Trong khi thế giới tập trung vào căng thẳng gia tăng giữa Trung Quốc và Philippines ở biển Đông, Bắc Kinh và New Delhi cũng rơi vào một cuộc chiến thầm lặng trên biển.
Bằng cách mời thầu quốc tế khai thác cùng một lô dầu mà Ấn Độ đã đạt thỏa thuận với Việt Nam, Trung Quốc đã đưa ra lời thách thức. Nhưng với quyết định trụ lại tại lô dầu khí đã được Việt Nam mời gọi khai thác, Ấn Độ cho thấy họ đã sẵn sàng chấp nhận thách thức của Trung Quốc.
Một giàn khoan dầu khí của Công ty ONGC Videsh Ltd. Ảnh: BLOOMBERG
Theo báo The Epoch Times tại New York, vào tháng 6-2012, Công ty Dầu khí Hải dương Trung Quốc (CNOOC) đã gọi thầu khai thác 9 lô dầu khí trong vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Lô 128 đang khai thác, mà Việt Nam tuyên bố nằm trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của mình, là một phần của 9 lô bị CNOOC xâm phạm nói trên.
Tất cả các cường quốc về biển, bao gồm Ấn Độ, có lợi ích quốc gia trong tự do hàng hải và tôn trọng luật quốc tế ở biển Đông. Thế nhưng ngược lại, Trung Quốc đã liên tiếp xung đột với Nhật Bản, Hàn Quốc, Việt Nam và Philippines trong những tháng gần đây về những vấn đề liên quan đến khai thác tài nguyên khoáng sản và dầu khí ở biển Hoa Đông và biển Đông.
Lợi ích của Ấn Độ trong việc khai thác nguồn năng lượng của Việt Nam đặt nước này vào thế xung đột trực tiếp với Trung Quốc. Theo phân tích của The Epoch Times, sự kình địch giữa hai cường quốc đang lên ở châu Á mang tính chiến lược. Nếu Trung Quốc mở rộng sự hiện diện ở Ấn Độ Dương thì Ấn Độ cũng làm như vậy ở biển Đông.