Theo tin từ Bộ Quốc phòng Ấn Độ, nước này có kế hoạch thành lập Bộ Tư lệnh không gian biên giới.
Đây được coi như là một phần của một nỗ lực tổng thể nhằm quản lý đường biên giới dài trên 15.000 Km với các nước láng giềng như Trung Quốc, Pakistan, Bangladesh, Nepan và Myanmar.
Sau khi kết luận, việc rào biên giới, đặt các thiết bị cảm biến tự động và các máy móc khác không đủ để theo dõi đường biên giới phức tạp, Bộ Nội vụ Ấn Độ quyết định sẽ xây dựng những kết cấu tiên tiến. Trong đó sẽ sử dụng vệ tinh để quản lý biên giới.
Đầu tháng 10/2012, Bộ Nội vụ Ấn Độ hoàn tất một kế hoạch chi trên 2 tỷ USD trong vòng 5 năm tới cho sở chỉ huy này.
Bộ Nội vụ Ấn Độ có kế hoạch đánh đi các tín hiệu “thể hiện sự quan tâm” cho các công ty nước ngoài nhằm tìm các giải pháp tiên tiến nhất.
Bộ này cũng sẽ tiến hành đánh giá các công nghệ tiến tiến hiện có trên thế giới để phác thảo cho kế hoạch, gồm việc mua một vệ tinh riêng, xây dựng các cấu trúc trên hiện trường với các thiết bị cảm biến tiến tiến, hàng rào và các thiết bị điện tử. Tất cả sẽ được kết nối với các cấu trúc của sở chỉ huy.
Bộ Nội vụ Ấn Độ quyết định tăng cường an ninh biên giới sau khi phát hiện một đường hầm ngầm dài 400m ở huyện Samba, có điểm xuất phát từ Pakistan. Đường hầm này bị phát hiện sau khi mưa làm sụt lở một đoạn gần hàng rào biên giới chung giữa hai nước.
Kế hoạch thành lập Tư lệnh không gian biên giới sẽ gồm việc xây thêm hơn 500 đồn biên phòng dọc biên giới với Pakistan và Bangladesh. Chính phủ Ấn Độ sẽ mua thêm các thiết bị giám sát điện tử như các thiết bị nhìn đêm, máy ảnh hồng ngoại cầm tay, các radar giám sát chiến trường, máy định phương hướng, các cảm ứng tự động mặt đất và kính thiên văn có độ phân giải cao…
Một nguồn tin bán quân sự biên giới cho biết, Ấn Độ mới chỉ dựng hàng rào và cắm các máy cảm biến được một phần trên toàn bộ đường biên dài trên 15.000km. Tuy nhiên hàng rào biên giới cũng không đơn giản và các cảm biến đôi khi cũng không họat động bình thường.
Năm 2012, Ấn Độ vừa cử một đoàn công tác sang Israel để học tập kinh nghiệm xây dựng các hàng rào an ninh dọc Bờ Tây và Dải Gaza, và đánh giá các công nghệ của Israel mà New Delhi có thể áp dụng.
Ấn Độ bắt đầu xây dựng hàng rào biên giới từ năm 1986 nhưng đến nay mới có 40% đường biên giới được rào.
Quản lý đường biên không những có tầm quan trọng đối với việc duy trì an ninh của đất nước mà còn giúp giảm gánh nặng cho Quân đội Ấn Độ khi tiến hành cuộc chiến cường độ thấp với bọn khủng bố và các lực lượng nổi dậy. “Quân đội Ấn Độ hiện phải dành toàn bộ sức lực và thời gian chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh đồng thời trên hai mặt trận trong tương lai, chứ không phải bị cuốn vào các cuộc đụng độ nhỏ ở biên giới”, một sỹ quan Ấn Độ nhận xét.
Phạm Ngọc Uyển
Theo Đất Việt