TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Dòng chảy phương Nam: Quân bài địa chính trị của Kremlin

Việc đạt được thỏa thuận với các nước Balkan cho phép Gazprom lắp đặt hệ thống đường ống dẫn khí đốt tới châu Âu trong dự án Dòng chảy phương Nam (South Stream) đánh dấu sự thắng lợi của Nga trong ván bài năng lượng với châu Âu.

Nga đang khẩn trương hoàn tất đàm phán với các nước Balkan cũng như một số nước Trung và Đông Âu để có thể bắt tay xây dựng đường ống dẫn khí South Stream trước thời điểm cuối năm. Ngày 29/10 vừa qua, Serbia đã trở thành đối tác đầu tiên ở Balkan của Gazprom ký kết thỏa thuận đầu tư hoàn tất xây dựng dự án này. Với Bulgaria, Hungary và Slovenia, vấn đề cũng có vẻ như chỉ còn là một chuyến bay của Tổng giám đốc Gazprom Alexei Miller tới các nước này và đặt bút ký vào các thỏa thuận cuối cùng trong khoảng 2 tuần tới.

Đường đi của dòng chảy phương Nam

Như vậy, từ sau khi ký được thỏa thuận với Thổ Nhĩ Kỳ tháng 12/2011 cho phép Nga đặt đường ống chạy qua vùng lãnh hải của nước này trên Biển Đen, điện Kremlin có vẻ tiến gần hơn để đạt được hai mục tiêu chính trị lớn: Tránh phải đi qua Ukraine trong cung cấp nhiên liệu cho châu Âu trong tương lai và vượt trước dự án đường ống dẫn khí Nabucco - dự án “con cưng” của Mỹ và Liên minh châu Âu được thiết kế để dẫn khí đốt từ Caspian sang châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ và tránh sự phụ thuộc năng lượng vào Nga.

Riêng ở Serbia, không giống các thỏa thuận song phương khác tại Balkan, khi các bên tham dự đều chiếm tỷ lệ nắm giữ là 50/50, Serbijagas - đối tác của Gazprom tại Serbia chấp nhận chỉ nắm giữ 49% và phần còn lại (51%) do Gazprom sở hữu, điều này cho phép Nga đóng vai trò quyết định đối với dự án. Những lợi nhuận mà Nga dành cho Serbia có vẻ hấp dẫn hơn nhiều chiếc vé gia nhập Liên minh EU bởi khối này không chấp nhận một nước ngoài EU (ở đây là Nga), nắm quyền quyết định với một dự án năng lượng thiết yếu nằm ngay trên lãnh thổ EU. Đương nhiên tư cách gia nhập EU của Serbia sẽ phải được EU cân nhắc và đương nhiên, châu Âu sẽ càng thêm lo ngại trước những nỗ lực duy trì quyền kiểm soát với toàn bộ dự án của Gazprom. Cao ủy châu Âu phụ trách về năng lượng Guenter Oettinger kêu gọi một cuộc họp cấp bộ trưởng về vấn đề Dòng chảy phương Nam tại Brussels hôm 29-10 với sự tham dự của quan chức từ Bulgaria, Croatia, Hy Lạp, Hungary, Italy, Slovalia, Áo và Romania. Cuộc họp xoay quanh vấn đề liệu các nước có Dòng chảy phương Nam đi qua có đồng ý chấp nhận để Ủy ban châu Âu tham gia hợp tác trong việc thỏa thuận với Nga hay không. EU mong muốn các thỏa thuận song phương được ký bởi thành viên hiện tại của EU phải phù hợp hoàn toàn theo các quy định của EU.

Trong khi đó, Moscow đang gấp rút bắt đầu xây dựng đường ống trước khi chương trình mang tên Gói năng lượng thứ 3 của EU có hiệu lực từ tháng 3/2013. Những quy định mới từ chương trình này yêu cầu các nước ngoài EU, giống như Nga, cần có sự cho phép của các nhà cung cấp EU khi xây dựng đường ống dẫn dầu và khí đốt tại châu Âu. Tất nhiên là, theo như các nguồn tin từ Cao ủy EU thì nỗ lực thúc đẩy hoàn thành South Stream sẽ không làm hỏng các quy định của EU về môi trường và chống độc quyền. Tuy nhiên, EU sẽ kiểm soát chặt chẽ các nước hợp tác với Nga trong vấn đề năng lượng, buộc các nước này phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định của khối.

Mặc dù không công khai phản đối Dòng chảy phương Nam nhưng ưu tiên của EU vẫn là đường ống dẫn khí đốt Nabucco (thuộc Hành lang năng lượng phía nam) dẫn khí từ biển Caspian qua Thổ Nhĩ Kỳ tới châu Âu. Theo như tiết lộ mới đây của Ủy ban châu Âu, Bulgaria phải cam kết triệt để hơn trong việc phát triển Hành lang năng lượng phía Nam do EU bảo trợ nhằm đa dạng hóa nguồn cung khí đốt tự nhiên cho châu Âu.

Tuy nhiên, việc Nga ký thỏa thuận thành công với các nước Balkan cho phép xây dựng đường ống qua lãnh thổ các nước này thâm nhập thẳng vào trung tâm châu Âu, nơi tập trung các nền kinh tế trọng tâm của EU có ý nghĩa quan trọng về địa chính trị với Nga, bởi kết quả này giúp Nga ngày càng độc lập hơn với Ukraine, Belarus và Ba Lan trong vấn đề vận chuyển năng lượng. Đồng thời, việc South Stream đi vào hoạt động sớm sẽ giúp Nga giành được ưu thế trước dự án Nabucco, dẫn khí đốt từ Trung Đông sang châu Âu, làm tăng sức mặc cả của Nga với châu Âu trong vấn đề năng lượng. Ước mơ đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng với châu Âu vẫn còn là xa vời và trong tương lai, châu Âu vẫn tiếp tục phụ thuộc vào Nga về vấn đề năng lượng.

Hệ thống đường ống dẫn khí Dòng chảy phương Nam được thiết kế để vận chuyển đến 63 tỉ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới miền Trung và miền Nam châu Âu mà không đi qua Ukraine. Các cổ đông chính của hệ thống đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Nam (South Stream) bao gồm Gazprom với 50%, Eni của Italia với 20%, Wintershall của Đức với 15% và GDF của Pháp với 15% còn lại. South Stream dự kiến bắt đầu khởi công vào tháng 12-2012. Đến năm 2015, phần đầu tiên của hệ thống đường ống sẽ được đưa vào hoạt động và đến năm 2016, trong quý đầu tiên, sẽ bắt đầu cung cấp khí đốt cho các khách hàng Trung và Nam Âu.

 



Khôi Nguyên
Petrotimes

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te