Trước khả năng xảy ra chiến tranh thương mại Nhật - Trung do xung đột chính trị liên quan đến quần đảo Senkaku/Điếu Ngư chưa có dấu hiệu đấu dịu, các chuyên gia kinh tế đã “cân đong đo đếm” thiệt hại về kinh tế của Nhật Bản và Trung Quốc.
Kinh tế Nhật không dễ bị trừng phạt
Tại thời điểm bùng nổ những cuộc biểu tình chống Nhật dẫn đến bạo loạn cách nay nửa tháng sau khi Nhật tuyên bố mua 3 hòn đảo tư nhân trong quần đảo đang tranh chấp, 2 tờ báo lớn của Trung Quốc là Nhân dân Nhật báo (tiếng Trung) và China Daily (tiếng Anh) đăng xã luận đề nghị Bắc Kinh xem xét các biện pháp trừng phạt kinh tế Nhật vì như tờ China Daily viết: “Nền kinh tế Nhật sẽ bị thiệt hại nghiêm trọng nếu Trung Quốc áp đặt trừng phạt kinh tế. Thiệt hại của Trung Quốc sẽ tương đối thấp”.
Tuy nhiên, theo trang tin Tài chính của một tập đoàn truyền thông lớn ở Bắc Kinh, lập luận của tác giả 2 bài xã luận nói trên thuộc dạng “nói cho sướng mồm” chứ không dựa trên phân tích dữ kiện.
Trang Tài chính phân tích: Nền công nghiệp Nhật Bản mang tính toàn cầu chất lượng cao, trong khi đó nền công nghiệp Trung Quốc cơ bản có chất lượng thấp. Mỗi năm, Trung Quốc nhập khẩu một số lượng lớn linh kiện và bộ phận rời của Nhật để lắp ráp thành sản phẩm xuất khẩu đi toàn cầu.
Những bộ phận rời đó bao gồm các sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn cho nên không dễ gì thay thế. Năm ngoái, sau khi Nhật bị thảm họa kép động đất và sóng thần, ngành công nghiệp xe hơi và điện tử không chỉ của Trung Quốc mà của cả Mỹ và châu Âu đều bị chao đảo.
Ám ảnh thất nghiệp
Rất đông công nhân làm việc trong các nhà máy xe hơi Nhật hoặc phụ thuộc vào hàng hóa Nhật. Chiến tranh thương mại nổ ra, Nhật đóng cửa nhà máy, nhập khẩu hàng hóa Nhật ngưng trệ, tiến trình chuyển giao công nghệ sẽ ngừng lại đẩy hàng triệu người lao động vào cảnh thất nghiệp. Đây sẽ là một thảm họa cho nền kinh tế Trung Quốc vốn đang có dấu hiệu hụt hơi, theo Tài chính.
Về điểm này, nhà bình luận chính trị Triệu Ôn của đài truyền hình NDT, New York (Mỹ), nhận xét: “Trong chiến tranh thương mại, nước nào có cơ cấu xã hội và chính trị ổn định hơn sẽ thắng”.
Ông Trần Chí Phi, giáo sư kinh tế ở Trường Đại học New York, cho biết Nhật đóng vai trò then chốt trong phát triển kinh tế của Trung Quốc. Năm 2007, Nhật từng viện trợ kinh tế cho Trung Quốc 3.300 tỉ yen, tương đương 40 tỉ USD. Hiện nay, Trung Quốc vẫn phụ thuộc nhiều vào thiết bị, công nghệ và sản phẩm Nhật. Do đó, nếu Trung Quốc cắt đứt quan hệ kinh tế với Nhật, hậu quả sẽ rất nặng nề đối với Trung Quốc.
Ông Trương Hiểu Nông, nhà kinh tế và cựu cố vấn cựu chủ tịch Triệu Tử Dương, đồng ý với nhận định nói trên của ông Trần Chí Phi. Theo ông, tẩy chay hàng Nhật là phi thực tế. Một ví dụ nhỏ: Trong các bức ảnh người Trung Quốc biểu tình tấn công và đốt cháy xe hơi Nhật đăng tải trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc, người chụp ảnh dùng máy ảnh Nhật để chụp.
Một ví dụ khác cũng do ông Trương nêu ra trên trang tin Theepochtimes, hầu hết thiết bị của Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đều là hàng “made in Japan”. Nếu Trung Quốc tẩy chay triệt để hàng Nhật, CCTV sẽ không thể hoạt động lâu dài.
Thiệt đủ mọi bề
Nhật báo Mỹ The Wall Street Journal đã so sánh 3 lĩnh vực kinh tế mà hai nước Nhật - Trung sẽ bị thiệt hại lớn nếu xảy ra chiến tranh thương mại. Cuộc so sánh này cho thấy trong mọi lĩnh vực thiệt hại của Trung Quốc đều nhỉnh hơn Nhật Bản.
Về thương mại, Trung Quốc là đối tác lớn thứ 2 của Nhật (sau Mỹ) với 345 tỉ USD giá trị hàng hóa giao thương năm 2011, chiếm 9% thương mại Trung Quốc. Con số này lớn hơn giao thương của Trung Quốc với Anh và 4 nền kinh tế mới nổi là Brazil, Ấn Độ, Nga và Nam Phi. Trong khi đó, Nhật là đối tác số một của Trung Quốc. Xuất nhập khẩu với Nhật năm 2011 chiếm 21%.
Về đầu tư, năm 2011, Trung Quốc nhận được 6,3 tỉ USD vốn đầu tư trực tiếp (FDI), nâng tổng số FDI lên 69 tỉ USD kể từ năm 1996, theo số liệu của Trung Quốc. Tuy nhiên, theo số liệu của Nhật, những con số tương ứng là 12 tỉ USD và 83 tỉ USD. Ngược lại, vốn FDI của Trung Quốc chỉ có 560 triệu USD năm 2011, so với 70 tỉ USD vốn FDI Mỹ và 94 tỉ USD vốn FDI EU.
Về du lịch, năm 2011 có hơn 3,3 triệu khách du lịch đến Trung Quốc, tăng 50% so với 10 năm trước. Tuy nhiên, nếu so với năm 2007, giảm 670.000 người. Nay với hàng loạt cuộc hủy chuyến bay đến Trung Quốc do tranh chấp chủ quyền đảo, số du khách Nhật sẽ giảm mạnh.Trong khi đó, chỉ có 1 triệu du khách và doanh nhân Trung Quốc đến Nhật năm 2011, giảm 400.000 người so với 1,4 triệu người năm 2007.
Với thực tế nói trên, ông Yukon Huang, cựu giám đốc Ngân hàng Thế giới ở Trung Quốc, tin rằng lãnh đạo cả hai nước sẽ thấy rằng duy trì quan hệ kinh tế như hiện nay là thượng sách và tìm cách “hạ hỏa” trong dân như các nhà lãnh đạo Trung Quốc và Đài Loan đã từng làm trong những năm gần đây.