Thời gian qua, nhiều nguồn tin cho rằng tình hình kinh tế của CHDCND Triều Tiên đang đứng trước không ít khó khăn. Tuy nhiên, trong bối cảnh đó, thông qua các hình ảnh mới nhất về đất nước này, người ra vẫn dễ dàng nhìn thấy những tòa cao ốc, xe hơi đời mới và cơ sở hạ tầng cũng được cải thiện đáng kể. Điều này đặt ra câu hỏi: Bình Nhưỡng lấy tiền từ đâu?
6.000 tỉ USD và 20 triệu tấn
Báo Asia Times ngày 8.8 dẫn lời giới chuyên gia nhận định rằng CHDCND Triều Tiên lẽ ra sụp đổ hồi giữa thập niên 1990 sau nhiều biến cố chính trị của thế giới và Chủ tịch Kim Nhật Thành qua đời. Tuy nhiên, nước này đã vượt qua đói kém và thậm chí cho thấy những dấu hiệu tăng trưởng kinh tế vào một vài thời điểm. Theo báo Asia Times, “sự cứu rỗi” của CHDCND Triều Tiên đến từ nguồn tài nguyên thiên nhiên có giá trị ước tính 6.000 tỉ USD của nước này và đất hiếm chiếm vị thế rất lớn.
|
Nước này có hơn 200 loại khoáng sản khác nhau. Trong đó, các mỏ than, magnesite, quặng sắt, vàng, kẽm, đồng, đá vôi, molybdenum, than chì là lớn nhất và có tiềm năng khai thác quy mô lớn. Dự trữ magnesite của CHDCND Triều Tiên lớn thứ hai thế giới và dự trữ vonfram của nước này lớn thứ sáu thế giới. Tuy nhiên, giá trị của các tài nguyên trên đang lu mờ so với những triển vọng của việc thăm dò và khai thác kim loại đất hiếm được phát hiện cách đây chưa lâu với trữ lượng ước tính lên đến 20 triệu tấn.
Các kim loại đất hiếm là một nhóm 17 nguyên tố được tìm thấy trong vỏ trái đất. Chúng là nguyên liệu thiết yếu trong chế tạo sản phẩm công nghệ cao. Kim loại đất hiếm đang ngày càng trở nên đắt đỏ vì Trung Quốc, nước cung cấp đất hiếm lớn nhất thế giới, áp đặt những hạn chế về sản lượng và xuất khẩu. Hồi tháng 2, giá kim loại đất hiếm mà Trung Quốc xuất khẩu vượt 1 triệu USD/tấn, tăng gần 900% so với mức giá cùng kỳ năm ngoái. Vì thế, nếu tính theo giá xuất khẩu của Bắc Kinh, Bình Nhưỡng có thể thu về khoản tiền khổng lồ từ 20 triệu tấn đất hiếm. Tuy nhiên, Trung Quốc nhìn thấy nguồn lợi trên nên đã sớm đạt được thỏa thuận với CHDCND Triều Tiên để khai thác.
Trung Quốc thâu tóm
Theo tờ Korea JoongAng Daily, trong chuyến thăm Trung Quốc hồi tháng 5.2011, lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-il được Bắc Kinh đảm bảo hỗ trợ nguồn phân bón và lương thực để giải quyết vấn đề trong nước. Cụ thể, Bắc Kinh cung cấp 200.000 tấn phân bón miễn phí và 500.000 tấn bắp với giá 30 USD mỗi tấn cho Bình Nhưỡng. Đổi lại, Trung Quốc được tiếp cận, khai thác nguồn tài nguyên của CHDCND Triều Tiên. Tờ Korea JoongAng Daily dẫn nguồn thạo tin quan hệ Bắc Kinh - Bình Nhưỡng khẳng định: “Hai bên đã đồng ý hợp tác khai thác đất hiếm ở tỉnh Hamgyong (thuộc vùng đông bắc CHDCND Triều Tiên - NV). Đây thực sự là nguồn lợi lớn cho Trung Quốc”.
Theo đó, Trung Quốc sẽ xây dựng các tuyến đường vận chuyển để được nhận miễn phí 50% đất hiếm của CHDCND Triều Tiên. Đồng thời, Bắc Kinh được mua theo giá quốc tế đối với 50% còn lại.
Như vậy, với nguồn đất hiếm từ Triều Tiên, quyền lực của Trung Quốc đối với nguồn cung cấp đất hiếm thế giới càng trở nên mạnh mẽ hơn. Thời gian qua, một số nước chỉ trích gay gắt cho rằng Trung Quốc hạn chế xuất khẩu đất hiếm để làm khó và gây trở ngại cho nền công nghiệp của các đối tác. Những quy định được Trung Quốc đưa ra vào thời điểm nhiều nước cố gắng thúc đẩy xuất khẩu để giảm thất nghiệp. Đặc biệt, Mỹ và châu Âu đang muốn tăng doanh thu từ những sản phẩm công nghệ cao rất cần đến nguyên liệu đất hiếm. Vì thế, hồi tháng 3, Mỹ, EU và Nhật Bản nộp đơn lên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) kiện Trung Quốc vi phạm các cam kết tự do thương mại trong việc xuất khẩu đất hiếm. Khi đó, Bắc Kinh thanh minh rằng các biện pháp kiểm soát của họ phù hợp với những quy định của WTO và cần để bảo vệ môi trường.
Trùng Quang//(Thanh Niên)