Italia ‘mạnh tay’ thanh lọc Mafia trong chính quyền
Các quan chức Italia cho biết, toàn bộ hội đồng thành phố Reggio Calabria ở miền nam Italy đã bị sa thải để ngăn chặn sự kiểm soát
và ảnh hưởng của mafia trong chính quyền thành phố này.
Động thái này được đưa ra sau khi một số thành viên hội đồng bị nghi ngờ có liên quan đến tổ chức tội phạm nguy hiểm Ndrangheta.
Italia ‘mạnh tay’ thanh lọc Mafia trong chính quyền
Các quan chức cho biết đây là lần đầu tiên mà toàn bộ chính quyền của một thành phố bị miễn nhiệm vì nghi ngờ có dính dáng tới
mafia.
Ba ủy viên sẽ điều hành thành phố này trong 18 tháng cho đến khi diễn ra cuộc bầu cử tiếp theo.
Bộ trưởng Nội vụ Annamaria Cancellieri cho biết, Thị trưởng Demetrio Arena và tất cả 30 thành viên hội đồng đã bị sa thải để ngăn
chặn bất kỳ sự dính lúi hay tham gia nào của mafia trong chính quyền thành phố.
Một cuộc điều tra đã được tiến hành sau khi một ủy viên hội đồng bị bắt vì có liên hệ với băng đảng này hồi năm ngoái .
Các chuyên gia cho biết: “Ndrangheta đã vượt qua Sicilian Cosa Nostra (một tổ chức mafia lớn khác) và trở thành một trong những tổ
chức tội phạm lớn nhất thế giới”. Tổ chức này chuyên buôn bán cocaine, tống tiền và rửa tiền.
Ủy ban chống mafia của quốc hội Italia coi đây là một băng đảng nguy hiểm nhất và giàu có nhất ở Italia.
Phạm Khánh // Infonet
---------
Đại giáo chủ Iran Khamenei coi châu Âu "ngu ngốc"
Đại giáo chủ, thủ lĩnh tinh thần của Iran, ông Khamenei ngày 10/10 tuyên bố Tehran có thể vượt qua các biện pháp trừng phạt kinh tế "dã man" do phương Tây áp đặt đối với chương trình hạt nhân nhạy cảm của nước Cộng hòa Hồi giáo này.
Trong bài phát biểu được truyền hình nhân chuyến thăm tỉnh Bắc Khorasan, ông Khamenei nói: "Đó là những biện pháp trừng phạt dã man và chúng đồng nghĩa với một cuộc chiến nhằm vào một quốc gia... Tuy nhiên Iran sẽ không lùi bước."
Ông cũng cáo buộc phương Tây "đang lừa dối" xung quanh đề xuất dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy việc Iran đưa ra đảm bảo đối với những tuyên bố của họ nói rằng chương trình hạt nhân của Tehran chỉ phục vụ mục đích dân sự.
Theo ông Khamenei, các biện pháp trừng phạt của phương Tây gây "khó dễ" cho một đất nước và rằng "một số sai sót" trong các biện pháp hà khắc đó càng gây thêm rắc rối. Thủ lĩnh tinh thần Iran cũng bác bỏ quan điểm cho rằng những biện pháp trừng phạt đó liên quan tới tham vọng hạt nhân của Iran như phương Tây cáo buộc.
Ông Khamenei cho rằng các quốc gia Châu Âu "thật ngu ngốc" khi ủng hộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran và nhấn mạnh rằng những nước này đang "hiến thân" cho lợi ích của Mỹ./.
(Vietnam+)
---------------
Nhật-Ấn Độ hợp tác đảm bảo nguồn cung LNG giá rẻ
Ngày 10/10, Nhật Bản và Ấn Độ đã nhất trí tiến hành nghiên cứu chung nhằm tìm kiếm các biện pháp mua khí hóa lỏng (LNG) với giá rẻ hơn từ các nước khác trên thế giới.
Thỏa thuận trên đạt được trong cuộc đối thoại tại Tokyo giữa Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) và Ủy ban kế hoạch phụ trách chính sách năng lượng của Ấn Độ trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với chi phí nhiên liệu tăng để sản xuất nhiệt điện bù đắp cho lượng điện hạt nhân thiếu hụt sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1.
Gánh nặng này đang đặt ra câu hỏi tại đất nước nghèo tài nguyên về việc liệu có phải tiếp tục phụ thuộc nhiều vào điện hạt nhân hay không.
Tuyên bố sau cuộc đối thoại trên nói rằng “Nhật Bản, nước tiêu thụ LNG lớn nhất thế giới, và Ấn Độ, nước sẽ có mức tiêu thụ tăng mạnh trong tương lai, sẽ hợp tác để đảm bảo nguồn cung LNG ổn định và chi phí thấp.”
Một quan chức Nhật Bản cho biết, thông qua nghiên cứu chung, hai nước nhập khẩu LNG lớn nhất và thứ 5 thế giới dự kiến sẽ tiến hành thảo luận với quan điểm nhằm thiết lập một chỉ số giá cụ thể cho LNG ở châu Á.
Giá LNG Nhật Bản và các nước châu Á khác nhập khẩu cao hơn so với Mỹ và các nước châu Âu vì giá ở châu Á gắn với giá dầu thô theo các hợp đồng dài hạn.
Theo tuyên bố trên, hai nước cũng nhất trí về tầm quan trọng của hợp tác hạt nhân dân sự và khẳng định sự cần thiết phải tăng cường an toàn cho các nhà máy điện hạt nhân. Họ cũng nhấn mạnh tới viện trợ kỹ thuật của Nhật Bản cho Ấn Độ trong lĩnh vực bảo tồn năng lượng và năng lượng có khả năng tái tạo.
Khoảng 20 lò phản ứng hạt nhân đang hoạt động ở Ấn Độ và nền kinh tế mới nổi này có kế hoạch tăng thêm số lò phản ứng hạt nhân. Nhật Bản và Ấn Độ hiện đang đàm phán về hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự, một hiệp định quy định khung pháp lý cho xuất khẩu các công nghệ điện hạt nhân vì mục đích sử dụng hòa bình./.
Minh Sơn/Tokyo (Vietnam+)
-------------
Indonesia cảnh báo nguy cơ khủng bố ở Bali
Cảnh sát Indonesia ngày 10.10 đã cảnh báo về mối đe dọa khủng bố nhân sự kiện kỷ niệm 10 năm ngày xảy ra các vụ đánh bom ở Bali (ngày 12.10), đồng thời nâng báo động an ninh của nước này lên mức cao nhất, tin tức từ hãng thông tấn AP.
Thiếu tướng I Ketut Untung Yoga Ana thuộc cảnh sát Bali cho biết họ đã nhận được những báo cáo về sự “di chuyển chắc chắn” của các phần tử khủng bố.
Ông này khẳng định an ninh đã được thắt chặt tại mọi cửa khẩu dẫn đến Bali trước lễ kỷ niệm vào ngày 12.10, và các tay súng bắn tỉa sẽ được bố trí xung quanh các địa điểm tưởng niệm.
“Chúng tôi đã chuẩn bị một sự sắp đặt về an ninh ở mức cao nhất, thậm chí cho cả sau dịp kỷ niệm”, ông nói. Thiếu tướng Ana từ chối tiết lộ những chi tiết cụ thể về mối đe dọa khủng bố.
Thủ tướng Úc Julia Gillard dự kiến sẽ tham dự sự kiện kỷ niệm các vụ tấn công khủng bố nhằm vào hai hộp đêm ở Bali. Các vụ tấn công này (xảy ra vào ngày 12.10.2002) đã làm chết 202 người, trong đó có 88 người Úc và bảy người Mỹ. Vụ đánh bom do nhóm Jemaah Islamiyah có liên hệ với al-Qaeda tiến hành.
Một buổi lễ sẽ được tổ chức tại một công viên ở Jimbaran và được tiếp nối bằng một buổi tưởng niệm tại Kuta. Đây là nơi xảy ra các vụ tấn công khủng bố đẫm máu nói trên.
Cựu Thủ tướng Úc John Howard, cùng với những người sống sót và gia đình các nạn nhân xấu số, dự kiến cũng sẽ có mặt.
“Tốt nhất là không nên đánh giá thấp. Thà thực hiện một sự sắp đặt an ninh quá mức hơn là để bị đánh lừa”, Thiếu tướng Budi Gunawan, Cảnh sát trưởng Bali, cho biết.
Sau "sự kiện Bali", một đợt trấn áp rầm rộ nhằm vào các tay súng Hồi giáo cực đoan ở Indonesia đã nổ ra. Hệ quả là các tay súng Hồi giáo cực đoan có xu hướng thực hiện những vụ tấn công có quy mô nhỏ hơn nhưng lại nhằm vào chính phủ nước này.
Trùng Quang// Thanh Niên
----------------
Ngoại trưởng Nga nói về mối quan hệ hợp tác với EU
Phát biểu tại một cuộc họp của Hiệp hội doanh nghiệp châu Âu mới đây, Bộ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Lavrov nói rằng tương lai hợp tác giữa Mátxcơva và Liên minh châu Âu (EU) phụ thuộc vào quan điểm của EU đối với các vấn đề được coi là "gai góc" trong mối quan hệ giữa hai bên.
Ông Lavrov cho rằng EU chưa tích cực đẩy mạnh hợp tác song phương trong một số vấn đề như cấp thị thực (visa), trao đổi thương mại và năng lượng.
Trên trang web của Bộ Ngoại giao Nga, ông Lavrov coi vấn đề kinh tế là rào cản lớn đối với sự đơm hoa kết trái của mối quan hệ Nga-EU.
Ông Lavrov cho rằng không cần phải vội vàng trong việc thành lập một khu vực thương mại tự do giữa Nga và EU. Nga tỏ ý không hài lòng trước một loạt hành động của EU như cuộc điều tra chống độc quyền đối với "người khổng lồ" trong lĩnh vực khí đốt Gazprom của Nga; việc EU đơn phương đưa ngành hàng không dân sự vào hệ thống buôn bán hạn ngạch cácbon; hay tăng những hạn chế visa đối với du khách Nga.
Trong một thông tin có liên quan, vào Chủ Nhật tới tại Luxembourg, ông Lavrov sẽ có cuộc gặp với các đồng sự của 27 nước thành viên EU để thảo luận về vấn đề cấp visa.
Trong một diễn biến khác, Ngân hàng thế giới (WB) vừa điều chỉnh giảm dự báo về nhịp độ tăng trưởng kinh tế của Nga năm 2012 xuống 3,5% với lý do hạn hán và lạm phát. Lạm phát leo thang làm giảm nhu cầu tiêu dùng, trong khi hạn hán tác động bất lợi đến ngành nông nghiệp. Nhịp độ tăng GDP của Nga năm 2013 cũng bị hạ xuống 3,6%, so với mức tăng 4,1% đưa ra ban đầu và 4,3% năm 2011.
Để đạt được nhịp độ tăng trưởng trên 4%, Nga cần phải thắt chặt chính sách tiền tệ, làm đầy kho dự trữ và đa dạng hóa nền kinh tế, trong đó có cả việc tư nhân hóa - "đơn thuốc" truyền thống được các tổ chức tài chính thế giới khuyên dùng. Tổng thống Vlaidimir Putin nhận định nhịp độ tăng trưởng của Nga mặc dù giảm (so với thời kỳ trước khủng hoảng) nhưng cân bằng và có chất lượng hơn.
Trong tháng 8/2012, tỷ lệ thất nghiệp tại Nga tụt xuống 5,2%, mức thấp nhất trong 2 thập niên, trong khi mức độ tăng lương vượt xa khả năng tăng năng suất. Giới phân tích cảnh báo, xu hướng này nếu tiếp tục sẽ làm giảm sức cạnh tranh của Nga./.
Hương Giang (TTXVN)
-------------------
Mỹ- Hàn- Nhật sẽ thảo luận về chính sách với Triều Tiên
Ngày 10/10, các nguồn tin Hàn Quốc cho biết, tuần tới, các quan chức Hàn Quốc, Nhật Bản và Mỹ sẽ gặp nhau tại Nhật Bản để thảo luận về chính sách với Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên.
Dự kiến, vào ngày 16/10 tới, các trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Hàn Quốc và Nhật Bản, cùng đặc phái viên Mỹ về chính sách với CHDCND Triều Tiên sẽ nhóm họp 2 ngày tại Tokyo, Nhật Bản.
Đoàn Nhật Bản cho biết, tại cuộc họp này, phía Nhật Bản sẽ trình bày vắn tắt kết quả các cuộc thảo luận cấp chuyên gia giữa nước này và CHDCND Triều Tiên vào tháng 8 vừa qua./.
Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
-------------
Trung Quốc phản pháo Mỹ vì 'gián điệp công nghệ'
Bắc Kinh chỉ trích báo cáo của một ủy ban quốc hội Mỹ cho rằng các sản phẩm của hai công ty lớn của Trung Quốc đe dọa an ninh Mỹ, đồng thời cảnh báo về hậu quả trong quan hệ thương mại đôi bên.
Trước đó, vào hôm thứ hai, Ủy ban tình báo Hạ viện Mỹ ra một báo cáo, cho rằng các sản phẩm của hai đại gia Trung Quốc là Huawei và ZTE có thể ăn cắp thông tin và chuyển về Trung Quốc. Các sản phẩm này đang được sử dụng trong nhiều lĩnh vực ở Mỹ, đặc biệt là viễn thông. Ủy ban tình báo khuyến cáo không nên tiếp tục dùng các linh kiện của hai hãng này trong các hệ thống công nghệ cao.
Shen Danyang, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc, bình luận rằng báo cáo trên "vi phạm các nguyên tắc về thị trường tự do lâu đời của Mỹ, và sẽ làm xói mòn mối quan hệ hợp tác, phát triển giữa hai nước". Theo ông Shen, bản báo cáo "chỉ dựa vào phỏng đoán chủ quan và vô căn cứ" và thể hiện "tàn dư Chiến tranh lạnh cũng như chủ nghĩa bảo hộ".
Phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố: "Chúng tôi hy vọng quốc hội Mỹ sẽ dẹp bỏ thành kiến, tôn trọng sự thật và làm nhiều hơn để thúc đẩy quan hệ thương mại Trung - Mỹ, chứ không nên làm điều ngược lại".
Ủy ban tình báo Mỹ cho rằng hai công ty viễn thông Huawei và ZTE có mối quan hệ thân thiết với Quân đội Trung Quốc, và lo ngại vì điều đó.
Các chuyên gia an ninh của ngành tình báo cũng như lĩnh vực tư nhân từ lâu đã lo ngại rằng các hãng viễn thông có thể tạo "cửa sau" trong hệ thống của Mỹ, cho phép các gián điệp do thám thông tin. "Cửa sau" có thể được tạo ra bằng cách cài thẳng vào phần cứng của bảng mạch, vào phần mềm hoặc được tuồn vào trong mỗi lần nâng cấp trực tuyến.
Cả hai công ty đều bác bỏ cáo buộc, và Huawei cho rằng kết luận của tình báo Mỹ có động cơ chính trị.
Căng thẳng mới này nảy sinh trong bối cảnh cả Mỹ và Trung Quốc đều trong giai đoạn chuyển giao lãnh đạo. Tinh thần dân tộc dâng cao hơn ở Trung Quốc trong giai đoạn này, trong khi tại Mỹ thì một trong những chủ đề tranh luận sôi nổi trong vận động bầu cử chính là quan hệ thương mại với Trung Quốc.
Đây là diễn biến mới nhất trong chuỗi các căng thẳng thương mại Mỹ - Trung. Mới đây, chính phủ của tổng thống Obama đã ra lệnh dừng một dự án đầu tư điện của Trung Quốc tại Mỹ, với lý do đe dọa an ninh. Phía Trung Quốc đã phản đối quyết định này.
Nhà Trắng năm ngoái cũng đưa ra một báo cáo, trong đó thể hiện mối lo ngại về vấn đề an ninh của mạng viễn thông Mỹ khi được vận hành bằng các thiết bị nước ngoài.
Mối quan hệ song phương có thể sẽ trở nên căng thẳng hơn nữa vì một báo cáo tình báo Mỹ sắp được công bố xoay quanh chủ đề vi vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, chủ yếu tập trung vào Trung Quốc, Wall Street Journal dẫn lời những người soạn thảo báo cáo này nói.
Trọng Giáp// VNexpress
--------------
Indonesia: Cảnh báo an ninh ở mức cao nhất tại Bali
Theo AFP, ngày 10-10, Indonesia đã ban hành cảnh báo an ninh ở mức cao nhất sau khi nhận được “thông tin đáng tin cậy” về mối đe dọa khủng bố nhằm vào lễ tưởng niệm 10 năm xảy ra các vụ đánh bom tại đảo Bali hồi tháng 10-2002, làm 202 người thiệt mạng.
An ninh tại tất cả các cửa ngõ vào Bali, như các sân bay và cảng biển sẽ được tăng cường. Cùng ngày, các quan chức cảnh sát Indonesia cho biết hơn 1.000 nhân viên an ninh, bao gồm các tay súng bắn tỉa và các đặc vụ, sẽ được huy động để bảo vệ lễ tưởng niệm, dự kiến diễn ra vào ngày 12-10 tới.
Thủ tướng Australia Julia Gillard cũng sẽ tham dự lễ tưởng niệm và có bài phát biểu tưởng nhớ 88 người Australia thiệt mạng trong các vụ đánh bom này.
Thanh Hải// SGGP
-----------
Mỹ đưa lực lượng đặc nhiệm đến Jordan
Đội đặc nhiệm của Mỹ gồm 150 người sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng tại Syria lan sang nước láng giềng Jordan.
Ngày 10/10, “Thời báo New York” của Mỹ đưa tin, Quân đội nước này đã phái một đội đặc nhiệm đến Jordan để sẵn sàng ứng phó và xử lý các vấn đề có thể xảy ra liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Syria, trong đó có vấn đề về người tị nạn và vũ khí hóa học.
Báo trên cho biết, đội đặc nhiệm của Mỹ gồm 150 người, sẽ giúp ngăn chặn cuộc khủng hoảng tại Syria lan sang nước láng giềng Jordan. Đội đặc nhiệm này sẽ đóng tại khu vực phía Bắc thủ đô Amman, cách biên giới Syria hơn 50 km.
Phía Mỹ đã nhiều lần tuyên bố sẽ cung cấp viện trợ phi quân sự cho lực lượng đối lập tại Syria. Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng đã từng cảnh báo sẽ can thiệp vào Syria nếu chính quyền nước này sử dụng hoặc vận chuyển vũ khí hóa học một cách không an toàn./.
Ngọc Khương/VOV-Trung tâm tin
Theo Tân Hoa xã
----------
Bộ trưởng Nga sang Ấn Độ nói chuyện tàu sân bay
Vấn đề tàu sân bay INS Vikramaditya là chương trình nghị sự ưu tiên trong cuộc họp Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quốc phòng giữa hai nước.
Ngày 10/10, Bộ trưởng quốc phòng Nga, Anatoly Serdyukov đã đến thăm Ấn Độ để dự cuộc họp Ủy ban liên chính phủ về hợp tác kỹ thuật quốc phòng giữa hai nước sau khi đột ngột hoãn chuyến đi dự định vào ngày 4/10.
Báo chí Ấn Độ đồn đoán rằng việc Tướng Serdyukov hoãn chuyến thăm là để đón Tư lệnh lục quân Pakistan, tướng Ashfaq Parvez Kayani, sẽ thăm Moscow cùng ngày tướng Serdyukov bay đi New Delhi.
Sự thật là việc hoãn chuyến thăm Ấn Độ của Bộ trưởng Serdyukov không liên quan gì đến chuyến thăm của tướng Kayani mà tất cả là để làm việc với Tổng thống Putin như phía Nga đã thông báo.
Kremlin đã yêu cầu ngài bộ trưởng ở lại để hoàn tất và ký một hợp đồng quốc phòng lớn nhất từ trước đến nay để mua máy bay vận tải quân sự IL-476, điều mà chính ông bộ trưởng đã phản đối trước đó; và để tháp tùng Tổng thống Putin thăm Tajikistan nhằm ký một hiệp định quan trọng nhằm kéo dài thời hạn thuê một căn cứ quân sự lớn ở nước này thêm 30 năm nữa.
Dư luận đồn đoán, Tướng Serdyukov sẽ phải giải thích những câu hỏi bức bách của nước chủ nhà về việc kéo dài thêm thời hạn bàn giao tàu sân bay INS Vikramaditya cho Ấn Độ.
Việc bàn giao giờ đây rất có thể sẽ chậm đến 10 tháng so với thời hạn dự kiến là tháng 12/2012 vì con tàu phát sinh một số vấn đề về động cơ đẩy và một số vấn đề khác trong chuyến chạy thử trên biển vừa qua.
Trước cuộc họp, các quan chức ở New Delhi cảnh báo rằng Ấn Độ có thể sẽ đòi một khoản tiền phạt lớn nếu việc bàn giao kéo dài quá 4 tháng ân hạn
Tuy nhiên, các quan chức Nga khẳng định rằng phía Ấn Độ cũng phải chia sẻ lỗi tàu sân bay Vikramaditya bị chậm bàn giao.
Suy cho cùng thì chính phía Ấn Độ đòi hỏi chủ tàu không được sử dụng cách nhiệt bằng a-mi-ăng cho nồi hơi, dẫn đến việc nồi hơi bị quá nóng khi chạy hết công suất.
Các nguồn tin Ấn Độ thừa nhận rằng việc đòi phía Nga cải tiến công nghệ nồi hơi đã qua thử thách và đáng tin cậy không phải là một quyết định hay.
Thậm chí ngay trước khi tầu sân bay hoàn thành đợt chạy thử trở về vào cuối tháng 9/2012, các sỹ quan hải quân Ấn Độ đã ký một biên bản tán thành sử dụng cách nhiệt bằng a-mi-ăng.
Phía Nga cũng nói rõ rằng một số thiết bị khác đã không đạt qua lần chạy thử và cần phải được sửa chữa vì mua từ các nguồn cung cấp bên ngoài nước Nga do chính phía Ấn Độ chỉ định thầu.
Hai bên lúc đó đã nhất trí rằng, nhìn chung tàu sân bay INS Vikramaditya đã chạy rất tốt trong các cuộc chạy thử trên biển.
Các nguồn tin Ấn Độ cho The Hindu biết rằng mối quan ngại lớn nhất của họ là hệ thống điều khiển cất và hạ cánh cho các máy bay mới được lắp đặt trên tầu.
Các nguồn tin này nói rằng băng truyền mới, dây phanh hãm và các hệ thống dẫn đường cho máy bay đã hoạt động suôn sẻ trong quá trình bay thử.
Các nguồn tin cho biết tàu sân bay INS Vikramaditya sẽ trở thành “viên ngọc của Hải quân Ấn Độ” khi được bàn giao cho Hải quân vào năm tới. Tuy nhiên hiện nay tàu sân bay này đang trở thành vấn đề mà không ai muốn động đến, và họ thậm chí không muốn được nêu tên trong sự kiện này.
Phạm Ngọc Uyển ( ĐVO)
--------------
Nga và Kazakhstan nâng quan hệ lên đối tác toàn diện và đồng minh
Tuyên bố chung Nga-Kazakhstan (Cadắcxtan) khẳng định hai nước cam kết giữ gìn và củng cố tình hữu nghị bền vững nhằm bảo đảm an ninh quốc gia, ổn định chính trị, hòa hợp dân tộc và phát triển phồn vinh tại mỗi nước, đồng thời chuẩn bị để năm 2013 có thể ký Hiệp ước mới về quan hệ láng giềng thân thiện và đồng minh giữa Nga và Kazakhstan trong thế kỷ 21.
Tuyên bố chung Nga-Kazakhstan đã được Tổng thống Nga, ông Vladimir Putin và Tổng thống Kazakhstan, ông Nursultan Nazarbayev thông qua sau cuộc hội đàm tối 9/10 tại Moscow (Mátxcơva).
Tổng thống Nazarbayev đã tới thủ đô Nga chiều cùng ngày trong chuyến thăm làm việc theo lời mời của Tổng thống Putin nhằm kỷ niệm 20 năm Nga và Kazakhstan ký Hiệp ước hữu nghị, hợp tác và giúp đỡ lẫn nhau, và 20 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước (1992-2012).
Tại cuộc hội đàm, tổng thống hai nước đã thảo luận triển vọng quan hệ hai bên, nhất trí nâng quan hệ song phương lên mức đối tác chiến lược và đồng minh. Hai bên bày tỏ hài lòng về kết quả phát triển quan hệ toàn diện và hành động phối hợp giữa hai bên trên trường quốc tế, nhưng cho rằng cần mở rộng hơn nữa sự hợp tác cùng có lợi giữa hai nước.
Trên cơ sở nhận thức quan hệ hữu nghị, láng giềng thân thiện và đối tác chiến lược đóng vai trò quan trọng đặc biệt đối với Nga và Kazakhstan, là nhân tố góp phần bảo đảm ổn định quốc tế và tăng cường hợp tác trong không gian châu Á, hai nguyên thủ quốc gia tuyên bố hai nước anh em cam kết nâng quan hệ song phương lên mức đối tác toàn diện và đồng minh, phối hợp đấu tranh cho hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế.
Hai tổng thống Nga và Kazakhstan giao cho chính phủ hai nước soạn thảo để năm 2013 có thể ký Hiệp ước láng giềng thân thiện và đồng minh của Nga và Kazakhstan trong thế kỷ 21.
Kazakhstan hiện là một trong những bạn hàng chủ chốt của Nga với kim ngạch trao đổi hàng hóa năm ngoái tăng hơn 35%, đạt 20,5 tỷ USD. Hai bên cho biết sẽ phấn đấu để nâng kim ngạch này lên mức 40 tỷ USD trong thời gian tới.
TTXVN/ Tin Tức
-------------
Đài Loan: Các bên tranh chấp Điếu Ngư nên đối thoại
Theo phóng viên TTXVN tại Tokyo, hãng tin Kyodo đưa tin, ngày 10/10 nhà lãnh đạo Đài Loan (Trung Quốc) Mã Anh Cửu đã kêu gọi các bên đòi chủ quyền đối với các quần đảo tranh chấp ở biển Hoa Đông gác bất đồng và bắt đầu đối thoại để đảm bảo hòa bình và ổn định ở khu vực.
Ông Mã đề cập đến cuộc tranh chấp lãnh thổ đối với quần đảo Điếu Ngư Đài mà Nhật Bản gọi là Senkaku, còn Trung Quốc gọi là đảo Điếu Ngư và cũng đòi chủ quyền.
Ông nhấn mạnh: “Chúng ta sẽ không bao giờ cho phép sự toàn vẹn lãnh thổ của chúng ta bị xâm phạm. Chúng ta cũng sẽ không từ bỏ đòi hỏi chủ quyền của chúng ta.”
Một mặt, ông Mã khẳng định Điếu Ngư/Senkaku là lãnh thổ không thể tách rời của Đài Loan về mặt lịch sử, địa lý và luật pháp quốc tế, mặt khác ông thúc giục tất cả các bên đòi chủ quyền cân nhắc sáng kiến của ông về một giải pháp hòa bình và cùng khai thác các nguồn tài nguyên ở biển Hoa Đông, nơi được cho là giàu khí đốt và dầu mỏ.
Ông Mã Anh Cửu cũng kêu gọi các bên liên quan kiềm chế, tránh các hành động khiêu khích, gác mâu thuẫn và không từ bỏ đối thoại, tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tìm kiếm sự nhất trí về việc hình thành bộ quy tắc ứng xử và thiết lập cơ chế cùng khai thác, cùng phát triển các nguồn tài nguyên.
Hôm 7/9 vừa qua, ông Mã đã đề xuất giải quyết những đòi hỏi chủ quyền theo hai giai đoạn thông qua tiến hành các cuộc đàm phán song phương giữa Đài Loan, Nhật Bản và Trung Quốc và dần dần tiến tới đàm phán ba bên về cùng phát triển các nguồn tài nguyên./.
(Vietnam+)
--------------
Thống đốc Trung Quốc bỏ họp IMF
Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc hủy họp thường niên với Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF khi sự kiện này diễn ra tại Tokyo.
Theo lịch trình, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Zhou Xiaochuan tham dự cuộc họp của IMF bắt đầu từ hôm qua tại Tokyo. Đây là cuộc họp nơi IMF và Ngân hàng Thế giới sẽ thảo luận cùng Thống đốc các ngân hàng trung ương về các vấn đề kinh tế toàn cầu, được tổ chức mỗi năm một lần.
Năm nay, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc tiếp tục là thành phần quan trọng vì họ là một trong những khách hàng lớn mua trái phiếu châu Âu. Cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu sẽ là trọng tâm để giới ngân hàng thảo luận lần này.
Tuy nhiên, sáng nay một người phát ngôn của IMF cho biết Bắc Kinh bất ngờ thông báo về sự vắng mặt của họ 2 ngày trước. Lý do Bắc Kinh đưa ra là lịch làm việc của ông Zhou đã kín, buộc họ phải hủy tham dự cuộc họp và cũng hủy luôn bài phát biểu dự kiến, tờ Wall Street Journal đưa tin.
Cấp dưới của ông Zhou, Phó thống đốc Yi Gang sẽ là người đọc bài phát biểu thay thế. Tờ Tân Hoa Xã sáng thứ tư cũng đưa tin ông Phó Thống đốc này sẽ đại diện cho Trung Quốc tại cuộc họp.
Theo giới phân tích, hành động của ông Zhou thể hiện sự phản đối Nhật Bản khi căng thẳng đang leo thang giữa hai nước. Quan hệ Trung - Nhật đang trải qua giai đoạn xấu nhất khi lần lượt cả hai bên đều thể hiện chủ quyền đối với nhóm đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trong khi Nhật Bản hoàn tất việc mua lại từ dân 3 trong 5 hòn đảo, thì tại Trung Quốc hàng loạt cuộc biểu tình nổ ra để phản đối hành động này. Tương tự, người Nhật cũng tổ chức nhiều cuộc xuống đường để phản đối lại Trung Quốc.
"Rõ ràng Trung Quốc cảm thấy không cần phải tỏ ra tế nhị hay lịch thiệp trong việc bày tỏ thái độ không hài lòng về tranh chấp lãnh thổ", ông Eswar Prasad, một cựu quan chức cấp cao của IMF nhận định. "Trung Quốc đang phát đi một thông điệp rõ ràng rằng họ đặt vấn đề chủ quyền lãnh thổ lên trên mọi mối quan tâm kinh tế hay chính trị khác", ông này nói tiếp.
Trước ông Zhou, nhiều nhà ngân hàng hàng đầu tại Trung Quốc cũng tuyên bố bỏ họp với IMF chỉ vì phiên họp lần này sẽ diễn ra tại Tokyo. Còn hôm đầu tuần, Tân Hoa Xã, tờ báo thường được Bắc Kinh lấy để phát đi các thông tin chính thức, cho rằng căng thẳng Trung Nhật đang bắt đầu ảnh hưởng đến kinh tế thế giới.
Thanh Bình ( VNexpress)
-----------------
Thái Lan thừa nhận lỗ hàng tỷ USD vì tạm trữ lúa gạo
Chính phủ Thái Lan dự kiến thua lỗ khoảng 80 tỷ Baht, tương đương 2,61 tỷ USD, từ chương trình can thiệp thị trường lúa gạo đầu tiên của nước này.
Hãng tin Reuters cho biết, thông tin trên vừa được Bộ trưởng Bộ Thương mại Thái Lan, ông Boonsong Teriyapirom, công bố trước báo giới vào ngày hôm qua (9/10). Chương trình tạm trữ lúa gạo đầu tiên của Thái Lan kéo dài từ tháng 10/2011-9/2012.
“Chẳng có đồng lợi nhuận nào bởi vì đây là chính sách để hỗ trợ nông dân. Tuy nhiên, chúng tôi dự kiến là không lỗ nặng lắm. Khoản lỗ có thể vào khoảng 80 tỷ Baht”, ông Boonsong phát biểu.
Chính phủ Thái Lan đã chi 300 tỷ Baht cho chương trình tạm trữ lúa gạo nói trên. Tuần trước, chương trình này được gia hạn, với khoản ngân sách ban đầu được thông qua là 240 tỷ Baht để can thiệp thị trường trong niên vụ 2012-2013.
Theo chính sách tạm trữ lúa gạo, Chính phủ Thái mua thóc từ nông dân với giá 15.000 Baht/tấn, cao hơn nhiều so với mức giá thị trường 9.000 Baht/tấn. Kho thóc tạm trữ của Thái hiện đã lên tới mức kỷ lục 12 triệu tấn quy gạo.
Chính sách trợ giá lúa gạo là một thế mạnh bầu cử chính của Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra khi đảng của bà giành thắng lợi áp đảo trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 7/2011. Bà Yingluck đã nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của tầng lớp nông dân và nhân dân lao động bị thu hút bởi chính sách hỗ trợ dân nghèo.
Tuy vậy, giới phê bình cho rằng, kế hoạch can thiệp vào thị trường lúa gạo của Thái Lan có quá nhiều lỗ hổng, tạo cơ hội cho tham nhũng, và chủ yếu làm giàu cho các thương nhân có quan hệ tốt với đảng cầm quyền, thay vì những người nông dân nghèo nhất mà chính sách này muốn hướng đến.
AN HUY ( Stockbiz)
---------------
Iraq có thể vượt Nga để trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn
Báo cáo của IEA nhận định ngành năng lượng sẽ đóng vai trò thiết yếu đối với sự thịnh vượng của Iraq trong tương lai.
Trong báo cáo công bố hôm 9/10, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết, Iraq có thể tăng gấp đôi sản lượng khai thác dầu thô 3 triệu thùng/ngày như hiện nay, lên 6,1 triệu thùng/ngày vào năm 2020 và có thể đạt mức khai thác 8 triệu thùng/ngày vào năm 2035.
Báo cáo có tên gọi “Triển vọng Năng lượng Iraq” nhận định, ngành năng lượng đóng vai trò thiết yếu đối với sự thịnh vượng của Iraq trong tương lai, đồng thời có thể góp phần vào sự ổn định định và nền an ninh năng lượng toàn cầu.
Theo báo cáo, Iraq hoàn toàn có thể trở thành nhà cung cấp dầu thô chủ chốt cho các thị trường đang phát triển nhanh tại châu Á, chủ yếu là Trung Quốc, và vượt qua Nga để trở thành nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới vào khoảng năm 2030.
Để đạt mục tiêu này, Iraq dự kiến phải đầu tư khoảng 530 tỷ USD cho ngành năng lượng vào năm 2035 - thời điểm mà quốc gia Trung Đông có thể thu về khoản tiền lên tới 5.000 tỷ USD từ nguồn lợi dầu mỏ./.
Bá Thi/VOV-Trung tâm tin
(Theo Tân Hoa xã)
------------
Mỹ và Israel sẽ bất ngờ tấn công Iran ngay trong tháng này?
Theo debkafile, nhiều dấu hiệu cho thấy Mỹ và Israel có thể “bất ngờ tấn công” các cơ sở hạt nhân của Iran ngay trong tháng này.
Debkafile dẫn ra 4 thực tế đáng lưu ý để phỏng đoán về một cuộc tấn công tiềm tàng vào các cơ sở hạt nhân của Iran. Đó là cuộc chiến giữa Iran và Israel đang diễn ra; Iran đã phát động cuộc chiến này bằng cách dùng máy bay không người lái xâm phạm không phận Israel ngày 6/10; Iran tiến hành một cuộc chiến tranh mạng chống Israel; Israel đáp lại bằng cách triển khai các đơn vị tên lửa chống tên lửa Patriot ở Haifa và nhiều nơi khác ở miền Bắc nước này
Nhiều chuyên gia chỉ ra rằng các hệ thống tên lửa Patriot được thiết kế không nhằm chống lại máy bay mà chủ yếu nhằm vào tên lửa. Việc Israel triển khai các đơn vị Patriot là nhằm bảo vệ nước này trước các cuộc tán công bằng tên lửa tiềm tàng của Iran và của Hezbollah từ Libăng hay Syria.
Trong khi đó, những người phát ngôn của Hamas và Jihad Islami đã nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng 55 quả tên lửa và đạn súng cối từ dải Gaza vào lãnh thổ Israel ngày 8/10. Họ nói rằng các cuộc tấn công của quân đội Israel ở dải Gaza sẽ bị giáng trả không chỉ từ các vùng lãnh thổ của người Palestine mà còn từ lãnh thổ Libăng. Hồi giữa tháng 9/2012, theo các hiệp ước quân sự mới được ký kết, một loạt vụ tấn công của hai tổ chức vũ trang Hamas và Jihad Islami có sự chỉ đạo của Iran và Hezbollah từ Beirut. Vụ máy bay không người lái thâm nhập không phận Israel là một hành động riêng rẽ của Iran.
Hiện có 3 dấu hiệu nữa cho thấy khả năng dễ xảy ra chiến tranh giữa Iran và Israel:
Thứ nhất, mới đây tình báo Mỹ đã cảnh báo Tổng thống Obama rằng Iran có thể tạo ra “bước đột phá” trong chương trình vũ khí hạt nhân của nước này “sớm hơn dự kiến”, có thể chỉ trong vòng 7 tuần tới. Đến cuối tháng 11/2012, Iran có thể có lượng uranium làm giàu trên 20% đủ để chế tạo một quả bom hạt nhân. Điều này trái với đánh giá trước đó của những người chống chiến tranh ở Israel rằng Iran đang giảm tốc độ chương trình chế tạo vũ khí hạt nhân để chuyển phần lớn số uranium được làm giàu vào mục đích dân dụng.
Thứ hai, một báo cáo nội bộ của Cơ quan nghiên cứu Quốc hội Mỹ ngày 28/9 đánh giá rằng Israel có đủ khả năng đơn phương tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran mà không cần đến sự trợ giúp của Mỹ, trong đó có cơ sở làm giàu uranium dưới lòng đất Fordo. Báo cáo này viết “một cuộc tấn công vào các cơ sở hạt nhân Esfahan, Natanz và Arak chỉ đòi hỏi Israel 20% tổng số máy bay chiến đấu hiện đại mà nước này đã mua của Mỹ”, tương đương với ít nhất 100 máy bay chiến đấu. Nhiều nguồn tin cho biết Israel hiện có “350 máy bay chiến đấu hiện đại”. Báo cáo trên nói thêm mặc dù đã có 7 chiếc máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-130 do Mỹ chế tạo, nhưng Israel còn bí mật chế tạo thêm 2 chiếc máy bay tiếp nhiên liệu trên không nữa. Báo cáo trên viết: “Trong hai năm qua, công ty công nghiệp hàng không Israel (IAI) đã mua một số máy bay Boeing 707 cũ trên thị trường thế giới và cải tạo chúng thành các máy bay tiếp nhiên liệu trên không KC-135”.
Thứ ba, sau báo cáo nói trên của Cơ quan nghiên cứu quốc hội Mỹ, nhà phân tích David Rothkopf có quan hệ gần gũi với ban lãnh đạo đảng Dân chủ đã thẩm định một bài viết đăng trên tạp chí Foreign Policy ngày 8/10 nói rằng Mỹ và Israel đang cân nhắc khả năng “tấn công có chọn lọc” các cơ sở hạt nhân của Iran trong một “chiến dịch bất ngờ vào tháng 10/2012”. Ông David Rothkopf đã dẫn lời một nguồn gần gũi với các cuộc tranh luận, trong đó nói rằng “một cuộc tấn công qui mô nhỏ hiện đang được coi là phương án dễ xảy ra nhất, trong đó sử dụng các máy bay ném bom với sự hỗ trợ của các mayd bay không người lái”. Đáng lưu ý rằng đây là phương án mà phía Israel không thể nào “đơn phương hành động”. Theo David Rothkopf, Tổng thống Obama có chưa đầy 20 ngày để quyết định liệu có và khi nào tiến hành một cuộc tấn công phối hợp Mỹ-Israel vào các cơ sở hạt nhân của Iran.
Những sự kiện nói trên xem ra khá trùng hợp với nhận định ngày 1/8 của cựu giám đốc tình báo Mossad, ông Efraim Halevi, rằng một cuộc tấn công Iran sẽ diễn ra trong vòng 12 tuần và nhận định hồi giữa tháng 9 của cựu Chủ tịch Ủy ban các vấn đề quốc phòng và đối ngoại của Quốc hội Israel, ôngTzahi Hanegbi, rằng 50 ngày tới là thời kỳ rất quan trọng đối với vận mệnh của Israel./.
Minh Bích (theo debkafile, ĐVO)