Trung Quốc phải học hỏi cẩn thận bài học lịch sử của chính quyền nhà Thanh về việc tiến hành cải cách xã hội và chính trị toàn diện, nếu không quá trình hiện đại hóa quân sự có thể trở thành một thảm họa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Sự phát triển quân sự của Trung Quốc đang gây ra nhiều tranh cãi quốc tế hơn bất kỳ thời điểm nào trong thập kỷ qua, bất chấp những nỗ lực của Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc (PLA) nhằm thuyết phục thế giới rằng PLA đang tăng cường sự minh bạch bằng cách công khai những tiến bộ của một số dự án vũ khí mới.
Các chuyên gia quan sát quân sự nhất trí rằng thập kỷ vừa qua là một kỷ nguyên vàng đối với công cuộc hiện đại hóa của PLA, với việc Bắc Kinh bận rộn thu hoạch những thành quả ngọt ngào của hoạt động nghiên cứu và phát triển vũ khí. Điều này đạt được là nhờ 3 thập kỷ tăng trưởng kinh tế nhanh chóng.
Bắc Kinh đã nhấn mạnh sự cần thiết phải nâng cấp năng lực quân sự kể từ đầu những năm 1990, với việc ngân sách quốc phòng hàng năm gia tăng ở mức hai con số. Gần đây, Trung Quốc đã đẩy mạnh phát triển các dự án vũ khí mới, trong đó có loại máy bay tiêm kích tàng hình đầu tiên của nước này mang tên Jian-20; tàu sân bay đầu tiên mang tên Liêu Ninh, tên lửa đạn đạo chống tàu sân bay DF-21D, và một loại tên lửa thuộc thế hệ thứ 3 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân và sử dụng nhiên liệu rắn – tên lửa đạn đạo liên lục địa DF-41.
Hồi tháng 1/2007, Trung Quốc đã khiến cả thế giới bị sốc khi bắn hạ một vệ tinh thời tiết ở độ cao 850km so với Trái Đất, làm dấy lên lo ngại rằng nước này có thể bị sa vào một “cuộc chiến giữa các vì sao” bí mật với Mỹ. Nhưng ở trên biển, hải quân PLA đã thiết lập những tiêu chuẩn mới về hợp tác quốc tế và các nhiệm vụ trên biển, đóng một vai trò chủ chốt trong nỗ lực chống cướp biển ở ngoài khơi bờ biển Xômali từ cuối năm 2009.
Phó Giáo sư Tai Ming Cheung, Giám đốc Viên Nghiên cứu Xung đột và Hợp tác Toàn cầu thuộc Đại học California (Mỹ) nhận định, PLA đã tận dụng được 10 năm phát triển thịnh vượng, hòa bình liên tục và phát triển kỹ thuật tinh vi để đạt được những tiến bộ quan trọng trong lĩnh vực hiện đại hóa quân sự của mình, thu hẹp khoảng cách với các cường quốc hàng đầu thế giới và trở nên chuyên nghiệp hơn.
Sách Trắng quốc phòng do Bộ Quốc phòng Trung Quốc công bố năm ngoái nói rằng hải quân PLA đã cử hơn 20 tàu trong hơn 10 đoàn hộ tống tới hơn 30 nước trong năm 2010. Lực lượng này cũng lần đầu tiên cử tàu bệnh viện mang tên Hòa Bình tới các nước kém phát triển ở châu Phi vào giữa năm 2010 để cung cấp dịch vụ y tế và viện trợ nhân đạo.
PLA cũng tham gia các cuộc tập trận quân sự với Mỹ, Nga và các nước khác, đặc biệt là tập trung vào hợp tác trong các hoạt động nhân đạo và chống khủng bố. Phó Giáo sư Tai Ming Cheung cho rằng “chắc chắn là những người trong lực lượng vũ trang Trung Quốc có một cảm giác tự hào và uy tín lớn hơn về tiến bộ và những thành tích của PLA”. Tuy nhiên, vị Phó Giáo sư này nói thêm rằng khả năng chiến đấu của PLA vẫn kém xa so với các lực lượng của phương Tây.
Phó Giáo sư Tai Ming Cheung nhấn mạnh: "PLA vẫn chưa thể hoạt động cùng nhau. Họ thiếu kinh nghiệm chiến đấu. Việc hiện đại hóa quốc phòng của họ tập trung trong những nhóm hạn chế và chất lượng thành viên vẫn hỗn tạp. Vì thế thay vì trao huy chương vàng cho thành tựu của PLA, sự thể hiện của họ chỉ đáng nhận huy chương bạc hoặc huy chương đồng”.
Ông Antony Wong Dong (Hoàng Đông), Chủ tịch Hiệp hội Quân sự Quốc tế ở Macao, cho rằng những thành tựu trong hiện đại hóa quân sự ngày nay có thể đạt được là nhờ các nhà cựu lãnh đạo trong vài thập kỷ qua, với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào và Thủ tướng Ôn Gia Bảo là những người kế nhiệm may mắn được gặt hái các phần thưởng. Chuyên gia này cho rằng “những đóng góp của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo là việc hai nhà lãnh đạo này không can thiệp vào việc hiện đại hóa của PLA trong kỷ nguyên cầm quyền của họ vì họ không hiểu các vấn đề quân sự. Hồ Cẩm Đào là một vị Chủ tịch quyền lực thực tế hạn chế của Quân ủy Trung ương bởi vì nhiều người trong số các nhà lãnh đạo cấp cao trong quân đội đã được người tiền nhiệm của ông Hồ Cẩm Đào là Giang Trạch Dân thăng cấp. Điều này có nghĩa là Hồ Cẩm Đào sống dưới cái bóng của Giang Trạch Dân”.
Một số chuyên gia quân sự đã cảnh báo rằng thất bại của Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo trong việc đưa ra những cải cách chính trị để ngăn chặn nạn tham nhũng và sự bất bình đẳng trong cả hai lĩnh vực quân sự và dân sự có thể khiến Trung Quốc sa vào một giai đoạn khủng hoảng mới.
Ông Nghê Lạc Hùng, giám đốc một trung tâm nghiên cứu chính sách quốc phòng thuộc Đại học Khoa học Chính trị và Luật pháp Thượng Hải, cho rằng một quân đội hiện đại nên được xây dựng dựa trên cơ sở một quốc gia hiện đại, nhưng năm nay Bắc Kinh đã phải chi hơn 700 tỷ nhân dân tệ vào việc duy trì ổn định xã hội. Con số này nhiều hơn gần 5% so với ngân sách quốc phòng của Trung Quốc.
Chi phí cho an ninh nội địa – “xây dựng xã hội hài hòa – đã vượt qua ngân sách quốc phòng kể từ năm 2009. Phần nhiều trong khoản chi này được rót trực tiếp cho công tác trấn áp các cuộc biểu tình lớn và ngăn chặn các cá nhân gửi đơn kiến nghị vượt cấp lên các cấp chính quyền cao hơn.
Chuyên gia Nghê Lạc Hùng cảnh báo rằng việc bao che những rạn nứt đó có thể làm suy yếu khả năng chiến đấu của quân đội. Ông Nghê Lạc Hùng nêu rõ: “Quân đội là một phần quan trọng của xã hội. Mọi thứ xảy ra trong cộng đồng của chúng ta sẽ có tác động đến tinh thần của họ. Các binh sĩ PLA được hưởng lương cao, được trang bị các trang thiết bị tốt nhất, và được hưởng nhiều lợi ích khác trong quân đội… nhưng thực tế là cuộc sống của cha mẹ, anh chị em, bạn bè họ chưa được tốt lắm vì khoảng cách chênh lệch giàu nghèo đang bị nới rộng và nhiều vấn đề khác ở đất nước chúng ta. Đó là những vấn đề mà Hồ Cẩm Đào và Ôn Gia Bảo đã không giải quyết được”.
Trong khi đó, theo chuyên gia Antony Wong Dong, việc hiện đại hóa của PLA đã gây ra nhiều bất hòa do sự thiếu minh bạch và hình ảnh bảo thủ của PLA. Chuyên gia này cho rằng "sự minh bạch của PLA hiện nay thấp hơn nhiều so với những năm 1980,” đồng thời nhấn mạnh con số chính xác số lượng quân nhân hiện vẫn là một bí mật. Theo ông Antony Wong Dong, "năm 1982, Cục Thống kê thông báo rằng PLA có 4.328.210 quân nhân. Giờ đây, ngay cả số binh sĩ đóng ở đơn vị đồn trú tại Hồng Công cũng không rõ ràng”.
Phó Giáo sư Tai Ming Cheung nói rằng sự miễn cưỡng gia tăng mức độ minh bạch về quân sự đã gây trở ngại đối với những nỗ lực xây dựng uy tín và lòng tin của Trung Quốc trên trường quốc tế. Chuyên gia này nhấn mạnh: “Số lượng ít ỏi những thông tin đã được công khai chi tiết về ngân sách quốc phòng của Trung Quốc là trọng tâm quan ngại của quốc tế, do số lượng hạn chế thông tin được liệt kê chi tiết trong Sách Trắng quốc phòng của họ. PLA đang dần thực hiện những nỗ lực nhằm cải thiện độ minh bạch của họ thông qua các cuộc họp báo, thiết lập một cơ quan phát ngôn của Bộ Quốc phòng và mong muốn công bố trên mạng nhiều thông tin liên quan đến quốc phòng hơn… nhưng việc thúc đẩy minh bạch quốc phòng nên xuất phát từ các nguồn trong nước vì nhu cầu đại chúng qua giới truyền thông và hệ thống chính trị, chứ không phải do những yêu cầu của nước ngoài.
Chuyên gia Nghê Lạc Hùng lấy ví dụ về Hạm đội Bắc Dương và Quân đội Kiểu mới (Tân Quân) trong đời nhà Thanh (1644-1911), cảnh báo rằng một quân đội quyền lực có nguy cơ bị hủy diệt bởi các lực lượng bên ngoài hoặc trở thành một công cụ để gây ra một cuộc nội chiến nếu như nó không phải là bộ phận của một xã hội trải qua cải cách xã hội và chính trị.
Ngày 17/12/1888, triều đình Nhà Thanh đã ra lệnh thành lập một lực lượng hải quân tinh nhuệ ở châu Á – Hạm đội Bắc Dương gồm 12 tàu bọc thép nhập khẩu từ Đức và Anh. Hạm đội này đã bị Nhật Bản đánh đắm trong cuộc chiến tranh Trung-Nhật năm 1894-1895.
Quân đội Kiểu mới là một lực lượng quân sự hiện đại, được huấn luyện theo kiểu phương Tây. Lực lượng này ra đời trong dự án hiện đại hóa quân sự của chính quyền nhà Thanh năm 1907. Tuy nhiên lực lượng hùng mạnh này sau đó nổi loạn và đóng một vai trò chủ chốt trong cuộc Cách mạng Tân Hợi năm 1911, chấm dứt hơn 2.000 năm cai trị Trung Quốc của các hoàng đế phong kiến.
Chuyên gia Nghê Lạc Hùng nhận định: “Những nguyên nhân chính dẫn đến sự thất bại của Hạm đội Bắc Dương và phong trào nổi dậy của ‘Quân đội Kiểu mới’ không phải là do sự yếu kém của họ - họ được cấp nhiều tiền và có nhiều quyền lực – mà là do nhu cầu về chính trị và hiện đại hóa xã hội. Tôi hi vọng ban lãnh đạo mới sẽ học hỏi cẩn thận bài học lịch sử của Chính quyền nhà Thanh về sự cần thiết phải tiến hành cải cách xã hội và chính trị toàn diện, nếu không sẽ là một thảm họa đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc”.
Theo South China Morning Post
Quốc Trung (gt)
Nguồn: Nghiên Cứu Biển Đông