TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nghịch lý của cải cách ở Trung Quốc

Nếu Trung Quốc nghiêm túc trong cải cách, họ sẽ cần trang bị vũ khí cho những người này, để họ đấu tranh cho quyền lợi của mình, để cân bằng với quyền lực chính trị.

Giống như các nền kinh tế Hổ châu Á trước mình, Trung Quốc đã vượt trội trong giai đoạn đầu của tăng trưởng kinh tế tư bản, hưởng lợi từ sự pha trộn giữa vốn và nhân công giá rẻ, ăn cắp quyền sở hữu trí tuệ, và kế hoạch tập trung. Và cũng giống như nhiều trong số các nền kinh tế ấy, Trung Quốc hiện đang đối mặt với một "cái bẫy thu nhập trung bình": khi lương tăng, lĩnh vực sản xuất có giá trị gia tăng thấp bị mất tính cạnh tranh toàn cầu, trong khi các chính sách của chính phủ, nạn tham nhũng lan tràn và các doanh nghiệp nhà nước đang bóp nghẹt mô hình cải tiến tư nhân mà Trung Quốc cần nhất lúc này để tăng sản phẩm và dịch vụ có giá trị gia tăng cao.

Giới lãnh đạo Trung Quốc hiểu điều này, đây cũng là nguyên nhân khiến Kế hoạch 5 năm lần thứ 12 kêu gọi một sự mở cửa dần dần nền kinh tế Trung Quốc. Cũng vì vậy, một chuyên gia cố vấn của Chính phủ Trung Quốc đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) để đưa ra báo cáo Trung Quốc 2030, trong đó vạch ra những cuộc cải cách cơ cấu mà nước này cần thực hiện để củng cố các nền tảng của nền kinh tế dựa trên thị trường và tạo ra một không khí cải tiến cởi mở.

Nhưng nếu mục tiêu quốc gia của Trung Quốc hiện nay là cải cách, thì mối đe dọa lớn nhất trong quá trình đạt mục tiêu này là ảnh hưởng lớn của giới lãnh đạo được bảo vệ vững chắc của nước này và nạn tham nhũng đã được thể chế hóa. Nhiều năm liền, các quan chức Trung Quốc và gia đình họ đã nhận được một phần của vô số các đầu tư lớn trên khắp cả nước. Họ và gia đình đã trở thành các tỷ phú bằng cách khai thác quan hệ giữa làm kinh doanh và làm chính trị, cũng như các mối quan hệ mật thiết của mình với các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc.

Tình trạng gia tăng bất công - kết quả của việc này - càng trở nên trầm trọng hơn bởi việc kiểm soát vốn và lãi suất tiết kiệm thấp. Vì không còn lựa chọn nào khác, người nghèo phải gửi tiền vào ngân hàng, để rồi các thể chế tài chính này cho vay ưu đãi, tài trợ cho các doanh nghiệp nhà nước hoặc đầu tư vào bất động sản có lãi cao hơn.

Hệ thống này đã vận hành tốt để tạo ra tăng trưởng toàn nền kinh tế và sinh ra những phần thưởng tài chính trong giai đoạn đầu của tăng trưởng hậu cải cách ở Trung Quốc. Nhưng thu nhập của người Trung Quốc bình thường đã chững lại trong thập kỷ vừa qua, lợi ích của họ đã bị xem nhẹ, vốn đầu tư không đúng chỗ, và các tác động tiêu cực đến môi trường và xã hội đã xuất hiện. Giờ đây, những ai được lợi nhiều nhất từ hệ thống này đang ngăn cản các cuộc cải cách mà Trung Quốc đang rất cần có để đi lên.

Ví dụ, những năm tháng của các hình thức động viên ưu đãi đã đẩy Trung Quốc vào tình trạng xây dựng tràn lan, khiến giá bất động sản sụt giảm thảm hại. Nhưng dù chính phủ đang cố giải quyết tình hình, chính quyền cũng không thể dễ dàng hành động mạnh tay, vì các quan chức và lãnh đạo Trung Quốc đã đầu cơ quá nhiều vào tài sản dưới dạng bất động sản, bao gồm cả đồ ký quỹ tại các ngân hàng liên quan đến nhà nước. Tương tự, dù các doanh nghiệp nhà nước đang "hít thở" quá nhiều ôxy của nền kinh tế quốc gia, việc cải cách các doanh nghiệp này đòi hỏi phải động chạm tới những doanh nghiệp hùng mạnh nhất và cả các quan chức trong chính phủ.

Nhấn mạnh tới những việc làm của ông Bạc, Đảng Cộng sản Trung Quốc đang chứng tỏ rằng mình họ có thể và nên chịu trách nhiệm giải quyết nạn tham nhũng trong các quan chức chính quyền. Nhưng vì những người đã hưởng lợi quá nhiều từ hệ thống hiện nay không muốn xóa bỏ nó, chỉ còn một cách để tiếp tục cải cách là trao quyền cho những người phải chịu hậu quả.

Nếu Trung Quốc nghiêm túc trong cải cách, họ sẽ cần trang bị vũ khí cho những người này, để họ đấu tranh cho quyền lợi của mình, để cân bằng với quyền lực chính trị quá mạnh của giới quan chức. Và, tiến trình cải cách của Trung Quốc chỉ có thể thành công nếu được thúc đẩy từ cả trên và dưới.
--------------------------------------
Tác giả: Châu Giang lược dịch theo project-syndicate.org // Nguồn: Tuần Việt Nam
 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te