Tổng thư ký APFIC: Lo ngại về tranh chấp trên biển Đông
Phiên họp toàn thể lần thứ 32 của Ủy ban Nghề cá châu Á - Thái Bình Dương (APFIC) do Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn VN đăng cai khai mạc sáng 20-9 tại Đà Nẵng. 60 đại diện đến từ 21 quốc gia thành viên APFIC và các tổ chức quốc tế trong khu vực đã bàn về các vấn đề liên quan tới quản lý, khai thác và nuôi trồng thủy sản ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Liên quan đến các vấn đề biển Đông, ông Simon Funge Smith - tổng thư ký APFIC - chia sẻ: “Vấn đề tranh chấp tại biển Đông đang ảnh hưởng đến tính bền vững của hoạt động nghề cá. Đây là vấn đề về lịch sử kéo dài. Chúng tôi rất lo ngại về những tranh chấp này. Hiện nay do tranh chấp, các nước liên quan đã tăng cường sự hiện diện của mình tại khu vực bằng việc tập trung số lượng lớn tàu cá hoạt động, ảnh hưởng đến tính bền vững của nguồn lợi thủy sản trong khu vực và hoạt động nghề cá”.
HỮU KHÁ/ Tuổi Trẻ
------------------------
Trung Quốc sẽ tăng cường tuần tra trên Biển Đông, Hoa Đông
Viên Cục phó Cục Hải dương Trung Quốc nhấn mạnh kế hoạch tăng cường tuần tra trên các vùng biển tranh chấp (Biển Đông, Hoa Đông) mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (phi lý, phi pháp - PV)
Đài NHK của Nhật Bản ngày 20/9 dẫn lời Tân Hoa Xã cho hay, Phó cục trưởng Cục Hải dương Nhà nước Trung Quốc Trần Liên Tăng trong một hội nghị ở Bắc Kinh ngày hôm qua đã tuyên bố rằng cơ quan này sẽ tăng cường hoạt động của tàu tuần tra tại các vùng biển xung quanh nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư trên biển Hoa Đông.
Trần Liên Tăng nhấn mạnh, "cuộc đấu tranh bảo vệ chủ quyền của Trung Quốc" đối với nhóm đảo đó và đảm bảo các lợi ích hàng hải của nước này là một trận chiến lâu dài, "cuộc đấu tranh" này còn nhiều khó khăn và Trung Quốc phải sẵn sàng đối mặt với những khó khăn đó.
Viên Cục phó Cục Hải dương Trung Quốc nhấn mạnh kế hoạch tăng cường tuần tra trên các vùng biển tranh chấp (Biển Đông, Hoa Đông) mà Trung Quốc tuyên bố chủ quyền (phi lý, phi pháp - PV) của nước này đối với các hòn đảo trong nhóm đảo đó.
Đồng thời Trung Quốc cũng đang tăng cường thực hiện chiến dịch ngoại giao nhắm vào các quốc gia hiện đang có tranh chấp lãnh thổ với nước này.
Ngày hôm qua, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã tuyên bố với kiều dân Trung Quốc ở Brussels, Bỉ rằng Trung Quốc sẽ không hề nhượng bộ dù chỉ một tấc chủ quyền.
Trước đó hôm thứ Tư, Chu Vĩnh Khang trở thành Ủy viên Thường vụ Bộ chính trị ĐCSTQ thứ 6 lên tiếng về Senkaku/Điếu Ngư. Trong buổi tiếp Phó thủ tướng Nepal ở Bắc Kinh, Chu Vĩnh Khang phát biểu rằng hành động mua đảo của chính phủ Nhật Bản là vi phạm nghiêm trọng chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc.
Bảo Thành (Nguồn: NHK, GDVN)
-------------
Thủ tướng Nhật “tính toán sai” về phản ứng của Trung Quốc
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda thừa nhận ông đã tính toán sai về phản ứng của Trung Quốc trước quyết định quốc hữu hóa quần đảo Senkaku/Điếu Ngư tranh chấp giữa hai nước.
Trong cuộc phỏng vấn với đài Asahi TV vào hôm 20.9, ông Noda cam kết sẽ “tăng cường thông tin” về tranh chấp.
“Tôi biết việc quốc hữu hóa sẽ gây ra phản ứng và căng thẳng ở một chừng mực nào đó song quy mô của nó lớn hơn dự kiến”, ông Noda nói.
Tờ South Chima Morning Post dẫn lời các chuyên gia Trung Quốc nhận xét Nhật chịu áp lực phải giảm nhiệt sau chuyến thăm của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta trong tuần này.
Ông Liêm Đức Côi, chuyên gia về Nhật tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Thượng Hải, nói: “Ông Noda có vẻ như hạ giọng, vì ông Panetta đã gây áp lực buộc ông không được gây thêm căng thẳng”.
Tuy nhiên, vào hôm qua, 20.9, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo nói Bắc Kinh sẽ không nhượng bộ.
Ông Ôn phát biểu trước cộng đồng người Trung Quốc tại Bỉ trong chuyến thăm nước này: “Việc mua quần đảo Điếu Ngư là trò hề của Nhật về những vấn đề quan trọng như chủ quyền lãnh thổ, chúng ta sẽ kiên quyết và không nhượng bộ”.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Koichiro Gemba cho biết ông Noda có thể đề cập đến tranh chấp giữa Nhật và Trung Quốc trong bài diễn văn trước Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc vào cuối tháng này.
Ông Noda dự kiến tuyên bố Nhật sẽ hành động theo khuôn khổ luật lệ quốc tế trong tranh chấp chủ quyền sau khi các công ty nước này ở Trung Quốc bị đập phá trong một tuần lễ biểu tình chống Nhật, theo hãng Jiji.
Sơn Duân// Thanh Niên
-----------------
Diễn đàn đối thoại công chúng ASEAN - EU
Diễn đàn này nằm trong chuỗi các diễn đàn tương tự được EU tài trợ tổ chức tại một số nước ASEAN.
Ngày 21/9, tại Hà Nội, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Liên minh châu Âu (EU) thông qua Chương trình Tăng cường năng lực đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) cho ASEAN, đã tổ chức Diễn đàn đối thoại công chúng với chủ đề hội nhập kinh tế ASEAN-EU.
Diễn đàn lần này là một trong chuỗi các diễn đàn tương tự được EU tài trợ tổ chức tại một số nước ASEAN trong năm 2012 và 2013.
Bên cạnh các quan chức chính phủ Việt Nam và các nước thành viên ASEAN khác, Diễn đàn Hà Nội thu hút sự tham dự của đại diện từ khu vực tư nhân, các viện nghiên cứu, các tổ chức xã hội dân sự và các tổ chức công đoàn.
Tại Diễn đàn, các đại biểu đã chia sẻ những quan ngại và kỳ vọng về quan hệ Việt Nam-EU trước vòng đàm phán FTA song phương đầu tiên giữa hai bên, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 10 năm nay.
Diễn đàn cũng đã thảo luận một số vấn đề liên quan đến cải cách quản lý, nhân tố cần thiết để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế dài hạn đối với Việt Nam và ASEAN, cũng như khu vực Đông Nam Á nhằm thu được lợi ích kinh tế toàn diện thông qua trao đổi thương mại và đầu tư với EU./.
Thu Hiền/VOV-Trung tâm tin
----------------------
Mỹ đề cao Indonesia trong duy trì ổn định tại châu Á - TBD
Ngày 20/9, tại Cuộc họp thường niên lần thứ ba của Ủy ban hỗn hợp Mỹ -Indonesia (Inđônêxia) diễn ra tại trụ sở Bộ Ngoại giao Mỹ ở thủ đô Washington (Oasinhtơn), Ngoại trưởng Mỹ Hilary Clinton bày tỏ hy vọng Indonesia sẽ là "hòn đá tảng" duy trì sự ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phát biểu tại cuộc họp với người đồng cấp Marty Natalegawa, Ngoại trưởng Clinton đồng thời đánh giá cao và tuyên bố ủng hộ "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông" (ASEAN - Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á), được ASEAN công bố hồi tháng Bảy vừa qua, coi đây là nhân tố giảm căng thẳng cũng như mở đường cho một bộ quy tắc ứng xử toàn diện giúp giải quyết những tranh chấp trong khu vực một cách hòa bình.
Người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ đồng thời khẳng định một trong những mối quan tâm hàng đầu của Mỹ là thúc đẩy hòa bình và ổn định tại khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Trước đó, 10 nước thành viên ASEAN đã công bố "Nguyên tắc 6 điểm của ASEAN về vấn đề Biển Đông", trong đó tái khẳng định các cam kết chính như thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), hoàn toàn tôn trọng các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế và giải quyết hòa bình các tranh chấp, phù hợp với các nguyên tắc đã được thừa nhận của luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS).
Mỹ có kế hoạch bán 8 máy bay trực thăng AH-64/D Apache cho Indonesia. Thương vụ này sẽ củng cố mối quan hệ đối tác toàn diện Mỹ - Indonesia và tăng cường nỗ lực duy trì an ninh ở Đông Nam Á.
TTXVN/Tin tức
----------------
Cuba hối thúc Mỹ dỡ bỏ cấm vận
Ngoại trưởng Cuba cho rằng Tổng thống Mỹ Obama đã không giữ lời hứa trong một số vấn đề của Cuba.
Ngày 20/9, Cuba kêu gọi Mỹ chấm dứt lệnh cấm vận kinh tế và thương mại kéo dài hàng chục năm qua chống Cuba và cho rằng việc dỡ bỏ cấm vận sẽ mang lại lợi ích cho cả hai nước. Lời kêu gọi được đưa ra trong bối cảnh Đại hội đồng Liên Hợp Quốc khóa 67 đang diễn ra tại New York, Mỹ, sẽ thông qua nghị quyết lên án lệnh cấm vận của Mỹ đối với Cuba.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở La Habana, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez nhắc lại rằng, chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama vẫn tiếp tục tăng cường các biện pháp cấm vận Cuba, mặc dù có nởi lóng một số hạn chế trong lĩnh vực du lịch: “Tổng thống Mỹ Obama đã cam kết sẽ thay đổi chính sách đối với Cuba. Ông ấy cũng đã hứa sẽ thực hiện chính sách mang tính xây dựng đối với khu vực Mỹ Latinh và Caribe, thiết lập quan hệ đối tác bình đẳng với các nước trong khu vực. Thế nhưng, đối với vấn đề của Cuba, cũng như các vấn đề khác của khu vực Mỹ Latinh, ông Obama đã không thực hiện những gì mà ông ấy nói. Tôi nhắc lại rằng, chính quyền của ông Obama đã áp dụng nhiều biện pháp mới cấm vận Cuba, nhất là trong lĩnh vực tài chính”.
Ngoại trưởng Cuba cũng phản đối việc Mỹ liệt Cuba vào danh sách các quốc gia tài trợ cho khủng bố, cho rằng đây là cách để Mỹ tăng cường biện pháp cấm vận tài chính chống Cuba.
Trong 20 năm, bắt đầu từ ngày 24/11/1992, Đại hội đồng Liên Hợp Quốc đã liên tục chỉ trích lệnh cấm vận chống Cuba, đồng thời yêu cầu Mỹ dỡ bỏ lệnh này. Năm 2011, Nghị quyết lên án lệnh cấm vận chống Cuba của Mỹ được Đại hội đồng thông qua với 186 phiếu tán thành, 2 phiếu phản đối và 3 phiếu trắng. Tuy nhiên, Mỹ vẫn từ chối thực hiện nghị quyết này./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
--------------
Nhật tính đem tranh chấp đảo ra Liên hợp quốc
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda có thể đưa tranh chấp biển đảo với Trung Quốc vào bài phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc tại New York cuối tháng này.
Các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới sẽ nhóm họp tại trụ sở Liên hợp quốc vào thứ ba tới, để nói về các nguyên tắc luật pháp.
Hãng tin JiJi của Nhật dẫn lời Ngoại trưởng Koichiro Gemba cho hay ông Noda dự kiến tuyên bố rằng Nhật Bản sẽ hành động trong vấn đề tranh chấp chủ quyền đảo theo luật pháp quốc tế, sau khi các công ty Nhật ở Trung Quốc bị tấn công trong những cuộc biểu tình tuần qua.
Chính phủ Nhật cũng đang cân nhắc cách giải quyết tranh chấp đảo Takeshima/Dokdo với Hàn Quốc.
Lường trước các phản ứng giận dữ của Trung Quốc và Hàn Quốc nếu Nhật đưa vấn đề các quần đảo ra Liên hợp quốc, chính phủ Nhật đang cân nhắc lợi hại xem liệu có đề cập đích danh các tranh chấp này hay không.
Trong khi đó, chiều qua các lực lượng Nhật Bản quan sát thấy 10 tàu của Trung Quốc tại vùng nước quanh quần đảo tranh chấp Senkaku/ Điếu Ngư, theo Japan Times. Kể từ hôm thứ ba, có tổng cộng 16 tàu Trung Quốc, gồm 10 hải giám và 6 ngư chính lượn xung quanh vùng nước của quần đảo mà Nhật Bản kiểm soát trên thực tế.
Các tàu thuộc lực lượng cảnh sát và tuần duyên Nhật được đặt trong tình trạng báo động cao, trước sự hiện diện của các tàu Trung Quốc. Hôm qua một tờ báo Nhật và một số báo Trung Quốc nói rằng có sự hiện diện của tàu hải quân Trung Quốc tại khu vực, nhưng không dẫn nguồn tin cụ thể nào.
Chính phủ Nhật đã yêu cầu Bắc Kinh bồi thường các thiệt hại mà người biểu tình gây ra cho các cơ sở ngoại giao của Tokyo tại Trung Quốc. Thiệt hại của các doanh nghiệp Nhật do bị đập phá sẽ được xem xét trên cơ sở luật pháp nước sở tại.
Thanh Mai// VNexpress
---------------
TQ-EU phát triển các kế hoạch buôn bán khí thải
Theo báo Bưu điện tài chính ngày 20/9, Trung Quốc, quốc gia phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới, đã đạt được một thỏa thuận hợp tác với Liên minh châu Âu (EU) nhằm cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính thông qua các dự án, gồm cả việc phát triển các kế hoạch buôn bán khí thải của Trung Quốc.
Cao ủy phụ trách phát triển của EU Andris Piebalgs và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã ký một thỏa thuận tài chính, khuyến khích sự chuyển tiếp "hướng sang một nền kinh tế thải ít khí CO2 và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính tại Trung Quốc."
EU đang mong muốn thiết lập các quan hệ đối tác với các kế hoạch buôn bán khí thải của các nước khác, trong nỗ lực thúc đẩy Kế hoạch buôn bán khí thải EU (ETS) trong bối cảnh giá khí thải CO2 đã giảm xuống thấp hơn nhiều so với mức cần thiết để khuyến khích các khoản đầu tư xanh. Tháng trước, EU đã đồng ý liên kết ETS với kế hoạch buôn bán khí thải của Australia vào năm 2018.
Cao ủy phụ trách khí hậu của EU Connie Hedegaard cho rằng thỏa thuận tài chính với Trung Quốc là "một bước quan trọng cho sự hợp tác gắn bó hơn hướng đến một thị trường khí thải quốc tế mạnh mẽ," bởi vì hiện Trung Quốc cũng mong muốn sử dụng các thị trường khí thải để giảm khí thải với chi phí thấp và thúc đẩy các công nghệ thải ít CO2.
Còn ông Piebalgs cho biết EU có nhiều kinh nghiệm trong việc chống biến đổi khí hậu và sẽ chia sẻ các kinh nghiệm này với Trung Quốc. Kết quả của những dự án chung sẽ có lợi cho cả hai bên và đóng góp vào mục tiêu chung là khai thác Trái Đất bền vững.
Theo thỏa thuận tài chính vừa được ký, EU sẽ đóng góp 33 triệu USD và hỗ trợ kỹ thuật trong bốn năm cho ba dự án giảm khí thải CO2. Ngoài việc hỗ trợ thiết kế và thực thi các kế hoạch buôn bán khí thải tại Trung Quốc, hai dự án khác hỗ trợ các thành phố Trung Quốc sử dụng hiệu quả tài nguyên, giảm ô nhiễm nước và kim loại nặng, thực thi chính sách xử lý chất thải bền vững.
Trung Quốc hiện có các kế hoạch buôn bán khí thải của các tỉnh và hiện người ta chưa rõ việc phát triển hơn nữa các kế hoạch buôn bán khí thải của Trung Quốc có bao gồm khí thải hàng không hay không. Việc EU quyết định đưa ngành hàng không vào ETS đã làm dấy lên sự chỉ trích quốc tế và nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại.
Mỹ đang tranh cãi việc ngăn chặn một dự luật bảo vệ các hãng hàng không của họ không phải tuân thủ luật trên của EU, trong khi Trung Quốc và Ấn Độ đã bỏ qua thời hạn hồi đầu năm nay cho việc trình dữ liệu.
Các nhà phân tích cho rằng việc phát triển hơn nữa các cơ cấu buôn bán khí thải của Trung Quốc sẽ tăng cường vị thế của EU trong các cuộc thương thuyết với những nước phản đối khác luật về khí thải hàng không của họ. Hệ thống Nghị định thư Kyoto về cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính không có ngành hàng không./.
Thanh Hoa (TTXVN)
----------------
Belarus phản đối trừng phạt của Mỹ
Mỹ áp đặt trừng phạt với một công ty sản xuất vũ khí của Belarus vì lý do nước này cung cấp vũ khí cho Syria.
Ngày 20/9, Belarust đã bác bỏ cáo buộc nói này rằng nước này đang cố bán vũ khí cho Syria và vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Tuyên bố của Belarus đưa ra sau khi Mỹ áp đặt trừng phạt với công ty sản xuất vũ khí Belvneshpromservice của Belarus vì có liên quan đến cáo buộc này.
Bác bỏ cáo buộc này, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus Andrei Savinykh nhấn mạnh, những cáo buộc của Mỹ với công ty sản xuất vũ khí nhà nước Belarus là không có cơ sở và không đúng sự thật. Belarus luôn giữ lập trường ủng hộ giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng Syria.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Belarus nêu rõ: “Belarus khẳng định sự nghiêm túc trong việc tuân theo nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Trừng phạt đơn phương của Mỹ đi ngược với tinh thần tôn trọng lẫn nhau và sự hợp tác xây dựng giữa các nước, theo như luật pháp quốc tế. Chúng tôi phản đối hành động của Mỹ. Bất cứ trừng phạt đơn phương nào cũng là điều không thể chấp nhận”./.
Hoàng Lê/VOV-Trung tâm tin
(Theo Reuters)
--------------
Việt - Mỹ hợp tác hàng không
Ngày 20.9, Phòng Thương vụ, Tổng lãnh sự quán Mỹ và Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam tổ chức hội nghị Nhóm công tác hợp tác hàng không Mỹ - Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Phạm Quý Tiêu, Chương trình hợp tác hàng không Việt - Mỹ được triển khai từ năm 2012, nhằm tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan trong ngành hàng không của hai nước, qua đó xây dựng và triển khai các dự án ưu tiên, thắt chặt hơn nữa mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực hàng không giữa hai nước.
Ông Lê Thành Ân, Tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM, cho biết sự hợp tác trong lĩnh vực hàng không góp phần xây dựng mối quan hệ giữa hai nước, tạo nền móng cho sự hợp tác chiến lược lâu dài giữa các công ty tư nhân và các cơ quan hợp tác của chính phủ hai nước.
M.Vọng // Thanh Niên
--------
Tranh chấp Biển Đông làm ảnh hưởng nghề cá
Sáng 20.9, phiên họp toàn thể lần thứ 32 của Ủy ban Nghề cá châu Á -Thái Bình Dương (APFIC) do Bộ NNPTNT Việt Nam đăng cai tổ chức đã khai mạc tại TP.Đà Nẵng.
Kỳ họp APFIC lần thứ 32 này sẽ diễn ra từ ngày 20 đến 22.9, với sự tham dự của 40 đại biểu cấp cao là đại diện của các nước thành viên APFIC và các tổ chức nghề cá trong khu vực.
Ông Siman Funge Smith - Tổng Thư ký Ủy ban Nghề cá châu Á - Thái Bình Dương, cho biết, kỳ họp sẽ tập trung thảo luận về nghề khai thác đánh bắt ven bờ, đặc biệt nghề ngư lưới cụ, nghề lưới kéo. Đồng thời xem xét hỗ trợ người dân ven biển, đặc biệt những ngư dân nghèo, những ngư dân làm nghề khai thác quy mô nhỏ.
“Kỳ họp cũng hướng tới việc quy hoạch không gian cho phù hợp với nghề đánh bắt ven bờ như phân luồng, phân mùa, đặc biệt nghiên cứu các quy định đóng cửa khai thác theo mùa để bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản” - ông Siman Funge Smith cho biết.
Trước các câu hỏi của báo chí về những căng thẳng trên khu vực Biển Đông hiện nay ảnh hưởng đến nghề cá, Tổng Thư ký Ủy ban Nghề cá châu Á-Thái Bình Dương cho rằng, vấn đề Biển Đông là vấn đề lịch sử lâu dài, trong tương lai gần chưa thể giải quyết được ngay.
“Với tư cách là một cơ quan, một tổ chức của Liên Hợp Quốc, chúng tôi cũng rất lo ngại về những tranh chấp lãnh thổ cũng như lãnh hải hiện nay trong khu vực Biển Đông giữa nhiều quốc gia khác nhau. Tuy nhiên đối với FAO hay APFIC là những cơ quan quản lý nghề cá thuỷ sản, chúng tôi nghĩ rằng sau khi những tranh chấp này được giải quyết chúng ta mới phát triển được nghề cá một cách bền vững. Bởi khai thác nghề cá bền vững có tương tác lớn với vấn đề chủ quyền lãnh hải.
Hiện nay do tranh chấp mà các nước liên quan đều đang tìm cách tăng cường sự hiện diện tàu cá của mình trong khu vực và điều này làm ảnh hưởng tới sự bền vững của nguồn lợi” - ông Siman bày tỏ quan điểm.
Xuân Trang// Dân Việt
----------------
Bạo lực tiếp tục nhấn chìm Syria
Giao tranh tiếp tục bùng phát mạnh tại nhiều thành phố ở Syria, cướp đi sinh mạng của hàng chục người. Trong khi đó, phương Tây tiếp tục bàn thảo các biện pháp siết chặt trừng phạt Damascus.
Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết ít nhất 54 dân thường đã thiệt mạng và gần 60 người khác bị thương trong một vụ nổ tại một trạm xăng ở ngôi làng Ain Issa thuộc tỉnh Raqa, Đông Bắc Syria.
”Nguyên nhân dẫn tới thảm kịch này xuất phát từ một vụ oanh tạc từ trên không”, tổ chức có trụ sở ở Anh này dẫn lời một số luật sư và các nhà hoạt động khu vực nói.
Các nhà hoạt động tại tỉnh này cho biết đây là trạm xăng duy nhất còn hoạt động phục vụ nhu cầu trong khu vực và luôn chật cứng người mua.
Trong khi đó, các vụ tấn công cũng tiếp diễn ở thủ đô làm một máy bay trực thăng quân đội bị rơi.
“Một máy bay trực thăng quân sự đã bị rơi gần thủ đô Damascus. Địa điểm rơi máy bay là ở vùng Douma ở ngoại ô”, bản tin của đài truyền hình nhà nước Syria cho biết.
Các tay súng đối lập nhận đã bắn rơi máy bay, song hiện chưa có nguồn tin độc lập để kiểm chứng.
Trước đây, lực lượng chống Tổng thống Bashar al-Assad cũng đã có lần tuyên bố bắn rơi trực thăng quân đội, trong đó vụ bắn rơi một chiếc hồi cuối tháng 8 ở Damascus.
Theo các nguồn tin tại chỗ, các vụ pháp kích dữ dội ở thủ đô Damascus trong ngày hôm qua đã khiến nhiều người phải chạy lánh nạn vào các trường học. Các vụ tấn công diễn ra không ngừng ở Syria cho thấy dường như các lực lượng tham chiến tại đây không muốn tìm kiếm giải pháp chấm dứt xung đột thông qua đối thoại.
“Dường như cả chính phủ Syria lẫn phe đối lập đều muốn giải quyết khủng hoảng bằng đường lối quân sự chứ không phải con đường đối thoại chính trị”, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Ban Ki-moon nhận xét.
Theo ông Ban Ki-moon, các phương tiện quân sự không thể giúp giải quyết vấn đề và nút thắt khủng hoảng tại Syria chỉ có thể được tháo gỡ thông qua đối thoại chính trị. Ông cũng cho biết Syria sẽ là vấn đề hàng đầu khi ông gặp gỡ các nhà lãnh đạo thế giới tại phiên họp của Đại hội đồng LHQ trong những ngày tới.
Phương Tây tiếp tục bàn cách lật al-Assad
Trước tình trạng bạo lực dai dẳng tại Syria, ngày 20/9, hơn 60 nhà ngoại giao đến từ các quốc gia thuộc nhóm "Những người bạn của Syria" đã nhóm họp gần thành phố The Hague của Hà Lan để thảo luận về các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với chế độ cầm quyền tại Damacus.
Nhóm “Những người bạn của Syria” tập hợp hơn 70 nước và các tổ chức, thường nhóm họp định kỳ thảo luận về vấn đề Syria. Cuộc họp lần này tập trung vào việc thắt chặt các chế tài, thực thi những biện pháp trừng phạt hiện nay, bao gồm cả cấm vận vũ khí và dầu mỏ.
"Các biện pháp trừng phạt tài chính không chỉ nhằm làm giảm sức mạnh quân sự của chính quyền Damascus, mà còn nhằm lật đổ Tổng thống al-Assad", Ngoại trưởng Hà Lan Uri Rosenthal phát biểu khai mạc cuộc họp.
Cuộc họp diễn ra sau khi Liên minh châu Âu (EU) hồi đầu tháng này đã nhất trí tăng cường các trừng phạt chống Damascus trong bối cảnh cộng đồng quốc tế vẫn chưa thể giải quyết được cuộc khủng hoảng đẫm máu kéo dài 18 tháng qua ở Syria, khiến hơn 29.000 người thiệt mạng.
Việt Giang
Theo Xinhua// Dân Trí
-----------------------
Cuba thiệt hại hơn 1.000 tỷ USD do cấm vận của Mỹ
Ngày 20/9, Chính phủ Cuba đã tố cáo cuộc bao vây cấm vận thương mại và tài chính mà Mỹ áp đặt đối với nước này trong hơn nửa thế kỷ qua tiếp tục gây ra những tổn thất không thể tính được đối với xã hội Cuba, đặc biệt là về y tế và lương thực, cũng như làm cho nền kinh tế quốc đảo này thiệt hại khoảng hơn 1.000 tỷ USD.
Phát biểu tại buổi giới thiệu báo cáo hàng năm “Sự cần thiết của việc chấm dứt cuộc bao vây kinh tế, thương mại và tài chính của Mỹ chống Cuba”, Ngoại trưởng Cuba Bruno Rodriguez cho rằng chính sách đơn phương này của Mỹ đã khiến Cuba gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các nguồn lương thực, thuốc men, thiết bị y tế và nguyên liệu sản xuất, và buộc phải mua thông qua nước thứ ba khiến giá thành đội lên rất cao.
Thiệt hai do chính sách bao vây cấm vận gây ra là vô cùng lớn và trở thành một gánh nặng đối với một nền kinh tế nhỏ như Cuba . Đó cũng là một trong những nguyên nhân và rào cản chính đối với sự phát triển kinh tế xã hội tại quốc đảo này.
Báo cáo của Bộ Ngoại giao Cuba nhấn mạnh chính sách bao vây cấm vận phi lý và bất công do Mỹ đơn phương áp đặt đối với nước này không chỉ ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế, ngăn cản sự phát triển cũng như đời sống xã hội của người dân Cuba mà còn vi phạm trắng trợn và có hệ thống luật pháp quốc tế, Hiến chương LHQ, và cả quyền lợi chính đáng của chính các công dân Mỹ.
Ông Rodríguez kêu gọi các ứng cử viên tổng thống Mỹ chấm dứt cuộc bao vây cấm vận chống Cuba ngay khi đắc cử và tận dụng cơ hội để sửa chữa những chính sách thù địch đã lỗi thời kéo dài suốt hơn nửa thế kỷ qua. Cuba sẽ trình lên Đại hội đồng LHQ báo cáo trên vào tuần tới để đưa ra thảo luận trước khi bỏ phiếu. Năm 2011, Nghị quyết của LHQ về vấn đề này đã nhận được sự ủng hộ của 186 nước trên thế giới./.
(Vietnam+)
-----------------------------
Viện trợ phát triển toàn cầu giảm 133 tỷ USD do khủng hoảng kinh tế
Liên Hợp Quốc cho biết viện trợ phát triển sẽ tiếp tục giảm trong 3 năm tới do các nước tài trợ phải đấu tranh để phục hồi kinh tế.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết số tiền viện trợ phát triển chính thức của 23 thành viên thuộc Ủy ban viện trợ phát triển của Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế giảm 3% so với năm ngoái xuống còn 133,5 tỷ USD.
Mục tiêu của Liên Hợp Quốc là các nước dành 0,7% tổng thu nhập quốc dân (GNI) để viện trợ phát triển nhưng trong năm 2011, tổng số tiền viện trợ chỉ chiếm 0,31 GNI. Như vậy, theo mục tiêu cam kết của Liên Hợp Quốc, tổng số tiền viện trợ phát triển trong năm ngoái thiếu 167 tỷ USD, báo cáo cho biết.
"Cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu kéo dài đã bắt đầu ảnh hưởng đến hợp tác phát triển quốc tế", tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon viết trong lời tựa của báo cáo.
"Năm ngoái, viện trợ phát triển chính thức đã giảm lần đầu tiên trong nhiều năm, trong khi các biện pháp bảo hộ thương mại lại có xu hướng tăng", ông Ban cho biết.
"Mặc dù có những hạn chế đáng kể về tài chính, một số nước viện trợ vẫn tiếp tục đáp ứng mục tiêu đã đề ra. Đây là nỗ lực đáng được noi theo", ông Ban nói thêm.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc khuyến cáo các nước tài trợ nên thực hiện cam kết viện trợ bất chấp những hạn chế về ngân sách.
Năm ngoái, chỉ có một số nước như Thụy Điển, Na Uy, Luxembourg, Đan Mạch và Hà Lan cung cấp viện trợ nhiều và cao hơn mục tiêu của Liên Hợp Quốc. Trong khi đó, những nước viện trợ ít nhất là Hy Lạp và Tây Ban Nha - 2 nước bị ảnh hưởng nặng nề do cuộc khủng hoảng kinh tế, tiếp đó là Áo và Bỉ.
"Tăng trưởng viện trợ phát triển chính thức dự báo sẽ đình trệ trong giai đoạn 2013-2015, phản ánh tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu đối với ngân sách các quốc gia", báo cáo cho biết.
"Tình hình kinh tế hiện nay đã thu hút các chính phủ quay lại sử dụng chính sách bảo hộ thương mại. Việc thực hiện các biện pháp bảo hộ thương mại của nhóm G20 đã ảnh hưởng đến thương mại toàn cầu và đây là mối lo ngại chính của các nước", báo cáo cho biết thêm. ( Gafin)
------------------------------------------
Philippines cử đặc phái viên gặp ông Tập Cận Bình
Ông Edwin Lacierda - phát ngôn viên của tổng thống Philippines ngày 20/9 cho biết Tổng thống Benigno Aquino sẽ cử một "đặc phái viên" tới Trung Quốc để gặp các nhà lãnh đạo nước này nhằm thảo luận về vấn đề tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông.
Theo ông Lacierda, Bộ trưởng Nội vụ Mar Roxas sẽ dẫn đầu một phái đoàn tới tham dự triển lãm thương mại kéo dài năm ngày ở thành phố Nam Ninh, miền Nam Trung Quốc. Phó Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình cũng sẽ tham dự cuộc triển lãm khai mạc ngày 21/9 này.
Phát biểu trước báo giới, ông Lacierda nói: "Chúng tôi hy vọng có thể gặp vị phó chủ tịch này. Bộ Ngoại giao Philippines đang thu xếp cuộc gặp".
Nỗ lực sắp xếp cuộc hội đàm cấp cao trên diễn ra sau khi Tổng thống Aquino không thực hiện được cuộc gặp với Chủ tịch nước Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại Hội nghị thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) ở Nga hồi đầu tháng.
Ông Aquino đã hy vọng thảo luận với ông Hồ Cẩm Đào về những tuyên bố chủ quyền lãnh thổ gây tranh cãi của hai nước trên Biển Đông song cuộc gặp này đã không xảy ra.
Tổng thống Aquino đã ủy nhiệm cho Bộ trưởng Roxas truyền đạt với Phó Chủ tịch Tập Cận Bình những điều ông muốn nói với Chủ tịch Hồ Cẩm Đào"./.
(Vietnam+)
---------------------------------
Trung Quốc nêu đề xuất phát triển quan hệ với EU
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU)-Trung Quốc diễn ra ngày 20/9 tại Brussels, Bỉ, Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo đã nêu đề xuất 4 điểm để phát triển quan hệ song phương.
Nhà lãnh đạo Bắc Kinh hối thúc hai bên đẩy mạnh tự do hóa và tạo điều kiện thuận lợi thúc đẩy thương mại và đầu tư, thiết lập các trung tâm nghiên cứu và phát triển chung cũng như các trung tâm chuyển giao công nghệ và đào tạo.
Thủ tướng Ôn Gia Bảo cũng kêu gọi EU và Trung Quốc xây dựng các cơ chế hợp tác để tăng cường hợp tác song phương trong các lĩnh vực giao thông vận tải, điện lực và viễn thông. Đề xuất cũng hối thúc các cuộc cải cách trong hệ thống tài chính quốc tế nhằm duy trì ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu.
Tại hội nghị thượng đỉnh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jose Manuel Barroso nhấn mạnh quan hệ giữa EU và Trung Quốc dựa trên sự tin cậy và tôn trọng lẫn nhau, EU ủng hộ sự phát triển của Trung Quốc thông qua thương mại và cung cấp công nghệ.
Tại hội nghị này, EU và Trung Quốc đã đạt được thỏa thuận chính trị về kế hoạch cắt giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính.
Cao ủy châu Âu phụ trách vấn đề phát triển Andris Piebalgs và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Trần Đức Minh đã ký thỏa thuận về việc tài trợ cho "việc chuyển sang nền kinh tế sử dụng ít than đá và giảm khí thải gây hiệu ứng nhà kính."
Ngoài ra, các quan chức EU và Trung Quốc còn ký bản ghi nhớ về việc mở rộng hợp tác giữa các cơ quan về vấn đề cạnh tranh của hai bên.
Cao ủy châu Âu về vấn đề cạnh tranh nhấn mạnh văn kiện này là một bước quan trọng và cho thấy mong muốn tiếp tục phát triển quan hệ với các cơ quan chống độc quyền của Trung Quốc.
Bản ghi nhớ đảm bảo cơ sở cho hợp tác, đối thoại và trao đổi giữa các cơ quan chống độc quyền của EU và Trung Quốc./.
(TTXVN)
----------------------
Mỹ dỡ bỏ trừng phạt lãnh đạo Mi-an-ma
Trang Nhật báo phố Uôn trực tuyến đưa tin, ngày 19-9, Bộ Tài chính Mỹ thông báo dỡ bỏ tên Tổng thống Mi-an-ma Thên Xên và Chủ tịch Hạ viện Suề Man khỏi danh sách cấm các cá nhân tiến hành giao dịch hay sở hữu tài sản trong lãnh thổ Mỹ.
Trước đó, chính quyền Mỹ dỡ bỏ hạn chế đi lại trên đất Mỹ đối với Tổng thống Thên Xên. Các động thái dỡ bỏ trừng phạt các nhà lãnh đạo Mi-an-ma được đưa ra trước khi ông Thên Xên dự kiến tới Niu Oóc dự khóa họp Ðại hội đồng LHQ vào tuần tới. Giới chức Oa-sinh-tơn cho rằng, các động thái nói trên nhằm đáp lại những nỗ lực thúc đẩy cải cách ở Mi-an-ma.
Cùng ngày, theo Roi-tơ, Tổng thống Mỹ B.Ô-ba-ma đã có cuộc gặp thủ lĩnh Liên đoàn quốc gia vì dân chủ (NLD), đảng đối lập chính ở Mi-an-ma, bà Xan Xu Ki đang thăm Mỹ. (NDĐT)
------------------------
Pháp nín thở trước cơn thịnh nộ Hồi giáo
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon: “Nếu tự do ngôn luận dùng để khiêu khích hoặc sỉ nhục các giá trị và đức tin của người khác thì nó sẽ không được bảo vệ”
Chính phủ Pháp đang phải chạy đua để đón đầu sự công kích của tín đồ Hồi giáo sau khi tạp chí Charlie Hebdo tung ra hàng loạt tranh biếm về nhà tiên tri Mohammed hôm 19-9.
Sứ quán Pháp tại 20 nước đóng cửa
Hiện tại, cảnh sát chống bạo động đang túc trực bên văn phòng của Charlie Hebdo ở thủ đô Paris. Theo Reuters, một cộng đồng Hồi giáo nhỏ đã nộp đơn kiện tạp chí này nhưng đường phố nước Pháp vẫn còn yên ổn. Tại Sarcelles, ngoại ô Paris, ngày 19-9, hai người đàn ông đeo mặt nạ đã ném một thiết bị nổ nhỏ qua cửa sổ một siêu thị, làm một người bị thương nhẹ nhưng cảnh sát cho rằng chưa chắc vụ việc có liên quan đến các bức tranh biếm.
Trong ngày 20-9, lãnh đạo Hồi giáo tại Ai Cập, Tunisia... đã lên tiếng phê phán các bức biếm họa và “đe dọa tấn công người nước ngoài”. Cuộc biểu tình chống tranh biếm Pháp đầu tiên nổ ra tại Kabul (Afghanistan) ngày 20-9 với sự tham gia của hàng trăm người bên cạnh nhóm biểu tình chống bộ phim Mỹ. Dự kiến hôm nay, 21-9, Pháp sẽ đồng loạt đóng cửa đại sứ quán, lãnh sự quán, các trung tâm văn hóa và trường học ở 20 nước Hồi giáo. Các cơ sở của Pháp tại Tây Phi cũng được đặt trong tình trạng báo động trước nguy cơ bị al-Qaeda tấn công.
Trong khi đó, tại Los Angeles (Mỹ), nữ diễn viên Cindy Lee Garcia đã nộp đơn kiện ông Nakoula Basseley Nakoula, nhà sản xuất bộ phim “Sự ngây thơ của người Hồi giáo” bị cáo buộc phỉ báng đạo Hồi. Theo cô, ông Nakoula đã lừa cô rằng bộ phim làm về hành trình mạo hiểm trên sa mạc. Nữ diễn viên cũng kiện Google và YouTube, đồng thời yêu cầu YouTube gỡ đoạn trailer của phim xuống.
Lạm dụng tự do ngôn luận
Biên tập viên của Charlie Hebdo, ông Stephane Charbonnier, lập luận trên Reuters: “Chúng tôi có cảm giác Charlie Hebdo được phép công kích giới Thiên Chúa giáo cực hữu nhưng không được đùa nghịch một chút với Hồi giáo. Vậy đấy, mọi người đều bị nỗi sợ hãi dẫn dắt và đây chính là điều một nhóm nhỏ cực đoan, vốn chẳng đại diện cho ai cả, mong muốn: Làm mọi người sợ để nhốt chặt chúng ta trong một cái hang”.
Như một lời hồi đáp cho Charbonnier, giám mục Thiên Chúa giáo tại Pháp Michel Dubost và Chủ tịch Hội đồng Hồi giáo Pháp Mohammed Moussaoui ra một tuyên bố chung bảo vệ quyền tự do bày tỏ ý kiến theo đúng tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái”. “Nhưng tự do sẽ làm hại chính mình nếu nó quên đi tinh thần tương thân tương ái cũng như không tôn trọng quyền bình đẳng về phẩm giá của mọi người” - hai vị nói thêm. Ngoại trưởng Pháp Laurent Fabius kêu gọi cụ thể hơn: “Chúng ta đã chứng kiến chuyện xảy ra ở Libya tuần trước và tại các quốc gia khác. Do đó, chúng tôi kêu gọi tất cả các bên hành xử có trách nhiệm”.
Về bộ phim gây sóng gió “Sự ngây thơ của người Hồi giáo”, trong cuộc họp báo ngày 19-9, Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nhấn mạnh nhà sản xuất phim đã “hành động đáng hổ thẹn” và “lạm dụng quyền tự do ngôn luận”. “Tự do ngôn luận được bảo vệ khi nó được sử dụng vào các mục đích công lý và cộng đồng... Khi một số người dùng quyền tự do này để khiêu khích hoặc sỉ nhục các giá trị và đức tin của người khác thì nó sẽ không được bảo vệ” - ông Ban nói.
MỸ NHUNG// NLĐ
---------------------------
Quan hệ Nga - Mỹ lại căng thẳng
Ngày 19-9, Bộ Ngoại giao Nga đã lên tiếng chỉ trích hoạt động của Cơ quan Phát triển Quốc tế Mỹ (USAID) và xác nhận thời điểm chính thức từ ngày 1-10 tới, cơ quan này sẽ chấm dứt toàn bộ mọi hoạt động trên lãnh thổ Liên bang Nga.
Trong một tuyên bố mới nhất về vấn đề này, người phát ngôn của của Bộ Ngoại giao Nga, ông Alexander Lukashevich cho biết: “Cơ quan đại diện USAID của Mỹ tại Nga đã không tuân thủ đúng những mục tiêu đề ra là góp phần phát triển hợp tác nhân đạo và văn hóa giữa hai nước.
USAID muốn thông qua các khoản tiền viện trợ của mình để tác động đến các hoạt động chính trị của Nga, trong đó có các cuộc bầu cử ở các cấp khác nhau và có nhiều hoạt động trái qui định tại nhiều nơi, đặc biệt là vùng Kavkaz gây nên nhiều quan ngại sâu sắc buộc các nhà chức trách Nga nhiều lần cảnh báo về tình trạng này”. Tuy nhiên, ông Lukashevich cũng nhấn mạnh thêm “Xã hội Nga hiện nay đã khá trưởng thành và không cần “sự lãnh đạo từ bên ngoài”, nhưng Nga sẽ sẵn sàng hợp tác với USAID trong việc thực hiện các dự án ở các nước thứ 3, và đương nhiên sự hợp tác này phải tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc bình đẳng, tôn trọng và không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau”.
Phản ứng trước hành động kiên quyết từ phía Nga, ngày 20-9, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton đã gửi thư cho Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov đề nghị Nga cho phép USAID tiếp tục các hoạt động hỗ trợ tài chính nhân đạo đến tháng 5-2013. Bộ Ngoại giao Nga vẫn chưa có bình luận gì về vấn đề này.
Trần Biên
(Theo Infox/Vedomosti, ANTĐ)
--------------------------------
Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa xuất hiện trên bản đồ iOS 6 của Apple
Apple không sử dụng Google Maps, thay vào đó là TomTom và các đối tác khác. Thử nghiệm trên iOS 6 bản beta cho thấy dữ liệu tại Việt Nam hạn chế và không chi tiết như trước đây. Tuy nhiên tấm bản đồ này hiện rõ Biển Đông, Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam.
Ngay sau khi Apple công bố hệ điều hành mới, nhiều người dùng tại Việt Nam đã tiến hành cài đặt bản chính thức. Trong khi người dùng iPad vui mừng vì thử nghiệm được Siri hoàn chỉnh, thì hệ thống bản đồ trên iOS 6 cho dù không được hấp dẫn như trước nhưng có nhiều điểm đáng chú ý.
Ở chế độ bình thường, bản đồ TP HCM hầu như không có thông tin nào ngoài một vài màu xanh của công viên và màu tím ở sân bay Tân Sơn Nhất.Khi chuyển sang chế độ vệ tinh, sự chi tiết hiện ra tốt hơn, nhưng hình ảnh các con đường, tòa nhà không rõ như Google Maps. Chế độ 3D trên máy cũng không tạo được hiệu ứng như Apple công bố. Nhưng người dùng Việt Nam đặc biệt thích thú khi Apple chỉ rõ ranh giới lãnh thổ biển đảo của chúng ta. Biển Đông, quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa đều có thể được tìm kiếm trên bản đồ thế giới.
Ngoài ra, tính năng dẫn đường bằng giọng nói vẫn chưa hoạt động, ưu điểm lớn nhất của Maps mới từ Apple là các hướng dẫn chỉ đường rất đẹp. Apple mô phỏng các bảng chỉ đường thực tế để đưa vào bản đồ.
Ichiro// Hoa Học Trò
-----------------------
Cuộc chiến lợi ích giữa Mỹ và Trung Quốc trên Thái Bình Dương
Panetta vừa tuyên bố sẽ trang bị cho Nhật Bản hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở miền nam, về cơ bản là nhằm chống lại Trung Quốc.
Press TV ngày 20/9 đưa tin, nhà phân tích chính trị Linh Dinh trong một cuộc phỏng vấn đã nói rằng Mỹ và Trung Quốc đều đang tìm cách kiểm soát tây Thái Bình Dương vì nguồn tài nguyên và vai trò địa chính trị của nó.
Ông Linh Dinh cho rằng: “Mỹ đang lợi dụng nỗi e ngại của các quốc gia Đông Á trước một Trung Quốc đang trỗi dậy để can dự vào tây Thái Bình Dương. Đó là một cuộc đối đầu lâu dài.”
Theo ông Dinh, các nước như Nhật Bản, Philippines và một số quốc gia khác đang dựa vào Mỹ “để tồn tại lâu dài” trong trường hợp nổ ra xung đột quân sự với Trung Quốc.
“Chẳng hạn như hôm nay Panetta vừa tuyên bố sẽ trang bị cho Nhật Bản hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở miền nam, về cơ bản là nhằm chống lại Trung Quốc.”
Nhà phân tích này cũng nhấn mạnh rằng Mỹ là một cường quốc đang đi xuống về kinh tế, còn về quân sự, Mỹ đang cố giữ sự hiện diện của mình.
Ông Dinh nói thêm rằng có vẻ như Bắc Kinh đang kiềm chế không đưa ra biện pháp quân sự với Tokyo đối với tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư vì tiềm lực hải quân chưa đủ mạnh, tuy nhiên Trung Quốc sẽ vượt mặt Nhật Bản trong mọi lĩnh vực và có thể đó là lý do nước này trở nên hung hăng như thế trong thời điểm hiện nay.
Bảo Thành (Nguồn: Press TV, GDVN)
---------------
Abramovich không thể gây ảnh hưởng với ông Putin
Ông chủ câu lạc bộ bóng đá Chelsea Roman Abramovich có những đặc quyền trong việc tiếp xúc với Tổng thống Nga Vladimir Putin, nhưng chẳng có ảnh hưởng lớn nào với người đứng đầu điện Kremlin.
Thẩm phán Elizabeth Gloster của tòa án Anh nói hôm 19/9 rằng tỉ phú Nga có "mối quan hệ rất tốt " với Tổng thống, nhưng không thể thao túng ông.
Thẩm phán đã đưa ra phán quyết trên, sau khi bác đơn kiện của đại gia Nga Boris Berezovsky chống lại người đồng hương vào tháng trước.
Berezovsky cáo buộc Abramovich phạm tội tống tiền, lạm dụng tín nhiệm và phá hợp đồng, đồng thời nói rằng Abramovich đã đe dọa mình phải bán cổ phiếu trong công ty dầu Sibneft của Nga.
Nhưng Gloster đã ra phán quyết có lợi cho Abramovich. Bà nói rằng Berezovsky vốn đã là một nhân chứng không đáng tin cậy.
Trong phán quyết đầy đủ công bố hôm 19/9, bà đã đưa ra các nhận xét kể trên. "Không có cơ sở bằng chứng nào ủng hộ cáo buộc rằng Abramovich đã thao túng hoặc gây ảnh hưởng với Tổng thống Putin hay các quan chức trong chính quyền của ông, theo những cách thức giúp Abramovich đạt được mục tiêu thương mại. Tôi giả định rằng trong một số trường hợp, Tổng thống Putin có cân nhắc quan điểm của Abramovich khi đưa ra quyết định. Nhưng việc Abramovic ở vào vị thế có thể gây sức ép với Tổng thống là không có căn cứ" - bà nói.
Thẩm phán cũng gọi Abramovich là nhân chứng trung thực, đáng tin cậy, đã có những câu trả lời cẩn thận và thấu đáo trong các cuộc kiểm tra chéo, trong khi Berezovsky đối lập hoàn toàn với ông.
Bà nói rằng Berezovsky đôi lúc thể hiện sự "thiếu trung thực một cách cố ý" hoặc "tự thuyết phục bản thân tin vào các câu chuyện do chính mình nghĩ ra"./.
Linh Vũ (Vietnam+)
-------------------------
Trung Quốc kêu gọi Nhật Bản đối thoại về biển đảo
Trung Quốc ngày 20/9 đã kêu gọi Nhật Bản đối thoại và đàm phán để giải quyết những vấn đề liên quan đến tranh chấp chủ quyền quần đảo Điếu Ngư (Nhật Bản gọi là Senkaku) trên biển Hoa Đông.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nhấn mạnh Bắc Kinh luôn kiên định rằng vấn đề liên quan tới quần đảo Điếu Ngư phải được giải quyết thông qua đối thoại và đàm phán. Trung Quốc cũng sẽ duy trì liên lạc với phía Nhật Bản ở mọi cấp độ và giải thích lập trường chính thức của Trung Quốc.
Trong khi đó, hãng tin Kyodo (Nhật Bản) dẫn một nguồn tin giấu tên cho biết Trung Quốc sẽ tổ chức lễ kỷ niệm 40 năm bình thường hóa quan hệ với Nhật Bản vào ngày 29/9 tới tại Bắc Kinh như kế hoạch.
Theo nguồn tin này, cựu Ủy viên Quốc Vụ viện Đường Gia Triền, hiện là Chủ tịch Hội hữu nghị Trung - Nhật, sẽ chủ trì tiệc chiêu đãi ngày 26/9 và lễ kỷ niệm chính thức sẽ được tổ chức vào trưa ngày 27/9.
Trong một diễn biến liên quan, báo Nihon Keizai (Nhật Bản) ngày 20/9 dẫn lời Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Osamu Fujimura cho biết Tokyo sẽ yêu cầu Bắc Kinh bồi thường những thiệt hại tại các phái bộ ngoại giao Nhật Bản ở Trung Quốc do những người biểu tình Trung Quốc gây ra.
Ông Fujimura cũng cho rằng những yêu cầu bồi thường thiệt hại của các doanh nghiệp Nhật Bản tại Trung Quốc cần phải được xử lý thông qua các kênh pháp lý của Trung Quốc./.
(TTXVN)
--------------------------
Ông Tập Cận Bình “rắn” với cả Mỹ và Nhật Bản
Phó Chủ tịch Tập Cận Bình – người được dự đoán sẽ trở thành người kế nhiệm của Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vào tháng tới, hôm qua (19/9) đã thể hiện một thái độ cứng rắn đối với cả Mỹ và Nhật Bản xung quanh vấn đề Senkaku/Điếu Ngư.
Trong cuộc gặp với Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình đã lên án gay gắt quyết định mua quần đảo Senkaku/Điếu Ngư của chính phủ Nhật Bản đồng thời kêu gọi Mỹ hãy hành động vì lợi ích lớn hơn là hòa bình và sự ổn định trong khu vực.
Cụ thể, ông Tập Cận Bình kêu gọi Mỹ hãy tránh xa các vấn đề liên quan đến chủ quyền quần đảo Senkau/Điếu Ngư và kiềm chế không làm bất kỳ điều gì có thể gây căng thẳng thêm nữa và làm phức tạp thêm tình hình.
Đáp lại, Bộ trưởng Panetta tuyên bố, Washington không đứng về bên nào trong các cuộc tranh chấp đồng thời kêu gọi cả Bắc Kinh và Tokyo bình tĩnh, kiếm chế để tránh đối đầu.
Nói đến Nhật Bản, Phó Chủ tịch Tập Cận Bình cho rằng, việc chính phủ Nhật mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư là một “trò hề”. Ông này kêu gọi Nhật Bản dừng ngay mọi “hành vi xâm phạm chủ quyền Trung Quốc”.
"Nhật Bản nên kiềm chế trong các hành vi của mình và nên chấm dứt các phát biểu cũng như hành động làm phương hại đến chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc”, ông Tập Cận Bình đã nói như vậy với ông chủ Lầu Năm Góc Panetta.
Đây là lần đầu tiên Phó Chủ tịch Trung Quốc lên tiếng về vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư kể từ khi chính phủ Nhật Bản thông báo quyết định mua lại quần đảo đang nằm trong tranh chấp này hôm 10/9.
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Trung Quốc và Nhật Bản xung quanh tranh chấp lãnh thổ ở quần đảo Senkaku/Điếu Ngư bắt đầu bùng lên từ hôm 15/8 khi một nhóm nhà hoạt động Trung Quốc đổ bộ lên quần đảo này cắm cờ để “khẳng định chủ quyền”. Nhật Bản đã đáp trả bằng một loạt động thái đầy thách thức, trong đó đỉnh điểm là việc nước này quyết định mua lại quần đảo Senkaku/Điếu Ngư từ tay những người chủ sở hữu tư nhân.
Quần đảo Senkaku/Điếu Ngư gồm 5 hòn đảo nằm cách đảo Okinawa, phía nam Nhật Bản, khoảng 160km, và cách Vùng lãnh thổ Đài Loan khoảng 200km. Chùm đảo nằm giữa Nhật Bản và Đài Loan này có nguồn cá dồi dào và có thể có cả dầu mỏ. Nó cũng nằm gần với các tuyến đường biển quan trọng. Cả Nhật Bản, Trung Quốc và Đài Loan đều đòi chủ quyền đối với quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Kiệt Linh - (tổng hợp) // VNmedia
------------------
Nhật Bản thành lập Cục an toàn hạt nhân mới
Cục này ra đời sau khi có nhiều ý kiến nghi ngờ giới quản lý và giới chủ nhà máy hạt nhân thông đồng.
Cục an toàn hạt nhân có trách nhiệm giám sát các quy định nghiêm ngặt hơn, bao gồm hạn chế hoạt động của các lò phản ứng hạt nhân trong vòng 40 năm và yêu cầu áp dụng những nghiên cứu khoa học mới nhất để duy trì các nhà máy hạt nhân. Cục cũng có nhiệm vụ nghiên cứu những tiêu chuẩn rõ ràng để khởi động các lò phản ứng hạt nhân.
Một nhà máy điện của Nhật (ảnh: topnight)
Hiện nay, trong 50 lò phản ứng của Nhật Bản mới chỉ có 2 lò được khởi động lại. Tuy nhiên, người đứng đầu Cục an toàn hạt nhân mới của Nhật Bản, nhà vật lý hạt nhân Shunichi Tanaka cho biết, để lấy lại niềm tin của người dân về mức độ an toàn hạt nhân thì còn cả một chặng đường dài phía trước.
Ông Tanaka nhấn mạnh: “Muốn khôi phục niềm tin của người dân về an toàn hạt nhân thì không phải là chuyện dễ dàng. Chúng tôi sẽ lắng nghe tiếng nói và những kiến nghị của người dân. Chúng tôi sẽ lấy lại niềm tin của người dân bằng chính hành động của chúng tôi”.
Cục an toàn hạt nhân mới của Nhật Bản được thành lập sau khi có nhiều ý kiến nghi ngờ về sự thông đồng giữa các nhà quản lý và chủ các nhà máy hạt nhân, một trong những nguyên nhân dẫn tới sự cố rò rỉ phóng xạ tại nhà máy Fukushima 1.
Nhật Bản bắt đầu xem xét lại chính sách hạt nhân của họ sau cuộc khủng hoảng tại Fukushima 1. Trước đó, năng lượng hạt nhân chiếm 1 phần 3 nhu cầu năng lượng của Nhật Bản ./.
Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm tin
Theo Reuters