Thành lập hai trung đội dân quân biển
Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hoà vừa thành lập hai trung đội dân quân biển (mỗi trung đội gồm 25 người) tại phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang và phường Ninh Thuỷ, thị xã Ninh Hoà. Đây là hai phường có số lượng lớn tàu thuyền thường xuyên đánh bắt xa bờ, dài ngày trên vùng biển Trường Sa.
Đại tá Lê Minh Soạn, phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hoà cho biết, đây là mô hình thí điểm của Quân khu 5. Theo đó, các dân quân đều là ngư dân trẻ, khoẻ và nhiều kinh nghiệm. Mỗi trung đội chia thành ba tiểu đội, tập trung trên bốn tàu đánh cá công suất từ 120 – 300 mã lực. Các tàu đều được trang bị máy thông tin liên lạc hiện đại. Nhiệm vụ của dân quân biển vừa sản xuất vừa huấn luyện, sẵn sàng phối hợp với cảnh sát biển, hải quân, biên phòng... “Việc thành lập hai trung đội dân quân biển nhằm thực hiện chủ trương vươn ra biển để khai thác nguồn tài nguyên làm giàu cho đất nước. Kết hợp với việc bảo vệ chủ quyền và quyền chủ quyền của Việt Nam”, đại tá Soạn nói.
Lê Anh //(Sài Gòn Tiếp Thị)
-------------------
Thành lập trung đội dân quân biển tại đảo Phú Quý
Sáng 12.8, UBND huyện đảo Phú Quý (Bình Thuận) phối hợp Ban chỉ huy quân sự huyện tổ chức lễ thành lập Trung đội dân quân biển xã Tam Thanh.
Trung đội dân quân biển xã Tam Thanh được thành lập với 28 dân quân là những ngư dân hành nghề đánh bắt hải sản và thu mua trên biển. 28 dân quân này sẽ hoạt động trên 9 thuyền đi biển (trong đó 6 thuyền đánh bắt và 3 thuyền thu mua). Trung đội có nhiệm vụ phối hợp với lực lượng bộ đội Biên phòng, Hải quân và Cảnh sát biển tuần tra kiểm soát trên biển; thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu; kịp thời nắm bắt thông tin và báo cáo cho đơn vị chức năng khi tham gia khai thác hải sản; tham gia huấn luyện khi đơn vị triệu tập…
Những dân quân này cũng sẽ được hưởng chế độ ưu đãi theo quy định của Luật Dân quân tự vệ. Xã Tam Thanh là địa phương đầu tiên trên địa bàn tổ chức thành lập và đi vào hoạt động Trung đội dân quân biển.
Nguyễn Văn//(Sài Gòn Tiếp Thị)
---------------------------------
Khi ngư dân trở thành dân quân trên biển
SGTT.VN - Nhiều ngư dân tỉnh Khánh Hòa vốn chỉ quen với chài lưới, nay đã trở thành dân quân biển. Họ có nhiệm vụ tham gia bảo vệ trật tự an toàn trên biển, bảo vệ chủ quyền và hỗ trợ ngư dân ra khơi xa đánh bắt hải sản.
Dân quân biển thành phố Nha Trang trong ngày huấn luyện đầu tiên |
Họ là đội viên tuổi từ 22-55 của hai trung đội dân quân biển mà Quân khu 5 vừa thành lập ở phường Ninh Thủy, thị xã Ninh Hòa và phường Vĩnh Phước, thành phố Nha Trang. Mỗi trung đội gồm 25 người, được biên chế thành ba tiểu đội.
Bảo vệ ngư trường
Từ ngày 17.5, cơ quan quân sự thành phố Nha Trang đã bắt đầu huấn luyện cho dân quân biển. Xúng xính trong bộ quần áo mới, nhiều ngư dân được bộ đội chính quy tập từng động tác điều lệnh, kỹ thuật chiến đấu... Ông Nguyễn Thỉnh, 55 tuổi là chủ tàu KH 91459, đồng thời là tiểu đội trưởng tiểu đội hai cho hay đã gần 30 năm bám biển đánh cá tại vùng vịnh Bắc Bộ, Trường Sa. Thế nhưng nhiều lần bị tàu nước ngoài ức hiếp ngay trên vùng biển của mình. Bởi thế dù đã lên chức ông ngoại và là một cựu chiến binh (từng bốn năm chiến đấu tại chiến trường Campuchia), nhưng khi được phường vận động, ông vẫn tham gia dân quân biển và vận động nhiều tàu khác cùng tham gia.
Dân quân biển thành phố Nha Trang trong ngày huấn luyện đầu tiên |
“Chúng tôi vừa luyện tập, vừa tuần tra vừa khai thác đánh bắt cá. Tham gia dân quân biển được góp phần bảo vệ vùng biển của mình nên anh em rất phấn khởi, tự hào bởi nó cũng giúp chúng tôi vững chãi hơn trên biển. Gần 30 năm đi biển nên tôi có rất nhiều bạn tàu, có tần số của nhau. Dù ban ngày hay ban đêm, khi tàu lạ vào là chúng tôi biết ngay”, ngư dân Thỉnh nói.
Còn anh Nguyễn Phi Hùng, 41 tuổi, trung đội trưởng kiêm chủ tàu KH 90837 cho hay biển đang vào mùa cá, mỗi ngày ra khơi, một tàu có thể kiếm được vài chục triệu đồng nhưng anh em vẫn ở nhà để tham gia huấn luyện. “Huấn luyện để có kinh nghiệm, chịu hy sinh chút kinh tế không sao. Mình tham gia để bảo vệ nơi làm ăn của mình và cũng là giữ gìn vùng biển cho con cháu sau này”, anh Hùng cho biết.
Ông Nguyễn Văn Cường, chủ tịch UBND phường Vĩnh Phước nói phường hiện có 130 tàu công suất trên 90 CV chuyên đánh bắt ở vùng Trường Sa. Lâu nay khi đánh cá khơi xa, ngư dân không ít lần bị nước ngoài bắt giam, ức hiếp. Do vậy, ngư dân hiểu rõ giá trị của việc bảo vệ chủ quyền. “Có 20 tàu với gần 400 ngư dân đăng ký tham gia dân quân biển, tuy nhiên vì nhiều lý do, chỉ chọn được bốn tàu cùng 25 ngư dân đi trên các tàu này”, ông Cường nói. Ngoài ra, hiện trên địa bàn phường đã có 10 tổ, đội liên kết giúp đỡ hỗ trợ nhau đánh bắt xa bờ.
Hỗ trợ để ngư dân yên tâm bám biển
Ngày đầu ra quân. |
Mỗi trung đội dân quân biển được trang bị bốn tàu đánh cá có công suất từ 120-300 mã lực cùng với các thiết bị thông tin liên lạc hiện đại. Ông Cường cho biết cụ thể mỗi tàu là một tiểu đội, có biên chế trinh sát, y tế. Các tàu được trang bị máy bộ đàm tầm xa, ống nhòm tầm xa hồng ngoại quan sát ban đêm, công cụ hỗ trợ và một số công cụ cần thiết khác. Dân quân biển khi làm nhiệm vụ sẽ được Nhà nước hỗ trợ tiền dầu, tiền ngày công lao động. Ngoài ra còn được bảo hiểm thuyền viên, bảo hiểm thân tàu...
“Chúng tôi sẽ hỗ trợ hết mức cũng như làm tốt chính sách hậu phương để lực lượng dân quân biển và ngư dân an tâm hoạt động”, ông Cường khẳng định.
Theo đại tá Lê Minh Soạn, phó chỉ huy trưởng, tham mưu trưởng bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Khánh Hòa, nhiệm vụ của dân quân biển là nắm chắc tình hình an ninh trật tự trên biển; phát hiện kịp thời các vi phạm chủ quyền và quyền chủ quyền, sẵn sàng phối hợp với bộ đội hải quân, cảnh sát biển, bộ đội biên phòng; tham gia cứu hộ, cứu nạn trên biển...
Bài và ảnh: Lê Anh//(Sài Gòn Tiếp Thị)
Đại tá Lê Minh Soạn cho biết, đây là hai trung đội dân quân biển thí điểm, sau đó tỉnh Khánh Hòa sẽ rút kinh nghiệm hoạt động của hai trung đội này để có thể nhân rộng ra toàn tỉnh. Hiện Khánh Hòa có hơn 10.000 ngư dân và gần 2.000 tàu thuyền hành nghề.