Bước sang thời đại Tập Cận Bình, thế đối đầu Nhật-Trung dường như sẽ ngày càng rõ rệt.
Sau hai tuần “mất tích”, vừa xuất hiện Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã triển khai các sách lược khác về ngoại giao đối với Nhật Bản. Một là kiểm soát chặt chẽ các cuộc biểu tình ở trong nước, vừa để tránh xuất hiện các hành vi phá hoại của người biểu tình gây tổn hại cho hình ảnh quốc gia, vừa để tránh sự xuất hiện hàng loạt bức ảnh và biểu ngữ tôn vinh Mao Trạch Đông có thể làm suy yếu hình ảnh lãnh đạo hiện nay của Trung Quốc. Hai là thể hiện thái độ cứng rắn đối với Mỹ, hối thúc Mỹ gây sức ép đối với Nhật Bản, tránh để Mỹ bị Nhật Bản lôi lên “chiến xa”. Ba là phản đòn lại Nhật Bản, ngoài việc huy động các tàu thuyền công vụ cùng chiến hạm đến khu vực quần đảo Điếu Ngư/Senkaku, Trung Quốc còn liên tiếp tung ra các biện pháp về kinh tế và ngoại giao để gây sức ép đối với Nhật Bản.
Phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Trong cuộc hội đàm với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, ông Tập gọi việc chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) là một “trò hề” và đề nghị Washington thận trọng trong phát ngôn và hành động, không can thiệp vào vấn đề lãnh thổ Nhật-Trung.
Trái ngược với lối ứng xử của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào, người ít khi sử dụng lời lẽ cứng rắn trong hội đàm với các quan chức nước ngoài, ông Tập Cận Bình đang thể hiện rõ lập trường của phe chống Nhật. Mạng tin "Sankei" cho rằng quan hệ Nhật-Trung dưới thời Tập Cận Bình xem ra sẽ tồi tệ hơn so với hiện nay.
Kể từ khi Thị trưởng Tokyo Ishihara Shintaro khởi xướng vấn đề mua đảo, truyền thông Trung Quốc xuất hiện ngày càng nhiều phát ngôn quá khích của các quan chức quân đội thuộc phái “Thái tử”. Phát biểu tại cuộc phỏng vấn trên kênh truyền hình vệ tinh Thâm Quyến, Thiếu tướng La Viện - Chủ tịch Hiệp hội Khoa học Quân sự Trung Quốc - nói: “Nếu Nhật Bản đổ bộ lên quần đảo Điếu Ngư (Senkaku), Trung Quốc cần dùng biện pháp quân sự”. Tiếp đó, Thiếu tướng La Viện cũng nhắc lại tuyên bố cứng rắn trong vấn đề Biển Đông, nơi Trung Quốc đang có tranh chấp chủ quyền với các nước Đông Nam Á.
Ông La Viện - nhà nghiên cứu chính sách, từng giữ chức tùy viên quân sự ở Đan Mạch - không phải là người có ảnh hưởng thực tế. Tuy nhiên, những phát ngôn cứng rắn từ gương mặt có vẻ như đại diện cho quân đội Trung Quốc này lại thể hiện phần nào suy nghĩ của ông Tập Cận Bình.
Thế lực duy nhất giúp ông Tập Cận Bình có thể tạo ra đối trọng với phe Hồ Cẩm Đào trong nội bộ Đảng Cộng sản Trung Quốc chính là các nhân sĩ trong quân đội. Bản thân ông Tập Cận Bình từng làm việc tại Quân ủy Trung ương trong 3 năm, đồng thời ông lại có khá nhiều bạn bè và thân hữu thuộc phe "Thái tử". Đó là sức mạnh mà ông Hồ Cẩm Đào không hề có.
Quân đội Trung Quốc - vốn có tham vọng bành trướng lãnh thổ nhờ ngân sách đầu tư cho quốc phòng ngày càng lớn mạnh trong những năm gần đây - tỏ ra bất mãn với đường lối ngoại giao ôn hòa của chính quyền Hồ Cẩm Đào với khẩu hiệu “thế giới hài hòa”. Thậm chí, nhiều quân nhân còn cho rằng Chính quyền của ông Hồ Cẩm Đào đã phản ứng yếu ớt trong vấn đề Điếu Ngư/Senkaku.
Chính vì vậy, dư luận cho rằng ông Tập Cận Bình muốn sử dụng các nhân sĩ trong phái "Thái tử" để phê phán chính sách đối ngoại của ông Hồ Cẩm Đào. Ông Tập Cận Bình - vốn chưa tạo dựng được nền móng quyền lực vững mạnh trong nước - đang cố gắng thu phục nhân tâm, tranh thủ sự ủng hộ của phe bảo thủ và quân đội nhờ đường lối đối ngoại cứng rắn. Khuynh hướng này nhiều khả năng sẽ xuất hiện rõ nét hơn kể từ mùa Thu năm nay, thời điểm chính quyền Tập Cận Bình bắt đầu nhiệm kỳ mới.
Mạng tin "Sankei" kết luận: Bước sang thời đại Tập Cận Bình, thế đối đầu Nhật-Trung dường như đang ngày càng rõ rệt. Trái với sự gia tăng kim ngạch thương mại và đầu tư từ Nhật Bản vào Trung Quốc, các trục đối lập mới trong quan hệ hai nước cũng xuất hiện mỗi lúc một nhiều. Có thể nói mâu thuẫn chủ yếu trong quan hệ Nhật-Trung là nhận thức lịch sử và vấn đề Đài Loan. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, vấn đề Senkaku và hoạt động khai thác tài nguyên trên Biển Hoa Đông đang trở thành vấn đề nổi cộm.
Thế hệ những con người được hưởng “nền giáo dục chống Nhật” trong thời đại Giang Trạch Dân giờ đây đã trưởng thành, khiến tiếng nói bài Nhật ở Trung Quốc ngày càng lớn mạnh. Do đó, Nhật Bản cần chuẩn bị kỹ nhằm đối phó với một thế hệ lãnh đạo mới ở Trung Quốc mang trong mình tư tưởng cứng rắn với Tokyo.
Võ Vân
Theo Tổ Quốc