TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 29-10-2012


Úc tìm chỗ trong “thế kỷ của châu Á”

Úc đang đưa ra một kế hoạch đầy tham vọng nhằm tối đa hóa việc hợp tác kinh tế với Trung Quốc và các nền kinh tế đang nổi lên khác của châu Á để đưa nước này vào nhóm 10 nước giàu nhất thế giới vào năm 2025.

Thủ tướng Úc Julia Gillard ngày 28-10 đã nhấn mạnh “quy mô và tốc độ tăng trưởng của châu Á thật sự gây sốc và ở đó có nhiều thách thức lẫn cơ hội”. Người Úc từng coi châu Á là một mối đe dọa về quân sự và kinh tế, nhưng khu vực này đã thay đổi. Điều này đòi hỏi Úc ngày nay cũng phải có sự thay đổi.

Theo AFP, với kế hoạch “Nước Úc trong thế kỷ của châu Á”, Úc đang đề ra hàng loạt mục tiêu nhằm tranh thủ sự tăng trưởng nhanh chóng của khu vực kinh tế lớn toàn cầu, dẫn đầu là Trung Quốc và Ấn Độ. Vào năm 2025, Úc kỳ vọng GDP bình quân đầu người sẽ nhảy vọt lên tốp 10 nước hàng đầu thế giới so với hiện nay là thứ 13, theo thống kê của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF).

Theo Reuters, Úc cũng sẽ cân bằng mối quan hệ an ninh - quốc phòng với Mỹ qua việc ủng hộ một Trung Quốc với vai trò ngày càng lớn trong khu vực. Châu Á sẽ sớm trở thành khu vực sản xuất và tiêu dùng lớn nhất thế giới, có thể vượt qua sản lượng của cả châu Âu và Bắc Mỹ cộng lại vào cuối thế kỷ này.

THU ANH
(Tuổi Trẻ)
--------
Ấn Độ “trẻ hóa” Nội các

 Thủ tướng Manmohan Singh hôm 28/10 đã đưa 22 bộ trưởng và thứ trưởng mới vào chính phủ trong một cuộc cải tổ Nội các sâu rộng.

Động thái này được xem như một nỗ lực “trẻ hóa” chính phủ Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) do đảng Quốc đại đứng đầu, trước khi diễn ra tổng tuyển cử vào năm 2014.

Thay đổi đáng kể nhất trong cuộc cải tổ lần này là Bộ trưởng Tư pháp Salman Khurshid, 59 tuổi, được bổ nhiệm làm Ngoại trưởng thay ông S.M. Krishna, 80 tuổi, vừa xin từ chức hôm 26/10.

Tuy nhiên, nhân vật được trông đợi nhiều nhất là ông Rahul Gandhi, con trai của cố Thủ tướng Rajiv Gandhi và Chủ tịch UPA Sonia Gandhi lại không tham gia Nội các.

Theo các nhà phân tích, chiến lược của Đảng Quốc đại trong cuộc cải tổ Nội các này là tập trung vào những bộ trưởng làm việc hiệu quả nhằm chuẩn bị cho các cuộc bầu cử Hội đồng lập pháp bang trong vòng 22 tháng tới.

THANH HIỀN (Theo Reuters, PNO)
-------
Cựu thủ tướng Ý dọa lật đổ chính phủ

Cựu thủ tướng Ý Silvio Berlusconi tuyên bố cánh trung hữu của ông có thể sẽ ngừng ủng hộ chính phủ của Thủ tướng Mario Monti, một động thái có thể đẩy đất nước này vào tình trạng hỗn loạn trước thềm cuộc bầu cử toàn quốc dự kiến tổ chức vào tháng 4-2013.

Phát biểu trong cuộc họp báo ở miền Bắc Ý hôm 27-10, một ngày sau khi bị tòa án kết án 4 năm tù vì tội trốn thuế liên quan đến Tập đoàn Truyền thông Mediaset, ông Berlusconi nói với hãng tin Reuters: “Chúng ta phải thừa nhận thực tế rằng sự hình thành chính phủ này là sự tiếp tục của một chuỗi suy thoái trong nền kinh tế. Cùng với các cộng sự của mình, chúng tôi sẽ cân nhắc liệu có nên ngay lập tức rút khỏi chính phủ này hay không trong bối cảnh cuộc bầu cử đang đến gần”.

Chính phủ của ông Mario Monti là một chính phủ không qua bầu cử, được ủng hộ của cánh trung tả, cánh trung hữu và trung dung. Chính phủ này sẽ mất đi ưu thế đa số và phải giải tán nếu toàn bộ phe trung hữu, trong đó có Đảng Nhân dân tự do (PDL) của ông Berlusconi, rút lui.
Huệ Bình/ NLĐ
--------
TQ ngưng dự án bị phản đối ở Chiết Giang

 Kế hoạch mở rộng nhà máy hóa dầu ở tỉnh Chiết Giang miền đông Trung Quốc đã bị hủy bỏ sau các cuộc biểu tình phản đối kéo dài nhiều ngày.

Ngày 26/10, những đám đông phản đối việc mở rộng nhà máy ở thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang đã tấn công cảnh sát. Các cuộc biểu tình liên tiếp sau đó dẫn đến việc các quan chức chính quyền thành phố Ninh Ba tối 28/10 phải tuyên bố ngưng dự án gây nhiều tranh cãi này.

Các cuộc biểu tình chống ô nhiễm môi trường ngày càng phổ biến ở TQ. Cuộc biểu tình lần này nổ ra ngay trước khi khai mạc Đại hội Đảng Cộng sản TQ, nơi sẽ diễn ra cuộc chuyển giao quyền lực mười năm một lần đối với lãnh đạo nước này.

Ngày 28/10, những người biểu tình lại tụ tập ở thành phố Ninh Ba, họ diễu hành về phía văn phòng chính quyền quận, phản đối việc mở rộng một nhà máy thuộc chi nhánh Tổng công ty Hóa chất và Dầu khí TQ.

"Bây giờ người dân ít tin vào chính quyền”, người biểu tình tên Liu Li nói với AP. "Ai mà biết được, biết đâu họ chỉ nói thế để chúng tôi giải tán rồi sau đó vẫn tiếp tục dự án", bà nói thêm.

Trước đó, hôm 27/10 cảnh sát đã giải tán hơn 1.000 người biểu tình tại Ninh Ba. Các nhân chứng mô tả đã có ẩu đả và cho biết một số người bị bắt giữ. Cảnh sát địa phương cáo buộc những người biểu tình ném gạch đá vào họ, nhưng cư dân sở tại cho biết bạo lực diễn ra sau khi cảnh sát dùng hơi cay và bắt bớ người biểu tình.

Cuối ngày 27/10, quan chức địa phương đã gặp người biểu tình để nghe nguyện vọng của họ.

Tăng trưởng kinh tế nhanh của TQ đã phải trả một cái giá cực lớn về môi trường. Nhiều người TQ đang ngày càng nhận thức rõ hơn tầm quan trọng của môi trường và quan ngại sâu sắc về tình trạng ô nhiễm, các phóng viên cho biết.

VIỆT HƯNG (Theo BBC, PNO)
------
Gia đình Thủ tướng Trung Quốc bác tin có 2,7 tỷ đô

Trong một thông báo công bố tối 27/10, hai luật sư cố vấn cho gia đình Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo khẳng định rằng những tiết lộ về tài sản gia đình của thủ tướng đăng trên tờ New York Times hôm 26/10 vừa qua là điều "nói láo" khi ước tính tài sản thân nhân thủ tướng Trung Quốc lên đến 2,7 tỷ USD.
 
Các luật sư của gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo khẳng định rằng họ "sẽ có những biện pháp cần thiết để làm sáng tỏ những báo cáo dối trá khác" và khởi kiện tờ báo trên trước pháp luật.
 
Tờ New York Times cáo buộc gia đình Thủ tướng Ôn Gia Bảo trở nên "giàu bất thường" với các khoản đầu tư trải từ lĩnh vực ngân hàng, nữ trang, các khu nghỉ dưỡng du lịch, các công ty viễn thông và dự án hạ tầng.
 
Theo tờ báo, cuộc điều tra này dựa trên các hồ sơ doanh nghiệp và hồ sơ của cơ quan quản lý trong 10 năm, từ 1992 đến 2012, gồm các giao dịch bị nghi là của con trai, con gái, em trai, em rể và thân mẫu ông Ôn Gia Bảo./.

(Vietnam+)
------------
Hàng nghìn người Thái biểu tình chống chính phủ

Theo hãng tin Kyodo, ngày 28/10, hàng nghìn người đã tập trung tại một trường đua ngựa ở thủ đô Bangkok để tham gia biểu tình chống chính phủ, với cáo buộc Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra là con rối của người anh trai, cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra.

Những người biểu tình, do ông Boonlert Kaewprasit - một tướng quân đội về hưu từng tham gia cuộc đảo chính quân sự bất thành hồi năm 1977, cũng tố cáo Chính phủ của bà Yingluck tham nhũng, bất tài và để chế độ quân chủ bị chà đạp.

Cuộc biểu tình diễn ra tại Câu lạc bộ đua ngựa hoàng gia Thái Lan do ông Boonlert làm Tổng thư ký danh dự. Nhiều nhóm chính trị khác có quan hệ với Liên minh Nhân dân vì Dân chủ (PAD) tham gia cuộc biểu tình này./.

(Vietnam+)
--------
Hàn Quốc đặt lại tên 2 đỉnh núi ở nhóm đảo Dokdo/Takeshima

 Chính phủ Hàn Quốc hôm nay 28.10 thông báo vừa chọn tên chính thức mới cho hai đỉnh núi thuộc nhóm đảo Dokdo/Takeshima đang có tranh chấp với Nhật.

Theo đó, Bộ Đất đai, Vận tải và Vấn đề biển Hàn Quốc vừa chọn đặt tên đỉnh Dongdo/Onnajima thành “Usanbong” và đỉnh Seodo/Otokojima thành “Daehanbong”.

Chính phủ Hàn Quốc sẽ bắt đầu dùng các tên mới nói trên trong các bản đồ, sách giáo khoa và các cổng thông tin điện tử từ ngày mai 29.10, theo Yonhap.

Bộ Bộ Đất đai, Vận tải và Vấn đề biển Hàn Quốc lý giải rằng việc chọn tên Usanbong là dựa vào các tài liệu lịch sử, còn tên Daehanbong được dựa vào tên của quốc gia này theo tiếng Hàn, nhằm nhấn mạnh rằng Dokdo/Takeshima thuộc lãnh thổ Hàn Quốc.

Nhật chưa có phản ứng về thông tin mới này của Hàn Quốc, giữa lúc hai bên căng thẳng về Dokdo/Takeshima, vốn dâng cao khi tổng thống Lee Myung-bak thăm nhóm đảo này hồi tháng 8.

Trong khi đó, chính phủ Nhật ngày 26.10 đã bắt đầu xem xét việc trì hoãn đưa vấn đề tranh chấp Dokdo/Takeshima lên Tòa án Công lý quốc tế ít nhất cho tới tháng 11, theo Kyodo News.

Một quan chức cấp cao Nhật Bản lý giải rằng Tokyo trì hoãn vấn đề này do có một số dấu hiệu cải thiện quan hệ song phương.

Văn Khoa ( Thanh Niên)
------
Những luận cứ của Trung Quốc về vấn đề biển Đông không thuyết phục

Đây là lời khẳng định của học giả quốc tế tại các hội thảo gần đây liên quan đến vấn đề biển Đông.

Trong bài viết phản đối các học giả Trung Quốc nghiên cứu đường lưỡi bò hôm 26/10, TTXVN đã trích dẫn thông tin tại hội thảo quốc tế với chủ đề “Biển Đông: Đây có phải là không gian khủng hoảng mới không?” do Học viện Quan hệ quốc tế và Chiến lược Pháp (IRIS) phối hợp với Quỹ Gabriel Péri tổ chức ở Paris hôm 16/10 và cho biết, các học giả quốc tế đều khẳng định, những luận cứ tiếp cận về lịch sử liên quan đến đường lưỡi bò Trung Quốc cũng như một số luận cứ khác của Trung Quốc về lịch sử và các vấn đề chủ quyền đưa ra là “không có tính thuyết phục”.

Giáo sư Luật Erik Franckx thuộc Đại học Vrije (Bỉ) nhấn mạnh, tấm bản đồ đường lưỡi bò mà Trung Quốc chuyển lên Liên hợp quốc lần đầu tiên vào năm 2009 “trong bất cứ trường hợp nào cũng không thể là bằng chứng hợp pháp cho chủ quyền”.

Ông Erik Franckx lý giải: “Cơ quan chuyên trách của Liên hợp quốc về vấn đề này là Tổ chức thủy văn quốc tế (IHO) không tìm thấy biểu tượng khoa học và thủy văn nào trên tấm bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc. Theo IHO cũng như theo quan điểm cá nhân của tôi, bản đồ đường lưỡi bò của Trung Quốc là mơ hồ, thiếu tính chính xác kỹ thuật và bởi vậy hoàn toàn không có cơ sở pháp lý”. Giáo sư Monique Chemillier-Gendreau thuộc ĐH Paris-Diderot (Pháp) thì nhấn mạnh: “Trung Quốc không thể cung cấp chứng cứ khoa học cho cái mà họ đã đệ trình bởi họ chẳng có gì trong tay”...

Khánh Chi (CAND)
--------
Philippines: Thủ lĩnh MILF kêu gọi quốc tế hỗ trợ
 
Thủ lĩnh Mặt trận giải phóng hồi giáo Moro MILF, Murad Ebrahim hôm qua đã kêu gọi sự hỗ trợ của Nhật Bản và các quốc gia khác, trong bối cảnh MILF chuẩn bị thành lập một Chính quyền tự trị tại Mindanao theo thỏa thuận đạt được trước đó trong tháng này với Chính phủ Philippines.

Thừa nhận nhiệm vụ trước mắt sẽ rất nặng nề, khó khăn và phức tạp hơn sau khi MILF ký Thỏa thuận khung về Bangsamoro với Chính phủ Philippines hôm 15/10, ông Murad Ebrahim nhấn mạnh vấn đề quan trọng là cộng đồng quốc tế ủng hộ các chương trình an sinh trong lĩnh vực y tế - giáo dục cũng như mở đường sá và các dự án cơ sở hạ tầng khác.
 
Chính quyền tự trị tại Mindanao sẽ được hưởng một số mức độ tự trị từ Chính phủ trung ương Philippines, dự kiến đi vào hoạt động sớm nhất vào năm 2016 để thay thế cho Khu Tự trị Mindanao hiện nay.
(Theo VTV)
-----------
 Bốn bộ trưởng của Ấn Độ đồng loạt từ chức

 Ngày 27.10, bốn bộ trưởng của Ấn Độ đồng loạt từ chức trong cuộc cải tổ nội các nhằm cải thiện hình ảnh của Đảng Quốc Ðại đang bị tai tiếng tham nhũng, trước cuộc tổng tuyển cử vào năm 2014.

Bộ trưởng Ngoại giao S.M Krishna tuyên bố từ chức vào đêm 26.10. Trong ngày 27.10, thêm 3 bộ trưởng nữa đệ đơn từ chức lên Thủ tướng Manmohan Singh là: Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Ambika Soni, Bộ trưởng Tư pháp Mukul Wasnik và Bộ trưởng

Bộ trưởng Ngoại giao S.M Krishna, 80 tuổi, phát biểu sau cuộc gặp với Thủ tướng Manmohan Singh rằng: “Đã đến lúc phải nhường đường cho thế hệ trẻ lên nắm quyền”.

Ông Krishma giữ chức Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khi Chính phủ Liên minh Tiến Bộ Thống nhất do Đảng Quốc Đại cầm quyền tái đắc cử vào năm 2009. Sau khi từ chức, ông.dự định trở về quê ở bang Karnataka và vẫn sẽ tiếp tục làm việc cho Đảng Quốc Đại.

Các chuyên gia chính trị Ấn Độ cho rằng động thái của ông Krishma có ảnh hưởng to lớn đến chính sách ngoại giao và quốc sánh của thủ tướng.

Được biết, ông Rahul Gandhi - con trai của cố thủ tướng Rajiv Gandhi, dự định sẽ giữ một ghế trong nội các mới và sau này sẽ thay thế mẹ mình là bà Sonia Gandhi.

Cẩm Mai
Theo Sina, Dân Việt
-----------
Hơn 100 chính khách Italia có thể ngồi tù vì tham nhũng

Italia sắp thông qua đạo luật chống tham nhũng. Bản dự luật đã được Thượng viện tán thành với 430 phiếu đồng ý, 70 phiếu chống và 25 phiếu trắng. Ngay sau đó, dự luật đã được chuyển cho Hạ viện để hoàn thiện thêm trước khi chuẩn y.

Bản dự luật chống tham những đã gây nên những cuộc tranh luận kéo dài trong xã hội Italia. Khá nhiều Nghị sĩ và thành viên Chính phủ có lý do để lo ngại việc thực hiện bản dự luật này bởi vì họ có thể bị liên quan.

Theo báo chí Italia, ngay trong Nghị viện Italia đã có khoảng hơn 100 Nghị sĩ thuộc diện báo động như vậy.

Mới đây nhất, cựu thủ tướng Italia, ông Silvio Berlusconi vừa bị tòa án Milan kết án một năm tù vì tội trốn thuế, liên quan đến kênh truyền hình do ông thành lập.

Ông Berlusconi bị nghi ngờ phạm nhiều tội như tham nhũng, lạm dụng chức quyền, giả mạo giấy tờ và thậm chí, có quan hệ tình dục với gái vị thành niên.

Tiếp theo là cánh tay phải của ông Berlusconi - Thượng Nghị sĩ Marcello Dell’Utri. Ông này bị nghi ngờ phạm các tội trạng như giả mạo giấy tờ, trốn thuế và có quan hệ với mafia.

Theo dư luận Italia, ông này đã dùng những thủ đoạn bất hợp pháp để giúp người em vợ mua một căn hộ sang trọng tại Monté Carlo.

Định nghĩa mới về tham nhũng ở Italia: Tham nhũng không chỉ là đưa và nhận hối lộ mà còn là hứa hẹn mối lợi phi vật chất, chẳng hạn, giới thiệu vào làm, lo công ăn việc làm cho họ hàng một quan chức nào đó để tỏ lòng biết ơn.
Trong “danh sách đen” còn có cả những chính khách thuộc các đảng khác như đảng Dân chủ, Liên đoàn Phương Bắc và Giá trị Italia v.. v... Không phải vô cớ mà báo chí Italia nhận xét rằng một số đông Nghị viện nước này là những nhân vật bị nghi vấn hoặc đã có tiền án. Vì vậy, nạn tham nhũng ở Italia là vấn đề rất nghiêm trọng cả về quy mô lẫn về hậu quả.

Theo số liệu của tổ chức “Eurobarometre”, nạn tham nhũng đã khiến ngân sách Italia mỗi năm bị mất 50 – 60 tỷ euro và khiến GDP giảm đi 12%..

Bản dự luật nói trên còn đề ra những biện pháp đấu tranh mới như thành lập Ủy ban chống hoạt động tham những có nhiệm vụ theo dõi và triệt phá các ổ tham nhũng với sự trợ giúp của lực lượng Vệ binh tài chính. Một điểm mới nữa trong dự luật là mở rộng định nghĩa về tham nhũng.

 Ngọc Thoa
Theo Utro.ru// Tiền Phong
-----
Các tổ chức phản đối EU duy trì trợ cấp ngư nghiệp

Liên minh châu Âu (EU) đã nhất trí duy trì các khoản trợ cấp gây tranh cãi đối với lĩnh vực ngư nghiệp, làm dấy lên một sự phản ứng mạnh mẽ từ các tổ chức bảo vệ môi trường vì cho rằng điều này khuyến khích hoạt động đánh bắt quá mức vốn đã và đang làm cạn dần nguồn cá.

Trong khi đó, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo một hiệp ước về hạn ngạch đánh cá, theo đó giảm hạn ngạch đánh bắt đối với 47 loài mà cơ quan này cho rằng đã bị đánh bắt quá mức (tăng 16 loài so với trước đó).

Các khoản trợ cấp dùng để giúp ngư dân hiện đại hóa đội ngũ tàu thuyền hiện có hoặc sử dụng thay thế các tàu cũ và được các cường quốc đánh cá lớn như Pháp, Bồ Đào Nha, nhất là Tây Ban Nha, tích cực bảo vệ. Tuy vậy, các ý kiến chỉ trích cho rằng động thái trên làm tăng công suất đánh bắt vào thời điểm khi cần tập trung giảm lượng cá đánh bắt để giúp khôi phục nguồn cá.

Hồi tháng 6/2012, EU đã nhất trí một loạt biện pháp cải cách, trong đó có việc thiết lập Sản lượng Bền vững Tối đa (MSY) - lượng cá tối đa có thể đánh bắt mà không làm ảnh hưởng khả năng bảo tồn và duy trì lượng cá./.

Anh Quân (TTXVN)
------
Hơn 1.000 người Trung Quốc phản đối nhà máy ô nhiễm

Những người biểu tình Trung Quốc hôm qua đụng độ với cảnh sát và bị giải tán bằng hơi cay, khi họ tụ tập để phản đối kế hoạch mở rộng một nhà máy hóa dầu gây ô nhiễm.

BBC đưa tin đám đông trên đã tấn công cảnh sát và lật đổ các xe hơi tại thành phố Ninh Ba, tỉnh Chiết Giang, từ đêm 26/10, sau cuộc biểu tình dài một tuần nhằm phản đối nhà máy gây ô nhiễm, thuộc công ty con của tập đoàn Hóa dầu Trung Quốc.

Trong ngày hôm qua, lực lượng cảnh sát đã giải tán hơn 1.000 người biểu tình. Các nhân chứng cho biết một số cuộc ẩu đả xảy ra giữa hai bên và một số người bị bắt giữ sau đó.

Chính quyền quận Zhenhai, thành phố Ninh Ba, cho biết trong một thông báo rằng "một số" người đã làm gián đoạn giao thông bằng cách biểu tình ngồi. Cùng ngày, họ dự kiến tập trung biểu tình lần nữa nhưng bị cảnh sát ngăn chặn.

Cảnh sát cáo buộc những người biểu tình ném đá và gạch vào lực lượng này. Tuy nhiên, người dân lại tuyên bố rằng bạo lực chỉ xảy ra sau khi cảnh sát dùng hơi cay và bắt giữ một số người.

"Tôi cho rằng dự án công nghiệp và hóa chất này không tốt đẹp gì cho hệ thống sinh thái. Tôi nghĩ rằng họ không nên đánh đổi môi trường sống của chúng tôi để đạt được sự phát triển", một người biểu tình nói.

Các cuộc biểu tình liên quan đến vấn đề môi trường gần đây trở nên phổ biến tại nhiều nơi của Trung Quốc, khi sự trong sạch của môi trường bị xếp sau lợi nhuận. Chính quyền Zhenhai cho biết đề xuất mở rộng nhà máy trên đang được cân nhắc lại.

Anh Ngọc, VNexpress
-------
Đụng độ giữa cảnh sát và người biểu tình Nam Phi

Cảnh sát đã bắt giữ 7 người biểu tình sau khi họ dùng gậy gộc tấn công và ném đá về phía cảnh sát.

Ngày 27/10, cảnh sát đã bắn đạn cao su, hơi cay và lựu đạn gây choáng để giải tán đám đông thợ mỏ biểu tình ở Rustenburg, Nam Phi.
3.000 người lao động đã biểu tình đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc tại mỏ khai thác bạch kim Marikana, Nam Phi (Ảnh: RT)

Cảnh sát đã bắt giữ 7 người biểu tình sau khi những người này dùng gậy gộc tấn công và ném đá về phía cảnh sát.  Tuy nhiên, không có thương tích lớn nào được báo cáo trong cuộc biểu tình.

Trước đó, ngày 26/10, Công đoàn quốc gia thợ mỏ Nam Phi (NUM) của tập đoàn khai thác bạch kim lớn nhất thế giới Anglo American Platinum (Amplats) đã đồng ý thuê lại 12.000 thợ mỏ bị sa thải 3 tuần trước do tham gia cuộc đình công kéo dài trong nhiều tuần qua tại quốc gia này./.

Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
-------
Tháng 2/2013: Đảng Cộng sản LB Nga triệu tập Đại hội Đảng

Đảng Cộng sản LB Nga sẽ đấu tranh nhằm thông qua các đạo luật công bằng, vì các cuộc bầu cử trung thực...

Ngày 27/10, Hội nghị toàn thể Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) thông qua quyết định triệu tập Đại hội Đảng lần thứ 15 vào hai ngày 24 - 25/2/2013 tại thủ đô Moscow.       

Hội nghị đã ra Tuyên bố khẳng định một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đảng hiện nay là đấu tranh nhằm thông qua các đạo luật công bằng, vì các cuộc bầu cử trung thực và công bằng tại Liên bang Nga, đòi quốc hữu hóa các nguồn tài nguyên.

Tuyên bố nêu rõ Ủy ban Trung ương Đảng Cộng sản Liên bang Nga đã trở thành lực lượng đối lập chủ yếu tại Liên bang Nga và kết quả cuộc bầu cử chính quyền địa phương các cấp ngày 14/10 vừa qua đã xác nhận Đảng hiện nhận được sự ủng hộ của trên 25% cử tri Nga./.

Theo TTXVN
---------
Myamar: Đụng độ sắc tộc giữa người Hồi giáo và Phật tử

Cuộc đụng độ sắc tộc giữa người Hồi giáo Rohingya và Phật tử Rakhine ở phía Tây Myamar lại bùng phát suốt tuần qua.

Tình trạng bất ổn xảy ra tại nhiều thành phố ở bang Rakhine từ tháng 6, bao gồm cả thành phố thương mại quan trọng Kyaukpyu. Đây là khu vực Trung Quốc đầu tư hàng tỷ USD vào các dự án đường ống dẫn dầu khí từ Kyaukpyu, Vịnh Bengal đến các tỉnh miền Tây Trung Quốc.

Win Myaing, từ văn phòng thông tin của chính phủ, cho biết 56 người (trong đó có 31 phụ nữ) đã chết và 64 người bị thương hôm thứ 4, ngày 24/10. Bên cạnh đó 1.948 ngôi nhà và 8 cơ sở tôn giáo đã bị phá hủy.

Một người dân địa phương kể lại rằng bạo lực bắt đầu tại Kyauk Taw, làng Pike Thel bùng cháy, khoảng 20 ngôi nhà bị thiêu rụi, tiếng súng nổ ra ngay sau đó và ít nhất 3 người Rakhine đã bị bắn chết ngay tại chỗ.

Điều phối viên cơ quan thường trú và nhân đạo Liên Hiệp Quốc ở Myanmar Ashok Nigam cho biết, tổ chức này quan tâm sâu sắc đến cuộc đụng độ tại Rakhine và kêu gọi các bên bình tĩnh, chấm dứt việc sát hại người dân vô tội. Theo báo cáo hàng ngàn người phải rời bỏ nhà cửa và tìm đến các trại tị nạn đông đúc ở Sittwe.

Trước sự lên án của cộng đồng Quốc tế về các cuộc xung đột là chống lại lợi ích dân tộc, chính phủ Myamar cho biết cảnh sát, quân đội sẽ có những biện pháp để dập tắt bạo động, thiết lập lại trật tự, ổn định xã hội. Lệnh giới nghiêm đã được ban hành tại Minbya và Mrauk Oo, phía bắc Sittwe từ thứ hai.

Hương Giang (Theo Reuters, Bee)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te