Hàn Quốc, Ấn Độ và Iran đẩy nhanh tốc độ hiện đại hóa kho vũ khí tên lửa của mỗi nước.
Hàn Quốc và Mỹ đã thỏa thuận về việc Hàn Quốc mở rộng tầm bắn của tên lửa đạn đạo lên 800 km, hoàn thành trong vòng 5 năm, ước tính tiêu tốn 2,15 tỷ USD.
Hàn Quốc với nguyên tắc “quốc phòng tự chủ”
Hàn Quốc đẩy mạnh ngành chế tạo vũ khí để đối phó với những đe dọa từ Triều Tiên. Theo các nguồn tin quân sự từ Seoul, Bình Nhưỡng hiện có khoảng 600 tên lửa Scud có thể bắn sang Hàn Quốc và thậm chí bắn tới luôn cả một số mục tiêu trên lãnh thổ Nhật Bản. Triều Tiên cũng đang có trong kho 200 tên lửa Rodong 1 có thể nhắm thẳng tới thủ đô Tokyo và Bình Nhưỡng đã ba lần thử nghiệm tên lửa liên lục địa Taepodong.
Là một thành viên tham gia Cơ chế Kiểm soát công nghệ tên lửa (MTCR), Hàn Quốc đã chọn phát triển các tên lửa hành trình tầm thấp có phạm vi bắn tới 1.500 km, vốn không bị cơ chế trên ràng buộc.
Cuối năm ngoái, Hàn Quốc ra mắt tên lửa bắn chặn tự chế tạo, đó là tên lửa đất đối không Iron Hawk II do nước này tự chế tạo có tầm bắn tới 40 km để đánh chặn tên lửa đạn đạo và máy bay chiến đấu của Triều Tiên. Tên lửa Iron Hawk II có khả năng đánh chặn tên lửa không đối đất và tấn công nhiều mục tiêu với một hệ thống radar duy nhất. Loại tên lửa này có độ chính xác cao hơn so với các hệ thống phòng thủ khác đã được triển khai. Dự án này đã được khởi động từ năm 2006 và huy động 15 tập đoàn công nghiệp quốc gia. Cơ quan Phát triển Quân sự Hàn Quốc cho rằng công nghệ phát triển vũ khí của Hàn Quốc đang đứng “ngang hàng với các nước phát triển khác”.
Hệ thống phòng thủ tên lửa là một chủ đề nóng và nhạy cảm, do vậy, Chính phủ Hàn Quốc luôn thể hiện thái độ mập mờ khi đề cập đến vấn đề này. Theo cách nói của Hàn Quốc, nước này có nguyên tắc “quốc phòng tự chủ”, do đó cách làm của Hàn Quốc sẽ khác với Nhật Bản, cho dù phía Mỹ nhiều lần mời chào, song Hàn Quốc đến nay vẫn từ chối tham gia hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ.
Trên thực tế, Mỹ và Hàn Quốc có những phản ứng và giải thích khác nhau trước thông tin Mỹ giúp Hàn Quốc xây dựng “hệ thống phòng thủ tên lửa Hàn Quốc”. Một quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã xác nhận rằng Mỹ-Hàn đã bắt tay vào việc nghiên cứu “kế hoạch song phương” này, trong khi các quan chức Hàn Quốc lại nói rằng việc hai bên nghiên cứu “hệ thống phòng thủ tên lửa Hàn Quốc” không liên quan gì tới hệ thống phòng thủ tên lửa toàn cầu của Mỹ, đồng thời nhấn mạnh Chính phủ Hàn Quốc trước sau phản đối bất cứ hoạt động nào liên quan việc tham gia hệ thống phòng thủ toàn cầu của Mỹ.
Ấn Độ phát triển các chủng loại tên lửa hiện đại
Một nguồn tin ngày 29/4/2012 cho biết Ấn Độ đang phát triển tên lửa chống bức xạ cao tốc (ARM) có khả năng phát hiện và phá hủy hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến của đối phương.
Nguồn tin cho biết: “Phòng thí nghiệm nghiên cứu và phát triển quốc phòng của Nhà nước đang phát triển loại tên lửa có thể lắp trên máy bay chiến đấu Sukhoi của Nga. Loại tên lửa này có thể phát hiện rađa qua việc theo dõi bức xạ điện từ và các xung mà rađa phát ra”.
Ấn Độ gần đây đã gia nhập nhóm các nước sở hữu tên lửa đạn đạo liên lục địa với việc thử thành công tên lửa Agni-5 có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.
Tờ Thời báo Ấn Độ ngày 21/4 đưa tin sau khi thử nghiệm thành công tên lửa Agni-5 có tầm bắn 5.000km và đạt độ cao 600 km, Cơ quan Nghiên cứu và Phát triển Quốc phòng Ấn Độ (DRDO) cho biết có thể chế tạo tên lửa chống vệ tinh (ASAT).
Người đứng đầu DRDO V K Saraswat nói: “Vụ phóng Agni-5 đã mở ra một thời đại mới. Ngoài phương diện về chiến lược quốc phòng thì việc phóng thành công tên lửa này cho thấy những cơ hội tuyệt vời, đó là chế tạo các vũ khí ASAT cũng như phóng các vệ tinh nhỏ và cực nhỏ”. Vũ khí ASAT, sẽ gồm hệ thống đẩy của tên lửa Agni-5 cùng với “cỗ máy giết chóc” là hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo hai tầng, yêu cầu độ cao khoảng 800 km so với mặt nước biển. Ông nói: “Ấn Độ không kỳ vọng vào việc vũ trang ở vũ trụ. Chúng tôi chỉ nói về khả năng của mình. Không có kế hoạch cho khả năng tấn công vũ trụ”. Bối cảnh thực tế có thể buộc Niu Đêli phải nghĩ lại, bởi Trung Quốc từng gây sốc cho thế giới khi sử dụng một vũ khí ASAT để phá hủy một vệ tinh cũ hồi năm 2007.
Tên lửa Brahmos, sản phẩm hợp tác giữa công nghiệp quốc phòng Nga và Ấn Độ
Sáng 7/10, Hải quân Ấn Độ đã thử thành công tên lửa hành trình siêu thanh vượt đại dương Brahmos có tầm bắn 290 km, có khả năng mang đầu đạn thông thường nặng 300 kg.
Hãng tin PTI cho biết tên lửa mang đầu đạn hạt nhân tầm thấp đã được phóng thử từ tàu khu trục INS Teg ở ngoài khơi vùng Gua, bắn trúng mục tiêu là một chiếc tàu giả định. Nguồn tin cho biết INS Teg là chiến hạm mới nhất của Hải quân Ấn Độ mới tiếp nhận từ Nga, sản xuất tại xưởng đóng tàu Yantar.
Tên lửa Brahmos là sản phẩm hợp tác giữa công nghiệp quốc phòng Nga và Ấn Độ, được phát triển dựa trên tên lửa chống hạm Yakhont của Nga. Đây là một loại tên lửa hành trình thông dụng của ba quân chủng, có tốc độ gấp 2,8 lần tốc độ âm thanh và được mệnh danh là “công nghệ dẫn đường hoàn thiện nhất”. Tên lửa hành trình siêu thanh Brahmos được thiết kế chủ yếu cho nhiệm vụ chống hạm, có khả năng phóng từ nhiều phương tiện: tàu chiến, tàu ngầm, máy bay và bệ phóng di động trên đất liền. Các nguồn tin cũng cho hay Nga và Ấn Độ đang hợp tác để Việt Nam tự sản xuất tên lửa Brahmos.
Iran sắp giới thiệu tên lửa hành trình tầm bắn 2.000 km
Ngày 9/9/2012, Thứ trưởng Quốc phòng Iran kiêm người đứng đầu Cơ quan Hàng không vũ trụ thuộc Bộ Quốc phòng, Tướng Mehdi Farahi cho biết nước này có kế hoạch trình làng một loại tên lửa hành trình mới vô cùng tân tiến. “Nếu Chúa phù hộ, tên lửa hành trình Meshkat (Đèn lồng) với tầm bắn 2.000 km sẽ được trình làng trong tương lai gần. Tên lửa hành trình Meshkat có thể bắn từ đất liền, trên không và trên biển”.
Ông Farahi cũng xem nhẹ kế hoạch triển khai lá chắn tên lửa trong khu vực của Mỹ khi cho rằng hệ thống phòng không này không đủ khả năng đối phó với tên lửa của Tehran.
Tin cho biết tên lửa hành trình trước đó của Iran có tầm bắn không quá 300 km. Tháng Tám vừa qua, giới chức quốc phòng nước này tuyên bố đã bắn thử thành công tên lửa tầm bắn 300 km./.
Nguyễn Nguyên
Theo Tổ Quốc