Một kế hoạch của chính phủ trung ương Trung Quốc nhằm tạo ra sự đột phá lớn trong công nghiệp du lịch trên hòn đảo nhiệt đới Hải Nam dự báo sự tăng trưởng vượt bậc trong kinh tế. Tuy nhiên, nó cũng làm rộng thêm khoảng cách giữa người giàu và người nghèo mà Bắc Kinh đang cố gắng thu hẹp.
Tiền của đổ không tiếc tay vào những khu vực bất động sản ven biển để xây dựng khách sạn năm sao, sân golf xa hoa đẳng cấp, bến đậu cho các du thuyền tư nhân, tạo ra một làn sóng đầu tư bùng nổ. Kết quả là, tăng trưởng kinh tế của hòn đảo đạt mức trung bình 35% - lớn và nhanh hơn nhiều so với những nơi còn lại của Trung Quốc trong vòng ba năm trở lại đây kể từ khi chiến dịch của chính quyền bắt đầu đi vào thực thi.
Tuy nhiên, với 8,6 triệu dân, kết quả của chiến dịch ấy là lạm phát và chênh lệch thu nhập trở nên quá lớn khi một hộ nông dân chỉ kiếm được chừng 20.000 nhân dân tệ (3.174 USD)/năm, nhưng nếu họ bán đất để xây dựng các toà nhà sang trọng thì sẽ thu lại được chừng 150.000 nhân dân tệ/mét vuông.
"Nó giống như quê hương của những người xa lạ nhưng giàu có, thay vì là của chúng tôi, dù chúng tôi sinh ra nơi dây, sống ở mảnh đất này trong nhiều thế hệ", Trương Hạ, 26 tuổi, dựa lưng vào cánh cửa một cửa hàng tạp hoá nhỏ - nguồn thu nhập duy nhất của gia đình anh - và nói.
Cha mẹ của Trương đã trồng xoài trên mảnh đất nông nghiệp họ có, nhưng sau đó phải tái định cư, nhường đất cho một công trình xây dựng khu du lịch sinh thái. "Chúng tôi tới một nơi xa biển, không có nhiều đất đai trồng trọg. Vậy chúng tôi có thể kiếm sống bằng gì trên đó?", Trương nói. Hiện tại, anh sống ở vùng ngoại ô Tam Á - thành phố lớn thứ hai của Hải Nam.
Lướt sóng ở Tam Á. Ảnh: Getty Images |
Và đây là một vấn đề lớn tầm quốc gia đối với Trung Quốc - làm thế nào để thúc đẩy tăng trưởng và đầu tư, đưa sự giàu có tới cộng đồng cư dân địa phương chứ khôgn phải người đã giàu có hay đảm bảo dồi dào nguồn thu ngân sách địa phương. Khoảng cách giàu nghèo ngày một lớn là thách thức không nhỏ với chính quyền Trung Quốc - khi họ luôn đưa ra cam kết ổn định xã hội, tăng trưởng kinh tế bền vững. Không thực thi được cam kết ấy, chính phủ sẽ đối mặt với nguy cơ bất ổn.
Dữ liệu thống kê chính thức cho thấy, thu nhập cá nhân sau thuế hàng năm đạt mức trung bình 20.472 nhân dân tệ năm 2011, tăng 9,4% so với năm trước nhưng vẫn còn thấp hơn tăng trưởng kinh tế và doanh thu tài chính của thành phố đạt 14,2% và 18,5% tương ứng.
Tháng 3 vừa qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói trong kỳ họp quốc hội hàng năm rằng, Bắc Kinh xác định rõ rằng, phải cải cách hệ thống phân phối thu nhập quốc gia năm nay để "đảo ngược nhanh chóng" xu hướng chênh lệch thu nhập đang ngày càng mở rộng.
Trong khi khi đó, chính phủ trung ương cũng tuyên bố sẽ gia tăng tỉ lệ thu nhập cá nhân cân xứng với GDP để thúc đẩy tiêu dùng nội địa và chuyển đổi hướng tới một nền kinh tế cân bằng hơn. "Chênh lệch thu nhập ngày một lớn đã trở thành nhân tố chính hạn chế việc mở rộng nhu cầu trong nước và có thể xói mòn sự tăng trưởng bền vững của nền kinh tế", Đỗ Trịnh Trịnh - một nhà phân tích Trung Quốc cho biết.
Giá tiêu dùng bình quân tại Tam Á tăng 5,4% trong năm 2011 so với cùng kỳ năm trước - và cũng cao hơn khi mục tiêu chính phủ đặt ra là 4% - với tốc độ lạm phát lương thực hàng năm tăng tới mức 13,7%, theo cục thống kê thành phố. Chính quyền Tam Á không phải không nhận thức ra vấn đề. "Chúng tôi để ý rằng, giá tiêu dùng tăng cao đang ngày càng ảnh hưởng sâu sắc tới người dân địa phương. Một số người đã buộc phải cắt giảm chi tiêu cho lương thực thực phẩm để đối phó với tỉ lệ lạm phát cao", báo cáo đưa ra trên trang web của chính quyền thành phố nhấn mạnh.
Trong nửa đầu năm ngoái, khi lạm phát lên gần mức đỉnh nhất trong 3 năm, tỉ lệ tiêu dùng cá nhân với sản phẩm thịt bò giảm 13,3%, với trứng giảm 29,7% trong khi cá giảm 5,4%. Trong năm 2011, chính quyền Tam Á đã trợ cấp cho mỗi người dân thành phố 42 nhân dân tệ/tháng cho tiêu dùng lương thực thực phẩm.
"Trợ cấp chỉ là biện pháp tạm thời đối phó với lạm phát. Biện pháp lâu dài là tăng lương cho các nhóm có thu nhập thấp và thu hẹp khoảng cách giữa người giàu - người nghèo", Kiều Dũng Nguyên - nhà phân tích của CEBM, hãng nghiên cứu và tư vấn ở Thượng Hải - cho biết.
Chính phủ trung ương Trung Quốc cũng đang tăng cường nỗ lực khắc phục chêch lệnh thu nhập.
Bắc Kinh đã cam kết tăng mức lương tối thiểu trung bình hàng năm lên ít nhất 13% trong năm năm tính tới 2015 và muốn các chính quyền địa phương đặt ra mức lương thấp nhất ở mức ít nhất bằng 40% lương trung bình của địa phương. Lương tối thiểu ở Trung Quốc khá khác nhau dao động từ 1.500 nhân dân tệ tại Thâm Quyến hay 870 nhân dân tệ ở Trùng Khánh.
Tam Á là ví dụ điển hình của việc đầu cơ bất động sản không chỉ khiến thị trường bất động sản địa phương tăng vọt mà còn ảnh hưởng tới giá nhà đất tại một số thành phố khác kể cả khi Bắc Kinh có những chính sách thắt chặt thị trường này để "làm nguội" giá cả.
Đổng Vũ Đường - một doanh nhân từ Cáp Nhĩ Tân - một trong những thành phố lạnh nhất Trung Quốc ở tỉnh Hắc Long Giang phía đông bắc, đã dành 8 triệu nhân dân tệ mua vila ở Tam Á - cách bờ biển khoảng 15 phút đi xe. "Thật đáng giá để mua nó. Tôi thích đến đây vào mùa đông. Và tôi không lo lắng về việc giá cả giảm sút khi nó ở vị trí đắc địa thế này", ông nói.
Đầu tư bất động sản ở Tam Á tăng 34,6% năm ngoái, cao hơn tỉ lệ trung bình của toàn bộ Trung Quốc là 27,9%. Thị trường của Tam Á hoạt động tốt hơn rất nhiều nơi khác ở nước này với giá nhà ở tăng gần 50% trong hai năm qua. Tuy nhiên, chính quyền tỉnh đã bắt đầu tính tới việc cắt giảm sự phụ thuộc vào mua bán đất và chuẩn bị cho một sự chuyển đổi hướng tới tăng trưởng cân bằng hơn.
"Sự phát triển của một thành phố không nên chỉ hoàn toàn phụ thuộc vào lĩnh vực bất động sản và chúng ta phải đặc biệt chú ý tới việc bảo tệ vài nguyên đất đai quý giá của tỉnh Hải Nam để hướng tới tăng trưởng bền vững", Jiang Dingzhi, đứng đầu tỉnh Hải Nam tuyên bố cuối năm ngoái.
-----------------------
Tác giả: Nguyễn Huy theo financialpost // Nguồn: Tuần Việt Nam