Bình Nhưỡng: Bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực chiến tranh
Chiến tranh giữa Bắc và Nam Triều Tiên có thể bùng phát bất kỳ lúc nào - Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc cho biết.
Ri Tong-il, Đại sứ Bắc Triều Tiên tại Liên Hợp Quốc, đã cáo buộc Seoul kích động xung đột và "gia tăng thái độ thù địch" đối với Bình Nhưỡng.
|
Tên lửa Triều Tiên ra mắt tại lễ diễu binh ở Bình Nhưỡng trong tháng 4. |
Theo ông Ri, "không ai biết khi nào chiến tranh sẽ bùng phát" giữa hai miền đang ở trạng thái đối đầu và "tình hình trên bán đảo Triều Tiên đang trên bờ vực bùng nổ".
Ông Ri cho biết, Bắc Triều Tiên là quốc gia hạt nhân không lệ thuộc vào Hiệp ước Không phổ biến vũ khí hạt nhân mà ông lên án rằng đó là một chính sách "mù quáng" hỗ trợ nước Mỹ.
Đại sứ Bắc Hàn tuyên bố rằng cuộc đàm phán 6 bên với nỗ lực nhằm thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân của mình đã thất bại.
Trong khi đó, Đặc phái viên Liên Hợp Quốc Marzuki Darusman cho rằng Bình Nhưỡng đã đặt tham vọng hạt nhân của mình lên trên hạnh phúc của người dân đang phải đối mặt với tình trạng thiếu lương thực.
Washington đã quyết định cắt viện trợ lương thực cho Triều Tiên hồi tháng 4/2012 sau khi Bình Nhưỡng tiến hành phóng tên lửa mang vệ tinh vào quỹ đạo mà họ coi là một nỗ lực che đậy một vụ thử nghiệm tên lửa.
Bên cạnh đó, Mỹ đã gia tăng hiện diện quân sự tại Hàn Quốc mà theo tuyên bố của Washington, động thái này đơn thuần chỉ là sự phòng thủ chứ không phải là dấu hiệu của một hoạt động quân sự chống lại Bắc Triều Tiên trong tương lai gần.
|
Ứng cử viên Tổng thống Hàn Quốc Park Geun-Hye cam kết sẽ làm sống lại mối quan hệ hai miền Triều Tiên nếu trúng cử. |
Trong tháng 7/2012, Mỹ tuyên bố sẽ gửi thêm hơn 80 xe MRAPs tới Hàn Quốc, nơi hiện có 28.000 binh sĩ nước này đang đồn trú. Lực lượng hỗ trợ, theo lời phát ngôn viên Michael Sennett, là "một phần nỗ lực nhằm tiếp tục tái cân bằng sức mạnh quân sự ở khu vực Thái Bình Dương".
Mỹ cũng đã tăng cường quân sự tại nước láng giềng với Triều Tiên và Hàn Quốc, Nhật Bản, bằng việc đạt thỏa thuận triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ở đây hồi tháng 9/2012. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta nói rằng biện pháp này chỉ là tự vệ và nhằm củng cố quan hệ an ninh Nhật-Mỹ.
Viện Khoa học và An ninh Quốc tế trong tháng 8/2012 đã đưa ra một cảnh báo về kho vũ khí hạt nhân của Bắc Triều Tiên. Họ dự đoán rằng Bình Nhưỡng có thể sở hữu hơn 48 vũ khí hạt nhân vào năm 2015 nếu tiếp tục làm giàu uranium.
Hàn Quốc sẵn sàng đàm phán?
Bà Park Geun-Hye, con gái của một cựu Tổng thống Hàn Quốc, đã cam kết sẽ mở ra một kỷ nguyên ngoại giao mới và hứa sẽ làm sống lại mối quan hệ với Bắc Triều Tiên nếu bà được bầu vào chức Tổng thống nhiệm kỳ tới.
Bà Park nói rằng bà sẵn sàng gặp gỡ các nhà lãnh đạo Bình Nhưỡng, hành động đối lập với chính sách cứng rắn của Tổng thống đương nhiệm Lee Myung-bak, người đã quyết định cắt viện trợ lương thực cho Triều Tiên khi lên nắm quyền vào năm 2008.
"Tôi sẽ thành lập văn phòng hợp tác tại Seoul và Bình Nhưỡng để thúc đẩy và hợp tác kinh tế, trao đổi văn hóa và xã hội Nam-Bắc một cách có hệ thống" - bà Park nói trong một cuộc họp báo.
Tuy nhiên, bà cũng kêu gọi Bình Nhưỡng nên chấm dứt chương trình vũ khí hạt nhân của mình lẫn những lời hiếu chiến.
Nguyễn Hường (nguồn RT)
Theo báo Giáo dục Việt Nam