TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tin nhanh 26-10-2012


 Việt Nam mong muốn ASEAN và Trung Quốc sớm khởi động đàm phán chính thức về COC

 Ngày 25-10, trong cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao tại Hà Nội, trả lời câu hỏi đề nghị cho biết bình luận của Việt Nam trước việc vừa qua In-đô-nê-xia đưa ra dự thảo Bộ Quy tắc ứng xử (COC), Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lương Thanh Nghị nêu rõ: “ASEAN đã và đang tiếp tục thúc đẩy việc tham vấn chính thức giữa ASEAN và Trung Quốc để xây dựng Bộ quy tắc ứng xử COC. Hiện tại, ASEAN đã hoàn tất tài liệu cơ sở về các thành tố COC đã được các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN thông qua hồi tháng 7-2012. Vừa qua, In-đô-nê-xi-a đã đưa đề nghị với nội dung cụ thể và chi tiết hơn các thành tố nêu trên. Các nước ASEAN sẽ tiếp tục bàn về các nội dung này. Việt Nam mong muốn ASEAN và Trung Quốc có thể sớm khởi động đàm phán chính thức về COC, góp phần đóng góp cho việc duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực”.

Tại cuộc họp báo, ông Lương Thanh Nghị cũng cho biết một số hoạt động đối ngoại chính trong thời gian tới, trong đó có chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Liên bang Nga Đ. Mét-vê-đép (D. Medvedev) vào đầu tháng 11. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao nhấn mạnh, đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện. Dự kiến, trong chuyến thăm này, hai bên sẽ thảo luận các phương hướng, biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Đoàn Ca// QĐND
-------
 WikiLeaks tiết lộ tài liệu về các nhà tù bí mật của Mỹ

Các tài liệu mô tả việc giam giữ tù nhân trong các nhà tù tại Iraq và vịnh Guantanamo thời điểm sau ngày 11/9/2001 của quân đội Mỹ.

Ngày 25/10, trang mạng WikiLeaks bắt đầu công bố hơn 100 tài liệu của Bộ Quốc phòng Mỹ, mô tả chi tiết các chính sách của quân đội nước này về việc giam giữ tù nhân trong các nhà tù tại Iraq và Vịnh Guantanamo vào thời điểm sau khi xảy ra các cuộc tấn công khủng bố vào nước Mỹ 11/9/2001.

Trong thông báo ra cùng ngày, WikiLeaks đã chỉ trích những quy định mập mờ mà trang web này cho rằng dẫn đến hành động tra tấn, ngược đãi mà không bị trừng phạt.

WikiLeaks kêu gọi các nhà hoạt động nhân quyền sử dụng những tài liệu này để nghiên cứu cái gọi là các "chính sách không thể giải thích nổi". Thông báo dẫn lời người sáng lập trang mạng WikiLeaks, ông Julian Assange nói rằng những chính sách giam cầm của quân đội càng cho thấy sự tàn bạo của Mỹ đối với tù nhân trong các nhà tù tối tăm, nơi mà luật pháp và quyền con người không được tôn trọng. Nó lại càng chứng tỏ sự thái quá của những ngày đầu của một cuộc chiến chống lại những kẻ thù giấu mặt và làm thế nào các chính sách này có thể được thông qua và triển khai.

Trang mạng WikiLeaks cho biết, một số trong những tài liệu sắp công khai có liên quan đến việc thẩm vấn tù nhân, thậm chí cả những hành động bạo lực tra tấn thể xác trực tiếp vốn bị luật pháp nghiêm cấm./.

Theo TTXVN
---------
Myanmar: Bạo lực sắc tộc bùng phát, 56 người chết

 Ít nhất 56 người thiệt mạng và gần 2.000 ngôi nhà bị phá hủy trong đợt bùng phát bạo lực sắc tộc mới nhất ở miền tây Myanmar, nhà chức trách nước này cho biết hôm 25/10.

Hai mươi lăm đàn ông và 31 phụ nữ được báo cáo đã thiệt mạng tại bốn thị trấn bang Rakhine trong các vụ bạo lực giữa cộng đồng Phật giáo Rakhine và Hồi giáo Rohingya vừa tái bùng phát hôm 21/10, ông Myaing Win, phát ngôn viên của chính quyền địa phương nói. Ông cho biết, khoảng 1.900 ngôi nhà đã bị đốt cháy trong các cuộc xung đột mới.

Tháng Sáu vừa qua, bạo lực sắc tộc nổ ra tại bang Rakhine khiến ít nhất 90 người thiệt mạng và hơn 3.000 ngôi nhà bị hư hại. Hàng chục ngàn người vẫn phải ở trong các trại tị nạn.

Ngày 25/10, LHQ đã kêu gọi bình tĩnh để ứng phó với tình trạng bạo lực mới. "LHQ quan tâm sâu sắc báo cáo về sự bùng phát trở lại của các xung đột địa phương ở một số khu vực tại bang Rakhine, sự việc đã làm nhiều người chết và đã buộc hàng ngàn người, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, phải rời bỏ nhà cửa của mình",

Điều phối viên cơ quan thường trú và nhân đạo LHQ ở Myanmar Ashok Nigam tuyên bố. Ông Nigam cho biết LHQ kêu gọi "tiếp cận ngay lập tức và vô điều kiện đến tất cả các cộng đồng, phù hợp với các nguyên tắc nhân đạo".

Báo cáo của LHQ cho biết một số lượng lớn những người chạy trốn làn sóng bạo lực mới đã tiếp tục đổ đến các trại tị nạn đã quá tải, nơi hiện nay đã là nơi tá túc của khoảng 75.000 người vô gia cư.

"Song song với hỗ trợ nhân đạo và các hành động ngắn hạn, cần hướng tới các giải pháp dài hạn để giải quyết nguyên nhân gốc rễ của cuộc xung đột", ông Nigam kêu gọi.

Tình trạng bất ổn ở khu vực xung đột hiện là tồi tệ nhất kể từ tháng Sáu, sau khi các cuộc đụng độ bùng phát do vụ ba người đàn ông Hồi giáo hiếp dâm và giết chết một phụ nữ theo đạo Phật cuối tháng 5/2012.

Căng thẳng vẫn còn sôi sục vì chính phủ Myanmar chưa đưa ra được giải pháp dài hạn nào cho cuộc khủng hoảng, ngoài việc cách ly hai cộng đồng ở một số khu vực.

VIỆT HƯNG (Theo AP, PNO)
---------
 Nga ngăn chặn một âm mưu khủng bố lớn

Ngày 25-10, Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) thông báo đã ngăn chặn kịp thời một âm mưu thực hiện vụ tấn công khủng bố lớn ở nước cộng hòa tự trị Ta-ta-rơ-xtan thuộc Liên bang Nga trong dịp lễ của người Hồi giáo. Nhóm điều tra của FSB cùng với các nhân viên an ninh nước cộng hòa này đã truy tìm 2 thành viên một nhóm khủng bố đang bị truy nã liên bang là Rô-bớt Va-le-ép (Robert Valeev) và Ru-xlan Ca-sa-pốp (Ruslan Kashapov). Trong quá trình điều tra, lực lượng an ninh nhận được thông tin về việc các thành viên của tổ chức này đang chuẩn bị thực hiện một vụ tấn công khủng bố lớn ở khu vực vào ngày 26-10 tại các địa điểm tập trung đông người trong thời gian diễn ra lễ linh thiêng của người Hồi giáo. Cơ quan an ninh đã tiêu diệt 3 tên khủng bố, tìm thấy vũ khí và đạn dược chuẩn bị đem đi sử dụng.

TTXVN, QĐND
--------
Thủ tướng Thái Lan xác nhận việc cải tổ nội các

Ngày 25/10, Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra đã xác nhận việc bà đệ trình danh sách cải tổ nội các lần thứ ba để chờ Hoàng gia phê chuẩn, trong khi bác bỏ bất cứ sự liên quan nào của cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra trong quyết định cải tổ này.

Bà Yingluck giải thích bà quyết định thay đổi nội các sau khi Phó Thủ tướng Yongyuth Wichaidit và Bộ trưởng Nông nghiệp Theera Wongsamut đệ đơn từ chức sáng 25/10 vì lý do sức khỏe.

Theo bà Yingluck, cuộc cải tổ lần này nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động của nội các chứ không nhằm tránh cuộc điều trần bất tín nhiệm của phe đối lập.

Bà Yingluck tỏ ra hài lòng với danh sách nội các mới và khẳng định điều này không có nghĩa là những người phải ra đi không có đủ khả năng.

Bà Yingluck cũng bác bỏ những đồn đoán rằng cựu Thủ tướng Thaksin "nhúng tay" vào kế hoạch cải tổ này và khẳng định việc thay đổi nội các là do tự bà quyết định./.

(Vietnam+)
----------
Singapore ủng hộ dự thảo COC do Indonesia đề xuất

Tại cuộc gặp song phương với Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa ở thành phố Yogyakarta ngày 24/10, Ngoại trưởng Singapore Kasiviswanathan Shanmugam đã tuyên bố Singapore ủng hộ ự thảo Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) do Indonesia đề xuất.

Ngoại trưởng Shanmugam nêu rõ bản dự thảo Bộ Quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC) do Indonesia đề xuất và chuyển cho các ngoại trưởng ASEAN bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc vừa qua là một bước khởi đầu tốt đẹp, một khuôn khổ rất hữu ích, thể hiện nhiều nỗ lực của cá nhân ông Natalegawa và Indonesia nói chung đối với việc giải quyết hoà bình các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.

Theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, Ngoại trưởng Indonesia Marty Natalegawa khẳng định “Indonesia muốn tạo động lực, nhưng không thể áp đặt ý kiến lên các nước khác.” Dự thảo COC cần tiếp tục được thảo luận và hoàn thiện. Các quan chức cấp cao của ASEAN và Trung Quốc sẽ tiến hành cuộc họp dự kiến vào ngày 29/10 tới tại Thái Lan để nếu ý kiến về dự thảo của Indonesia.

Hai Ngoại trưởng Singapore và Indonesia  cũng thảo luận về thực trạng và định hướng tăng cường quan hệ giữa hai nước thời gian tới, nhất là về đầu tư, thương mại và du lịch.

Theo ông Natalegawa, Singapore là nước có tổng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn nhất tại Indonesia, xếp trên cả Trung Quốc và Nhật Bản. Năm 2011, FDI từ “Quốc đảo sư tử” đổ vào Indonesia đạt 5,1 tỷ USD, và trong 9 tháng đầu năm nay đạt 3,6 tỷ USD. Dự kiến trong cả năm 2012 con số này sẽ vượt hoặc tương đương năm 2011.

Ngoại trưởng Indonesia đánh giá trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu, con số 3,6 tỷ USD như vậy là rất lớn. Hai Ngoại trưởng cũng nhất trí phát huy tối đa tiềm năng trao đổi thương mại ba bên Indonesia-Singapore-Malaysia.

Hai bên cũng nhất trí tạo điều kiện cho hoạt động xúc tiến du lịch nhằm phát huy nguồn lợi đáng kể từ hàng triệu lượt khách quốc tế đến thăm Indonesia và Singapore mỗi năm. Theo đó, các tàu du lịch biển thăm Singapore cũng sẽ tới các điểm đến ở miền Tây Indonesia, như tuyến Batam-Bintan-Karimuan.

Ngoại trưởng Indonesia cho biết Tổng thống Singapore Tony Tan Keng Yam sẽ thăm Indonesia trong tháng 11 tới./.

(TTXVN)
--------
Nhật-Nga nhất trí tăng cường giao lưu về quân sự

Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Satoshi Morimoto và Thư ký Hội đồng an ninh Nga Nikolai Patrushev ngày 25/10 đã nhất trí thúc đẩy giao lưu giữa Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và các lực lượng vũ trang Nga.

Trong cuộc gặp tại Tokyo, ông Morimoto nhận định tình hình an ninh Đông Á vẫn căng thẳng sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc năm 1989, đồng thời giải thích về sự hợp tác quốc phòng của Nhật Bản với Mỹ dựa trên hiệp ước an ninh song phương.

Ông Patrushev cho rằng Nhật Bản là nước láng giềng quan trọng của Nga và việc cùng phân tích tình hình an ninh khu vực có lợi cho cả hai bên.

Trước đó, hôm 24/10, ông Patrushev đã gặp Thủ tướng Yoshihiko Noda và hai bên đã nhất trí tăng cường lòng tin lẫn nhau và hợp tác trong các vấn đề an ninh./.

(Vietnam+)
---------
Thủ tướng Nga Medvedev thăm Việt Nam vào 6-7/11

Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao ngày 25/10, người phát ngôn Lương Thanh Nghị đã cho biết một số hoạt động đối ngoại chính trong thời gian tới, trong đó đáng chú ý là chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Liên bang Nga Dimitry Anatolyevich Medvedev từ ngày 6-7/11/2012.

Đây là chuyến thăm có ý nghĩa hết sức quan trọng trong bối cảnh hai nước vừa nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược toàn diện.

Dự kiến, trong chuyến thăm này, hai bên sẽ thảo luận các phương hướng, biện pháp tăng cường hơn nữa quan hệ hai nước trong thời gian tới cũng như trao đổi các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.

Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev sinh ngày 14/9/1965, đã từng đảm nhiệm cương vị Tổng thống Nga từ năm 2008 đến năm 2012.

Tháng 5/2012, ông Medvedev đã được Tổng thống mới đắc cử Vladimir Putin bổ nhiệm làm người đứng đầu chính phủ./.

(TTXVN)
-------
Đuổi tàu cá Trung Quốc, tàu Triều Tiên lấn sang biển Hàn Quốc

 Hãng thông tấn Yonhap dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết một tàu tuần tra Triều Tiên đã xâm phạm lãnh hải Hàn Quốc trưa 25-10 nhưng lập tức rút về sau khi nhận được cảnh báo.
"Một tàu tuần tra của Triều Tiên vượt qua giới tuyến phía bắc lúc 11 giờ và tiến vào trong lãnh hải phía đông đảo Baengnyeong của Hàn Quốc khoảng 0,36 km  trong lúc truy đuổi các tàu cá Trung Quốc đánh bắt trái phép tại khu vực này" - Yonhap dẫn nguồn tin trên tiết lộ.
 
Tuy nhiên, tàu của Triều Tiên đã nhanh chóng rút đi lúc 11 giờ 7 phút, ngay sau khi quân đội Hàn Quốc phát tín hiệu cảnh báo. Sự việc này được phía Hàn Quốc nhận định là "tình cờ".
 
Khoảng 70 tàu cá của Trung Quốc đang đánh bắt gần khu vực hải giới liên Triều trên biển Hoàng Hải.
 
Cùng ngày 25-10, Hàn Quốc bắt đầu cuộc tập trận thường niên quy mô lớn Hoguk nhằm đối phó với các mối đe dọa từ Triều Tiên. Kéo dài một tuần, Hoguk có sự tham gia của 240.000 binh lính hải, lục, không quân và lực lượng lính thủy đánh bộ cùng các sĩ quan cảnh sát. Ngoài ra, 500 lính Mỹ cũng tham gia.
 
Cuộc tập trận này bị Triều Tiên lên án là “chẳng khác nào chiến tranh xâm lược”.
Bằng Vy (Theo Yonhap, NLĐ)
---------
TQ tăng lực lượng tàu hải giám đến đảo tranh chấp

Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản khu vực 11 (thành phố Naha) sáng 25/10 thông báo lúc 7 giờ 32 phút lại có thêm một tàu hải giám của Trung Quốc xâm nhập lãnh hải Nhật Bản.

Như vậy, hiện có bốn tàu hải giám đang hiện diện tại vùng biển cách đảo Minamikojima 22km về phía Nam Đông Nam. Đây là một trong năm đảo lớn thuộc quần đảo Senkaku/Điếu Ngư do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền,.

Trước đó, vào hồi 6 giờ 28’ đến 6 giờ 36’, ba tàu hải giám đầu tiên đã đi vào vùng lãnh hải Nhật Bản.

Tàu tuần tra của Lực lượng bảo vệ bờ biển Nhật Bản (JCG) đã phát tín hiệu yêu cầu các tàu trên “ra khỏi lãnh hải”. Đáp lại, một trong các tàu hải giám Trung Quốc phát tín hiệu tuyên bố: “Vùng biển này là lãnh hải của Trung Quốc”.

JCG cũng xác nhận vào khoảng 7 giờ 30 phút sáng, có thêm hai tàu ngư chính của Trung Quốc đi vào vùng tiếp giáp lãnh hải gần đảo Kubajima thuộc Senkaku.

Chính phủ Nhật Bản đã phản đối mạnh mẽ qua kênh ngoại giao sau khi ba tàu hải giám Trung Quốc xâm phạm lãnh hải. Thứ trưởng ngoại giao Chikao Kawai đã kháng nghị với Đại sứ Trung Quốc Trình Vĩnh Hoa qua điện đàm, yêu cầu Bắc Kinh rút ngay các tàu hải giám ra khỏi lãnh hải Nhật Bản.

Theo JCG, đây là lần đầu tiên tàu Trung Quốc xâm phạm lãnh hải Nhật Bản trong ba tuần qua./.

(Vietnam+)
--------
Yếu tố nào ảnh hưởng đến giá dầu thế giới?

 Theo các chuyên gia, về trung hạn, giá dầu thô thế giới có thể phụ thuộc vào hai yếu tố là quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ- Syria và vấn đề hạt nhân của Iran.

Thứ nhất, các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) nghĩ rằng Iran đang tăng cường khả năng làm giàu urani của họ và có thể sản xuất ra bom hạt nhân. Hiện nay, có nhiều khả năng rằng một cuộc tấn công nhằm vào các cơ sở hạt nhân của Iran đang được thảo luận.

Nhưng điểm "trục trặc" trong phương án này là cuộc bầu cử tổng thống Mỹ đang tới gần. Rõ ràng là Israel sẽ không táo bạo đến mức tự mình tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran mà không được sự đồng ý của Mỹ.

Một khi Tổng thống Mỹ đang được bầu vào phòng Bầu dục cho một nhiệm kỳ mới, sự nhạy bén chính trị bình thường cho thấy sẽ không có điều gì xảy ra, không có cuộc tấn công Iran nào được thực hiện bởi vì một sáng kiến như vậy có thể tác động mạnh đến công luận Mỹ, một điều phải tránh trong thời gian bầu cử. Ngay cả Thủ tướng Anh David Cameron cũng cho rằng việc tấn công Iran sẽ khó thành công, một khi Iran có thể thoát khỏi cuộc tấn công với hình ảnh một nạn nhân.

Tình hình hiện nay có một số hậu quả nghiêm trọng liên quan đến giá dầu thô. Do tình hình Trung Đông không ổn định, các ứng cử viên Tổng thống Mỹ, đặc biệt là ứng cử viên đảng Cộng hòa Mitt Romney, có thể đưa ra những phát biểu khó chịu về sự bất ổn tại Trung Đông. Và ông Romney đang làm như vậy. Những phát biểu của ông Romney có thể dẫn đến phản ứng của Tổng thống đương nhiệm và phản ứng này có thể được giá dầu giao sau coi là những tín hiệu bất ổn. Về bản chất, giá dầu giao sau luôn biến động.

Thứ hai, các quan hệ Thổ Nhĩ Kỳ và Syria đang ngày càng xấu đi. Thổ Nhĩ Kỳ đang tự tin tấn công qua biên giới Syria dựa trên hai tính toán.

Một là Syria đang sa lầy trong một cuộc nội chiến, do vậy Tổng thống Bashar al Assad không thể quá hung hăng do ông này đang bận rộn và đau đầu với tình hình trong nước.

Thứ hai, Thổ Nhĩ Kỳ, không giống Syria, có sự hỗ trợ của NATO. Nếu Syria quyết định tấn công, NATO có thể can thiệp. Yếu tố này đã khiến Thổ Nhĩ Kỳ có đủ dũng cảm để buộc một máy bay dân dụng của Syria từ Nga phải hạ cánh với lý do nghi ngờ chiếc máy bay này chở đạn. Giờ đây, Syria không thể tỏ ra yếu kém khi bị Thổ Nhĩ Kỳ tấn công và để duy trì cơ sở ủng hộ, ông Assad sẽ tiếp tục các cuộc phản công.

Một yếu tố nữa là Thổ Nhĩ Kỳ cũng không muốn có một cuộc tấn công tổng lực với Syria bởi vì điều này có thể giúp Tổng thống Al Assad tập hợp toàn bộ sự ủng hộ trong nước và giúp ông ta "kết bạn" với phe phiến quân hiện nay để cùng chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, kẻ ngoại xâm. Đây là hậu quả xấu nhất của một cuộc chiến tranh với Syria mà Thổ Nhĩ Kỳ đang quan ngại.

Tình trạng nửa chiến tranh này cũng gây ra tình trạng bất ổn và nguy cơ xung đột leo thang đang khiến giá dầu thô biến động hơn. Thêm vào đó, giá dầu cũng đang bị ảnh hưởng bởi những dữ liệu được công bố hàng tuần về các nền kinh tế bao gồm khu vực đồng euro, Trung Quốc và Mỹ./.

Mai Hằng// CP
---------
Australia kêu gọi duy trì ổn định ở Biển Đông

Phát biểu tại cuộc hội kiến với Tổng thống Philippines đang ở thăm Australia, Thủ tướng Julia Gillard kêu gọi tất cả các nước đang tranh chấp chủ quyền trên Biển Đông tránh các hành động gây căng thẳng.

Thủ tướng Julia Gillard đồng thời khẳng định Australia không đứng về bất kỳ bên nào trong cuộc tranh chấp này. Trong chuyến công du Australia đầu tiên của mình, Tổng thống Aquino hy vọng nâng cấp quan hệ đối tác song phương lên hàng chiến lược, tương tự như giữa Manila với Washington và Tokyo.

Vấn đề Biển Đông giữ một vị trí quan trọng trong chương trình nghị sự Australia-Philippines,  trong bối cảnh quan hệ Philippines-Trung Quốc vừa trải qua sóng gió trên vấn đề tranh chấp chủ quyền bãi đá ngầm Scarborough.

Trung Quốc tuyên bố chủ quyền trên gần như toàn bộ Biển Đông, kể cả tại các khu vực gần bờ biển của các nước lân cận, trong đó có bãi đá ngầm Scarborough mà Philippines tuyên bố chủ quyền vì nằm trong phạm vi vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý của nước này. Căng thẳng song phương leo thang hồi đầu năm nay khi tàu của hai nước đối đầu tại khu vực tranh chấp.

Theo báo chí Australia, trong cuộc hội kiến ngày 24/10, Thủ tướng Gillard nói với Tổng thống Aquino rằng nước Canberra không bênh vực bên nào trong cuộc tranh chấp biển đảo giữa Philippines và Trung Quốc. Thế nhưng, bà Gillard kêu gọi tất cả các chính phủ làm rõ các tuyên bố chủ quyền của mình và theo đuổi các đòi hỏi lãnh thổ trên tinh thần tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển (UNCLOS)..

Trong một bản tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã đồng ý là các chính phủ có liên can cần phải tự kiềm chế và tránh các hành động có thể làm tăng thêm căng thẳng. Hai nhà lãnh đạo cũng khuyến khích các nước ASEAN và Trung Quốc sớm ký kết một bộ quy tắc ứng xử tại vùng Biển Đông.

Theo RFI, ĐVO
-------
Thế giới muốn Tổng thống Mỹ là ông Barack Obama

Hầu hết người dân trên thế giới ủng hộ ông Barack Obama làm Tổng thống Mỹ chứ không phải ông Mitt Romney.

Cuộc thăm dò mới đây của Hãng tin BBC tiến hành cho thấy, trung bình 50% số người được hỏi ủng hộ ông Obama, trong khi đối thủ Mitt Romney chỉ nhận được 9%. Pakistan là nước duy nhất trong số 21 nước được điều tra nói rằng muốn thấy ông Romney giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11.

Khảo sát của BBC do Tổ chức GlobeScan/PIPA tiến hành từ ngày 3.7 đến 3.9, trước khi diễn ra các cuộc tranh luận trên truyền hình giữa hai ứng viên tổng thống.

Pháp ủng hộ Obama mạnh nhất, với 72% số phiếu. Gần 22.000 người Pháp tham gia cuộc điều tra này.

Thủ tướng Pháp Jean Marc Ayrault phá vỡ các nghi thức ngoại giao khi công khai bày tỏ hy vọng ông Obama sẽ chiến thắng. "Nếu tôi là công dân Mỹ, tôi sẽ không ngần ngại mà bỏ phiếu cho Obama" - ông Ayrault phát biểu trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh hôm qua (24.10).

Không có gì ngạc nhiên vì ông Ayrault- người thuộc Đảng Xã hội Pháp- ủng hộ ứng viên của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử Mỹ, song thông thường sự thận trọng khiến các chính trị gia không đưa ra những lời tuyên bố thẳng thừng như vậy, tránh trường hợp rốt cục họ lại phải "làm thân" với những đối thủ từ Đảng Cộng hòa.

Tuy nhiên, ông Ayrault không là người duy nhất công khai ủng hộ Obama trong cuộc chiến một mất một còn với Romney.

Trước đó- hôm 23.10, ông Bernard Cazeneuve- Bộ trưởng các Vấn đề Châu Âu- cũng nói: "Về phần tôi, tôi hoàn toàn ủng hộ ông Obama tái đắc cử và tôi sẽ vô cùng ngạc nhiên nếu chính phủ có bất cứ mong muốn nào khác".

Tổng thống Pháp Francois Hollande dè dặt và ít rõ ràng hơn khi trả lời câu hỏi sẽ ủng hộ ông Obama hay ông Romney. Thay vì nói thẳng, ông đáp bằng một câu hỏi tu từ: "Vậy bạn nghĩ tôi sẽ ủng hộ ai?".

Theo CNA , LĐ
--------------
Đại diện cấp cao của EU hội đàm với lãnh đạo Israel

AFP đưa tin, ngày 24/10, Đại diện cấp cao phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Catherine Ashton đã hội đàm với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và các quan chức cấp cao khác, trong bối cảnh xảy ra hàng loạt vụ bắn rốckét từ Dải Gaza vào miền Nam Israel và các cuộc không kích tiêu diệt bốn người Palestine có vũ trang.

Giới chức EU cho biết bà Ashton đã cũng gặp Ngoại trưởng Israel Avigdor Lieberman vào đầu giờ chiều 24/10 trước khi hội đàm với Thủ tướng Netanyahu, song Bộ trưởng Quốc phòng nước chủ nhà Ehud Barak đã hủy cuộc họp dự kiến với bà Ashton về tình hình bất ổn kéo dài ở Dải Gaza.

Phát biểu trên đài phát thanh công cộng sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Lieberman cho biết ông đã nói với bà Ashton rằng tiến trình hòa bình Palestine - Israel đang hoàn toàn bị Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas cản trở.

Dự kiến, bà Ashton sẽ gặp Thủ tướng Palestine Salam Fayyad vào tối 24/10, tiếp sau đó sẽ hội đàm với Tổng thống Abbas vào ngày 25/10. Chuyến công du khu vực này của bà Ashton cũng bao gồm hai điểm đến là Jordan và Lebanon./.

(Vietnam+)
-----
Mỹ, Hàn sẽ “không tha thứ” nếu Triều Tiên gây hấn

Ngày 24/10, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta và người đồng cấp Hàn Quốc Kim Kwan Jin đã tái khẳng định hợp tác để đối phó với mối đe dọa an ninh từ Triều Tiên.
 
Phát biểu trong buổi họp báo chung sau cuộc gặp tại Lầu Năm Góc, ông Panetta cho hay: "Triều Tiên vẫn là mối đe dọa nghiêm trọng với cả hai nước chúng tôi cũng như với an ninh toàn cầu."
 
Ông Panetta nói rằng cuộc thảo luận phần nhiều tập trung vào Triều Tiên và khẳng định các hành động gây hấn của Bình Nhưỡng "sẽ không được tha thứ."
 
Trong khi đó, ông Kim Kwan Jin cho biết Triều Tiên vẫn đang chuẩn bị cho vụ thử hạt nhân thứ ba và khi đến "thời điểm cần đưa ra quyết định chính trị, Bình Nhưỡng sẽ dùng đến" vụ thử hạt nhân này.
 
Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc hội đàm, ông Panetta và ông Kim tái khẳng định rằng Triều Tiên nên tuân thủ các nghĩa vụ quốc tế về giải trừ hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên.
 
Hai ông dường như cũng đã thảo luận về vấn đề nâng tầm bắn cho tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc, từ 300 lên 800 km, để đối phó với đe dọa an ninh từ Bình Nhưỡng./.

(Vietnam+)

 

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te