TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nhật - Mỹ: Thế trận mới thay cho sự “ỡm ờ chiến lược”?

Nhật Bản tuyên bố “thời gian chưa chín muồi” cho hội đàm cấp cao để giải quyết tranh chấp chủ quyền. TDF năm nay liệu có chứng kiến thay đổi lập trường hai mặt của Mỹ đối với các vấn đề an ninh trong vùng?

Ngày 31.10, Diễn đàn Quốc phòng Tokyo hàng năm (Tokyo Defence Forum) đã khai mạc tại thủ đô của Nhật Bản mà không có sự tham dự của phái đoàn Trung Quốc.

TDF do Bộ Quốc phòng Nhật Bản tổ chức từ năm 1996, với mục đích góp phần vào ổn định ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, thông qua việc tạo một diễn đàn để các quan chức quốc phòng các nước trao đổi ý kiến hoặc giao lưu quốc phòng.

Trong diễn văn khai mạc, bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto cho biết TDF lần này sẽ tiếp tục thảo luận về vai trò của Mỹ tại CÁ-TBD trong đối phó với các thách thức, đồng thời ông Morimoto cũng kêu gọi các nước trong vùng hợp tác với nhau để đối mặt với các thách thức mới về an ninh, nhằm duy trì sự ổn định và hòa bình của khu vực.

TDF năm nay có gì mới?

Phát biểu với các phóng viên sau buổi khai mạc, bộ trưởng Morimoto cho biết phía Nhật Bản đã có ý định trao đổi một số quan điểm với Trung Quốc tại diễn đàn quốc tế này, song phía Bắc Kinh đã không cử đoàn tham dự.

Trước đó, ngoại trưởng Nhật Bản tuyên bố, “thời gian chưa chín muồi” cho hội đàm cấp cao Nhật-Trung để giải quyết các bế tắc về tranh chấp chủ quyền.

 

Tàu hải giám Trung Quốc luôn cận kề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư trong những ngày qua. Điều này ít nhiều gây "đau đầu" cho Nhật Bản và Mỹ. Ảnh: Reuters

Cuộc đối đầu kaku/Điếu Ngư đến nay cho thấy chiều hướng diễn biến của vụ việc nguy hiểm hơn những gì đã được dự đoán.

Những hành vi trong quá khứ của Trung Quốc liên quan đến các vụ tranh chấp lãnh thổ đang cảnh báo rằng, những bế tắc tại Senkaku hiện nay có thể là tiền đề cho xung đột.

Báo chí Nhật Bản đưa tin sự vắng mặt của Trung Quốc tại TDF năm nay là do tình hình căng thẳng giữa hai nước liên quan đến tranh chấp lãnh hải.

Vụ tranh chấp biển đảo giữa Trung Quốc và Nhật Bản liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư đang ngày càng nóng lên.

Liên tục mấy tháng nay, Trung Quốc thường xuyên điều tàu hải giám và ngư chính đi vào vùng biển tiếp giáp chuỗi đảo này, làm gia tăng quan ngại về nguy cơ bùng nổ một cuộc đối đầu Trung-Nhật ở Hoa Đông, đẩy Đông Bắc Á rơi vào vòng bất ổn.

Trong khi đó, người phát ngôn Nhà trắng Jay Carney vẫn bày tỏ tin tưởng các mối quan hệ tốt đẹp giữa Trung Quốc với Nhật Bản có lợi cho tất cả các nước trong khu vực.

Ông Jay Carney còn tuyên bố, Mỹ không đưa ra lập trường về vấn đề chủ quyền đối với quần đảo trên Hoa Đông, song mong muốn hai nước giải quyết vấn đề này thông qua các biện pháp ngoại giao.

TDF thảo luận các đề tài về an ninh trong bối cảnh Nhật và Mỹ sẽ tổ chức tập trận lớn.

Năm nay có khoảng 37.400 binh lính Nhật phối hợp với 10.000 quân Mỹ trong cuộc tập trận từ ngày 5-16.11.

 

Hải quân thuộc lực lượng Phòng vệ Nhật Bản trong một cuộc tập trận gần đây.

Trong khi đó thì Thủ tướng Yoshihiko Noda và người đồng cấp Trung Quốc Ôn Gia Bảo vẫn không hy vọng sẽ ngồi lại trong một cuộc gặp song phương bên lề ASEM ở Lào vào thứ hai và thứ ba tới, cũng như sẽ không gặp nhau bên lề các hội nghị cấp cao ASEAN tại Campuchia vào giữa tháng.

Trong cuộc họp tại New Delhi hôm 29.11, các phái đoàn Mỹ/Nhật/Ấn Độ cũng lại tập trung bàn các vấn đề an ninh hàng hải và kiến trúc khu vực Châu Á-TBD.

Mỹ đã nhân cơ hội này giải thích rõ hơn về chủ trương “chuyển trọng tâm chiến lược về châu Á”. Biển Đông cũng là đề tài được mang ra thảo luận.

Nếu lịch sử có bất kỳ một chỉ dẫn nào thì khả năng Bắc Kinh sử dụng vũ lực chống lại Nhật Bản để chiếm Senkaku là nguy cơ có thật.

Từ năm 1949, Trung Quốc đã từng có 23 vụ tranh chấp với láng giềng trên đất liền và trên biển.

17/23 vụ đã được giải quyết ổn thỏa, thường là thông qua thỏa hiệp, ngoài ra có 6 vụ Trung Quốc đã dùng vũ lực.

Tất cả đều là những vụ giống Senkaku. Thông thường, Trung Quốc chỉ sử dụng vũ lực trong tranh chấp với láng giềng có lực lượng quân sự yếu hơn. Đó là các cuộc chiến tranh với Ấn Độ và Việt Nam, cũng như các khủng hoảng với Đài Loan.

Tuy vậy, các quốc gia/lãnh thổ này vẫn có khả năng kiềm chế những tham vọng của Trung Quốc. Nhưng Tokyo hiện nay là hàng xóm mạnh nhất của Bắc Kinh, với lực lượng hải quân hiện đại và đội ngũ tuần duyên khá tinh nhuệ!

“Ỡm ờ chiến lược” đến đâu?

Giới phân tích gọi thái độ của Mỹ vừa muốn bảo vệ an ninh khu vực nhưng vẫn giữ được trung lập trong các cuộc tranh chấp là sự ỡm ờ chiến lược (strategic ambiguity).

Ngoài bấp bênh này ra, yếu tố gây mất ổn định tiếp tục trong vụ bế tắc Senkaku là cả Trung Quốc lẫn Nhật Bản đều đang dính vào các tranh chấp với những nước khác.

Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak mới đây trở thành lãnh đạo đầu tiên đến thăm khu vực tranh chấp tại đảo Dokdo (Takeshima), khu vực do Hàn Quốc kiểm soát và tranh chấp với Nhật Bản.

 

Tàu chiến thuộc Hải quân Philippines (số 38) đi tuần, ngang qua khu vực neo đậu của tàu sân bay USS George Washington của Mỹ khi tàu đang thăm Philippines. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Trung Quốc đang giữ thế thượng phong với Việt Nam và Philippines trên Biển Đông. Tokyo và Bắc Kinh đều có thể kết luận rằng bất cứ ai chiếm ưu thế tại quần đảo Senkaku sẽ có cơ hội tốt hơn để tuyên bố chủ quyền tại những nơi có tranh chấp khác.

Tại TDF năm nay chắc chắn các bên sẽ tính toán và xem xét kỹ hệ quả các mặt liên quan đến “chiếc ô an ninh” truyền thống của Mỹ đối với Nhật Bản.

Điều 5 của Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật (ký từ 1960) nêu rõ: “Mỗi bên ghi nhận rằng một cuộc tấn công vũ trang chống lại bất cứ bên nào trong khu vực lãnh thổ thuộc quyền quản lý của Nhật Bản sẽ là mối nguy đối với hòa bình và an toàn của chính mình và tuyên bố sẽ hành động để đối phó với mối nguy hiểm chung phù hợp với các điều khoản và tiến trình hiến pháp nước mình”.

Điều 6 của Hiệp ước quy định: “Vì mục đích đóng góp cho an ninh Nhật Bản và duy trì hòa bình và an ninh quốc tế ở Viễn Đông, các lực lượng hải lục không quân của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ được trao quyền sử dụng các cơ sở và khu vực ở Nhật Bản”.

Trên một cán cân quyền lực mới, liệu Mỹ vẫn tiếp tục “đi nước đôi” trong việc bảo đảm an ninh cho khu vực? Vừa muốn bảo vệ Nhật, vừa muốn giữ ý với Trung Quốc?

Từ 15 năm trước, Mỹ đã khẳng định Hiệp ước An ninh Mỹ-Nhật bảo vệ cả quần đảo Senkaku. Tuy rằng giới ngoại giao Hoa Kỳ lúc đó vẫn thận trọng trong các tuyên bố liên quan đến chủ quyền Senkaku/Điếu Ngư, vẫn đề cập đến quan điểm trung lập của nước này đối với tranh chấp biển đảo trong vùng.

Nhưng mùa hè vừa qua tại Tokyo, sau cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba khẳng định, cả hai phía “Nhật và Mỹ đều hiểu rằng quần đảo Senkaku/Điếu Ngư nằm trong phạm vi Hiệp ước An ninh”.

Loại trừ khác biệt bởi một hiệp ước an ninh lâu đời, phải chăng chính sách của Mỹ đối với Hoa Đông có nét giống đối với Biển Đông ở tính “ỡm ờ chiến lược”? Vừa khẳng định sẵn sàng can dự, vừa quan ngại bị lôi cuốn vào tranh chấp?

Washington còn có thể duy trì chính sách hai mặt này đến đâu khi mà Bắc Kinh ngày càng tỏ ra lấn lướt ngay trên sân chơi truyền thống của Mỹ?

Trên thực tế, Mỹ vẫn phải “xoay trục”, vẫn phải di chuyển lực lượng hải quân để “tái cân bằng”.

Đấy là chưa nói muốn duy trì nguyên trạng, muốn xây dựng mạng lưới “các đối tác an ninh mới”, muốn TPP và các cơ chế đa phương khác hiệu quả, rồi đây Mỹ phải kiên định và quyết liệt hơn.

Tránh ra mặt công khai, chỉ chấp nhận cạnh tranh ngoại giao, liệu sẽ có hiệu quả đến đâu trong một cấu trúc an ninh toàn vùng đang thay đổi tận gốc?

Hoàng Dũng Nhân
Theo SGTT

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te