TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Ấn Độ và Philippines tìm thế đối trọng với Trung Quốc

Việc Ấn Độ thực hiện Chính sách hướng Đông (LEP) nhằm xây dựng mối quan hệ tốt đẹp với các nước Đông Nam Á vừa tạo ra cơ hội nhưng cũng đặt ra không ít khó khăn thách thức cho Philippines.

Trong tính toán chiến lược nhằm đa dạng hóa đối tác an ninh và giảm dần phụ thuộc vào Mỹ của Manila, đặc biệt trong bối cảnh quan hệ Trung Quốc – Philippines đang rất căng thẳng liên quan tới chủ quyền lãnh thổ bãi đá cạn Scarborough (Trung Quốc gọi là đảo Hoàng Nham), thì New Dehli chính là một trong những lựa chọn hàng đầu, xét trên nhiều lĩnh vực, từ kinh tế đến quốc phòng.

Tăng cường quan hệ

Dù thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1949, nhưng mãi tới gần đây, hợp tác quốc phòng song phương Ấn Độ – Philippines mới thật sự được thúc đẩy. Trong chuyến thăm Philippines năm 2006 của Tổng thống Abdul Kalam, hai nước ký bốn thỏa thuận song phương, trong đó có một thỏa thuận về hợp tác quốc phòng, kêu gọi trao đổi hơn nữa giữa quân đội hai nước về huấn luyện cũng như quân nhân. Trong những năm gần đây, do Philippines phải đối mặt nhiều với sức ép an ninh từ bên ngoài nên cường độ hợp tác này đã được đẩy mạnh hơn với việc các tàu hải quân Ấn Độ thăm Philippines liên tục vào trong năm 2010, 2011 và đầu năm 2012.


INS Shakti là một trong 4 chiến hạm có chuyến thăm Subic cuối tháng 5, đầu tháng 6/2012

Liên quan đến Biển Đông – vấn đề đang khiến quan hệ Trung Quốc - Philippines trở nên căng thẳng; Ấn Độ xem đây là tuyến đường biển rất quan trọng, là một trong những tuyến giao thương huyết mạch quan trọng hàng đầu thế giới. Đồng quan điểm với Mỹ, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ ủng hộ tự do hàng hải tại khu vực này, xem việc khu vực biển này bị kiểm soát bởi một cường quốc nào đó là nguy cơ đe dọa đối với quyền tự do hàng hải này. Ngoài ra, Biển Đông cũng có nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, có thể đáp ứng nhu cầu tăng trưởng của nền kinh tế Ấn Độ.

Tìm thế đối trọng

Giới phân tích cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, New Dehli rất quan ngại trước các động thái “bao vây” Ấn Độ của Trung Quốc với việc xây dưng quan hệ gần gũi cả về kinh tế và quân sự với Pakistan, Myanmar, Nepal và Bangladesh. Giới hoạch định chính sách Ấn Độ cho rằng, thiết lập một tuyến hàng hải ở Biển Đông thông qua các nước ASEAN sẽ là một biện pháp hóa giải “âm mưu” của  Trung Quốc. Những tham vọng biển được tiếp thêm động lực bởi nền kinh tế đang trỗi dậy có thể khuyến khích lực lượng hải quân cũng như các đoàn tàu thương mại Ấn Độ mở rộng phạm vi hoạt động nhằm tìm kiếm các nguồn cung năng lượng, nguyên liệu thô và xuất khẩu các mặt hàng đã qua chế biến. 

Theo giới quan sát, sau khi phải chịu các hoạt động “quấy rối” của Trung Quốc đối với vấn đề khai thác dầu lửa ở bãi Cỏ Rong (Reed Bank), chắc chắn Philippines sẽ “mời chào” Ấn Độ tham gia vào các dự án năng lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp được hẫu thuẫn bởi lực lượng hải quân. Đây là cơ hội cho Ấn Độ có thể giúp Philippines đối trọng với sự hiện diện ngày càng gia tăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Các công ty khai thác dầu khí Ấn Độ có thể giúp Manila khai thác và bảo vệ các nguồn tài nguyên năng lượng cũng như hàng hải của mình.

Các biện pháp trừng phạt

Tuy nhiên, giới phân tích cảnh báo rằng, Manila cần thận trọng, bởi nếu sai một nước cờ, Philippines sẽ phải trả cái giá không hề nhỏ, bởi Trung Quốc vừa là thị trường xuất khẩu lớn thứ vừa là thị trường nhập khẩu lớn thứ ba của Philippines. Bên cạnh đó, mỗi năm cũng có rất nhiều du khách Trung Quốc đến Philippines, mang lại nguồn lợi không hề nhỏ. Ngoài ra, Trung Quốc cũng là nhà đầu tư hàng đầu, cung cấp rất nhiều viện trợ cho Philippines. Những động thái gần đây của Trung Quốc khiến Philippines ít nhiều đã phải chịu ảnh hưởng. Ngày 10/5/2012, Trung Quốc đã hủy hàng loạt tua du lịch đến Philippines, khiến lượng du khách đến đảo Boracay giảm đột ngột, làm các hãng hàng không Philippines phải hủy nhiều chuyến bay. Hậu quả kéo theo là sự rớt giá cổ phiếu của những hãng hàng không này. Dù Manila đã cố gắng lạc quan khi khẳng định du khách Trung Quốc chỉ chiếm 9% tổng số du khách nước ngoài, nhưng thực tế Philippines đã đánh mất nguồn khách quan trọng thứ 4 của mình.

Bên cạnh du lịch, nhập khẩu cũng lâm vào trị trệ. Ngày 12/5/2012, 1.500 công-tơ-nơ chuối của Philippines bị từ chối nhập khẩu vào Trung Quốc với lý do “lúc nhúc vi trùng”. Đứng sau Nhật Bản, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu trái cây thứ hai của Philippines. Trong đó, xuất khẩu chuối đã đem lại lợi nhuận 470,96 triệu USD cho nước này năm 2011. Sự việc này khiến Manila thiệt hại 33,8 triệu USD. Chưa dừng lại ở đó, dựa vào lý do nhiễm khuẩn, Trung Quốc ban hành lệnh kiểm tra nghiêm ngặt khiến hoa quả tươi của Philippines bị thối rữa, gây thiệt hại không hề nhỏ.

Giới phân tích nhận định, áp dụng biện pháp này, Bắc Kinh không chỉ cô lập được thị trường trái cây Philippines mà còn tăng cường mối quan hệ với các nước khác trong ASEAN bằng cách mở rộng thị trường cho những nước này. Trung Quốc đã tạo ra một thông tin bất lợi đến với các đối tác nhập khẩu chuối của Philippines. Chính điều này có thể sẽ tạo ra tình trạng tê liệt, giảm hiệu quả cạnh tranh trong ngành công nghiệp xuất khẩu chuối của Philippines, không chỉ đối với thị trường Trung Quốc, mà còn cả các bạn hàng khác, thậm chí là chính thị trường nội địa. Điều đó sẽ dẫn đến hậu quả về gia tăng tỉ lệ thất nghiệp, mất mát sản xuất, suy giảm sự lựa chọn hàng hóa và tiêu dùng dịch vụ trong nước. Từ những mất cân bằng về kinh tế tất yếu sẽ kéo theo sự bất ổn về chính trị, thậm chí là những ảnh hưởng phát sinh khác./.

Đại Lâm
Theo Tổ Quốc

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te