Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton nói, Nam Thái Bình Dương đủ lớn cho cả Mỹ và Trung Quốc nhưng kêu gọi Bắc Kinh đảm bảo phân phối viện trợ công bằng.
Bà Hillary cam kết Mỹ sẽ tiếp tục gắn bó với Nam Thái Bình Dương về lâu dài và đề nghị giúp đỡ khu vực khi bà là Ngoại trưởng Mỹ đầu tiên tham gia một hội nghị hàng năm tại khu vực rộng lớn nhưng thưa thớt dân cư này.
Chuyến thăm của bà Hillary diễn ra sau khi một số nước tiến tới quan hệ gần gũi hơn với Trung Quốc, quốc gia cam kết cho Nam Thái Bình Dương vay hơn 600 triệu USD với lãi suất thấp và phần lớn là không điều kiện kể từ năm 2005, viện Lowy của Australia cho hay.
Ngoại trưởng Hillary đã bác bỏ việc Washington và Bắc Kinh ganh đua nhau tại Nam Thái Bình Dương trong hội nghị diễn ra tại đảo Cook.
"Chúng tôi cho rằng các nước Thái Bình Dương có quan hệ tốt đẹp với càng nhiều đối tác càng tốt là điều rất quan trọng. Trong số các đối tác này có cả Trung Quốc và Mỹ', bà Hillary nói với các phóng viên.
Trong bối cảnh có nhiều chỉ trích rằng việc Trung Quốc mở hầu bao đã xói mòn sức ép quốc tế đối với Fiji và nhiều nước khác về vấn đề dân chủ, Ngoại trưởng Mỹ tuyên bố: "Tại Thái Bình Dương, chúng tôi muốn thấy Trung Quốc hành động theo một cách công bằng và minh bạch".
Trong bài phát biểu tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương gồm 15 quốc gia, Ngoại trưởng Hillary nói, mọi quốc gia đều có những đóng góp quan trọng cho an ninh và thịnh vượng của khu vực. "Tôi cho rằng, Thái Bình Dương đủ lớn cho tất cả chúng ta".
Truyền thông quốc gia Trung Quốc cáo buộc Ngoại trưởng Mỹ tìm cách "hạn chế" sự lớn mạnh của nước này thông qua chuyến thăm mới nhất của bà tới khu vực Thái Bình Dương. Tuy nhiên, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Cui Tiankai đã phát ra một thông điệp hòa giải khi nói, Trung Quốc có mặt tại khu vực này không phải để tìm kiếm một ảnh hưởng đặc biệt.
Ông Cui tuyên bố, Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với những nước khác nhưng "nó không có nghĩa là Trung Quốc sẽ thay đổi chính sách viện trợ nước ngoài.
Trong chuyến công du, bà Hillary công bố dự án viện trợ mới trị giá 32 triệu USD, chủ yếu để giúp các đảo Thái Bình Dương hoạch định các bước thích nghi với thay đổi khí hậu.
Mỹ đã kết thúc các chương trình viện trợ chủ chốt ở Nam Thái Bình Dương vào năm 1994 và chỉ nối lại trợ giúp trong thời gian gần đây dưới thời Tổng thống Obama. Điều này khiến một số nước trong khu vực kết luận là Mỹ không còn quan tâm tới vùng này nữa.