Chưa bao giờ trong lịch sử phát triển của mình, Trung Quốc lại rơi vào hoàn cảnh bị cô lập đến như vậy. Với những hành động thể hiện tham muốn trở thành “bá vương” của mình, Trung Quốc đang dần trở nên đơn độc trên mọi chiến trường.
Ra sức gây hấn với láng giềng
Có thể nói Trung Quốc đang kéo tâm điểm của thế giới từ khu vực Trung Đông về phía biển Đông. Hiện nay, nước này đang nỗ lực đẩy nhanh tốc độ xây dựng trung tâm hành chính cho cái gọi là thành phố Tam Sa trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. “Thành phố” mới được tuyên bố này nằm trên vùng biển rộng 2 triệu km2 ngoài khơi khu vực phía nam Biển Đông và chiếm đến 57% khu vực biển này.
Đây là một trong những tranh chấp gây sự chú ý của thế giới nhất hiện nay khi mà Trung Quốc đang “gây sự” với hầu hết các láng giềng của mình như Việt Nam, Malaysia, Philippines và vùng viễn đông nước Nga. Sự tranh chấp trở nên nóng hơn bao giờ hết với cuộc đua gia tăng sức mạnh vũ trang ở các nước trong khu vực và những va chạm không chỉ trên bàn ngoại giao mà còn có cả những tranh chấp mang tính chất quân sự giữa các quốc gia với nhau, mà tâm điểm chính là Trung Quốc.
Trung Quốc đang là thủ phạm khiến tình hình Biển Đông trở nên phức tạp bằng những tuyên bố "đòi" chủ quyền phi lý và những hành động gây hấn, hung hăng. |
Trung Quốc đang tự đẩy mình vào thế “đơn chiếc” trên chiến trường ngoại giao cũng như quân sự khi đã tạo điều kiện cho các quốc gia trên biển Đông tạo ra một liên minh và có những hoạt động trao đổi quân sự với Mỹ - đối thủ lớn nhất của Trung Quốc trên mọi mặt trận hiện nay.
Các nước láng giềng và một số cường quốc khác trên thế giới đang cố gắng để kiềm chế và cô lập một Trung Quốc đang ngày càng “hung hăng”. Chiêu bài lãnh thổ từ quá khứ đã được chính phủ Trung Quốc khơi gợi dậy trong lòng dân chúng, làm sống dậy tinh thần “tự tôn dân tộc” nhằm mục đích chính thống hóa các hoạt động tăng cường quân sự gia tăng sức mạnh để lấy lại “những gì đã mất” ở trong lịch sử.
Không chỉ là tranh chấp trên vùng biển Đông với các nước Đông Nam Á, Trung Quốc đang ra sức gây hấn với Nhật trong cuộc đấu tranh đòi chủ quyền đối với quần đảo Điếu Ngư hay còn gọi là Senkaku. Hiện nay, dù Nhật Bản là quốc gia đang kiểm soát và quản lý quần đảo này nhưng cả Trung Quốc, Đài Loan, Hong Kong cũng đều đã lên tiếng khẳng định họ có chủ quyền tại đó. Các bên tranh chấp đều đã cử tàu tuần tra và một số tàu dân sự có vũ trang nhằm kiểm soát hoạt động của nhau. Mỹ tuy chưa lên tiếng ủng hộ bên nào nhưng cũng đã âm thầm bố trí các tàu sân bay và cơ số tàu chiến gần khu vực này với danh nghĩa quan sát viên, tuy nhiên trên thực tế là để kiểm soát hoạt động của Trung Quốc bởi trước đó giữa Mỹ và Nhật Bản đã cùng ký một hiệp ước phòng thủ chung và những toan tính riêng của Mỹ tại khu vực nóng bỏng này.
“Lét lút” phá hoại
Ngày 30/9/2012, Canada đưa ra thông tin rằng đã có một đợt tấn công nhằm vào mạng máy tính của 2 bộ trọng yếu nước này là Bộ Tài chính và Bộ Ngân khố. Dù không tìm ra thủ phạm nhưng các cơ quan điều tra của Canada vẫn xếp nghi can chính cho vụ tấn công này được cho là xuất phát từ Trung Quốc. Cuộc tấn công có vẻ liên quan đến việc Trung Quốc đang nỗ lực mua lại vài công ty năng lượng (dầu khí) lớn ở Canada. Và việc đánh cắp những dữ liệu điều hành bí mật sẽ dễ dàng hơn là mua lại các công ty này, hoặc ít nhất tạo ra những đề nghị thuận lợi nhất cho Trung Quốc.
Cũng vào ngày này, trang Washington Free Beacon cũng đưa tin các hacker có liên quan đến Trung Quốc đã đột nhập vào một trong những mạng lưới máy tính nhạy cảm nhất của nước Mỹ. Nguồn tin tình báo nước này cho biết các siêu tin tặc đã thâm nhập vào hệ thống của Văn phòng Quân sự Nhà trắng phụ trách kiểm soát vũ khí hạt nhân. Văn phòng này cũng đồng thời chịu trách nhiệm sắp xếp các hoạt động liên lạc và đi lại của Tổng thống Mỹ, các cuộc điện đàm liên chính phủ giữa các quan chức tình báo và hoạch định chính sách cao cấp.
Ngày càng nhiều các vụ tấn công mạng bị tố là "có liên quan đến các hacker Trung Quốc" hay mạng máy tính có xuất phát từ Trung Quốc. |
Dường như việc xâm nhập và phá hoại các mạng lưới máy tính lớn của các nước trên thế giới đang là một mặt trận gây hấn mới của Trung Quốc khi liên tục trong những năm vừa qua, hàng loạt những scandal về vấn đề bảo mật cấp quốc gia được điều tra đều có dính líu đến các máy tính được đặt tại nước này.
“Cô đơn” ngay cả ở trong nước
Có lẽ chưa bao giờ Đảng cộng sản Trung Quốc đang phải đau đầu đối với các vấn đề rắc rối ở trong nước như hiện tại.
Ngày 27/9/2012, chính trị gia Bạc Hy Lai đã bị trục xuất khỏi Đảng Cộng Sản và phải đối mặt với lệnh truy tố vì tội tham nhũng. Chính phủ Trung Quốc đã có một thời gian khó khăn trong việc kiểm soát hậu quả của vụ bối bối lớn nhất thập kỷ này. Vợ của Bạc Hy Lai sau đó đã bị kết tội giết chết một thương nhân người Anh và đang phải đối mặt với án tử hình.
Bạc Hy Lai và vợ ông ta điển hình cho vấn nạn tham nhũng, điều đang ngày càng gia tăng và phổ biến ở Trung Quốc. Trong các gia đình cầm quyền, tham nhũng trở thành truyền thống và mọi người đều tham gia góp phần.
Thêm vào đó, khủng hoảng kinh tế khiến cho Trung Quốc đang rơi vào một cuộc suy thoái khá nghiêm trọng. Các chỉ số phát triển kinh tế tăng không ngừng từ năm 1999 hiện nay đều đang chững lại. Xuất khẩu của nước này giảm sút nghiêm trọng, vấn nạn thất nghiệp gia tăng, thu nhập của người lao động ngày càng thấp đã tạo ra làn sóng bất mãn khá lớn trong dân.
Một ví dụ khá điển hình cho việc chính phủ Trung Quốc đang dần bất lực trước việc điều hành đất nước chính là những cuộc biểu tình chống Nhật hồi tháng 9 vừa qua. Ban đầu, Chính phủ Trung Quốc dự định sẽ dùng các cuộc biểu tình của người dân để gia tăng sức ép lên phía Nhật Bản trong cuộc chiến dành chủ quyền đối với quần đảo Senkakư/Điếu Ngư. Tuy nhiên mọi thứ đã ra khỏi tầm kiểm soát khi người dân nước này đã không dừng lại ở biểu tình mà chuyển qua đập phá các nhà máy của Nhật Bản đóng tại đây. Việc này đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình hợp tác kinh tế giữa hai nước và khiến cho Nhật Bản hiện phải suy nghĩ lại về việc sẽ không còn đặt các khu kinh tế của mình tại Trung Quốc nữa.
Với việc Đảng Cộng Sản đang trong giai đoạn thay máu đầy khó khăn, các vấn đề trong nước của Trung Quốc dường như vẫn bị bỏ ngỏ khiến cho Trung Quốc đang rơi vào cảnh “trong bất ổn, ngoài bất an”. Những chính sách đối ngoại hung hăng, các vấn đề đối nội bất cập đang biến Trung Quốc trở thành một đất nước bị cô lập trên chính trường quốc tế.
Phan Sương
Theo Infonet