Khái niệm sử dụng tia năng lượng như một loại vũ khí trong chiến tranh ít nhất đã có từ thời cổ Hy Lạp. Ông Archimedes đã sử dụng “loại tia nóng” với những tia sáng mặt trời được tập trung bằng những chiếc gương, để đốt cháy các chiến thuyền của kẻ địch trong trận vây hãm thành Syracuse vào thế kỷ thứ ba trước Công nguyên. Gần đây hơn, vào giữa thập niên 1930, các nhà khoa học Anh đã xây dựng loại tia sáng tử thần dùng sóng vô tuyến để phá hủy phi cơ của địch. Họ kết luận rằng sóng vô tuyến là biện pháp tốt nhất để xác định vị trí phi cơ, từ đó dẫn tới phát minh ra radar.
Vũ khí bắn tia laser trên tàu
Cho tới gần đây nhất, mặc dù đã bỏ ra hàng tỷ đô-la đầu tư vào chúng, những tia laser quân sự vẫn không mấy phát triển. Nổi tiếng nhất và tốn kém nhất là chương trình Airborne Laser Test của Mỹ, đã tiêu tốn hết 5 tỉ USD của Ngũ Giác Đài trong 15 năm. Là nỗ lực để gài một cỗ súng laser khổng lồ vào chiếc phi cơ Boeing 747. Nó được dự kiến để bắn hạ những tên lửa đạn đạo.
Nhưng các vũ khí laser chưa phải là quyền lực tối thượng. Hệ thống Tactical Laser System đã được phát triển cho Hải quân Mỹ bởi hãng BAE Systems của Anh, có công suất chỉ 1KW, đủ để nấu sôi một vài ấm nước gia dụng. Nhưng thậm chí nó có thể gieo rắc kinh hoàng cho những chiếc tàu nhỏ. Một phiên bản lớn hơn có năng lượng 33KW gắn vào pháo tháp có thể dùng bắn hạ những tên lửa chống chiến hạm đang bay. Nó có thể phong tỏa những thiết bị cảm biến tầm nhiệt hay quang học trên tên lửa của bên địch, hoặc bắn thủng những chiếc tàu nhỏ.
Các chương trình đang được tiến hành để nâng cấp những kết cấu thiết bị laser quân đội lên 100KW, để có thể bắn được những máy bay không người lái. Một cuộc nghiên cứu của Cơ quan Nghiên cứu thuộc quốc hội Mỹ (CRS) ước tính chi phí khoảng 150 triệu USD để phát triển được sản phẩm đầu tiên, và những vũ khí laser này sẽ được đưa vào hoạt động năm 2017.
Tuy những vũ khí laser có nhiều lợi thế, nhưng chúng cũng có những hạn chế lớn. Vấn đề chính là năng lượng yếu. Vì vậy cần có nhiều năng lượng để có thể đốt cháy xuyên qua vỏ xe tăng, bắn một trái rocket vào xe tăng xem ra còn dễ dàng hơn.
Một giới hạn khác là tia laser có thể bị thẩm thấu hoặc phân tán vì ô nhiễm, sương mù hoặc khói. Những tên lửa và các mục tiêu khác cũng có thể được bảo vệ bằng cách bao bọc bên ngoài chúng với gương hay quấn chung quanh với chất cách điện. Có thể đến cuối thế kỷ, vũ khí laser sẽ được bố trí trên các con tàu. Nhưng chắc hẳn chúng sẽ ít đe dọa hơn so với những chi tiết thổi phồng như trong các tiểu thuyết viễn tưởng từng đề cao chúng.
K.GIANG (The Economist)
Theo Cong An