Mỹ bắt 11 gián điệp công nghiệp Nga
Mỹ mới buộc tội 11 người về tội xuất khẩu công nghệ quân sự lậu cho Nga.
(ĐVO) Nghi can cầm đầu, một công dân Mỹ, Aleksandr Fishenko, có khả năng sẽ phải chịu mức án 55 năm tù. Tuy quốc tịch của những đối tượng còn lại chưa được tiết lộ , nhưng hầu hết cái tên mà họ mang đều có "chất Nga" (*).
> Ông Fishenko này đã chuyển giao các con chip công nghệ cao, sử dụng trong nhiều thiết bị, vũ khí quân sự, thông qua công ty Arc Electronics, có trụ sở tại Huston, bang Texas và Apex System, có trụ sở ở Moscow.
11 đối tượng tình nghi đã bị giam giữ hôm 2/10. Họ sẽ phải ra tòa ở Huston, nơi nhận quyết định chuyển giao về New York để tiếp tục điều tra. Cục điều tra liên bang Mỹ hiện chỉ giữ 8 trong tổng số 11 nghi can, 3 người còn lại đang được tại ngoại.
Tất cả các nghi can có khả năng sẽ phải chịu đến 5 năm tù vì đã tổ chức và gia nhập tổ chức tội phạm, 20 năm vì tội vi phạm luật Quản lý vũ khí xuất khẩu. Riêng ông Fishenko có thể phải chịu thêm 20 năm tù vì tội rửa tiền và 10 năm vì hoạt động bất hợp pháp cho cơ quan tình báo Nga.
(*) Theo truyền thông Mỹ, các nghi can khác là Shavkat Abdullaev 34 tuổi, Lyudmila Bagdikyan 58 tuổi, Anastasya Dyatloba 38 tuổi, Victoria Klebanova 37 tuổi, Sergei Klinov 44 tuổi, Aleksandr Posobilov 58 tuổi, Yuri Sabin 36 tuổi, Sebin Tagieva 32 tuổi, Svetlana Zagon 31 tuổi, Dmitri Shegugov. Ngoài Fishenko và Posobilov, các nghi can còn lại, không ai có hộ chiếu Mỹ.
(ĐVO)
--------------------
Tân Bộ trưởng Nhật bị phát hiện "nhận tiền Trung Quốc"
Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Nhật mới nhậm chức 3 ngày đã bị phát hiện nhận hỗ trợ tài chính từ một công ty Trung Quốc từ năm 2006.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp của Nhật mới nhậm chức 3 ngày đã bị phát hiện nhận hỗ trợ tài chính từ một công ty Trung Quốc từ năm 2006.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Nhật Bản Keishu Tanaka mới bị phát hiện dính líu vào vụ scandal gây quỹ chính trị vào Thứ Năm hôm qua, 4/10, chỉ 3 ngày sau khi Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda đưa ông vào Nội các.
Văn phòng ông Tanaka cho hay, ông đã nhận 420,000 Yen (khoảng 5,400 USD) từ một công ty do một người Trung Quốc làm chủ tại Yokohama trong 4 năm kể từ năm 2006.
Việc viện trợ này có thể vi phạm Luật Kiểm soát Quỹ Chính trị (The Political Funds Control Law) - cấm sự đóng góp chính trị từ các cá nhân và tập thể nước ngoài nhằm ngăn chặn ảnh hưởng từ nước ngoài vào các vấn đề chính trị trong nước. Tuy nhiên, văn phòng ông Tanaka cho hay ông đã hoàn trả lại toàn bộ số tiền trên.
Phát biểu trước báo giới, ông Tanaka cho hay ông sẽ không từ chức vì vụ việc này.
Cùng thời gian này, tân Bộ trưởng Bộ Nội vụ Shinji Tarutoko cũng bị phát hiện dính líu tới một vụ scandal gây quỹ chính trị khác.
Thủ tướng Nhật Yoshihiko Noda mới sắp xếp lại Nội các vào Thứ Hai vừa qua nhằm tăng cường ủng hộ của dân chúng trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Tuy nhiên, các vụ scandal này có thể là cơ hội cho phe đối lập giáng một đòn vào chính phủ của ông Noda.
Năm ngoái, hai vụ việc tương tự đã xảy ra với người tiền nhiệm của ông Noda, cựu Thủ tướng Naoto Kan, và cựu Ngoại trưởng Seiji Maehara.
Ông Maehara đã từ chức Ngoại trưởng lúc đó. Trong danh sách các thành viên Nội các mới của Nhật Bản được công bố hôm Thứ Hai vừa rồi, ông Maehara được giữ chức Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Chính sách Quốc gia.
Còn ông Kan phát biểu rằng ông không hề biết người tài trợ là người nước ngoài.
( Theo GDVN)
--------------
Biển Hoa Đông nóng vì phát ngôn hiếu chiến
Tranh chấp xung quanh Senkaku/Điếu Ngư càng leo thang sau khi giới chức và tướng lĩnh Trung Quốc đưa ra những luận điểm căng thẳng.
Khuya 3.10, Tân Hoa xã dẫn lời phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi tuyên bố Bắc Kinh sẽ tiếp tục điều tàu tuần tra đến vùng biển ngoài khơi Senkaku/Điếu Ngư đang tranh chấp với Nhật Bản. Tuyên bố trên được đưa ra sau khi có tin một số nhân vật cánh hữu Nhật Bản đến Senkaku/Điếu Ngư. Phát ngôn viên Hồng Lỗi tuyên bố: “Trung Quốc đang theo dõi sát sao diễn biến về vấn đề này. Các tàu hải giám sẽ tiếp tục đi tuần ngoài khơi Điếu Ngư”.
Trước đó, theo trang tin WCT (Đài Loan), một số tướng lĩnh cấp cao của cả Quân đội nhân dân Trung Quốc (PLA) lẫn Lực lượng phòng vệ Đài Loan liên tục đưa ra những phát ngôn hiếu chiến về tình hình Hoa Đông. Thiếu tướng Trung Quốc La Viện vẽ ra viễn cảnh liên minh quân sự giữa Trung Quốc với Đài Loan, trong một cuộc chiến mà ông này gọi là “Chiến tranh nhân dân trên biển”. Theo ông, Lực lượng phòng vệ bờ biển Nhật Bản chỉ có 117 tàu và toàn bộ hạm đội nước này có không quá 450 chiếc. Vì thế, tướng La tuyên bố: “Nếu chúng ta triển khai hơn 1.000 tàu từ đại lục, Đài Loan, Hồng Kông và Macau để tham gia cuộc chiến du kích chống Nhật Bản, họ chẳng tài nào bắt được toàn bộ tàu của chúng ta”. Trong khi đó, lãnh đạo Tân đảng (Đài Loan) Úc Mộ Minh cũng bày tỏ quan điểm đảo này nên hợp tác quân sự với Trung Quốc đại lục. Tân Văn xã dẫn lời ông nói: “Máy bay và tàu chiến Trung Quốc có thể rải bom lên nhóm đảo trên vào ngày thứ hai - tư - sáu. Trong khi phía Đài Loan có thể tiến hành tấn công vào ba - năm - bảy”.
Bất chấp những lời lẽ đầy đe dọa trên, Tỉnh trưởng Tokyo Shintaro Ishihara đang xúc tiến kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng tại Senkaku/Điếu Ngư. Reuters dẫn lời thượng nghị sĩ Nhật Akiko Santo cho hay ông Ishihara sẽ đề nghị chính phủ cho phép sử dụng khoản tiền 19 triệu USD quyên góp được từ người ủng hộ để xây dựng cơ sở hạ tầng tại nhóm đảo trên. Phó tỉnh trưởng Naoki Inose cũng vừa xác nhận kế hoạch này. Giữa lúc biển Hoa Đông căng thẳng, Kyodo News ngày 4.10 dẫn lời Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Ashton Carter tuyên bố Lầu Năm Góc dự định triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 đến căn cứ Kadena ở đảo Okinawa của Nhật. Hiện tại, Mỹ đang triển khai luân phiên các phi đội chiến đấu cơ F-22 đến căn cứ trên. Ông Carter cũng khẳng định Washington đủ tiềm lực để triển khai lực lượng đến châu Á - Thái Bình Dương dù bị cắt giảm ngân sách.
Thụy Miên// Thanh Niên
---------------
Gần 300 người Triều Tiên tị nạn tại các sứ quán của Hàn Quốc
PNO – Số liệu chính thức của Hàn Quốc hôm 4/10 cho biết, gần 300 người Triều Tiên bỏ trốn khỏi đất nước hiện đang tị nạn tại các phái bộ ngoại giao của Hàn Quốc ở nước ngoài.
Trong một báo cáo trình Quốc hội Hàn Quốc hôm 4/10, Bộ Ngoại giao nước này cho biết hiện có 295 công dân Triều Tiên đang nương náu trong các đại sứ quán và lãnh sự quán của Hàn Quốc, phần lớn các phái bộ ngoại giao này ở các nước Đông Nam Á.
Kể từ khi kết thúc Chiến tranh Triều Tiên 1950-53, hơn 23.500 người Bắc Triều Tiên đã chạy sang miền Nam, chủ yếu là thông qua đường Trung Quốc.
Những kẻ đào tẩu thường đi du lịch một cách nhanh chóng từ Trung Quốc sang các nước Đông Nam Á, nơi họ cảm thấy an toàn hơn, do Trung Quốc có chính sách hồi hương người tị nạn vượt biên bị bắt.
Hầu hết những người này phải tá túc lâu dài trong các cơ quan ngoại giao Hàn Quốc và trải qua quá trình sàng lọc khắt khe trước khi được cho phép định cư thường trú ở Hàn Quốc.
Theo báo cáo của Bộ Ngoại giao, từ năm 2007, mỗi năm khoảng 2.000 người tị nạn Triều Tiên được phép định cư ở Hàn Quốc.
VIỆT HƯNG (Theo AFP, PNO)
------------------
Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ chấp thuận tấn công Syria nếu cần thiết
Sau phiên họp kín hôm thứ Năm, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã trao quyền cho chính phủ nước này tiến hành các hoạt động quân sự bên ngoài biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nếu thấy cần thiết.
Tờ Globe and Mail xuất bản tại Canada ngày 04/10 đưa tin, sau phiên họp kín hôm thứ Năm, Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ đã trao quyền cho chính phủ nước này tiến hành các hoạt động quân sự bên ngoài biên giới Thổ Nhĩ Kỳ nếu thấy cần thiết.
Quyết định này được đưa ra chỉ một ngày sau khi đạn cối từ phía Syria rơi vào lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ khiến 5 dân thường thiệt mạng và 10 người khác bị thương.
Trong bản ghi nhớ gửi Quốc hội để được phê chuẩn đưa quân ra nước ngoài, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ nói rằng “hành động xâm lược” của lực lượng vũ trang Syria đối với lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ là mối đe dọa nghiêm trọng với an ninh quốc gia.
Hôm thứ Năm, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã nã pháo vào các mục tiêu ở Syria, tuy nhiên nước này nói rằng không có ý định tuyên bố chiến tranh với Syria.
Đài truyền hình TRT cho hay một tiểu đoàn Thổ Nhĩ Kỳ đóng tại thị trấn biên giới Akcakale vẫn tiếp tục nã pháo vào các mục tiêu bên trong Syria suốt đêm thứ Tư cho tới tận sáng thứ Năm.
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ không xác nhận ngay lập tức thông tin này, trong khi Bộ Quốc phòng từ chối bình luận.
NATO cũng đã có phiên họp khẩn ở Brussels để chỉ trích hành động tấn công của Syria và yêu cầu “chấm dứt ngay những hành động hiếu chiến chống lại một nước đồng minh.”
Về phần mình, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zoubi đã thay mặt chính phủ Syria bày tỏ lòng thương tiếc chân thành nhất tới gia đình các nạn nhân và người dân Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông al-Zoubi cũng cố gắng làm giảm căng thẳng, mặc dù ông vẫn cho rằng Thổ Nhĩ Kỳ cần phải nỗ lực hơn để kiểm soát biên giới và “ngăn chặn phiến quân và bọn khủng bố vượt biên”.
Rất nhiều quân nổi dậy Syria đã dùng lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ làm căn cứ tấn công quân đội của Tổng thống Bashar al-Assad. Cuộc nội chiến bùng nổ tại Syria từ hồi năm ngoái đã khiến hàng ngàn người thiệt mạng và hàng trăm ngàn người phải rời bỏ nhà cửa.
(GDVN)
--------------
Mỹ thúc đẩy thực hiện chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương
Theo Roi-tơ và Tân Hoa xã, ngày 3-10, phát biểu ý kiến tại một hội nghị chuyên đề về Trung Quốc được tổ chức tại Trung tâm Út-đrâu Uyn-xơn ở Thủ đô Oa-sinh-tơn (Mỹ), Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ A.Ca-tơ khẳng định, Lầu năm góc có đủ nguồn lực để thực hiện chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương bất chấp những lo ngại về việc ngân sách bị cắt giảm. Thứ trưởng Ca-tơ cho biết, thực hiện chiến lược mới kể trên, trong những năm tới, Lầu năm góc sẽ bố trí thêm tàu chiến tại khu vực này và triển khai loại máy bay chiến đấu tàng hình tối tân F-22 và F-35 tại các căn cứ của Mỹ ở Nhật Bản, trong đó có căn cứ không quân Ca-đê-na ở tỉnh Ô-ki-na-oa. Ông Ca-tơ nêu rõ, xây dựng một mối quan hệ mạnh mẽ và hợp tác với Trung Quốc là một phần thiết yếu trong chiến lược tái cân bằng ở châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ và nhấn mạnh rằng,"Một quan hệ đối tác mạnh mẽ và hợp tác Mỹ - Trung là điều cần thiết cho an ninh và thịnh vượng toàn cầu trong thế kỷ 21".
( Nhân Dân)
-------------
Nhật Bản đề xuất quy định mới đối phó với thảm họa hạt nhân
(VOV) - Đề xuất này được đưa ra sau khi các chức năng của trung tâm phản ứng khẩn cấp của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị mất tác dụng.
Ngày 3/10, Cơ quan Quản lý hạt nhân của Nhật Bản công bố dự thảo mới về việc hướng dẫn sửa đổi các quy định nhằm đối phó với trường hợp thảm họa hạt nhân xảy ra.
Bản dự thảo này chủ yếu tập trung sửa đổi một số nội dung như: Cấm các trung tâm phản ứng khẩn cấp từ xa của các nhà máy điện hạt nhân đặt trong vòng 5 km; Kêu gọi gia tăng khoảng cách giữa nhà máy điện hạt nhân và trung tâm phản ứng khẩn cấp từ xa, từ bán kính hiện tại là 20 km lên 30 km.
Đề xuất này được đưa ra sau khi các chức năng của trung tâm phản ứng khẩn cấp của nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị mất tác dụng trong thảm họa tháng 3/2011. Tiếp đó là mở rộng khu vực sơ tán quanh các nhà máy điện hạt nhân từ bán kính hiện tại là 10 km lên 30 km nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người dân trong trường hợp xảy ra thảm họa hạt nhân. Đồng thời đề xuất Chính phủ xem xét phân phối i-ốt cho những người dân sống trong phạm vi 50 km tính từ nhà máy điện hạt nhân nhằm bảo vệ và phòng tránh trường hợp phóng xạ bị phát tán.
Ngoài ra, bản dự thảo cũng đề xuất số các tỉnh, thành phố phải tuân thủ theo các quy định của bản hướng dẫn này tăng từ mức hiện tại 45 quận của 15 thành phố lên 135 quận của 21 thành phố./.
Ngọc Huân/VOV-Trung tâm tin
(Theo NHK)
---------------
Philippines ra lệnh bắt cựu Tổng thống Arroyo
Một tòa án Philippines (Philíppin) đã ra lệnh bắt giữ cựu Tổng thống nước này, bà Gloria Macapagal Arroyo, về các tội danh tham ô, động thái có thể khiến bà Arroyo phải quay trở lại trại giam sau khi nộp bảo lãnh tại ngoại hồi tháng 7.
Hiện tòa án trên vẫn chưa tống đạt lệnh bắt giữ đưa ra tối 3/10 đối với bà Arroyo và 10 cựu quan chức nhà nước có liên quan đến các cáo buộc sử dụng sai mục đích các quỹ xổ số nhà nước.
Bà Arroyo, 65 tuổi, nắm quyền tổng thống Philippines từ năm 2001-2010. Giới phân tích cho rằng khó có khả năng bà sẽ thoát khỏi lần giam giữ này vì theo luật phòng chống tham ô, đây là tội không thể bảo lãnh và hình phạt tối đa là tù chung thân.
Trước đó, hồi tháng 7, bà Arroyo đã kết thúc 7 tháng bị tạm giam tại một viện quân y sau khi nộp tiền bảo lãnh cho các tội danh gian lận bầu cử ít nghiêm trọng hơn.
Bà cũng bị cáo buộc nhận hối lộ trong thỏa thuận truyền thông trị giá 329 triệu USD với công ty ZTE của Trung Quốc. Bà đã phủ nhận mọi cáo buộc và dự kiến trong tuần này ra ứng cử nghị sĩ quốc hội nhiệm kỳ hai trong cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ vào tháng 5/2013.
Tổng thống tiền nhiệm của bà Arroyo là cựu Tổng thống Joseph Estrada cũng từng bị cáo buộc tham ô và lãnh án tù chung thân, nhưng sau đó được tha.
TTXVN/ Tin Tức
--------------
Philippines đề xuất hệ thống chia sẻ thông tin trên biển
Nước chủ nhà Diễn đàn Hàng hải ASEAN lần thứ 3 (AMF-3) vừa nêu ý tưởng về hệ thống chia sẻ thông tin trên biển, nhằm đối phó với những thách thức an ninh.
Theo AFP, đề xuất của Philippines nhằm "cung cấp thông tin cần thiết, thích hợp và kịp thời tới các cơ quan hành động phù hợp để giúp các cơ quan này chống lại các thách thức an ninh phi truyền thống trên biển". Các thách thức này gồm có buôn bán ma túy, buôn lậu súng, buôn người, đánh cá trái phép và thời tiết bất ổn.
Đề xuất này được Philippines đặt lên bàn trao đổi hôm qua, tức là trong ngày đầu tiên của Diễn đàn Hàng hải ASEAN. Đây là sự kiện diễn ra trong ba ngày tại thủ đô Manila, Philippines, với sự tham gia của các thứ trưởng ngoại giao và quan chức ngoại giao cấp cao của nhiều nước.
Philippines nhấn mạnh rằng hơn một nửa khối lượng hàng hóa thương mại mỗi năm của thế giới được luân chuyển qua các vùng nước thuộc khu vực Đông Nam Á. Vì vậy, việc hợp tác là rất quan trọng. Tuy nhiên, hiện chưa rõ thông tin sẽ được chia sẻ như thế nào theo đề xuất của Philippines.
Một nhà ngoại giao cấp cao tham dự AMF-3 hôm qua cho hay các trao đổi tại diễn đàn này không đề cập tới những tranh chấp biển đảo ở khu vực, mà tập trung nhiều hơn vào những nỗ lực hợp tác hàng hải. Theo quan chức này, Indonesia cũng đưa ra một đề xuất chia sẻ thông tin tương tự, nhưng chưa có ghi nhận nào về việc các quốc gia ASEAN phản ứng ra sao với khái niệm này.
Ngày mai, Diễn đàn Hàng hải ASEAN Mở rộng (EAMF) sẽ diễn ra, với sự tham gia của các đối tác với ASEAN là Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga và Mỹ. Đoàn đại biểu Nhật Bản do Thứ trưởng Ngoại giao Koji Tsuruoka dẫn đầu. Ông Tsuruoka dự kiến sẽ có một bài phát biểu được cho là có thể liên quan tới tranh chấp hiện nay giữa Nhật Bản và Trung Quốc tại chuỗi đảo Senkaku/Điếu Ngư ở biển Hoa Đông.
( VNexpress)
---------------
Thổ Nhĩ Kỳ trả đũa Syria, kêu gọi HĐBA hành động
Căng thẳng leo thang giữa hai quốc gia láng giềng Thổ Nhĩ Kỳ và Syria khi ngày 3/10, Thổ Nhĩ Kỳ gửi thư kêu gọi Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc có "hành động cần thiết" để ngăn chặn các cuộc tấn công từ Syria vào lãnh thổ nước này.
Lời kêu gọi được đưa ra sau vụ nã pháo từ Syria qua biên giới làm năm công dân Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng cùng ngày, và Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả bằng đạn pháo vào các mục tiêu ở Syria. Trong khi đó, chính quyền Syria cho biết đang tiến hành điều tra vụ việc, đồng thời kêu gọi tôn trọng chủ quyền lãnh thổ Syria.
Đây là vụ tấn công đầu tiên từ Syria gây thương vong cho phía Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong thư gửi Đại sứ Guatemala, nước đang giữ chức Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an, Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ tại Liên hợp quốc Ertugrul Apakan nhấn mạnh: "Đây là một hành động xâm lược của Syria chống lại Thổ Nhĩ Kỳ, vi phạm trắng trợn luật pháp quốc tế cũng như làm tổn hại hòa bình và an ninh quốc tế."
Thổ Nhĩ Kỳ đề nghị Hội đồng Bảo an có hành động cần thiết để "chấm dứt những hành động xâm lược như vậy và đảm bảo rằng Syria tôn trọng chủ quyền, sự toàn vẹn lãnh thổ và an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ."
Theo các nhà ngoại giao tại Liên hợp quốc, dự kiến Hội đồng Bảo an sẽ đưa ra một tuyên bố về vụ tấn công này.
Trong phản ứng của mình, Bộ trưởng Thông tin Syria Omran al-Zubi nói rằng khi xảy ra sự cố biên giới, các nước liên quan cần giải quyết vấn đề một cách "thận trọng, khôn ngoan, hợp lý và có trách nhiệm."
Ông An Dubi cho biết chính quyền Syria đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ nã pháo. Theo quan chức này, khu vực biên giới giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ hiện là nơi có nhiều tuyến đường buôn lậu vũ khí và đạn dược của các nhóm khủng bố có vũ trang.
Trước đó, các quả đạn pháo từ Syria đã rơi vào thị trấn Akcakale thuộc tỉnh biên giới Sanliurfa ở Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, làm năm phụ nữ và trẻ em thiệt mạng, và 13 người bị thương. Đây là vụ tấn công nghiêm trọng nhất kể từ tháng Sáu, thời điểm Syria bắn rơi một máy bay chiến đấu Thổ Nhĩ Kỳ làm hai phi công thiệt mạng và khiến Ankara đưa vụ việc này lên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, Văn phòng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã ra tuyên bố lên án vụ tấn công này, đồng thời cho biết các lực lượng biên phòng của Thổ Nhĩ Kỳ đã đáp trả bằng đạn pháo vào các mục tiêu ở Syria. Tuyên bố nói rằng "Thổ Nhĩ Kỳ hành động phù hợp với những quy định đã cam kết và luật pháp quốc tế, và không bao giờ cho phép các hành động khiêu khích như vậy của Syria nhằm vào an ninh quốc gia mà không bị đáp trả."
Trong khi đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu bày tỏ "mối lo ngại sâu sắc nhất" của Thổ Nhĩ Kỳ tới Tổng thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon.
Ông Davutoglu cũng đã thảo luận với Đặc phái viên chung của Liên hợp quốc và Liên đoàn Arập (AL) chuyên trách về Syria Lakhdar Brahimi.
Tổng thư ký Ban Ki-moon kêu gọi Ngoại trưởng Davutoglu duy trì mọi kênh liên lạc với chính quyền Syria nhằm giảm nguy cơ căng thẳng leo thang thành xung đột.
Tổng thư ký cũng kêu gọi Damacus "tôn trọng đầy đủ sự toàn vẹn lãnh thổ của các nước láng giềng," đồng thời kêu gọi tất cả các bên giảm căng thẳng và hướng tới một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng tại Syria.
Tối 3/10, NATO đã họp khẩn cấp và ra tuyên bố đề nghị chấm dứt ngay lập tức "các hành động xâm lược" Thổ Nhĩ Kỳ. Tuyên bố lên án vụ nã pháo vì đã gây ra "mối lo ngại lớn nhất" đối với các nước thành viên NATO.
Các đại sứ của NATO cho rằng "hành động xâm lược" gần đây của Syria là vi phạm luật pháp quốc tế, là một "mối nguy hiểm hiện hữu và rõ ràng" đối với an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ. Trước đó hồi tháng Sáu, NATO cũng có cuộc họp khẩn cấp theo đề nghị của Ankara sau vụ Syria bắn rơi máy bay của Thổ Nhĩ Kỳ.
Cùng ngày, Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và nhiều quan chức khác của Mỹ đã lên án vụ tấn công trên và bày tỏ đoàn kết với Ankara.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết bà Clinton đã gọi điện cho Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Davutoglu, bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ của Washington đối với chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ. Bà Clinton cho rằng "tình hình đã đến mức rất nguy hiểm," song kêu gọi Thổ Nhĩ Kỳ kiềm chế./.
(TTXVN)
-------------------
Hé lộ nguyên nhân thiêu trụi 'siêu chiến hạm' Indonesia
Một số ý kiến nghi ngờ có âm mưu phá hoại trong vụ cháy chiến hạm hiện đại KRI Klewang, do thời điểm hỏa hoạn xảy ra ngay trước ngày thử nghiệm.
(ĐVO) Tại Indonesia, các thủ tục tố tụng hình sự đang được tiến hành sau vụ cháy của tàu tên lửa tàng hình cao tốc KRI Klewang 625 vào ngày 28/9/2012 vừa qua tại bến tàu căn cứ hải quân ở Banyuwangi (Đông Java).
Sau vụ cháy, niềm tự hào KRI Klewang của xứ sở vạn đảo chỉ còn lại một phần khung và bị chìm ngay tại bến đỗ. Theo những thông tin mới nhất, vụ cháy tàu Klewang đã làm một nhân viên bảo dưỡng và một sỹ quan hải quân phải nhập viện do hít phải nhiều khói.
Ngày 29/9, phát biểu tại một cuộc họp báo tại văn phòng của công ty ở Banyuwangi, Giám đốc công ty PT Lundin, bà Landin Invest Lizzie (vợ của doanh nhân người Thụy Điển John Lundeen - người sáng lập ra công ty PT Lundin) gián tiếp đổ lỗi cho đám cháy trên do Hải quân Indonesia. Theo bà này, về nguyên tắc tàu Klewang phải được trang bị một hệ thống phun nước dập lửa tự động.
Trong ngày xảy ra sự cố, trên tàu đang có 30 nhân viên làm việc. Hải quân Indonesia đến thăm tàu vào ngày 28/9 và yêu cầu chuẩn bị thử nghiệm trên biển từ ngày 30/9. Theo lệnh này, Klewang được neo đậu tại bến cảng để bảo trì. Trong quá trình đó, tàu bị chập điện, dẫn tới đám cháy. Con tàu được làm từ sợi carbon nên nhanh chóng bắt lửa, bị thiêu rụi trong 2 giờ và sau đó chìm tại bến cảng.
Bà Lizzie Landin cũng báo cáo, tàu Klewang bị đốt cháy sẽ được bảo hiểm đầy đủ và công ty dự định sử dụng các khoản thanh toán bảo hiểm trong tương lai để tăng tốc đóng mới một con tàu. "Con tàu đầu tiên được đóng trong 2 năm nhưng tàu thứ hai có thể được đóng nhanh hơn nhiều lần" - bà Landin khẳng định. Tuy nhiên, bà này cho biết, việc đóng tàu thứ hai sẽ được quyết định sau khi việc điều tra tìm ra được nguyên nhân cháy ở tàu Klewang 625.
Về phần mình, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Indonesia, ông Purnomo Yusgiantoro cho biết, bất chấp "cái chết" của tàu Klewang 625, Hải quân Indonesia giữ quyết định thực hiện một hợp đồng mua 3 tàu trimaran thuộc dự án X3K do công ty PT Lundin đóng mới.
Nguyên nhân về đám cháy của tàu Klewang 625 cũng được Bộ Quốc phòng Indonesia xác định bước đầu là do chập mạch điện.
Một số nguồn tin thì cho rằng, tàu Klewang 625 bị cháy có thể do một hành động phá hoại. Dù vậy, Đô đốc Hải quân Agus Suhartono đã bác bỏ suy luận này và ông cho rằng, đó là một trường hợp "thuần túy về kỹ thuật". Việc chập mạch điện đã làm cho con tàu bằng sợi carbon bị thiêu cháy.
Ông Suhartono cũng nói thêm rằng, sự cố trên là "kinh nghiệm" cho nhà sản xuất PT Lundin để có thể đảm bảo đóng được một con tàu mới có chất lượng tốt hơn, bao gồm cả việc cải thiện hệ thống phòng chống hỏa hoạn trên tàu.
Phạm Thái (theo Bmpd, ĐVO)
----------------
Mỹ lại sắp tấn công các mục tiêu ở Libya?
Tình báo Mỹ và Lầu Năm Góc đang thu thập thông tin sơ bộ về các mục tiêu tiềm tàng và lên danh sách các tay súng ở Libya có thể bị tấn công nếu Tổng thống Barack Obama ra lệnh một hành động như vậy. Một quan chức cao cấp Mỹ từ chối tiết lộ danh tính vì bản chất nhạy cảm của thông tin, hôm 3-10-2012, đã xác nhận điều này với phóng viên CNN, và chú giải rằng Mỹ có lẽ sẽ tìm kiếm sự hợp tác từ Libya trước khi tiến hành bất kỳ vụ tấn công quân sự nào.
Một số chi tiết đầu tiên đã được báo New York Times tiết lộ. Trích nguồn tin từ các quan chức chống khủng bố và quân sự cao cấp, bài báo nói, Mỹ đang đặt nền móng cho các hoạt động tiêu diệt hoặc bắt các tay súng liên quan đến vụ tấn công lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi làm chết đại sứ J.Christopher Stevens và ba đồng nghiệp.
Các nguồn tin nói nhiều hoạt động đặc biệt thuộc hàng tối mật phối hợp giữa Lầu Năm Góc và CIA đang thảo ra cái gọi là những gói mục tiêu về thông tin chi tiết của các nghi can. Những lựa chọn cho khả năng hành động quân sự có thể bao gồm cả các vụ tấn công bằng máy bay không người lái, các hoạt động đặc biệt như trong vụ đột kích tiêu diệt Osama Bin Laden và những sứ mệnh chung với nhà chức trách Libya. Nhưng các quan chức chính quyền Mỹ nói chưa có quyết định về bất kỳ mục tiêu tiềm tàng nào.
Phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng và CIA từ chối bình luận về bài báo này.
Các hoạt động bí mật kể trên nhấn mạnh sự ràng buộc mà Nhà Trắng phải đối đầu qua vụ tấn công ở Benghazi. Ôâng Obama đã thề đưa thủ phạm ra phán xét, và trong những tuần cuối cùng của chiến dịch tranh cử tổng thống, những người Cộng hòa đã cố hạ điểm của ứng cử viên đảng Dân chủ bằng cách chọc vào những thất bại tình báo trước vụ tấn công.
Tuy nhiên, bất kỳ hành động quân sự nào của Mỹ trên lãnh thổ Libya sẽ gây thương vong và gần như chắc chắn sẽ kích thích một phản ứng dữ dội từ nhân dân Libya.
Chính phủ Libya đã phản đối bất kỳ hành động quân sự đơn phương nào từ Mỹ ở Libya nhằm vào những kẻ tấn công. Mustafa Abu Shagur, tân Thủ tướng Libya, nói trên mạng truyền hình Al Jazeera rằng: “Chúng tôi sẽ không cho phép bất kỳ ai vào lãnh thổ Libya. Điều đó là vi phạm chủ quyền và chúng tôi sẽ khước từ”.
Cùng lúc này, chính phủ Libya vẫn phụ thuộc gần như hoàn toàn vào các lực lượng dân quân địa phương, khiến các nỗ lực bắt những nghi can rõ ràng nhất cũng trở nên phức tạp. Cả quan chức Libya lẫn Mỹ đều thừa nhận khả năng một số thủ phạm có thể đã trốn khỏi Libya, có lẽ là qua biên giới phía nam.
Cả Mỹ lẫn Benghazi đều tăng cường coi nhóm dân quân địa phương Ansar al-Shariah là nghi can chính đằng sau vụ tấn công. Các quan chức chống khủng bố ở Washington hiện tin rằng Ansar al-Shariah đã phác thảo một kế hoạch tấn công nhằm vào sứ mệnh ngoại giao Mỹ từ trước.
MINH PHƯƠNG// CAND
----------------------------
Máy bay quân sự Pháp đâm vào núi
(VOV)-Chiếc máy bay chiến đấu Mi-2000 cất cánh từ căn cứ không quân tại khu vực Luxeuil và bị rơi xuống khu rừng cách căn cứ khoảng 10 km.
Ngày 3/10, một máy bay chiến đấu đang tham gia huấn luyện tại Luxeuil thuộc miền Đông nước Pháp bị nổ tung sau khi đâm xuống núi, làm 1 phi công thiệt mạng.
Văn phòng báo chí quân đội Pháp cho biết, chiếc máy bay chiến đấu Mi-2000 này cất cánh từ căn cứ không quân tại khu vực Luxeuil và bị rơi xuống khu rừng cách căn cứ khoảng 10 km khi đang thực hiện nhiệm vụ huấn luyện.
Hiện trường vụ tai nạn đang được phong tỏa để phục vụ công tác điều tra./.
Vũ Anh Tuấn/VOV-Trung tâm tin
(Theo Tân Hoa xã)
-----------------
Australia: Máy bay rơi, 6 người thiệt mạng
Ít nhất 6 người đã thiệt mạng sau khi một chiếc máy bay hai tầng cánh bị rơi tại khu vực miền Đông Nam bang Queensland, Australia.
Một chiếc máy bay hai tầng cánh De Havilland Dragon DH-84 đã bị mất tích trong khi đang bay biểu diễn tại một triển lãm hàng không ở Monto, thuộc bang Queensland (Australia) vào hôm thứ Hai (1/10).
Cho đến ngày hôm qua (3/10), máy bay trực thăng cứu hộ mới phát hiện được chiếc máy bay này rơi tại khu vực gần một con đập ở vùng hẻo lánh cách Brisbane khoảng 160 km về phía bắc.
Các nhân viên cứu hộ cho biết chiếc máy bay đã bị nổ từ trên cao và khẳng định không một ai trong số 6 người trên máy bay còn sống sót. Những người thiệt mạng được xác định là phi công và vợ cùng với 2 cặp đôi khác.
“Chiếc máy bay không con nguyên vẹn”, bà Mike Barton, phát ngôn viên của Cơ quan an toàn biển Australia (AMSA), cho biết.
Các nhân viên cứu hộ và cánh sát vẫn đang tiếp tục tìm kiếm tại hiện trường vụ tai nạn và dự định sẽ mở một cuộc điều tra nguyên nhân gây ra vụ tai nạn bày. (KP)
--------------
Iran quay cuồng trong cơn bão trừng phạt
Các nguồn tin từ Mỹ cho hay, sáng 3/10, bạo loạn đã xảy ra ở trung tâm thủ đô Tehran của Iran, sau khi đồng Rial của nước này rớt giá nghiêm trọng, tới 17% so với USD và các ngoại tệ có khả năng chuyển đổi khác.
Theo tỷ giá quy đổi ngày 3/10, một USD mua được 39.000 Rial. Trước đó một ngày, tỷ giá quy đổi là 34.500 Rial/ USD và ở mức 24.000 Rial/ USD khoảng một tuần trước. Việc đồng Rial suy yếu đã khiến các công ty Iran gặp khó khăn trong việc nhập khẩu sản phẩm từ nước ngoài.
Các nguồn tin tại chỗ cho biết, vụ bạo loạn bùng phát khi nhà chức trách Iran huy động một lượng lớn nhân viên cảnh sát đóng cửa hàng loạt điểm thu đổi ngoại tệ và bắt giữ những người dân mua bán trái phép ngoại tệ. Phản ứng lại, người dân đã dùng gạch đá ném vào xe của cảnh sát.
“Rất đông cảnh sát đã lùng sục và bắt bớ người dân khi họ tìm cách mua ngoại tệ, hoạt động bị coi là trái phép”, một nguồn tin cho biết. Trước tình trạng hỗn loạn đó, khu chợ ở trung tâm thành phố, được coi là điểm buôn bán sầm uất nhất Tehran, đã phải đóng cửa vì sợ bị ảnh hưởng.
Nguồn trên cũng cho biết báo giới nước ngoài bị ngăn cấm tuyệt đối, không cho tiếp cận để đưa tin về vụ việc trên và hiện cũng chưa có thông tin từ báo chí sở tại về vụ này.
Trong khi đó, Tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad vẫn tiếp tục bác bỏ những lời chỉ trích của người dân về việc đồng Rial bị mất giá. Theo ông, các chính sách hiện nay của chính phủ không liên quan gì tới tình trạng này, mà đây là áp lực tâm lý do những "kẻ thù" của Iran gây ra.
Hôm 2/10, ông Ahmadinejac đã thừa nhận sự suy giảm mạnh của đồng tiền nước này có liên quan tới các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đây là lần đầu tiên Tổng thống Iran lên tiếng thừa nhận tác động lớn của các biện pháp trừng phạt của phương Tây đối với nền kinh tế Iran.
Tình hình kinh tế của Iran đã trở nên đặc biệt trầm trọng trong vài tháng gần đây, khi lệnh trừng phạt mới nhất của EU và Mỹ với Tehran có hiệu lực vào tháng 7. Kết quả là, giá thịt gà, sữa, pho mát, bánh mỳ, đường và sữa chua cũng như các mặt hàng chủ lực khác tăng giá mỗi ngày.
Tổng thống Ahmadinejad nhấn mạnh rằng, “kẻ thù” đang nhằm vào lĩnh vực ngân hàng và dầu mỏ của nước này để gia tăng thêm sức ép đối với Tehran. Thực tế, phương Tây đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm buộc Iran phải nhượng bộ về chương trình hạt nhân của nước này.
Trong khi đó, phát ngôn viên Quốc hội Iran Ali Larijani cho biết “80%” các vấn đề kinh tế liên quan tới việc chính phủ lãnh đạo không đúng cách và phần còn lại là do các cấm vận. Tổng thống Iran cho biết “phát ngôn viên nên giúp chính phủ khắc phục vấn đề thay vì buộc tội cách quản lý”.
Cũng trong phát biểu hôm 2/10, Tổng thống Ahmadinejad tái khẳng định sẽ không lùi bước trong chương trình phát triển hạt nhân. Ông khẳng định không người dân Iran nào muốn bỏ quyền phát triển hạt nhân của nước mình và Iran không bao giờ khuất phục trước sức ép bên ngoài.
Trong khi đó, theo hãng tin Reuters, ông Mansour Haqiqatpour, Phó chủ tịch Ủy ban An ninh quốc gia và chính sách đối ngoại Iran tuyên bố rằng, nếu các cuộc đàm phán với các nước lớn về chương trình hạt nhân thất bại, nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ làm giàu uranium tới mức 60%.
( Theo VNeconomy)