Indonesia: Biểu tình bạo lực tại nhà máy giầy Adidas
Hơn 1.300 công nhân Indonesia ngày 18-10 đã đụng độ với lực lượng an ninh tại nhà máy giầy của hãng Adidas, chỉ vài tháng sau khi họ bị sa thải do đình công đòi tăng lương.
Cuộc biểu tình tại thành phố Tangerang, cách Thủ đô Jakarta khoảng 40km về phía tây, đã biến thành bạo lực sau khi lực lượng an ninh phun nước bẩn vào những người biểu tình giận dữ. Cảnh sát trưởng thành phố Tangerang, Wahyu Widodo cho biết, cảnh sát đang “giúp hòa giải” giữa người biểu tình và chủ nhà máy Panarub Dwikarya.
Hồi tháng 4 vừa qua, Adidas đã buộc phải điều tra các cơ sở ở Indonesia sau khi thông tin trên một tờ báo Anh cáo buộc 9 nhà máy sản xuất quần áo và giầy Olympic của hãng yêu cầu công nhân làm việc 65 giờ một tuần với số tiền thù lao ít ỏi 5.000 rupiah (0,52USD)/giờ.
Do giá nhân công rẻ, Indonesia là điểm đến ưa thích của nhiều công ty lớn trên thế giới. Tăng trưởng kinh tế của nước này đã đạt 6,5% năm 2011 và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài lên tới 20 tỷ USD. Nhưng cùng với đó, các cuộc đình công đòi tăng lương và cải thiện điều kiện làm việc ngày càng gia tăng tại đất nước 240 triệu dân này.
Hoàng Cường
(Theo News.com.au, ANTĐ)
---------
LHQ: “Ngoại tình không phải là một tội ác”
Ngoại tình sẽ không bị trừng phạt như một tội ác, một cơ quan nhân quyền của LHQ tuyên bố hôm 18/10 và khẳng định rằng quyền của phụ nữ đang bị vi phạm nghiêm trọng khi một số nước cho phép trừng phạt sự không chung thủy từ mức phạt tiền cho đến tử hình.
"Ngoại tình hoàn toàn không thể được phân loại như là một tội hình sự”, Kamala Chandrakirana, người đứng đầu một cơ quan chuyên môn của LHQ chịu trách nhiệm xác định cách thức để loại bỏ các luật phân biệt đối xử đối với phụ nữ, tuyên bố.
"Hình sự hóa quan hệ tình dục giữa hai người trưởng thành có sự đồng thuận là vi phạm quyền riêng tư của họ”, bà phát biểu và nhấn mạnh ngoại tình "không thể bị phạt tiền, phạt tù, đánh bằng hèo hay tử hình bằng cách ném đá hoặc treo cổ”.
Phụ nữ đặc biệt chịu tác động của các luật "hình sự hóa" sự không chung thủy trong hôn nhân, và thường phải nhận những hình phạt khắc nghiệt hơn so với nam giới, trong khi ở một số nước, lời khai của họ chỉ có sức nặng bằng một nửa trọng lượng lời khai của một người đàn ông, tuyên bố cho biết.
HOÀNG DIỆU (Theo AFP)
-------
Triều Tiên: Xóa bỏ cơ quan gây quỹ đen cho quan chức
Theo Hãng tin Kyodo, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong un đã xóa bỏ cơ quan bí mật có mã hiệu “Ban 38”, vốn chịu trách nhiệm điều phối một phần quan trọng nguồn ngoại tệ thu được từ hoạt động kinh doanh ở nước ngoài.
Động tác này được xem là một phần trong nỗ lực mở rộng chức năng của Chính phủ để cải cách kinh tế. Thuộc quyền quản lý điều phối của “Ban 38” (trực thuộc Ban chấp hành T.Ư Đảng Lao động Triều Tiên) có những khách sạn, nhà hàng ở nước ngoài, cửa hiệu miễn thuế, một phần hoạt động xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên.
Số ngoại tệ thu qua những kênh này được chuyển vào quỹ bí mật, dành phục vụ nhu cầu cá nhân của lãnh đạo Bắc Triều Tiên và những nhân vật cao cấp. Kyodo nhấn mạnh, khoản thu này giờ sẽ được giao cho Chính phủ và sử dụng vào mục đích kinh tế quốc dân.
(Dân Việt)
-----------
Những bất đồng tại Hội nghị thượng đỉnh EU
Trước giờ khai mạc, các lãnh đạo châu Âu thể hiện những quan điểm khá khác biệt nhau về chương trình nghị sự của Hội nghị.
Ngày 18/10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) mùa thu 2012, đã khai mạc tại Brussels (Bỉ). Diễn ra trong bối cảnh nhiều quốc gia thành viên trong EU vẫn đang phải đối mặt với những khó khăn từ cuộc khủng hoảng nợ công, Hội nghị được coi là diễn đàn để các nhà lãnh đạo châu Âu đưa ra những quyết sách quan trọng về vấn đề này. Tuy nhiên, trước giờ khai mạc diễn đàn, các lãnh đạo châu Âu vẫn thể hiện những quan điểm khá khác biệt nhau về chương trình nghị sự của Hội nghị.
Phát biểu với báo giới ngay trước giờ khai mạc Hội nghị, Tổng thống Pháp Francois Hollande nêu rõ, ưu tiên hàng đầu của Hội nghị sẽ là việc thiết lập một liên minh ngân hàng trước cuối năm nay, chứ không phải vấn đề ngân sách. Tổng thống Pháp Hollande khẳng định: “Chủ đề của Hội đồng châu Âu không phải là liên minh ngân khố, mà là liên minh ngân hàng. Vì vậy quyết định duy nhất mà chúng ta sẽ đưa và khẳng định là việc thiết lập một liên minh ngân hàng trước cuối năm nay. Cần lưu ý rằng, bước đầu tiên là vấn đề giám sát ngân hàng. Chủ đề khác không có trong chương trình nghị sự”.
Trước đó, phát biểu tại Quốc hội Đức chiều qua, Thủ tướng Đức Angela Merkel đã yêu cầu tăng cường vai trò quản trị của Ủy ban châu Âu đối với ngân sách quốc gia của các nước thành viên. Theo đó, Ủy ban châu Âu cần có quyền phủ quyết ngân sách của các quốc gia thành viên vi phạm quy định của EU. EU cần tập trung vào vấn đề chất lượng, chứ không phải vấn đề tốc độ.
Trong khi đó, Thủ tướng Anh David Cameron khẳng định, vấn đề thị trường đơn lẻ sẽ được đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị thượng đỉnh EU lần này.
Như vậy, sự khác biệt rõ ràng trong quan điểm giữa các nhà lãnh đạo của những nền kinh tế hàng đầu châu Âu về chương trình nghị sự của Hội nghị. Tuy nhiên, Cao ủy Liên minh châu Âu về các vấn đề Kinh tế và Tiền tệ Ollie Rehn vẫn tin rằng có thể đạt được sự đồng thuận vì đây là vấn đề của ý nguyện chính trị.
Ông Ollie Rehn nói: “Đây là lúc ý nguyện chính trị của các quốc thành viên được kiểm chứng. Nếu trong những tuần tới, các quốc gia thành viên Liên minh châu Âu và Nghị viện châu Âu tập trung làm việc như lúc này, như Ủy ban châu Âu đã làm việc trong suốt kỳ nghỉ hè vừa qua, tôi tin chắc là vấn đề sẽ được kết luận vào cuối năm nay”./.
Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
---------
Bắc Kinh nổi đóa vì 2 Bộ trưởng Nhật thăm Yasukuni
Theo AFP, Trung Quốc đã chỉ trích chuyến thăm đền Yasukuni gây tranh cãi của hai bộ trưởng Nhật Bản, động thái càng làm nghiêm trọng thêm mối quan hệ vốn căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất châu Á này.
Phát biểu tại một cuộc họp báo thường ngày, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi nói: "Đền Yasukuni là một nền tảng tinh thần được chế độ quân phiệt Nhật sử dụng để tôn thờ những cuộc xâm lược của họ ở nước ngoài cũng như các tội phạm chiến tranh có nợ máu đối với các nạn nhân chiến tranh. Chúng tôi hối thúc phía Nhật Bản thẳng thắn đối mặt, phản ánh đúng lịch sử và nghiêm túc thực thi các tuyên bố cũng như cam kết tôn trọng các vấn đề lịch sử và tỏ ra có trách nhiệm trước cộng đồng quốc tế."
Đền Yasukuni nằm ở trung tâm Tokyo, thờ những người đã chết trong Chiến tranh thế giới thứ hai, trong đó có 14 nhân vật bị liệt vào dạng tội phạm chiến tranh.
Chuyến thăm ngôi đền này của các quan chức Nhật Bản thường gây nên giận dữ từ các nước láng giềng, vốn là những nạn nhân của phát xít Nhật trong Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Giao thông, cơ sở hạ tầng và đất đai Nhật Bản Yuichiro Hata và Bộ trưởng phụ trách cải cách bưu chính và phòng chống thiên tai Mikio Shimoji nằm trong nhóm các nghị sỹ trung lập đã thăm đền Yasukuni.
Chuyến thăm này diễn ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Đảng Dân chủ Tự do Nhật Bản (LDP) Shinzo Abe - người có thể trở thành thủ tướng tiếp theo nếu LDP giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Hạ viện lần tới - hôm 17/10 đến thăm ngôi đền này.
Sau khi thăm đền, Bộ trưởng Hata nói với báo giới rằng “đây là hành động thăm viếng mang tính cá nhân” và và ông Shimoji cho biết ông "thăm đền với tư cách là Tổng Thư ký đảng Quốc dân mới."
Trong một diễn biến khác, tỉnh trưởng Hokkaido, hòn đảo thiên đường du lịch của Nhật Bản, bà Harumi Takahashi ngày 18/10 cho biết cửa vẫn mở đối với du khách và nhà đầu tư Trung Quốc bất chấp những xích mích xảy ra khi các tàu chiến của Bắc Kinh chạy quanh các vùng biển của Nhật Bản./.
(Vietnam+)
---------
Nga - Mỹ chuẩn bị cho chiến tranh mạng
Hai cường quốc này đang nghiên cứu các biện pháp ngăn ngừa chiến tranh trên mạng xảy ra
Từ ngày 13 đến 16-11 tới đây, Liên minh Bắc Đại Tây Dương (NATO) sẽ tiến hành cuộc tập trận “Cyber Coalition” (Liên minh chống chiến tranh mạng), diễn tập hành động phối hợp giữa các nước thành viên trong điều kiện xảy ra chiến tranh mạng. Theo kịch bản, hệ thống máy tính 2 nước thành viên Hungary và Estonia chịu sự tấn công quy mô lớn trên mạng từ một kẻ gây hấn được mô tả là một nước châu Phi nào đó xung đột với NATO.
Thế nhưng, trên thực tế, các chuyên gia quân sự Mỹ thừa nhận rằng Nga mới được xem là “kẻ xâm lược máy tính tiềm năng chủ yếu” đối với NATO. Nguồn tin từ NATO cho biết “các đối thủ” kế tiếp của khối này là Trung Quốc và Iran. Theo báo Kommersant, hiện nay, Mỹ đã bắt tay vào việc nghiên cứu các loại vũ khí tấn công trên không gian mạng để đề phòng trường hợp xảy ra xung đột giữa kẻ thù với bất kỳ nước thành viên NATO nào.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nhấn mạnh rằng nước Mỹ đang đối mặt với mối đe dọa của một cuộc tấn công quy mô lớn trên mạng, có thể gây ra tổn thất về cơ sở vật chất và sinh mạng. Theo ông, hậu quả của cuộc tấn công này có thể so sánh với vụ khủng bố 11-9-2001 và dẫn đến một “trận Trân Châu Cảng trên mạng”. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng kêu gọi quốc hội thông qua dự luật an ninh trên mạng để bảo vệ đất nước. Ông Panetta còn khẳng định Nga là “đối thủ có khả năng tiên tiến về máy tính”.
Về phần mình, Nga không che giấu kế hoạch chuẩn bị cho một cuộc chiến tranh mạng. Các chuyên gia quân sự Nga từng nói về kế hoạch điều nghiên các phương tiện bảo vệ những mạng thông tin và cơ sở vật chất trọng yếu của đất nước trước một cuộc tấn công mạng. Bộ Quốc phòng Nga cũng vừa tuyên bố đấu thầu việc tiến hành nghiên cứu trong lĩnh vực an ninh công nghệ thông tin. Như giải thích của giáo sư Valery Yashenko, Phó Giám đốc Viện Các vấn đề an ninh thông tin thuộc Đại học Quốc gia Moscow, đó là hoạt động nghiên cứu về các đơn vị vũ khí máy tính. Chúng có thể được sử dụng trong phòng thủ cũng như tấn công.
Tuy nhiên, theo chuyên gia Yashenko, khi chuẩn bị cho chiến tranh mạng, Nga và Mỹ cũng đồng thời nghiên cứu các biện pháp ngăn ngừa nó xảy ra.
LỤC SAN// NLĐ
------------
Tăng cường quan hệ Việt Nam - LB Nga
Theo Ðài Tiếng nói nước Nga, ngày 17-10, kỳ họp thứ 15 Ủy ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật Việt Nam - LB Nga diễn ra tại Thủ đô Mát-xcơ-va, LB Nga, đã bế mạc.
Phát biểu ý kiến sau cuộc họp, hai đồng Chủ tịch Ủy ban liên Chính phủ gồm Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Phó Thủ tướng thứ nhất I-go Su-va-lốp cho biết, Nga và Việt Nam dự kiến nâng kim ngạch thương mại song phương lên bảy tỷ USD vào năm 2015. Chín tháng đầu năm nay, mức tăng kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 30% và dự kiến sẽ đạt mức 2,7 tỷ USD trong năm nay. Hai bên có kế hoạch khởi động đàm phán chuẩn bị ký kết Hiệp định về thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam với Liên minh Hải quan gồm ba nước Nga, Bê-la-rút và Ca-dắc-xtan vào quý I năm 2013. Tại kỳ họp, hai bên đã kiểm điểm việc thực hiện Biên bản kỳ họp tháng 11-2011 tại Hà Nội, đánh giá cao những kết quả đạt được, đồng thời tập trung thảo luận nhằm tìm các biện pháp tháo gỡ khó khăn, tăng cường hơn nữa hiệu quả hợp tác song phương, phù hợp quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vừa được nâng cấp nhân chuyến thăm chính thức LB Nga tháng 7 vừa qua của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang.
* Cùng ngày, tại cuộc họp của Ủy ban hợp tác kỹ thuật - quân sự của Nga với các nước, Tổng thống Nga V.Pu-tin tuyên bố, Nga sẽ phát triển hợp tác kỹ thuật - quân sự với các nước trong nhóm BRICS (gồm Bra-xin, Nga, Ấn Ðộ, Trung Quốc, Nam Phi) và với Việt Nam trên cơ sở những cách tiếp cận mới, bảo đảm tính chất linh hoạt và hiệu quả. Ông nêu rõ, về lĩnh vực hợp tác kỹ thuật - quân sự thì Ấn Ðộ và Trung Quốc có truyền thống là đối tác chủ chốt của Nga, trong khi Việt Nam là đối tác tin cậy của Nga.
( Nhân Dân)
---------
Hội thảo về Biển Đông tại Pháp
Hội thảo “Biển Đông: Không gian khủng hoảng mới ?’’ do Quỹ Gabriel Péri thuộc Viện nghiên cứu quan hệ quốc tế và chiến lược Pháp tổ chức ngày 16-10 tại thủ đô Paris với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, học giả của Pháp, các chuyên gia quân sự Pháp và các chuyên gia luật quốc tế đến từ Đại học Vrije, Bỉ và Đại học Brunel, Anh. Hội thảo đề cập ba chủ đề chính: Vấn đề luật pháp quốc tế liên quan biển Đông; Vấn đề chính trị, chiến lược và kinh tế liên quan đến biển Đông; Bế tắc quân sự hoặc giải pháp chính trị cho vấn đề biển Đông.
Đánh giá của các tham luận tại hội thảo cho thấy, biển Đông ngày càng trở thành khu vực quan trọng trên thế giới. Hiện nay một phần ba giao dịch thương mại toàn cầu, trong đó giao dịch thương mại của Mỹ trị giá 1.200 tỷ USD được vận chuyển qua khu vực hằng năm.
Với trữ lượng dầu mỏ, khí thiên nhiên phong phú, nguồn lợi hải sản dồi dào và vị trí địa chính trị đặc biệt quan trọng, biển Đông đang trở thành tâm điểm chú ý trên chính trường quốc tế. Việc biển Đông trở thành “điểm nóng” thời gian gần đây giữa các quốc gia và vùng lãnh thổ trong khu vực cho thấy khu vực đang tiềm ẩn những dấu hiệu bất ổn.
Để giải quyết những bế tắc của cuộc khủng hoảng và tìm ra giải pháp chính trị phù hợp, các đại biểu đề xuất nhiều ý kiến trong đó các nước trong khu vực cần kiềm chế, hạn chế chạy đua vũ trang, tránh leo thang quân sự, tuân thủ Luật Biển 1982 và Tuyên bố về cách ứng xử trên biển Đông năm 2003. Theo đó, các bên đều có nghĩa vụ tôn trọng vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý. Như vậy, căn cứ theo luật pháp quốc tế, tuyên bố của Trung Quốc trước Liên Hợp quốc năm 2009 về đường lưỡi bò 9 đoạn là hoàn toàn vô căn cứ và không có cơ sở pháp lý.
Các đại biểu cũng đề xuất cần quốc tế hóa vấn đề biển Đông tại các diễn đàn lớn với các đối tác như Liên minh châu Âu, Hoa Kỳ, APEC, Liên hợp quốc chiếu theo luật pháp quốc tế.
HUY THẮNG và KHẢI HOÀN
(Nguồn: Phóng viên báo Nhân Dân thường trú tại Pháp)
-------
Hàn Quốc chạy đua vào Hội đồng Bảo an
Hàn Quốc là một trong 3 nước cùng chạy đua để giành vị trí đại diện khu vực châu Á - TBD tại Hội đồng Bảo an.
Cuộc chạy đua nhằm giành vị trí thành viên Hội đồng Bảo an (HĐBA) Liên Hợp Quốc của Hàn Quốc sẽ được quyết định vào cuối ngày 18/10 (theo giờ địa phương).
Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc hôm 18/10 sẽ bỏ phiếu để bầu 5 thành viên không thường trực mới của Hội động Bảo an.
Hàn Quốc, Campuchia và Butan là 3 nước cùng chạy đua để giành vị trí đại diện khu vực châu Á - Thái Bình Dương tại Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc. Hàn Quốc từng là thành viên không thường trực nhiệm kỳ 1996-1997.
Đại Hội đồng LHQ sẽ chọn ra 5 nước thay thế Colombia, Đức, Ấn Độ, Bồ Đào Nha và Nam Phi, bắt đầu nhiệm kỳ 2 năm từ ngày 1/1/2013./.
Thuỳ Linh/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
---------
Cựu Bộ trưởng Hong Kong ra tòa vì gian lận
Cơ quan phòng chống tham nhũng Hong Kong Mak Chai-kwong và một quan chức khác hôm nay ra tòa vì cáo buộc gian lận quỹ trợ cấp nhà ở, trong một vụ bê bối gây rúng động chính quyền.
Cựu Bộ trưởng Phát triển đặc khu hành chính Hong Kong, Trung Quốc, Mak Chai-kwong và Tsang King-man, trợ lý giám đốc đặc trách đường cao tốc, đang đối mặt với 6 tội danh liên quan đến âm mưu gian lận ngân sách của chính quyền, theo Ủy ban Độc lập Phòng chống Tham nhũng Hong Kong (ICAC).
Hai người cũng đối mặt với cáo buộc khác cho rằng họ thuê chéo nhà nhau từ năm 1985 đến 1990, để nhận trợ cấp thuê nhà của chính quyền, lạm dụng quỹ công.
Tại phiên tòa hôm nay, thẩm phán quyết định chuyển vụ án lên tòa án quận để thực hiện phiên điều trần tiếp theo, dự kiến vào ngày 6/11 và lệnh cho hai người này thường xuyên báo cáo với ICAC cho tới lúc đó. Tổng cộng 45 nhân chứng sẽ được triệu tập cho phiên xét xử.
AFP dẫn lời ICAC cho biết hai vị cựu quan chức này bị buộc tội lừa đảo chính quyền, thu về hơn 90.000 USD. Nếu bị kết tội, hai người có thể đi tù tới 7 năm. Các bị cáo được tại ngoại cho đến khi ra tòa hôm nay.
Ông Mak, 62 tuổi, từ chức bộ trưởng hồi tháng 7, chỉ chưa đầy hai tuần sau lễ nhậm chức, khi phương tiện truyền thông địa phương phanh phui vụ bê bối với các tài liệu đăng ký đất đai. Còn ông Tsang cũng bị bắt ngay sau đó, nhưng vẫn giữ chức trợ lý.
Vụ việc là một đòn giáng mạnh với chính quyền của Trưởng đặc khu hành chính Hong Kong, Leung Chun-ying, người mới tuyên thệ hôm 1/7 với hứa hẹn khôi phục sự trong sạch cho chính quyền trước sự hoài nghi của công chúng. Bản thân ông Leung cũng đối mặt với những lời kêu gọi từ chức và thách thức về pháp lý, sau khi người ta phát hiện ra các công trình xây dựng bất hợp pháp trong nhà ông.
Trọng Giáp/ VNexpress
---------
Thủ tướng Pháp công du Singapore và Philippines
Tân hoa xã và Đài RFI đưa tin Thủ tướng Pháp Jean-Marc Ayrault, cùng nhiều quan chức cấp cao trong đó có Bộ trưởng Ngoại thương Pháp và đại diện các tập đoàn lớn (Alstom, EADS, RATP, PSA...), ngày 18/10 đã bắt đầu chuyến thăm Singapore hai ngày nhằm thắt chặt quan hệ.
Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Thủ tướng Ayrault kể từ khi ông nhậm chức hồi tháng Năm.
Thông cáo báo chí của Bộ Ngoại giao Singapore cho biết theo kế hoạch, ông Ayrault sẽ hội kiến với Tổng thống nước chủ nhà Tony Tan Keng Yam và người đồng cấp Lý Hiển Long.
Hai Thủ tướng cũng sẽ ký "Tuyên bố chúng về Đối tác chiến lược Singapore-Pháp," trong đó nêu bật mối quan hệ mật thiết giữa hai nước, cùng vai trò của hai nước trong việc thúc đẩy sự gắn kết Á-Âu chặt chẽ hơn.
Theo kế hoạch, Philippines sẽ là điểm dừng chân tiếp theo của ông Ayrault sau chuyến thăm Singapore.
Nhận định về các chuyến thăm này, báo Pháp Le Figaro nêu câu hỏi: Thủ tướng Pháp đi đến tận bên kia hành tinh để làm gì trong lúc còn bao nhiêu chuyện rắc rối ở nhà?
Theo Le Figaro, chuyến công du dự kiến kết thúc vào ngày 21/10 này là động thái "ngoại giao kinh tế" mà Tổng thống Pháp đã gợi lên cuối tháng 8/2012. Chưa một thủ tướng Pháp nào đến Philippines từ ngày nước này độc lập năm 1946, còn với Singapore cũng chưa có thủ tướng Pháp nào đến đây từ năm 1990, mặc dù về thương mại, Pháp vẫn có thặng dư đối với hai nước này vào năm 2011 (1,3 tỷ USD với Singapore và 166 triệu USD với Philippines).
Vì vậy, theo lời Thủ tướng Ayrault, ông đến để sửa chữa một tình trạng "không bình thường:" sự vắng mặt của Pháp tại khu vực này. Ông cũng muốn thiết lập quan hệ dài hạn tại đây.
Theo Le Figaro, Thủ tướng Ayrault muốn ghi dấu ấn ngoại giao riêng của ông./.
(Vietnam+)
---------
Nga xóa nợ hơn 20 tỷ USD cho châu Phi
Nga đồng ý xóa nợ cho nhiều quốc gia trong đó có các nước châu Phi nhằm tăng cường hợp tác và hỗ trợ phát triển.
Phát biểu tại cuộc họp của Đại hội đồng Liên Hợp Quốc, người đứng đầu Vụ tổ chức quốc tế thuộc Bộ ngoại giao Nga, ông Vladimir Sergeyev, mới đây cho hay, Nga đã xóa nợ hơn 20 tỷ USD cho các nước châu Phi.
Ngoài ra, Nga cũng đóng góp 50 triệu USD cho Quỹ hỗ trợ phát triển các nước nghèo của Ngân hàng thế giới. Phần lớn số tiền này sẽ được dùng cho đầu tư vào các nước ở lục địa phía nam sa mạc Sahara.
Nga từng xóa nợ cho nhiều nước, trong đó có Afghanistan với khoản nợ 11 tỷ USD và Triều Tiên khoảng 10 tỷ USD.
Gafin
------
Người Syria với nỗi sợ bị biến mất
Các nhóm nhân quyền đang làm việc ở Syria cho biết ít nhất 28.000 người đã biến mất sau khi bị binh lính bắt cóc.
Fighting between government forces and rebels is continuing in the city of Aleppo
Họ cho biết họ có tên của 18.000 người bị mất tích kể từ khi những cuộc biểu tình chống chính phủ nổ ra cách đây 18 tháng và họ biết về 10.000 trường hợp khác.
Nhóm hoạt động trên Internet có tên Avaaz cho biết “không có ai an toàn” từ một chiến dịch khủng bố của chính phủ và có ý định trao hồ sơ để điều tra cho Ủy ban Nhân quyền của Liên hợp quốc.
Avaaz đã tập hợp lời khai của những người Syria nói rằng chồng, con họ đã bị các lực lượng thân chính phủ bắt cóc.
Alice Jay, giám đốc chiến dịch tại Avaaz nói: “Người Syria đang bị các lực lượng an ninh quét khỏi đường phố và sau đó họ “biến mất” vào trong các nhà tù tra tấn. Cho dù đó là phụ nữ đi mua hàng hay nông dân đi mua xăng, không có ai được an toàn”. Bà cho biết đây là một chiến dịch nhằm “khủng bố các gia đình và cộng đồng”. Số phận của từng người này phải được điều tra và những người có liên quan phải bị trừng phạt.
Fedel Abdulghani của Mạng lưới nhân quyền Syria ước tính 28.000 đã biến mất kể từ khi vụ bất ổn nổ ra chống chính phủ ông Bashar al-Assad bắt đầu từ năm ngoái. Tuy nhiên, ông Muhannad al-Hasani, người của tổ chức nhân quyền Sawasya lại nâng con số này cao hơn: “Theo thông tin chúng tôi có được ở những ngôi làng khắp Syria, chúng tôi cho rằng có khoảng 80.000 người biến mất. Người dân đang bị bắt vào ban đêm, trên đường phố…”.
Đến nay chính phủ Syria chưa có bình luận về những cáo buộc trên nhưng trước đây họ liên tục bác bỏ những thông tin về lạm dụng nhân quyền.
Hà Châu (Theo BBC, GDTĐ)
--------
Pháp: Khủng hoảng eurozone rất gần kết thúc
Tổng thống Pháp Francois Hollande hôm 17-10 khẳng định cuộc khủng hoảng ở khu vực đồng EUR đang “rất gần” kết thúc.
Trong một bài phỏng vấn với báo Le Monde và 5 tờ báo châu Âu khác, ông Hollande nói các nhà lãnh đạo châu Âu đã thiết lập được những biện pháp hồi phục cơ bản và cam kết sẽ cắt giảm thâm hụt và nợ công.
“Ở lối thoát khỏi cuộc khủng hoảng eurozone, chúng ta đang ở gần, rất gần” - ông Hollande nói. “Điều này bởi chúng ta đã có những quyết định đúng đắn trong cuộc họp thượng đỉnh gày 28 và 29-6, và bởi vì nhiệm vụ hiện tại của chúng ta là phải thực hiện điều đó nhanh chóng”.
“Đầu tiên, điều đó có nghĩa giải quyết dứt điểm tình hình ở Hy Lạp, đòi hỏi phải có nhiều nỗ lực và bảo đảm Hy Lạp phải ở lại trong eurozone”.
Hollande cũng thêm rằng EU đã bảo đảm cung cấp tín dụng lãi suất thấp cho các nước đã đau đớn trong nỗ lực cải cách tài chính.
Nhà lãnh đạo Pháp cũng nhấn mạnh rằng ông muốn nhìn thấy tiến triển trong lĩnh vực quản lý và cấu trúc ngân hàng trong khu vực đồng EUR trước khi kết thúc năm nay.
Ánh Vân (Theo AFP, ĐTTC)
----------
Trung - Hàn lại căng thẳng
Sự cạn kiệt nguồn cá trong nước là nguyên nhân cơ bản đằng sau hoạt động đánh bắt cá trái phép của hàng ngàn tàu Trung Quốc
Một ngư dân Trung Quốc đã thiệt mạng hôm 16-10 sau khi trúng phải đạn cao su của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc.
Theo hãng tin Yonhap (Hàn Quốc), vụ việc xảy ra khi Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc tìm cách bắt giữ hàng chục tàu cá Trung Quốc bị cáo buộc hoạt động trái phép trong vùng biển cách huyện Sina, tỉnh Jeolla 90 km. Những ngư dân trên tàu cá này đã dùng những vũ khí nguy hiểm như gậy sắt, dao và cưa để chống trả và ngăn lực lượng Hàn Quốc lên tàu. Trong lúc xô xát, ngư dân 44 tuổi nói trên đã bị trúng đạn súng cao su và tử vong sau khi được đưa đến cấp cứu tại một bệnh viện gần đó bằng máy bay trực thăng.
Nhà chức trách Hàn Quốc cho biết 23 ngư dân Trung Quốc đã bị bắt giữ để thẩm vấn sau vụ đụng độ này, đồng thời tiến hành điều tra cái chết nói trên. Dù vậy, những thông tin ban đầu cho thấy đây chỉ đơn thuần là một tai nạn. Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc khẳng định họ buộc phải dùng đạn cao su khi cảm thấy tính mạng bị đe dọa trước sự chống trả quyết liệt của ngư dân Trung Quốc.
Chính phủ Hàn Quốc đã lấy làm tiếc trước sự việc này và gửi lời chia buồn đến gia đình nạn nhân. Cũng như mọi khi, phía Bắc Kinh ngay tức thì bày tỏ phản đối và bất bình, đồng thời đòi Seoul có những biện pháp hiệu quả để bảo đảm không tái diễn vụ việc tương tự.
Yonhap nhận định rằng sự cố đáng tiếc nói trên không có gì mới khi hoạt động đánh bắt cá trái phép của Trung Quốc trong lãnh hải Hàn Quốc chưa khi nào có dấu hiệu thuyên giảm, thậm chí đang tăng lên. Tính từ đầu năm đến nay, nhà chức trách Hàn Quốc đã bắt hơn 130 tàu cá Trung Quốc. Sự cạn kiệt nguồn cá trong nước do tình trạng đánh bắt quá mức và nạn ô nhiễm là nguyên nhân cơ bản đằng sau hoạt động đánh bắt cá trái phép của hàng ngàn tàu Trung Quốc. Một nguyên nhân khác là Bắc Kinh tỏ ra thờ ơ trước việc trừng phạt những tàu cá Trung Quốc hoạt động trái phép tại vùng biển của nước khác.
Yonhap nhắc lại 2 vụ ngư dân Trung Quốc đâm chết sĩ quan Lực lượng Bảo vệ bờ biển Hàn Quốc trong năm 2008 và 2011 hoặc vụ một tàu cá Trung Quốc đâm vào tàu của lực lượng này năm 2010 để cho thấy bản chất hung hăng của ngư dân Trung Quốc. Để bảo vệ tính mạng các nhân viên bảo vệ bờ biển, chính phủ Hàn Quốc vào đầu năm nay đã cho phép lực lượng này dùng vũ khí khi tính mạng bị ngư dân Trung Quốc đe dọa.
HOÀNG PHƯƠNG// NLĐ
--------
Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và Syria lại nã pháo vào nhau
AFP và hãng thông tấn Anatolia dẫn các nguồn tin địa phương cho hay, ngày 17/10, Thổ Nhĩ Kỳ lại nã pháo trả đũa Syria sau khi một quả đạn cối từ phía Syria rơi xuống lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ.
Thông báo từ văn phòng tỉnh trưởng tỉnh Hatay cho hay vụ việc xảy ra vào khoảng 13 giờ 15 phút GMT. Quả đạn cối của Syria đáp xuống vị trí cách biên giới Syria 3m và chỉ cách một nông trại 150m nhưng không gây thương vong hay thiệt hại nào.
Ngay sau đó, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đã bắn trả từ một căn cứ ở thị trấn biên giới Hacipasa.
Trong hơn 10 ngày qua, Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả một cách có hệ thống sau mỗi lần biên giới nước này với Syria bị xâm phạm bởi các vụ nã pháo từ phía bên kia biên giới. Hôm 3/10, một quả đạn bắn từ phía Syria đã làm 5 người Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng.
Trong khi đó, tại Syria các cuộc xung đột vũ trang giữa quân đội chính phủ và lực lượng chống đối vẫn tiếp diễn. Ngày 17/10, một cuộc giao tranh ác liệt đã diễn ra tại thị trấn Maaret al-Numan để giành giật đoạn đường cao tốc từ thủ đô Damascus đi Aleppo. Lực lượng chống đối đã bắn rơi một máy bay lên thẳng của quân đội chính phủ.
Những vụ việc trên diễn ra trong bối cảnh đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) về Syria, ông Lakhdar Brahimi đang có chuyến công du tại khu vực Trung Đông để thuyết phục các bên tham chiến thỏa thuận về một lệnh ngừng bắn trong dịp lễ Eid al-Adha của người Hồi giáo, sẽ diễn ra vào 26/10.
Tại cuộc họp báo ở Lebanon, nước láng giềng của Syria, ông Brahimi bày tỏ lo ngại xung đột vũ trang ở nước này có thể lan rộng. Ông nói: "Cuộc khủng hoảng này có thể không chỉ nằm trong vùng lãnh thổ của Syria. Nếu cuộc khủng hoảng này không được giải quyết, nó có thể bùng cháy (khắp khu vực)."
Theo ông Brahimi, mỗi ngày có khoảng 100 người Syria bị chết trong các cuộc xung đột. Theo Tổ chức Giám sát nhân quyền Syria (SOHR-trụ sở tại Anh), trong ngày 17/10, đã có ít nhất 90 người bị chết, còn trong ngày 16/10 đã có 150 người chết, nâng tổng số nạn nhân chết vì xung đột trong một tuần qua lên 1.000 người.
Liên quan tới đề xuất ngừng bắn nhân dịp lễ Hồi giáo trên của ông Brahimi, ngày 16/10, Bộ Ngoại giao Syria tuyên bố chính phủ nước này sẵn sàng thảo luận về một thỏa thuận ngừng bắn. Tuy nhiên, theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Syria Jihad Maqdisi, quân chống đối và các bên hỗ trợ họ cũng cần tham gia thỏa thuận ngừng bắn.
Về phản ứng quốc tế đối với đề xuất ngừng bắn của ông Brahimi, Iran đã bày tỏ ủng hộ. Theo hãng Thông tấn Iran (IRNA), Tổng thống nước này Mahmoud Ahmadinejad, ngày 17/10, cho biết ông cũng đưa ra một đề xuất tương tự tại cuộc hội đàm với Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan vừa diễn ra trong tuần này.
Tổng thống Iran còn cho rằng các cuộc bầu cử tự do là cách tốt nhất để chấm dứt cuộc xung đột kéo dài 19 tháng tại Syria. Iran được coi là đồng minh thân cận nhất của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.
Trong cuộc họp báo tại Washington, ngày 17/10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Victoria Nuland cho hay hiện Mỹ vẫn "đang cân nhắc" những biện pháp, trong đó bao gồm việc lập một vùng cấm bay, nhằm châm dứt cuộc xung đột ngày càng phức tạp tại Syria.
Tuyên bố này cho thấy Mỹ vẫn chưa quyết định về việc liệu có lập vùng cấm bay đối với Syria hay không.
Cuộc xung đột tại Syria tiếp diễn hết sức phức tạp do cả lực lượng chính phủ và lực lượng chống đối tiếp tục nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ bên ngoài. Nga đã bán cho quân đội chính phủ Syria số vũ khí trị giá 1 tỷ USD trong năm ngoái, còn Trung Quốc đã ba lần bỏ phiếu chống tại các cuộc bỏ phiếu của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc để thông qua các nghị quyết chống Syria do các nước phương Tây đề xuất.
Trong khi đó, một số nước trong khu vực và phương Tây (Mỹ, Pháp...) ủng hộ phe chống đối và thường xuyên rót tiền cũng như "viện trợ nhân đạo" cho lực lượng này.
Trong một diễn biến khác, Bulgaria, nước láng giềng của Thổ Nhĩ Kỳ đã thông báo kế hoạch lập một khu tạm cư cho những người Syria chạy lánh nạn tại thị trấn Harmali, nằm trên biên giới giáp với Thổ Nhĩ Kỳ. Dự kiến khu tạm cư này có thể đón nhận 1.000 người.
Bên cạnh đó, Bulgaria đã huy động nhiều cảnh sát tới vùng biên giới này để ngăn dòng người Syria tị nạn.
Đã có khoảng 100.000 người Syria chạy tị nạn sang Thổ Nhĩ Kỳ và một số nước láng giềng để tránh các cuộc xung đột trong nước./.
(TTXVN)