Một số quốc gia đang đánh giá thấp hậu quả của việc “chọc giận” Trung Quốc, và “Trung Quốc cần phải dạy họ một bài học”.
Thời báo Hoàn Cầu của Trung Quốc ngày 20/10 đăng bài phân tích có tựa đề “Nhật Bản phải quen dần với các hành động của hải quân Trung Quốc”. Bài báo này cho rằng cuộc diễn tập chung giữa hải quân Trung Quốc với các tàu công vụ Hải giám và Ngư chính hôm thứ Sáu trên biển Hoa Đông đã “làm bất ngờ” giới truyền thông Nhật Bản.
Hoàn Cầu tin rằng báo chí truyền thông Nhật Bản đều nhận định động thái này bắt nguồn từ quan hệ xấu đi giữa hai nước sau khi chính phủ Nhật Bản quốc hữu hóa nhóm đảo Senkaku.
Hải quân, Hải giám, Ngư chính Trung Quốc tập trận trên biển Hoa Đông |
Hoàn Cầu khẳng định rằng không việc gì phải phản bác “đồn đoán” của truyền thông Nhật Bản và tuyên bố: Cuộc diễn tập này đã phát đi một tín hiệu rõ ràng cho thế giới bên ngoài rằng Trung Quốc sẵn sàng sử dụng lực lượng hải quân để giải quyết xung đột trên biển.
“Trong nhiều năm qua và cả hiện nay, bận rộn với quá trình phát triển kinh tế, Trung Quốc không muốn phô trương sức mạnh trên biển và đã tỏ ra kiềm chế trong các xích mích trên biên giới. Nhưng điều đó không có nghĩa là Trung Quốc bất cứ quốc gia nào có tranh chấp trên Biển Đông và biển Hoa Đông”, bài báo tuyên bố.
Hoàn Cầu rêu rao, Trung Quốc, quốc gia mạnh nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương lại là bên hối thúc “gác tranh chấp” nhiều nhất, đồng thời cáo buộc các bên có tranh chấp với Trung Quốc trên Biển Đông và biển Hoa Đông mới là "kẻ gây chuyện", tờ báo này coi đó là điều bất thường.
Trực thăng Trung Quốc tham gia diễn tập |
Tuy nhiên, Hoàn Cầu nhận định rằng các lực lượng hành pháp trên biển hiện nay của Trung Quốc còn thiếu kinh nghiệm thực tiễn, trong khi những va chạm trong quá trình thực thi pháp luật trên biển ngày càng tăng lên, và đó là lý do mà hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập “hỗ trợ” các lực lượng Ngư chính và Hải giám thực thi công vụ trên biển.
Để lấp liếm cho hành động này, Hoàn Cầu bao biện rằng những tranh chấp lãnh thổ gần đây đã cản trở chính sách “tạm thời gác tranh chấp” của Trung Quốc, buộc chính phủ nước này phải hết lần này đến lần khác đưa ra “các biện pháp đối phó”.
Tờ báo này cao giọng đe dọa, lần này chỉ là hải quân Trung Quốc tham gia diễn tập, lần sau sẽ có thể là kéo cả lực lượng tên lửa ra nhằm “nâng cao mức độ và phạm vi phòng ngừa”.
Số vụ "đụng độ" giữa Cảnh sát biển Nhật Bản và Hải giám Trung Quốc ngày càng tăng lên |
Theo Hoàn Cầu, thế giới đang dần quen với một Trung Quốc “cứng rắn hơn”, “cương quyết hơn” trong bảo vệ cái gọi là "chủ quyền và lợi ích quốc gia". Hoàn Cầu không cho rằng sự thay đổi chính sách này của Trung Quốc sẽ hủy hoại hình ảnh trên trường quốc tế mà Trung Quốc khó khăn lắm mới gây dựng được sau công cuộc cải cách và mở cửa trong nhiều thập kỷ qua.
Theo đó, “cứng rắn hơn” đồng nghĩa với việc thuần thục hơn trong đối phó với “các hành động khiêu khích” ngày càng nhiều hơn. Ngày càng có nhiều người dân Trung Quốc nghĩ rằng một số quốc gia đang đánh giá thấp hậu quả của việc “chọc giận” Trung Quốc, và “Trung Quốc cần phải dạy họ một bài học”. Hoàn Cầu cho rằng luồng dư luận này có thể gây sức ép buộc chính phủ phải thay đổi chính sách ngoại giao.
Hoàn Cầu kết luận: Nhật Bản phải nhận ra thực tế rằng mình luôn là một nước nhỏ nếu so với Trung Quốc, và trong tương lai cả các bên tranh chấp trên Biển Đông cũng phải như vậy. Thế nên tốt nhất là Nhật Bản phải thể hiện sự tôn trọng đối với nước lớn, nếu không “sẽ chỉ chuốc lấy rắc rối”.
Theo báo Giáo dục Việt Nam