TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Dấu hiệu Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ ra đi

Tổng thống Syria Bashar al-Assad (Ảnh: AP)Theo mạng tin tình báo Stratfor (Mỹ) ngày 8/10, ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad sắp tới hồi kết. Quân nổi dậy tiếp tục giành những thắng lợi quân sự trên chiến trường và người Alawite cầm quyền lại đang có dấu hiệu rạn nứt nội bộ.
 
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ đang đạt được những tiến triển trong quá trình thương lượng với Nga và Iran cho sự ra đi của ông Assad. Dù các cuộc đàm phán này mới ở giai đoạn đầu, nhưng sức ép tổng hợp đối với chế độ Syria đang tạo đà cho một kịch bản Syria hậu Assad.
 
Nhân tố chủ chốt để duy trì chế độ Syria vốn là sự đoàn kết của cộng đồng người Alawite thiểu số đang nắm quyền. Bộ máy an ninh, tình báo và quân sự do người Alawite kiểm soát là lực lượng hậu thuẫn chính cho chế độ của Tổng thống Assad. Tuy nhiên, đã có dấu hiệu ban đầu cho thấy cộng đồng Alawite đang rạn nứt trước câu hỏi đặt ra về sự tồn tại của Tổng thống Assad khi lực lượng ngày càng hao tổn và sức chịu đựng mất mát đang giảm dần.
 
Người Alawite ở Syria gồm 4 bộ tộc: Matawira, Khayyatin, Haddadin và Kalbiyya. Gia đình Assad thuộc bộ tộc Matawira, đến từ ngôi làng phía Tây Bắc Qardaha gần thành phố duyên hải Latakia. Nguồn tin của Stratfor cho biết tình hình ở Qardaha đặc biệt căng thẳng những ngày gần đây do các vụ va chạm chết người giữa các thành viên gia đình Assad và những gia đình khác như al-Khair, al-Abbud, al-Shalish và al-Uthman. Mâu thuẫn giữa người Alawite còn vượt ra khỏi khu vực Qardaha khi trang mạng điện tử Al Damman al Sharq của Arập Xêút ngày 4/10 cho biết người Alawite đến từ thành phố Homs đã va chạm với người Alawite ở Latakia về số phận của người Alawite đang bị giam giữ ở đó.
 
Hãng tin AFP cũng cho biết một nhà hoạt động người Alawite Syria có bút danh Abu Jabal đã kêu gọi cộng đồng Alawite tham gia cuộc nổi dậy chống chế độ. Các nguồn tin của Stratfor trong cộng đồng người Alawite cũng thận trọng đề cập tới nguy cơ một cuộc đảo chính quân sự lật đổ Tổng thống al Assad.
 
Trong khi đó, Thổ Nhĩ Kỳ dường như đang tạo được những tiến triển trong việc thương lượng một sự chuyển giao quyền lực từ dòng họ Assad. Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu đã nhận xét trên kênh truyền hình quốc gia TRT rằng Phó Tổng thống Syria Farouk al-Shara (một người Sunni) là “người lý trí và lương tâm khi ông ấy không hề tham gia các vụ thảm sát ở Syria. Cũng không ai biết rõ hệ thống chính trị ở Syria hơn ông ấy”.
 
Ba ngày sau cuộc gặp giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Abdullah Gul và Phó Tổng thống Iran Mohammad Reza Rahimi, Phó Tổng thống Shara được ông Davutoglu "đánh bóng" như một nhà lãnh đạo tiềm năng trong chính quyền chuyển đổi. Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cũng đã gặp Thư ký Hội đồng An ninh Tối cao của Iran Saeed Jalili vào giữa tháng 9. Trong khi đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin sẽ thăm Thổ Nhĩ Kỳ và gặp ông Erdogan ngày 14/10.
 
Hoạt động ngoại giao ở Thổ Nhĩ Kỳ là một phần trong nỗ lực của Iran và Nga nhằm tranh thủ thế bế tắc tại Syria, buộc các bên phải đi tới một cuộc thương lượng về quá trình chuyển đổi và duy trì ảnh hưởng của hai quốc gia này ở Syria thời hậu Assad. Với sự bật đèn xanh từ Mỹ, Thổ Nhĩ Kỳ đang làm trung gian cho một cuộc thương lượng phức tạp với hy vọng chấm dứt cuộc xung đột cũng như gặt hái uy tín ngoại giao ở khu vực của nước này.
 
Hiện vẫn còn một số vấn đề cần phải đặt ra để kế hoạch thương lượng đạt được kết quả. Gia đình Assad có thể buộc phải từ bỏ quyền lực nếu muốn được hưởng quy chế miễn trừ và đi lưu vong (Nga có thể đóng vai trò quan trọng trong vấn đề này).

Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải đảm nhiệm phần việc rất phức tạp là làm trung gian hòa giải giữa Mỹ và Iran trong bối cảnh căng thẳng lên cao sau khi các biện pháp cấm vận kinh tế của Mỹ và phương Tây tác động đến Iran. Trong khi đó, cố vấn chính trị của “Quân đội Syria nổi dậy” Bessam Dade cho biết nhóm nổi dậy này chấp nhận đề nghị của Ngoại trưởng Davutoglu miễn là tiến trình chuyển đổi không được giống như Yemen.
 
Có nhiều động thái xung quanh cuộc thương lượng này và có vẻ các bên liên quan sẽ chấp nhận tiếp tục tiến trình thương lượng vì giải pháp ấy sẽ giúp tránh được nguy cơ xóa bỏ một chế độ có thể dẫn tới sự tan vỡ bộ máy nhà nước và tạo một khoảng trống quyền lực lớn hơn ở Syria.
 
Dù tới nay, các cuộc thảo luận mới còn ở giai đoạn đầu và vì có quá nhiều bên liên quan với lợi ích khác nhau nên sẽ còn nhiều khó khăn ở phía trước. Tuy nhiên, với những dấu hiệu rạn nứt từ chính nội bộ người Alawite và sức ép phải chấm dứt thế bế tắc hiện nay, khả năng ra đi của Tổng thống Assad là hoàn toàn có thể./.

(Vietnam+)

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te