TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Nga gấp rút sản xuất tàu ngầm cho Việt Nam

Tổng Giám đốc Trung tâm Phân tích Buôn bán Vũ khí Thế giới (TSAMTO) Igor Korotchenko mới đây cho biết, theo các báo cáo chính thức về ngành xuất khẩu vũ khí của Nga thì Việt Nam rất có thể sẽ lọt và Top 3 trong danh sách các nhà nhập khẩu vũ khí lớn nhất của nước này trong tương lai không xa.

  

Theo báo cáo, trong 4 năm qua (2008 - 2011), ước tính xuất khẩu quân sự của Nga đến Việt Nam (các loại vũ khí theo Đăng ký Liên Hiệp Quốc) lên đến con số 1,88 tỷ USD, chiếm 6,3% tổng số xuất khẩu của Nga. Với chỉ số này, Việt Nam đang xếp hạng thứ 5 trong cơ cấu xuất khẩu vũ khí của Nga.

 

Trong khi đó, xét trong giai đoạn 4 năm (2012 - 2015) theo đơn đặt hàng hiện tại, Việt Nam là nhà nhập khẩu vũ khí lớn thứ 4 của Nga. Dự kiến, khối lượng xuất khẩu vũ khí của Nga đến Việt Nam cho thời kỳ 2012 - 2015 trị giá lên tới 2,43 tỷ USD, chiếm 7,6% tổng xuất khẩu của Nga.

 

Vậy, trong thời gian tới, Nga sẽ cung cấp những loại vũ khí nào cho Việt Nam?

 

6 “sát thủ vô hình dưới biển” – tàu ngầm lớp Kilo

 

Để đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, nâng cao sức mạnh cho lực lượng hải quân, Việt Nam đã đặt hàng 6 chiếc tàu ngầm thuộc lớp Kilo tối tân của Nga và chiếc tàu đầu tiên sẽ gia nhập Hải quân Việt Nam trong một tương lai gần.

 

Mới đây, hôm 28/8, Xưởng đóng tàu Admiralteiskie Verfi của Nga đã chính thức hạ thuỷ chiếc tàu ngầm lớp Kilo (Loại 636) đầu tiên trong lô 6 chiếc tàu ngầm mà Việt Nam đặt mua của nước này.

 

Theo nguồn tin trên, chiếc tàu ngầm lớp Kilo đầu tiên sẽ được chuyển cho phía khách hàng Việt Nam vào cuối năm nay và toàn bộ 6 chiếc tàu mà Việt Nam đặt mua của Nga sẽ được chuyển giao vào năm 2016.

 

 


 

Ảnh minh họa


Trước đó, hồi tháng 12/2009, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng đã thông báo về việc ký kết một hợp đồng mua 6 tàu ngầm lớp Kilo của Nga. Hợp đồng mua tàu ngầm với trị giá lên tới 1,8 tỉ USD này bao gồm việc xây dựng các cơ sở hạ tầng trên bờ và đào tạo các thủy thủ phục vụ trên tàu ngầm. Đây sẽ là hợp đồng mua tàu ngầm lớn thứ hai mà Nga nhận được kể từ thời Xô-viết đến giờ.

 

Tàu ngầm lớp Kilo vốn được thiết kế để chống tàu ngầm và tàu mặt nước, rải thùy lôi, quét ngư lôi, làm nhiệm vụ tuần tra và trinh sát, bảo vệ các căn cứ hải quân, những tuyến đường biển.

 

Tàu ngầm lớp Kilo (Loại 636) được xem là một trong những loại tàu ngầm chạy êm nhất thế giới. Loại tàu ngầm này được thiết kế riêng cho các chiến dịch chống tàu và chống tàu ngầm ở những vùng nước tương đối nông. Được các chuyên gia quân sự xếp vào nhóm tàu ngầm diesel ít phát sinh tiếng ồn nhất khi hoạt động, tàu ngầm lớp Kilo được mệnh danh là sát thủ vô hình dưới biển.

 

Tàu được thiết kế hình giọt nước với một cánh lái ở đuôi tàu hình chữ T và một trục chân vịt đơn lớn. Thân tàu gồm 8 khoang kín nước. Các khoang được ngăn cách bởi vách ngăn bên trong lớp vỏ kép có tác dụng điều hoà áp suất, tăng khả năng sống sót cho tàu lên rất nhiều, thậm chí với một khoang và hai két liền kề bị ngập nước, tàu vẫn có khả năng hoạt động bình thường.

 

Tàu có nhiều biến thể, nhưng biến thế Nga cung cấp cho Việt Nam thuộc dự án Project 636.

 

Tàu ngầm hạng Kilo dùng cả dầu diesel và điện năng. Tàu có lượng giãn nước 3.100 tấn, tốc độ di chuyển 20 hải lý/giờ, khả năng lặn sâu 300m, với thủy thủ đoàn 52 người. Tàu được trang bị các vũ khí như ngư lôi 533 mm, mìn, tổ hợp tên lửa tấn công Kalibr.

 

Ngoài ra, tàu ngầm lớp Kilo được trang bị hệ thống chỉ huy và tác chiến đa năng rất hiệu quả. Trung tâm của hệ thống là một máy tính tốc độ cao có khả năng xử lý các thông tin và hiển thị trên màn hình, xác định dữ liệu của mục tiêu bơi ngầm dưới nước và mục tiêu mặt nước, tính toán tham số bắn, tự động điều khiển hoả lực, cung cấp thông tin về hoạt động và triển khai vũ khí.

 

18 chiến đấu cơ Su-30K đã qua sử dụng

 

Trong một diễn biến liên quan khác, để tăng cường thêm sức mạnh quân sự, Việt Nam đã đặt mua 18 chiến đấu cơ Su-30K đã qua sử dụng từ Nga.

 

Đây là lô máy bay đã được không quân Ấn Độ sử dụng trong thời gian 10 năm, sau đó được trả lại Nga.

 

Trước đó, hồi cuối tháng 6 vừa qua, tờ Kommersant của Nga đưa tin, một đoàn chuyên gia quân sự Việt Nam đã sang Belarus để bày tỏ ý muốn mua lại 18 máy bay Su-30K hiện đại hóa lên chuẩn Su-30KN với giá hấp dẫn.

 

Cuối tháng 11/2011, toàn bộ 18 chiếc Su-30K từng được Không quân Ấn Độ sử dụng đã được chở bằng máy bay vận tải quân sự đến Belarus. Tại đây, các máy bay này sẽ được sửa chữa và nâng cấp lên chuẩn Su-30KN để sau đó bán lại cho một khách hàng thứ ba. Đây là các máy bay mà phía Nga cho Ấn Độ mượn vì không thể chế tạo kịp 18 tiêm kích tối tân Su-30MKI theo một đơn hàng vào năm 1996. Lý do các máy bay này được đưa về nhà máy 558 ở Baranovichy, Belarus, là nhằm tránh thuế nhập khẩu vào Nga.

 

 

 

Ảnh minh họa

 

Nguồn tin của Kommersant cũng tiết lộ, ngoài Việt Nam, một số quốc gia có hợp tác kỹ thuật quân sự (MTC) với Nga khác cũng bày tỏ quan tâm tới việc mua lại 18 máy bay Su-30K, trong đó có Sudan, và cả Belarus. Họ có xu hướng sử dụng nguồn ngân quĩ tài chính tối thiểu để nâng cấp cho các phi đội không quân của mình, đặc biệt để thay thế cho các loại máy bay đã lỗi thời như MiG-21, Su-22 ở Việt Nam.

 

Tuy nhiên, đến đầu tháng 8 vừa qua, tờ Belvpo của Nga đã trích dẫn nguồn tin từ tổ hợp công nghiệp quốc phòng cho biết, Nga đã quyết định bán 18 máy bay Su-30K qua sử dụng cho Việt Nam chứ không phải Belarus hay Sudan.

 

Theo đánh giá của các chuyên gia, tính năng của Su-30K so với các loại chiến đấu cơ tối tân hiện nay tuy không phải quá lý tưởng nhưng cũng đủ tốt và hoạt động hiệu quả. 

 

Việt Nguyễn - (Tổng hợp)
Theo VNMedia

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te