TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 30-10-2012


Nhật Bản bắt giữ thuyền trưởng tàu cá Trung Quốc

Kyodo đưa tin, Cơ quan thủy sản (FA) Nhật Bản ngày 29/10 tuyên bố họ đã bắt giữ thuyền trưởng một tàu Trung Quốc do bị nghi đang tiến hành đánh bắt cá trái phép trong Vùng đặc quyền kinh tế (EFZ) của Nhật Bản ở ngoài khơi Kyushu.

Văn phòng FA tại Fukuoka cho biết một công dân Trung Quốc, 48 tuổi, là thuyền trưởng tàu cá 500 tấn với 18 thủy thủ, đã bị bắt giữ sáng 27/10 vừa qua tại khu vực nói trên và cơ quan này cũng bắt luôn cả tàu cá.

Theo FA, viên thuyền trưởng đã được thả hôm 28/10 sau khi trả tiền bảo lãnh. Đây là vụ bắt giữ đầu tiên một tàu Trung Quốc bị tình nghi đánh bắt cá trái phép ở EFZ của Nhật Bản trong năm 2012./.

(Vietnam+)
-----------
ASEAN và TQ sẽ duy trì đà tham vấn về Biển Đông

Kyodo đưa tin, các quan chức cấp cao của Trung Quốc và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) gồm 10 nước thành viên ngày 29/10 đã nhất trí duy trì đà tham vấn về các quy định mang tính ràng buộc nhằm kiềm chế cách ứng xử của các bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Hoa Nam (Biển Đông).

Phát biểu tại một cuộc họp báo cùng ngày ở Pattaya của Thái Lan, Bí thư thường trực Bộ Ngoại giao Thái Lan Sihasak Phuangketkeow, người đồng chủ trì hội nghị trên cùng Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Phó Oánh, cho hay mặc dù các quan chức tham gia hội nghị không thể thảo luận thực sự về chi tiết của những quy định mang tính ràng buộc được dự kiến song tất cả các bên sẽ tìm cách đảm bảo thực thi kiềm chế và tránh những sự cố có thể ảnh hưởng tới mối quan hệ chung giữa ASEAN và Trung Quốc.

Ông Sihasak nói: "Chúng tôi muốn duy trì một môi trường thuận lợi và chúng tôi có thể tiếp tục cuộc đối thoại để tìm ra cách thức có thể triển khai một bộ qui tắc về ứng xử trên Biển Đông."

Ông Sihasak còn nói: "Chúng tôi tin rằng khuôn khổ ASEAN-Trung Quốc hiện nay tạo ra một khuôn khổ cho chúng tôi xử lý trên tinh thần xây dựng tất cả các vấn đề liên quan đến Biển Đông để thúc đẩy sự tin tưởng và tin cậy lẫn nhau nhằm tăng cường đối thoại xây dựng mà chúng tôi tin là sẽ dẫn đến một môi trường có lợi cho việc giải quyết cuối cùng các tranh chấp giữa các bên liên quan trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển."./.

(Vietnam+)
-------
 Thái Lan không thay đổi chính sách sau cải tổ

Ngày 29/10, Thủ tướng Yingluck khẳng định, việc cải tổ Nội các không ảnh hưởng đến các chính sách Chính phủ Thái Lan đã công bố.

Hôm 28/10, Thái Lan vừa chính thức cải tổ Nội các với việc điều chuyển và bộ nhiệm một số thành viên Chính phủ. Về mặt đối ngoại, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao được bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng nhưng tiếp tục giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao.

Về đối nội vẫn giữ nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ trưởng Bộ Thương mại. Một số bộ liên quan vấn đề kinh tế, mặc dù có điều chuyển nhân sự nhưng vẫn tiếp tục thực hiện các chính sách kinh tế đã đề ra trong năm đầu cầm quyền của chính phủ do Thủ tướng Yingluck Shinawatra cầm đầu.

Việc cải tổ nội các lần này, theo Thủ tướng Yingluck Shinawatra là hoàn thiện hơn nữa bộ máy điều hành của Chính phủ để đạt hiệu quả cao hơn, đặc biệt sau khi Phó Thủ tướng Yongyuth Wichaidit từ chức hôm 1/10 vừa qua.

Dư luận tại Thái Lan có những phản ứng tích cực với đợt cải tổ Nội các lần này và đây là lần cải tổ Nội các thứ hai của bà Yingluck Shinawatra sau khi thành lập Chính phủ vào ngày 9/8 năm ngoái./.

Xuân Sơn/VOV- Bangkok
-------
Myanmar: Những trở lực trên đường cải cách

 Ngày 28/10/2012, đại diện Liên Hiệp Quốc (LHQ) tại Myanmar tiết lộ, hơn 22.587 người dân nước này phải đi tỵ nạn do các cuộc đụng độ tôn giáo ở bang Rakhain.

 Từ tháng 6/2012, các cuộc xung đột ở miền Tây Myanmar giữa các cộng đồng Hồi giáo và Phật giáo đã phát sinh, sau vụ hãm hiếp và giết hại một thiếu nữ theo đạo Phật. Dù đến nay vẫn chưa xác định được ai là thủ phạm nhưng người Arakan, một trong hai nhóm dân tộc chính ở bang Rakhain, theo đạo Phật, đã đổ tội cho người Rohingya, theo Hồi giáo, gây án.

Theo con số do chính phủ Myanmar công bố, hơn 4.600 ngôi nhà bị đốt cháy, ít nhất có 67 trường hợp thiệt mạng, 95 người bị thương, tính đến cuối tuần trước.

Những người tỵ nạn hiện đang sống tạm bợ trong các túp lều tồi tàn trên các hòn đảo (ảnh), các ngọn đồi hoặc sống lênh đênh trên thuyền, đang rất cần sự cứu giúp về mọi mặt, đặc biệt là lương thực, thuốc men và nước sạch. Tính đến nay, khoảng 100.000 người dân đã phải rời bỏ nhà cửa do các cuộc giao tranh.

Công cuộc cải cách và mở cửa tại Myanmar có thể sẽ gặp những trở ngại do các xung đột sắc tộc và tôn giáo tiềm ẩn đã lâu. Người Rohingya bị coi là những người nhập cư bất hợp pháp và dân bản địa không ưa họ. Một số người Rohingya đã bỏ mạng khi chạy trốn bằng thuyền ra biển. Vì được cho là có gốc từ Bangladesh nên một số người Rohingya bỏ chạy sang nước này nhưng Bangladesh cho biết, họ không thể nhận thêm người tỵ nạn.

Người phụ trách Cơ quan Cứu trợ của LHQ tại Myanmar Nigam nhận định, nhiệm vụ của chính phủ Myanmar cùng với LHQ là tìm cách giúp đỡ những người tỵ nạn. Trước đó, theo yêu cầu của Tổ chức Hợp tác Hồi giáo, chính phủ Myanmar đã đồng ý cho các tổ chức nhân đạo quốc tế cứu trợ đối với nạn nhân người đạo Hồi trong các vụ xung đột, bất chấp những cuộc biểu tình phản đối của những người theo đạo Phật. Tổng thống Myanmar cũng thành lập ủy ban điều tra nguyên nhân vụ xung đột.

Dù chính phủ đã ban hành tình trạng khẩn cấp, quân đội nắm quyền kiểm soát trong vùng, nhưng vẫn chưa đủ để vãn hồi an ninh. Chỉ riêng trong đêm 26/10, các cuộc xung đột giữa hai cộng đồng Phật giáo và Hồi giáo đã bùng nổ cùng lúc ở sáu thị trấn.

Nam Phong (Reuters, PNO)
------------
 Dư luận Thái Lan ủng hộ Nội các mới

Người dân Thái Lan cho rằng cần phải tạo cơ hội cho Chính phủ của Thủ tướng Yingluck hoạt động.

    Ngày 28/10, ngay sau khi danh sách Nội các mới của Thủ tướng Yingluck đã được Nhà Vua Thái Lan phê chuẩn và chính thức công bố, Trung tâm nghiên cứu dư luận của Thái Lan (ABAC) đã có một cuộc thăm dò ý kiến nhanh của người dân Thái Lan về Nội các mới của chính phủ Thái Lan.

Theo đó, hơn 58% số người được hỏi cho rằng, việc cải tổ nội các lần này không ảnh hưởng tiêu cực tới Chính phủ của Thủ tướng Yingluck, trong khi đó có hơn 97% phản đối đảo chính lật đổ chính phủ. Nhiều người dân Thái Lan cho rằng cần phải tạo cơ hội cho Chính phủ của Thủ tướng Yingluck làm việc và hy vọng dựa vào hệ thống tư pháp để giám sát hoạt động của Chính phủ.

Đáng chú ý, gần 54% số người được hỏi ủng hộ cựu Thủ tướng Thái Lan Thaksin có thể tư vấn cho Chính phủ hiện nay, vì ông Thaksin là người giàu kinh nghiệm và có năng lực lãnh đạo.

Nội các mới của Thủ tướng có 23 thành viên, thay đổi chức vụ với 14 thành viên mới và 9 thành viên cũ được điều chuyển, thăng chức. Số Phó Thủ tướng tăng từ 5 lên 6 người./.

Tống Sơn/VOV-Bangkok
-------
"ASEAN cần giữ vai trò trung tâm trong khu vực"

Học giả Makmur Keliat - Giám đốc Chương trình đào tạo sau đại học về quan hệ quốc tế thuộc Đại học Quốc gia Australia (UI) nhấn mạnh, ASEAN cần giữ vai trò trung tâm tại khu vực trong bối cảnh các nước lớn tăng cường can dự vào châu Á nói chung và Đông Nam Á nói riêng.

Phát biểu trên được ông đưa ra sau khi chính phủ Australia ngày 28/10 công bố một kế hoạch chính sách toàn diện mang tên "Australia trong thế kỷ châu Á", trong đó đặt mục tiêu ưu tiên chính sách đối với châu Á.

Trong kế hoạch nói trên, Thủ tướng Australia Julia Gillard xác định Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ sẽ là những đối tác chủ chốt của Australia./.

Nguyễn Anh Ngọc (Vietnam+)
-----------
Dân Trung Quốc biểu tình phản đối nhà máy lọc dầu

Sau một loạt cuộc biểu tình của hàng nghìn người dân phản đối nguy cơ ô nhiễm, chính quyền tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc hôm 28/10 đã phải nhượng bộ và đồng ý sẽ không mở rộng một nhà máy hóa dầu như dự trù. Tuy nhiên, người dân không tin lời hứa hẹn này và vẫn tiếp tục biểu tình.

Cuộc biểu tình phản đối ở Ninh Ba đã lên cao hồi cuối tuần qua và đưa đến các vụ xô xát giữa công an với dân chúng. Chính quyền thành phố Ninh Ba cho hay trong thông cáo đưa ra tối ngày 28/10 rằng họ và nhà đầu tư dự án nói trên “hoàn toàn đồng ý” là sẽ không tiến hành việc mở rộng nhà máy đặt tại Zhenhai, trực thuộc Ninh Ba. Cơ xưởng này của Sinopec, một trong những công ty dầu hỏa hóa chất lớn nhất thế giới.

Một số người biểu tình bị công an bắt giữ cho hay họ bị gặng hỏi “ai là lãnh đạo?” nhưng đều trả lời rằng đây là hành động tự phát.

Tân Hoa Xã, cơ quan thông tấn nhà nước Trung Quốc, cho hay nhà máy ở Zhenhai dự trù lọc khoảng 15 triệu tấn dầu thô và sản xuất 1.2 triệu tấn ethylene mỗi năm. Công ty Sinopec đã đầu tư khoảng 55.87 tỉ nhân dân tệ (khoảng 8,9 tỉ USD) vào nhà máy này.

Giới quan sát cho rằng cuộc đối đầu tại thành phố Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang, Trung Quốc, cho thấy sự mất tin tưởng trầm trọng của người dân với chính quyền địa phương. Nếu cuộc biểu tình này kéo dài sẽ có thể làm mất đi hình ảnh ổn định mà Trung Quốc hiện nay muốn đưa ra trước ngày diễn ra đại hội đảng trong tháng tới.

Th.Long (Theo AP, Petrotimes)
----------
 Tàu 5.000 tấn cắt đôi cầu Diêm Điền

Đêm 28.10, khi cơn bão số 8 đổ bộ vào Thái Bình, 2 chiếc tàu trọng tải 5.000 tấn và 3.000 tấn đứt neo, trôi dạt cắt đôi cây cầu Diêm Điền (thị trấn Diêm Điền, huyện Thái Thụy).

Sáng 29.10, chiếc tàu trọng tải 3.000 tấn còn nằm chình ình ghếch mũi tàu lên thành cầu. Phía xa là chiếc tàu trọng tải 5.000 tấn đang neo đậu sau khi xuyên thủng, cắt đôi chiếc cầu.

Anh Phạm Văn Đồng, 34 tuổi, ở khu 1, thị trấn Diêm Điền cho biết: Khoảng 22h30 ngày 28.10, tôi đang trực tại chòi canh gần cầu thì nghe tiếng “rầm” rất lớn. Soi đèn pin ra phía cầu, tôi thấy chiếc tàu trọng tải 5.000 tấn đâm trực diện vào giữa cầu làm vỡ 2 dầm cầu. Sau đó, dòng nước cuốn chiếc tàu vượt qua cầu. Khoảng 5 phút sau thì tới lượt chiếc tàu trọng tải 3.000 tấn trôi xuống phía cầu nhưng bị va vào mố cầu mới xây cạnh đó nên dừng lại.

Cầu Diêm Điền là cây cầu huyết mạch nối thị trấn Diêm Điền với nhiều xã của huyện Thái Thụy như Thái Thượng, Thái Đô, Thái Thịnh và huyện Tiền Hải. Cây cầu này được xây dựng từ vài chục năm trước đã xuống cấp. Huyện Thái Thụy cũng vừa khởi công xây dựng một cây cầu mới. Cú va chạm của 2 tàu trên đâm thẳng vào trụ cầu mới xây dựng.

2 chiếc tàu trôi dạt là tàu được đóng từ năm 2010 nhưng do thiếu kinh phí nên bỏ không từ đó tới nay.

Cùng với 2 tàu đâm vào cầu Diêm Điền, còn nhiều chiếc tàu khác bị gió bão “quăng” lên bãi cạn.
( Lao Động)
--------
Myanmar: Hơn 200 người thương vong do xung đột

Truyền thông Myanmar ngày 29/10 đưa tin đã có 84 người thiệt mạng, 129 người bị thương và hơn 20.000 người lâm vào cảnh mất nhà cửa do bạo lực tái bùng phát từ hôm 21/10 giữa những người theo đạo Phật và tín đồ Hồi giáo ở bang Rakhine, phía Tây Myanmar.

Theo giới chức Myanmar, bạo lực ban đầu bùng phát tại thị trấn Minbya đã lan sang 9 khu vực khác của bang Rakhine, khiến 2.950 ngôi nhà, 14 trụ sở tôn giáo bị phá hủy, buộc hơn 20.000 người dân phải đi sơ tán.

Tin cho biết tình hình đã được kiểm soát từ ngày 27/10 sau khi cảnh sát, quân đội và chính quyền bang thực hiện các biện pháp an ninh kịp thời. Lực lượng an ninh đã được tăng cường tới các khu vực xung đột.

Trong đợt bạo lực trước đó, từ tháng 5 đến tháng 6, tại bang Rakhine, tổng cộng 50 người đã thiệt mạng và 54 người bị thương, hơn 61.000 người bị ảnh hưởng.

Ngày 25/10 vừa qua, Văn phòng Tổng thống Myanmar ra tuyên bố cảnh báo những phần tử kích động xung đột tôn giáo tại bang Rakhine sẽ bị đưa ra trước pháp luật. Chính phủ Myanmar đã thành lập một hội đồng điều tra nguyên nhân dẫn đến xung đột làm ảnh hưởng đến hòa bình và sự ổn định tại khu vực miền Tây nước này.

Căng thẳng tại Rakhine bùng phát sau khi một phụ nữ theo đạo Phật bị 3 người đàn ông Hồi giáo tấn công tình dục và sát hại. Bạo lực lan rộng sau đó buộc chính quyền bang phải ban bố tình trạng khẩn cấp và lệnh giới nghiêm ở nhiều khu vực.

Liên hợp quốc đã bày tỏ "quan ngại sâu sắc" trước tình trạng bạo lực tôn giáo tại bang Rakhine của Myanmar, đồng thời kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, bình tĩnh để sớm lập lại trật tự ở khu vực này./.

(TTXVN)
-----
 Đảng cầm quyền Ukraina dẫn đầu trong bầu cử Quốc hội

Kết quả thăm dò sau bầu cử cho thấy đảng Các khu vực được khoảng 28-30,5% số phiếu ủng hộ.

Theo kết quả thăm dò sau bầu cử, đảng Các khu vực của Tổng thống Ukraina Victor Yanukovic tiếp tục duy trì được thế đa số trong Quốc hội khóa mới, song sẽ phải đối mặt với phe đối lập khá mạnh.

Đảng Các khu vực đã tuyên bố chiến thắng sau 2 cuộc điều tra được tiến hành ngay khi các điểm bỏ phiếu đóng cửa với kết quả đảng này giành được khoảng 28-30,5% số phiếu ủng hộ. Theo kết quả thăm dò, đảng Tự do theo đường lối dân tộc lần đầu tiên có đại diện trong Quốc hội, với 12% số phiếu ủng hộ.

Sáng 28/10, các cử tri Ukraina bắt đầu đi bỏ phiếu bầu 450 đại biểu Quốc hội khóa 7. Cuộc bầu cử Quốc hội Ukraina lần này được công nhận là hợp pháp không phụ thuộc vào tỷ lệ cử tri tham gia bỏ phiếu./.

Thu Hoài/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
---------
Tàu Nga mất tích cùng 700 tấn quặng vàng

Chiếc tàu chở hàng Amurskaya của Nga bị mất tích trên biển hôm qua với 700 tấn quặng vàng trong khoang.

RIA Novosti dẫn lời cơ quan giám sát vận tải Viễn Đông của Nga cho hay trong một thông báo: "Chiếc tàu chở hàng đang trên đường từ cảng Kiran tới cảng Okhotsk với lô hàng quặng vàng nặng 700 tấn. Thủy thủ đoàn gồm 9 người được cho là có mặt trên tàu". Trước đó, báo chí Nga cho rằng tàu chở theo quặng sắt.

Số người trên tàu Amurskaya khi nó mất tích được ghi nhận khác nhau theo nhiều nguồn tin riêng biệt. Trước đó, truyền thông Nga cho rằng có 11 người trên tàu, trong khi Bộ Các tình trạng Khẩn cấp Nga cho biết có 8 người.

Tín hiệu khẩn cấp được tàu gửi đi vào khoảng 8h15 sáng qua theo giờ Moscow, ở khu vực gần đảo Shantar tại phía tây nam biển Okhotsk thuộc vùng Viễn Đông của Nga. Tàu chờ dầu Novik đã tới hiện trường nơi phát ra tín hiệu khẩn cấp nhưng không tìm thấy tàu Amurskaya.

Tàu Novik đang cùng một máy bay thủy phi cơ Beriev Be-200 tiếp tục chiến dịch tìm kiếm. Điều kiện thời tiết mưa bão khiến công việc này trở nên vô cùng khó khăn.

Hà Giang
VNexpress
--------
 Nhóm nhà hoạt động Hàn Quốc lại thả truyền đơn chống Triều Tiên

Một nhóm các nhà hoạt động Hàn Quốc hôm nay lại thả truyền đơn chống Bình Nhưỡng qua biên giới, một tuần sau khi Triều Tiên dọa sẽ có hành động quân sự trước động thái này.

Khoảng hơn chục nhà hoạt động đã thả 7 quả bóng mang theo 50.000 truyền đơn từ một công viên ở thành phố biên giới Paju, phía bắc Seoul, trong bối cảnh an ninh được thắt chặt, với 100 cảnh sát được triển khai tại địa điểm thả bóng.

Đã có đụng độ nhỏ giữa các nhà hoạt động và người dân địa phương, những người muốn ngăn chặn vụ thả bóng do lo sợ Triều Tiên có thể trả đũa.

Một tuần trước cảnh sát Hàn Quốc đã phải phong tỏa đúng khu vực này để ngăn chặn một nhóm những người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc thả truyền đơn sang bên kia biên giới.

Cảnh sát đã phải vào cuộc sau khi quân đội Triều Tiên cảnh báo sẽ tiến hành một cuộc tấn công quân sự không thương tiếc nếu hoạt động truyền đơn diễn ra.

Trước đây Triều Tiên cũng ra cảnh báo tương tự, nhưng cảnh báo vào tuần trước mạnh mẽ khác thường, với địa điểm, thời gian cụ thể được đề cập, cùng với đó là cảnh báo người dân ở khu vực đi sơ tán.

“Chúng tôi không sợ những đe dọa đó và sẽ tiếp tục gửi truyền đơn”, Choi Woo-Won, một giáo sư tại trường đại học quốc gia Pusan tham gia vào nhóm thả bóng ngày hôm nay cho biết.

Căng thẳng giữa hai miền Triều Tiên tăng cao ngay trước cuộc bầu cử tổng thống Hàn Quốc vào tháng 12 tới. Tâm lý lo ngại đang bao trùm Hàn Quốc về khả năng Triều Tiên có thể châm ngòi cho một vụ đụng độ trước cuộc bầu cử.

Phan Anh
Theo AFP, Dân Trí
-----------
Không thông qua được luật nợ công, chính phủ Nhật sẽ ngừng hoạt động

Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda ngày 29/10 cảnh báo, các hoạt động thường ngày của chính phủ nước này sẽ ngừng trệ trừ khi quốc hội thông qua được dự luật mới về nợ công vốn đang bị bế tắc.

Ông Noda cho rằng nếu các dịch vụ hành chính hàng ngày của chính phủ buộc ngừng hoạt động, cuộc sống của người dân sẽ bị ảnh hưởng lớn, gây cản trở cho phục hồi kinh tế.

Những cảnh báo trên được ông Noda đưa ra khi phát biểu lúc khai mạc một phiên họp quốc hội bất thường. Ông Noda cho rằng phe đối lập nên đồng ý thông qua dự luật, theo đó chính phủ được phép phát hành trái phiếu mới để trang trải các khoản chi tiêu.

Dự thảo luật cho phép tăng số tiền chính phủ Nhật Bản có thể vay mượn đã trở thành con tin chính trị do phe đối lập đòi ông Noda phải hứa chắc chắn thời điểm kêu gọi tổ chức bầu cử, nếu không họ sẽ từ chối hợp tác thông qua luật.

Ông Noda kêu gọi: “Hãy chấm dứt thói quen xấu lấy dự luật làm con tin và dùng nó cho mục đích chính trị”. Ngoài ra, ông còn nhấn mạnh rằng ông sẽ không vội kêu gọi bầu cử vì có những việc chưa hoàn thành và có nguy cơ tạo ra “khoảng trống chính trị”.

Thùy Dương
(Báo Tin tức)
-------
EU bất đồng về cắt giảm ngân sách 50 tỷ euro

Trong tuần này, chính phủ các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ thảo luận cắt giảm ít nhất 50 tỷ euro trong ngân sách.

Đây là mở đầu cho các cuộc đàm phán về đề xuất ngân sách dài hạn 1 nghìn tỷ euro (1,3 nghìn tỷ USD) của EU, chủ yếu về đầu tư cơ sở hạ tầng nông nghiệp và nghiên cứu, nguồn tin quen thuộc với vấn đề cho biết.

Kế hoạch cắt giảm sẽ được đưa ra trong các văn bản đàm phán mới nhất của EU về kế hoạch chi tiêu giai đoạn 2014-2020. Tuy nhiên, kế hoạch này dường như không làm thỏa mãn Anh, Đức, Pháp và các nước khác.

Các nước trên muốn giới hạn chi tiêu của EU một cách nghiêm ngặt bằng cách chương trình thắt lưng buộc bụng 100-200 tỷ euro để giảm nợ.

Tuy nhiên, đề xuất cắt giảm 100-200 tỷ euro lại bị Ba Lan và các nước thụ hưởng chính của quỹ EU phản đối với lý do đề xuất này có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong tương lai.

Không những thế, các nước trong EU còn bất đồng về lĩnh vực cắt giảm ngân sách. Trong đó, Pháp yêu cầu không cắt giảm về nông nghiệp trong khi Anh, Thụy Điển và các nước khác muốn đầu tư nhiều hơn vào nghiên cứu và các biện pháp khác để thúc đẩy tăng trưởng.

Hiện tại, khoảng 3/4 ngân sách EU đang dành để trợ cấp cho nông dân và xây dựng đường cao tốc, sân bay và các cơ sở hạ tầng khác trong các khu vực nghèo nhất của khối.

Chiếm 1% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của EU, ngân sách EU tương đối nhỏ so với tổng chi tiêu công của châu Âu, nhưng các cuộc đàm phán về vấn đề này luôn gây ra bất đồng do nước nào cũng muốn tìm cách tối đa hóa lợi ích của mình.
(Stox, Gafin)
---------
Những làn sóng ngầm trong chính trường Pháp

 Khơi mào cho những bất ổn trên chính trường Pháp là sự kiện thành lập đảng mới của Chủ tịch đảng Cấp tiến Jean- Louis Borloo.

Nước Pháp đang đứng trước những làn sóng ngầm về chính trị mới. Trong bối cảnh hai đảng lớn nhất trên chính trường Pháp là đảng Xã hội (PS) cầm quyền của Tổng thống François Hollande đang dần mất uy tín do những hoạt động bị đánh giá là yếu kém của chính phủ trong thời gian vừa qua và đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đang gặp khủng hoảng về người lãnh đạo sau khi cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ra đi, thì có vẻ như các chính trị gia của Pháp đang muốn tranh thủ tâm lý chờ đợi một sự thay đổi của người dân Pháp.

Sự kiện được cho là đã nổ phát đại bác đầu tiên cho những bất ổn trong nền chính trị Pháp là ngày 21/10 vừa qua, Jean-Louis Borloo, cựu Bộ trưởng Bộ sinh thái dưới thời cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy và là Chủ tịch đảng Cấp tiến (PR), công bố thành lập đảng mới với tên “Liên minh những người dân chủ và độc lập” (UDI).

Với khẩu hiệu “Độc lập không phải là sự chia rẽ”, đảng mới “Liên minh những người dân chủ và độc lập” (UDI) do ông Jean-Louis Borloo làm Chủ tịch đã nhận được sự ủng hộ và tham gia của những nhân vật chủ chốt như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Hervé Morin, cựu Quốc vụ khanh phụ trách về nhân quyền Rama Yade, cựu Bộ trưởng Bộ Thể thao Chantal Jouanno. Ngoài ra, đảng mới UDI cũng nhận được sự ủng hộ của cựu Tổng thống Valéry Giscard d’Estaing, cựu Chủ tịch Quốc hội châu Âu và cũng là cựu Bộ trưởng Bộ Y tế Simone Veil, và của 60 nghị sĩ tại hai viện Quốc hội Pháp.

Báo chí Pháp cho rằng, việc thành lập đảng mới Liên minh những người dân chủ và độc lập là bước đi của ông Jean-Louis Borloo nhằm thống nhất phe trung tâm trên chính trường Pháp, được cho là đã bị chia rẽ và suy yếu sau khi lãnh tụ phe trung tâm, Chủ tịch đảng Dân chủ mới - MoDem và là cựu ứng cử viên Tổng thống François Bayrou tuyên bố ủng hộ ứng cử viên François Hollande của đảng Xã hội (PS) trong cuộc bầu cử Tổng thống vừa qua.

Không giấu diếm về tham vọng thành lập đảng mới Liên minh những người dân chủ và độc lập, Chủ tịch Jean-Louis Borloo cho biết: “Như các bạn đã biết, chúng tôi nỗ lực thành lập đảng chính trị lớn, quan trọng của phe trung tâm và mục tiêu sau đó là chúng ta sẽ giành quyền lãnh đạo các thành phố, các khu vực và đất nước”.

Mục tiêu trước mắt của đảng mới UDI là tiếp tục mở rộng thành phần tham gia, tập trung giành sự ủng hộ của 28% cử tri Pháp với hai vùng chiến lược được hướng đến phía Tây và Tây Nam của nước Pháp hiện thuộc quyền ảnh hưởng của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân UMP, chuẩn bị cho hai cuộc bầu cử bổ sung lớn vào Hạ viện và Thượng viện vào năm 2014.

Các nhà phân tích chính trị tại Pháp cho rằng, việc thành lập đảng chính trị mới này động thái có thể ảnh hưởng đến cán cân lượng lực trên chính trường Pháp. Điều này xuất phát từ nhiều khía cạnh, nhất là khi đảng mới này ra đời trong bối cảnh hai đảng lớn nhất trên chính trường Pháp là đảng Xã hội (PS) cầm quyền của đương Tổng thống François Hollande đang dần mất uy tín do những hoạt động bị đánh giá là yếu kém của chính phủ trong thời gian vừa qua và đảng cánh hữu Liên minh vì phong trào nhân dân (UMP) đang gặp khủng hoảng về người lãnh đạo sau khi cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy ra đi.

Với việc thành lập đảng mới này, phe trung tâm của Pháp đã được thống nhất để có thể vượt qua đảng Dân chủ mới MoDem của ông François Bayrou, trở thành lực lượng chính trị mạnh cạnh tranh với hai đảng còn lại.

Trong khi đó, sau thất bại trong các cuộc bầu cử Tổng thống và Quốc hội vừa qua, đảng Liên minh vì phong trào nhân dân đang có những dấu hiệu chia rẽ và đứng trước những thách thức mới. Hiện cuộc đua giành quyền lãnh đạo Liên minh vì phong trào nhân dân đang diễn ra quyết liệt giữa ông Jean-François Copé và cựu Thủ tướng François Fillon. Tuy nhiên, các đánh giá chung đều cho rằng, sau sự ra đi của cựu Tổng thống Nicolas Sarkozy, thì dường như đảng Liên minh vì phong trào nhân dân chưa thể tìm chọn được người lãnh đạo nào có đủ uy tín và tài năng để tập hợp được các phe cánh trong đảng, ngay cả vào thời điểm chỉ còn 3 tuần nữa là đến cuộc bầu chọn Chủ tịch mới của đảng này.

Ông Yves Jégo, Hạ nghị sĩ, thành viên của đảng mới UDI, cựu thành viên của đảng Liên minh vì phong trào nhân dân, cho rằng: “So với khi thành lập cách đây 10 năm, đảng Liên minh vì phong trào nhân dân ngày nay đã mất tất cả, thất bại trong các cuộc bầu cử địa phương, mất quyền kiểm soát Hạ viện và Thượng viện, thất bại trong cuộc bầu cử Tổng thống… Trong vòng 10 năm, chúng ta đã mất tất cả. Và khi đó, tôi tự hỏi, tại sao chúng ta lại không thay đổi. Chúng tôi muốn giành lại chiến thắng với việc tham gia đảng mới”.

Ngày 26/10 vừa qua, một ngày trước cuộc tranh luận trên đài truyền hình France 2 giữa hai ứng cử viên Chủ tịch đảng Liên minh vì phong trào nhân dân, Chủ tịch của đảng Mặt trận quốc gia, bà Jean-Marine Le Pen, đã ra thông cáo kêu gọi các đảng viên của Liên minh vì phong trào nhân dân tẩy chay việc bầu chọn Chủ tịch mới của đảng này và gia nhập đảng Mặt trận quốc gia.

Những tuyên bố mang tính “khiêu khích” này của bà Le Pen cho thấy làn sóng ngầm về chính trị trên chính trường Pháp sẽ còn căng thẳng, khi cả đảng cầm quyền và các đảng phái khác đều chưa khẳng định được chỗ đứng của mình./.

Đào Dũng/VOV-Paris
---------
Cảnh sát Pháp bắt giữ kẻ tình nghi cầm đầu ETA

Cảnh sát Pháp hôm nay đã bắt giữ tên Izaskun Lesaka, kẻ tình nghi là một trong ba thủ lĩnh của tổ chức khủng bố ETA ở Tây Ban Nha. Vụ bắt giữ được thực hiện tại Macon, thành phố nhỏ ở miền Đông nước Pháp.

Theo thông báo của Bộ Nội vụ Tây Ban Nha, tên Lesaka bị bắt tại một khách sạn cùng với tên Joseba Iturbe Otxoteka, một thành viên ETA từng dính líu vào vụ đánh bom nhà ga số 4 của Sân bay Barajas ở thủ đô Madrid tháng 12/2006 làm 2 người thiệt mạng.

Khi bị bắt giữ, hai tên này đều mang theo vũ khí. Chúng nằm trong số hơn 50 đối tượng bị bắt giữ trong chiến dịch phối hợp kéo dài một năm nay giữa cảnh sát Pháp, Tây Ban Nha và Anh nhằm trấn áp ETA.

ETA bị Liên minh châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ liệt vào danh sách các tổ chức khủng bố. Trong 4 thập kỷ qua, làn sóng bạo lực do các hoạt động đòi độc lập cho xứ Basque của ETA đã cướp đi sinh mạng của hơn 800 người.

Tháng 10 năm ngoái, tổ chức này đã tuyên bố chấm dứt cuộc đấu tranh, nhưng kể từ đó ETA chưa hề nộp vũ khí. Đây là lý do khiến các cuộc vây bắt các thành viên còn lại và thu giữ vũ khí của nhóm này vẫn tiếp diễn./.

(TTXVN)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te