Thập kỷ tới – và quan hệ giữa Tổng thống tiếp theo của Mỹ với ông Tập Cận Bình, người có thể trở thành tân Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc – sẽ quyết định tương lai diễn biến của quan hệ Mỹ - Trung. Mỹ cần lên kế hoạch cho một Trung Quốc hùng mạnh hơn, thịnh vượng hơn; và nên nhấn mạnh đến hợp tác.
Tuần Việt Nam giới thiệu phân tích của ông Stapleton Roy, cựu Đại sứ Mỹ tại Trung Quốc và hiện là Giám đốc Viện nghiên cứu Trung Quốc và Mỹ Kissinger. Theo ông Roy, các nước châu Á mong muốn sự hợp tác giữa hai cường quốc Mỹ - Trung, hơn là những mối đe dọa và tình trạng mất an ninh có thể dẫn tới xung đột.
Nếu Tổng thống Barack Obama tái đắc cử mùa thu tới, quan hệ giữa ông và ông Tập Cận Bình sẽ là một nhân tố quan trọng cho biết các quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phát triển như thế nào. Trừ phi Trung Quốc và Mỹ có thể tìm cách ngăn chặn sự trượt dốc vào tình huống đối địch chiến lược, nếu không căng thẳng sẽ leo thang. Điều này sẽ khiến họ gặp khó khăn hơn trong việc duy trì không khí hòa bình và thịnh vượng từng khiến Đông Á trở thành một câu chuyện thành công ấn tượng như ngày nay.
Các thập kỷ tới sẽ là một giai đoạn quyết định tương lai quan hệ Mỹ - Trung. Nếu nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục vươn lên trong khi Mỹ vật vã để kéo mức thâm hụt ngân sách ngày càng lớn của mình vào trong tầm kiểm soát, thì Trung Quốc trong thập kỷ tới có thể trở thành nước có GDP lớn nhất thế giới. Điều này sẽ có một ý nghĩa cả về chiến lược và tâm lý, đồng thời có thể làm "đục nước" quan hệ song phương giữa hai nền kinh tế nhất nhì thế giới.
Việc Mỹ gần đây dành sự chú ý nhiều hơn tới khu vực Đông Á, đặc biệt là Đông Nam Á, là một phần của một chính sách chặt chẽ của Mỹ tại Đông Á nhằm tìm cách không chỉ kiềm chế Trung Quốc mà còn gây dựng lại niềm tin trong khu vực. Bất chấp những khó khăn về ngân sách, Mỹ thực sự cam kết duy trì sự hiện diện mạnh mẽ của Mỹ tại cả Đông Bắc Á và Đông Nam Á. Không có gì đáng ngạc nhiên khi sự xáo trộn này trong hoạt động của Mỹ khiến không ít người ở Trung Quốc cho rằng Mỹ đang thách thức Trung Quốc ngay tại sân sau của nước này. Trên thực tế, tình hình còn phức tạp hơn nhiều.
Trung Quốc đang nỗ lực xác định chính sách đối ngoại khu vực của mình. Đây là nước duy nhất trên thế giới có nhiều tranh chấp lãnh thổ đến như vậy với các nước láng giềng chung biên giới. Ham muốn bản năng của Trung Quốc khi sử dụng sức mạnh đang lên của mình để tỏ ra xác quyết hơn trong việc bảo vệ các yêu sách lãnh thổ chỉ đẩy nước này vào tình thế đối đầu với các nước láng giềng - điều đang tạo điều kiện cho Mỹ. Kết quả rõ ràng là một thời gian Trung Quốc đã phải cố gắng tìm cách đáp lại phù hợp với chính sách tái cân bằng tại Đông Á của chính quyền Obama.
Từ mùa hè năm 2011, Trung Quốc đã chuyển sang một chiến lược ngăn chặn hiệu quả, dựa trên mô hình gồm các hành vi bớt mang tính xác quyết hơn, các cuộc họp cấp cao với các lãnh đạo Đông Nam Á, và các thỏa thuận với một số nước đang có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc nhằm quản lý căng thẳng. Họ cũng khẳng định lại khái niệm của ông Đặng Tiểu Bình về "gác tranh chấp, cùng phát triển". Bằng chứng điển hình của cách tiếp cận mới này là việc Bắc Kinh thiết lập Quỹ Hợp tác biển Trung Quốc - ASEAN trị giá gần 500 triệu USD hồi tháng 11/2011. Quy mô của quỹ đã cho thấy mức độ nguồn lực kinh tế mà Trung Quốc có thể dành ra cho cách tiếp cận khu vực của mình, hoàn toàn tương phản với Mỹ.
Nói tóm lại, Trung Quốc đã áp dụng chiến lược Bismarck, tìm cách thuyết phục các nước xung quanh họ, vốn đang cảm thấy bị đe dọa bởi sự nổi lên nhanh chóng của Trung Quốc, rằng các lợi ích của họ sẽ được phục vụ khi hợp tác với Trung Quốc tốt hơn là đoàn kết chống lại nước này. Tuy nhiên, các sức ép dân tộc chủ nghĩa, xuất phát từ đòi hỏi ngày càng mạnh mẽ rằng Trung Quốc phải trở thành lãnh đạo toàn cầu, chính là yếu tố tiềm ẩn có nguy cơ phá hoại nền tảng trong nước đối với cách tiếp cận hiện nay của Bắc Kinh.
Tuy nhiên, khả năng ngoại giao khôn khéo của Bắc Kinh đòi hỏi Mỹ phải luôn xem xét lại cách tiếp cận của mình đối với khu vực này. Đặc biệt, Mỹ nên thận trọng để không cường điệu vai trò của mình thái quá. Thực vậy, cách hành xử xác quyết hơn của Trung Quốc sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 đã khiến các nước láng giềng của Trung Quốc càng mong muốn Mỹ duy trì cam kết nhằm đóng một vai trò cân bằng. Nhưng giờ đây, nhiều nước Đông Nam Á, từng hoan nghênh việc Mỹ trở lại khu vực, lại bắt đầu lo lắng rằng Mỹ có thể đi quá xa trong việc khiêu khích Trung Quốc khi loan báo về quyết tâm của Mỹ trở lại khu vực Đông Á.
Độ tin cậy của Mỹ cũng bị ảnh hưởng bởi sự tương phản giữa hình ảnh sôi nổi hơn của Mỹ tại châu Á với một nền kinh tế ảm đạm và một hệ thống chính trị dường như bất lực trước các vấn đề trong nước của chính Mỹ. Các nhân tố này càng cho thấy rõ hình ảnh của Mỹ như một siêu cường đang đi xuống. Những người bạn thân nhất của Mỹ trong khu vực đang lo lắng rằng Mỹ có thể điên đầu bởi các khó khăn trong nước và không đủ sức chống lại sự nổi lên của Trung Quốc bằng các công cụ khác ngoài quân sự.
Các lo lắng trên đã nhấn mạnh thực tế là sự thành công của chính sách tái cam kết của Mỹ ở Đông Nam Á sẽ ưu tiên cho việc quản lý hiệu quả quan hệ Mỹ - Trung. Các nước Đông Á muốn Mỹ cam kết đủ để khiến Trung Quốc phải thận trọng khi định sử dụng sức mạnh ngày càng lớn của họ một cách không hợp lý. Nhưng các nước này không muốn Mỹ hành xử theo cách biến Trung Quốc thành một nước láng giềng nguy hiểm hơn.
Cả Trung Quốc và Mỹ đã xây dựng một nền tảng để mối quan hệ giữa họ, về nguyên tắc, có thể quản lý được các thách thức này. Trong các tuyên bố chung Mỹ - Trung đưa ra hồi tháng 11/2009 và tháng 1/2011, Mỹ hoan nghênh một Trung Quốc hùng mạnh, thịnh vượng và thành công, đóng một vai trò lớn hơn trong các vấn đề của thế giới, và Trung Quốc hoan nghênh Mỹ là một quốc gia Châu Á - Thái Bình Dương góp phần vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực. Như vậy, về mặt chính sách công khai, Mỹ không cố ý đè bẹp Trung Quốc, và Trung Quốc không cố ý đẩy Mỹ ra khỏi Tây Thái Bình Dương.
Vấn đề đối với cả hai bên là liệu họ có giữ vững quan điểm này theo thời gian, khi Trung Quốc trở nên hùng mạnh hơn và có ảnh hưởng lớn hơn hay không. Bắc Kinh thấy mình đang trở lại thành nhân vật trung tâm ở châu Á, trong khi Mỹ từ lâu là một cường quốc Thái Bình Dương với các đồng minh chính thức và các quan hệ chiến lược xuyên suốt khu vực này. Cả Washington và Bắc Kinh đều coi quan hệ song phương tốt là điều quan trọng, song tình thế đối địch chiến lược giữa họ có nguy cơ dẫn tới tình trạng đối kháng.
Trong bối cảnh này, Trung Quốc và Mỹ sẽ không thể giảm bớt sự hồ nghi chiến lược, trừ phi và cho tới khi nào họ chuẩn bị để đối phó với câu hỏi chính: Liệu có cách triển khai quân đội và chiến dịch bình thường nào cho phép Trung Quốc vừa bảo vệ các lợi ích cốt lõi của mình mà vẫn cho phép Mỹ tiếp tục thực hiện đủ các cam kết quốc phòng trong khu vực? Chưa từng có quốc gia nào tiến hành thăm dò xem liệu tình huống trên có thể trở thành hiện thực hay không. Nhưng đây lại chính là điều cần được làm nếu chúng ta không muốn phải chứng kiến lịch sử lặp lại.
Mỹ liệu có đủ sức cho một cuộc chạy đua vũ trang vô hạn định với Trung Quốc hay không? Câu trả lời tùy thuộc vào "sức khỏe" của nền kinh tế Mỹ. Điều này có thể vẫn đúng trong một thời gian nữa. Nhưng không thể thỏa mãn. Một ưu tiên hàng đầu đối với Mỹ khi đối phó với thách thức của một Trung Quốc nổi lên phải là giải quyết ổn thỏa chuyện trong nhà mình đã.
Chúng ta phải luôn nhớ rằng thách thức Trung Quốc đối với Mỹ là một kiểu hoàn toàn khác so với thách thức mà Liên Xô đã đặt ra trong thời Chiến tranh Lạnh. Liên Xô chưa bao giờ đặt ra một mối đe dọa nghiêm túc là sẽ vượt mặt Mỹ về quy mô hay sự bền vững của nền kinh tế. Trong trường hợp Trung Quốc, nước này trong một thời gian dài đã tiến xa trong rất nhiều lĩnh vực, góp phần tạo ra sức mạnh quốc gia toàn diện. Trung Quốc không hề khó khăn trong việc duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh, vì vậy chính sách của Mỹ không nên dựa vào dự đoán rằng sự yếu kém về cấu trúc của Trung Quốc sẽ ngăn cản nước này trở nên hùng mạnh và thịnh vượng hơn.
---------------------------------------
Tác giả: Châu Giang theo yaleglobal.yale.edu // Nguồn: Tuần Việt Nam