Là tên lửa tầm xa đa năng có thể tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, Patriot được coi là “ngôi sao” trong hệ thống phòng không của Mỹ với nhiều kinh nghiệm thực chiến.
Patriot (người yêu nước) có thể đồng thời phát hiện và theo dõi hơn 100 mục tiêu trong điều kiện nhiễu mạnh ở độ cao lên đến 24 km. Thay thế hệ thống phòng không tầm trung và tầm cao MIM-14, hệ thống phòng không chiến thuật tầm trung MIM-23, Patriot là nền tảng của hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo của Mỹ.
Quỹ đạo tối ưu
Thành phần của hệ thống Patriot có trạm chỉ huy AN/MSQ-104, radar đa chức năng AN/MPQ-53, bệ phóng M901, tên lửa phòng không MIM104, trạm nguồn AN/MSQ-26, phương tiện ngụy trang điện tử và cuối cùng là thiết bị kết nối thông tin. Thời gian để triển khai của tổ hợp mất 30 phút, dài hơn đáng kể so với S-300 và S-400 của Nga.
MIM104 là tên lửa dẫn hướng có chiều dài 5,3 m, đường kính thân 0,4 m và đầu đạn nặng 91 kg. Tên lửa có phạm vi bắn tối đa là 80 km ở độ cao tối đa 20 km. Chúng được kiểm soát bằng hệ thống dẫn hướng kết hợp: giai đoạn đầu sử dụng phần mềm điều khiển, giai đoạn giữa sử dụng tín hiệu vô tuyến, giai đoạn cuối là phương pháp TMV. Mặc dù có thể làm giảm độ tin cậy của tên lửa trong chiến tranh điện tử, nhưng TMV cho phép tên lửa bay theo quỹ đạo tối ưu nhất để hạ gục mục tiêu.
“Bộ não” điều khiển và kiểm soát toàn bộ khả năng tác chiến của tổ hợp Patriot là xe chỉ huy AN/MSQ-104 với các thiết bị liên lạc, máy tính dữ liệu thiết bị đầu cuối và một số phụ kiện khác. Radar mảng từng giai đoạn đa chức năng AN/MPQ-53 với đường kính 2,44m có thể tìm kiếm, phát hiện, nhận dạng, theo dõi và dẫn hướng tên lửa. Toàn bộ radar được bố trí trên xe hai cầu do xe M818 kéo, nên có khả năng cơ động cao.
Cận cảnh bệ phóng tên lửa Patriot. |
Với tầm hoạt động 100 km, AN/MPQ-53 đồng thời phát hiện và theo dõi 90-125 mục tiêu, cung cấp dữ liệu dẫn hướng cùng một thời điểm tới 6 mục tiêu, nhận dạng mục tiêu từ khoảng cách tối đa 35-50 km, phát hiện mục tiêu có vận tốc đối đa 2.200 m/giây. Ngoài ra một chức năng nổi bật của radar là có thể chuyển đổi tín hiệu sang dạng kỹ thuật số, cho phép sử dụng máy tính để kiểm soát chế độ hoạt động.
Bệ phóng M901 được đặt trên khung xe moóc M860 và di chuyển bằng xe kéo chuyên dụng có khả năng cơ động cao. Mỗi xe phóng mang 4 tên lửa Patriot PAC-2, hoặc 16 tên lửa Patriot PAC-3. Bệ phóng có thể liên lạc với xe chỉ huy ở khoảng cách 10 km, giúp Patriot có khả năng phòng thủ với khu vực rộng hơn so với SAM-2, nhưng vẫn là “tí hon” so với S-400 (100 km). Tuy nhiên, bệ phóng này vẫn phải xoay theo hướng mục tiêu, nên kéo dài thời gian sẵn sàng chiến đấu, không thuận lợi như việc phóng thẳng đứng của S-300, S-400 và cả Hồng Kỳ 9.
Nâng tầm tác chiến
Patriot là hệ thống tên lửa phòng không hiện đại duy nhất có “thâm niên” thực chiến (S-300, S-400 và Hồng Kỳ 9 chưa một lần ra trận). Được kiểm chứng sức mạnh lần đầu trong chiến dịch “Bão táp Sa mạc” ở vùng Vịnh năm 1991, Patriot PAC-2 đã bắn hạ 70% tên lửa Scud của Iraq phóng đến Saudi Arabia, và 40% bắn đến Israel. Tuy nhiên, Patriot vẫn làm “bẽ mặt” Lầu Năm Góc khi để “sổng” một tên lửa Scud, khiến 28 lính Mỹ tại doanh trại ở Dharan thiệt mạng 25/2/1991.
Để nâng cao khả năng đánh chặn mục tiêu trên không, và theo kịp xu thế phát triển vũ khí hàng không trên thế giới, Bộ Quốc phòng Mỹ đã quyết định triển khai các chương trình cải tiến Patriot với các phương án PAC-1, PAC-2 và PAC-3. Patriot PAC-1 với nhiệm vụ làm tăng hiệu quả đánh chặn các tên lửa tên lửa đạn đạo chiến thuật và tăng góc quét của radar. PAC-1 lần đầu ra mắt vào tháng 3/1985, và tháng 9/1986 được thử nghiệm tại thao trường White Sands với nhiệm vụ đánh chặn tên lửa “Lance” ở độ cao 8 km. Nó đã làm chệch hướng tên lửa “quân xanh” vài km cách vị trí “bảo vệ”.
Tên lửa Patriot khai hỏa. |
Patriot tiếp tục được nâng cấp lần hai với PAC-2 để phá hủy hoàn toàn tên lửa đạn đạo chiến thuật, chứ không chỉ là làm chệch hướng. PAC-2 được thử nghiệm lần đầu vào năm 1987. Việc hiện đại hóa lần này gồm cả cải tiến đầu đạn tên lửa. Đầu đạn được trang bị một kíp nổ mới và tăng khối lượng mảnh vỡ. Ngoài ra, radar AN/MPQ-53 cũng được nâng cấp nhằm cải thiện khả năng đánh chặn các tên lửa đạn đạo chiến thuật.
Trong khuôn khổ lần cải tiến thứ 3, với tên lửa mới ERINT, PAC-3 được tăng cường hiệu quả đánh chặn các mục tiêu trên không có sử dụng công nghệ tàng hình”, và mục tiêu đạn đạo. Tên lửa ERINT sử dụng nhiên liệu rắn một tầng tấn công trực tiếp cơ động cao. Phạm vi tấn công các tên lửa đạn đạo lên đến 1.000 km. Kích thước nhỏ gọn đáng kể so với các “tiền nhiệm”, ERINT có thể được bố trí tới 16 quả cho mỗi bệ phóng.
Ngoài ra, PAC-3 còn được trang bị hệ thống dẫn đường mới GEM-T. Cộng thêm những tính năng ưu việt của S-300V mà trước đó người Mỹ đã mua để nghiên cứu và ứng dụng, PAC-3 có thể tấn công các mục tiêu có diện tích phản xạ radar cực nhỏ (tàng hình). Những dự án nâng cấp liên tục và sâu rộng, có kế thừa những tính năng ưu việt của các hệ thống phòng không tân tiến khác trên thế giới giúp Patriot ngày càng trở nên mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến cạnh tranh với “đối thủ” S-300 và S-400 của Nga.
Ngày 23/9 vừa qua, đài KBS dẫn lời một quan chức quân đội Hàn Quốc cho biết, cuối năm nay, nước này sẽ hoàn tất quá trình nghiên cứu và phát triển tên lửa đất đối không tầm xa Patriot phiên bản của riêng mình với tầm bắn gấp 4 lần so với PAC-2 của Mỹ. |
---------------
Thu Hữu
( Theo Báo Đất Việt)