển Đài Loan; còn Nhật Bản thì dựa vào những lời hứa của Mỹ nên đã nhân cơ hội ra tay “xử lý việc riêng”, hy vọng Mỹ đồng ý để Nhật Bản có hành động quân sự “ra bên ngoài”.
Điều này chính là nguồn cơn của việc Nhật Bản đã “xuất kích tứ phía” mấy năm gần đây với tinh thần cứng rắn chưa từng có trong tranh chấp đảo Điếu Ngư/Senkaku; ngoài ra còn tranh cướp đảo Dokdo/Takeshima với Hàn Quốc, mở rộng phạm vi tranh chấp lãnh thổ với Nga ở phía Bắc, kích động các tranh chấp ngoại giao.
Nếu quan hệ Trung-Nhật tiếp tục xấu đi, thậm chí xảy ra xung đột quân sự thì sẽ không tránh khỏi ảnh hưởng tới lợi ích an ninh quan trọng của Mỹ. Trước tiên, hòa bình và sự ổn định của khu vực châu Á-Thái Bình Dương sẽ chịu tác động lớn, thậm chí mở rộng phạm vi. Tiếp sau, dân chúng Trung-Nhật chịu tác động của lịch sử thù hận, dễ bùng phát xung đột, sau khi nảy sinh xung đột, do nhân tố trong nước (Trung Quốc) thiếu khả năng khống chế sự lan tràn của các hành động quân sự, rất có khả năng xung đột leo thang. Trong tình huống này, Mỹ tất sẽ bị cuốn vào và đó sẽ là thảm kịch mà các bên xung đột khó tránh khỏi.
Xung đột phá vỡ cục diện quân sự tại châu Á-Thái Bình Dương
Nói đến cục diện chính trị Đông Bắc Á, thì Nga không có hy vọng chấn hưng, trong tương lai gần, chưa thể nói tới sự thống nhất giữa hai miền Triều Tiên sức ảnh hưởng của các nước trong khu vực này thì chỉ có Trung Quốc và Nhật Bản. Nói về lợi ích chiến lược của Mỹ, điều quan trọng hơn là, cho dù cuộc chiến Trung-Nhật diễn biến như thế nào thì đều sẽ tác động trực tiếp tới sự tồn tại quân sự của Mỹ tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương, từ đó làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới an ninh của nước Mỹ.
Trung-Nhật bùng nổ xung đột, sẽ có hai kết quả: Nếu Mỹ-Nhật hợp lực đánh thắng Trung Quốc thì Trung Quốc suy sụp, không chấn hưng được, Nhật Bản xưng bá ở Đông Á. Sự uy hiếp xung quanh Nhật Bản đã hết, lực lượng kìm kẹp bị mất đi, Nhật Bản tất sẽ đánh giá lại giá trị của Hiệp ước bảo đảm an ninh Mỹ-Nhật, không sớm thì muộn Nhật Bản cũng mượn cớ làm theo yêu cầu của người dân để ép Mỹ rút quân khỏi Okinawa cũng như lãnh thổ Nhật Bản. Mỹ đã tiêu diệt được mối đe dọa từ một Trung Quốc đang trỗi dậy, song lại phải đối diện với mối đe dọa của một Nhật Bản đã từng trỗi dậy, đó cũng là “trăm sông về một biển”.
Nếu xảy ra chiến tranh, các bên tham chiến sẽ có khả năng dẫn đến nguy cơ chiến tranh hạt nhân, nếu không có thỏa hiệp, Trung Quốc tất sẽ “chơi sòng phẳng” với Mỹ và Nhật Bản. Nếu Mỹ tham chiến mà không chế ngự được Trung Quốc, Nhật Bản tất sẽ nhìn Trung Quốc với con mắt khác, sẽ tôn trọng quyền lợi và yêu cầu của Trung Quốc hơn. Như vậy, về trật tự an ninh thế giới, Hiệp ước đảm bảo an ninh Mỹ-Nhật trên thực tế đã có sự thay đổi về chất.
Từ đó có thể thấy chỉ cần Trung Quốc và Nhật Bản xảy ra xung đột quân sự ở mức độ cao, thì cho dù kết thúc như thế nào, cục diện quân sự ở khu vực châu Á- Thái Bình Dương đều sẽ bị phá vỡ từ đó trực tiếp ảnh hưởng tới tổng thể lợi ích an ninh của Mỹ ở khu vực này.
Mỹ không hy vọng các bên độc tôn xưng bá
Diễn biến của tranh chấp Trung-Nhật xem ra đều chịu sự hạn chế bởi vai trò của Mỹ trong ván cờ chiến lược khu vực Đông Bắc Á. Mỹ sẽ tăng cường sức ảnh hưởng, hạn chế mọi khả năng của Trung Quốc và Nhật Bản trong tình hình cục diện xấu đi. Nếu xung đột quân sự Trung-Nhật nổ ra, Mỹ cũng sẽ đứng giữa kêu gọi điều đình, giúp đỡ bên chịu thiệt hại, ngăn chặn cục diện độc tôn xưng hùng của bất cứ nước nào ở Đông Bắc Á.
Nói tóm lại, Mỹ và Nhật Bản có lập trường tương đối khác nhau, ngay cả trong vấn đề quan trọng nhất là đối đầu với Trung Quốc. Nhật Bản hy vọng nổi lên ở Đông Á, do đó không thể tránh khỏi cần phải hành động để dìm ép Trung Quốc. Tuy nhiên, Mỹ lại chỉ muốn có một sự cân bằng giữa Trung Quốc và Nhật Bản. Nói cách khác, lập trường của Mỹ chính là một nhân tố kiềm chế các bên trong ván cờ chiến lược Đông Bắc Á./.
Tiết Lý Thái, Bài viết trên tờ “Tín báo” ngày 22/10
Thuỳ Anh (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông