TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Chi tiêu quân sự châu Á đã vượt châu Âu

Cùng với những thành tựu kinh tế, những lo lắng về an ninh khu vực khiến các nước Đông Nam Á tăng chi tiêu cho quốc phòng. Chi tiêu cho quốc phòng của Đông Nam Á tăng 42% trong giai đoạn từ 2002-2011. Lần đầu tiên trong nhiều thế kỷ, chi tiêu quân sự châu Á sẽ qua mặt châu Âu trong năm 2012.

 

Nhà bình luận James Hardy của tạp chí IHS Jane’s Defense Weekly tại khu vực Thái Bình Dương nhận định: “Sự phát triển kinh tế đang buộc các quốc gia này phải chi thêm tiền cho quốc phòng để bảo vệ nguồn đầu tư, các tuyến hàng hải và những khu vực đặc quyền kinh tế. Xu hướng chủ đạo của các nước này là đầu tư cho việc trinh thám và tuần tra bờ biển và biển”.
 
Nhiều thập kỷ qua, hầu hết các nước Đông Nam Á ít chi tiền cho vũ khí, ngoại trừ mua thêm súng và xe tăng. Nay danh sách các loại vũ khí được các nước Đông Nam Á quan tâm nhiều nhất là tàu chiến, tàu tuần tra, radar, máy bay chiến đấu, tàu ngầm, tên lửa đối hạm-những loại vũ khí đặc biệt hiệu quả trong việc bảo vệ các tuyến hàng hải.
 
Trước tốc độ gia tăng chi tiêu quốc phòng gấp đôi sau mỗi 5 năm của Trung Quốc, các quốc gia khác tại châu Á cũng đổ tiền bạc vào các chương trình quân sự. Điều này mang lại nguy cơ sẽ gây ra chạy đua vũ trang trong khu vực.
 
 
Trong khi ngân sách quốc phòng của các quốc gia phương Tây chịu nhiều áp lực thì châu Á lại tỏ ra là một khách hàng nhiều tiềm năng. Theo tờ Financial Times, trong khi các quốc gia châu Âu đã cắt giảm ngân sách quốc phòng để đối phó với cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Khoảng 16 nước thành viên NATO ở châu Âu đã cắt giảm phí tổn quân sự thường niên từ năm 2008 đến 2010 thì các nước châu Á, tính cả Úc và New Zealand, đã chi 262 tỷ USD cho quốc phòng trong năm 2011, theo IISS. Chi tiêu của các thành viên NATO ở châu Âu chỉ cao hơn 270 tỷ USD một chút.
 
30% chi tiêu quốc phòng của châu Á thuộc về Trung Quốc. Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ tăng gấp đôi từ năm 2011 đến 2015 . Ngân sách quốc phòng của Trung Quốc ở mức 119,8 tỷ USD trong năm ngoái và sẽ tăng lên 238,2 tỷ USD vào năm 2015, tương đương tỷ lệ tăng hằng năm là 18,75% trong giai đoạn này, theo dự báo của Hãng tư vấn công nghiệp IHS Jane’s. Như vậy, dự báo rằng vào năm 2015, Trung Quốc sẽ có chi tiêu quốc phòng nhiều hơn tổng cộng tám quốc gia thành viên hàng đầu của NATO ngoại trừ Mỹ là: Anh, Pháp, Đức, Ý, Thổ Nhĩ Kỳ, Canada, Tây Ban Nha và Ba Lan. Việc phát triển ngân sách quốc phòng của Trung Quốc sẽ hưởng lợi từ quá trình gia tăng GDP được tiên đoán của nền kinh lớn nhất châu Á trong ba năm tới. Trung Quốc sẽ sử dụng số tiền bổ sung để hiện đại hóa thiết bị trong lúc giảm nhân lực, dẫn đến gia tăng lượng chi tiêu trên đầu người cho quân đội, theo IHS
 
Ngân sách quốc phòng của Ấn Độ tăng 47.6% trong thập kỷ qua, đạt 37 tỷ USD năm 2011. Ngân sách của Nhật tăng từ 40 lên 58,2 tỷ USD. Đầu tư quốc phòng của Hàn Quốc tăng lên từ 17 lên 29 tỷ USD, trong khi Đài Loan tăng từ 8 lên 10 tỷ USD từ năm 2000 đến 2011.
 
Ngoài Nhật Bản, nước đã chi 238.000 USD cho mỗi binh sĩ năm 2011, 4 nước và vùng lãnh thổ còn lại dành 28.000 đến 44.000 USD để đào tạo, thanh toán và trang bị cho mỗi binh sĩ của họ. "Sự khác biệt này chủ yếu xuất phát từ quy mô của các lực lượng, như Nhật chỉ có 244.300 binh sĩ năm 2011, ít hơn nhiều so với các nước khác", nghiên cứu cho hay.
 
Singapore, một nước nhỏ bé nhưng lại có cảng biển sầm uất thứ nhì thế giới, lại là trung tâm tài chính và là bồn dầu, khí và các sản phẩm dầu khí, mới là “đại gia” chi tiền nhiều nhất cho quốc phòng.(Singapore chi 9,66 tỷ, Thái Lan là 5,52 tỷ, Indonesia 5,42 tỷ, Malaysia 4,54 tỷ cho ngân sách quốc phòng).
 
Singapore đầu tư mua máy bay chiến đấu F-15SG của Boeing và 2 tàu ngầm lớp Archer của Thụy Điển, thêm vào 4 chiếc tàu ngầm lớp Challenger và hải quân vốn đã mạnh của nước này.
 
Indonesia, với hơn 54.700 km đường bờ biển và nhiều tuyến hàng hải quan trọng, đã có 2 tàu ngầm và định mua thêm 3 chiếc từ Hàn Quốc. Họ cũng bàn bạc với các công ty Trung Quốc để mua tên lửa chống hạm C-705, C-802 sau khi đã thử nghiệm tên lửa Yakhont của Nga năm 2011.
 
Gần đây, Malaysia đã mua 2 tàu ngầm Scorpene và Việt Nam mua 6 tàu ngầm lớp Kilo từ Nga. Thái Lan dự định mua tàu ngầm và máy bay chiến đấu Gripen của Thụy Điển cùng tên lửa chống hạm RBS-15F của Saab.
 
 
Các nhà phân tích cho rằng, đây không phải là một cuộc chạy đua vũ trang bởi những động thái mới là do các sự kiện tại Đông Nam Á, những cuộc tranh cãi kéo dài giữa các nước láng giềng và mong ước hiện đại hóa quân sự khi có tiền. Ông David Fouse, một giáo sư tại Trung tâm châu Á Thái Bình Dưong về Nghiên cứu An ninh có trụ sở tại Hawaii cảnh báo rằng chi phí quốc phòng tự nó không phải là một thước đo rõ rằng cho ý đồ của bất kỳ nước nào. Ông nói các vụ tranh chấp lãnh thổ ở khắp châu Á đã góp phần làm tăng thêm căng thẳng quân sự.
 
Andrea Kalniekolev, Phó Giám đốc Học viện Á-Phi, Đại học Moscow bình luận, Trung Quốc đã học tập tư duy của Mỹ khi thực hiện chiến lược quân sự. Tuy nhiên, Trung Quốc chưa chắc đã ngang nhiên sử dụng vũ lực khi xảy ra xung đột lần đầu tiên. Mọi người đều biết, trong mấy chục năm qua, Bắc Kinh luôn thông qua con đường ngoại giao để giải quyết tranh chấp.
 
 
Việt Nam là đối tác quân sự - kỹ thuật số 1 của Nga ở Đông Nam Á” : Hợp tác quân sự Nga- Việt có những tiềm năng tốt đẹp để phát triển hơn nữa. Đó là tuyên bố kết luận của Ủy ban liên chính phủ về hợp tác quân sự-kỹ thuật, vừa tiến hành phiên họp thường kỳ ngày 18/10 ở Moscow.
Interfax-AVN dẫn lời đại diện một tổ chức chuyên xuất khẩu vũ khí Nga nói: "Theo tổng khối lượng những hợp đồng đang thực thi và chuẩn bị ký kết, Việt Nam có mọi điều kiện để trong tương lai gần trở thành đối tác số 1 của Nga trong lĩnh vực hợp tác kỹ thuật-quân sự ở Đông Nam Á".
Vị đại diện nói trên thông báo rằng tại phiên họp của Ủy ban liên chính phủ Nga-Việt đã thảo luận không chỉ vấn đề cung cấp những mẫu vũ khí hoàn chỉnh, mà còn về phương án cùng thiết kế chế tạo, thành lập xí nghiệp liên doanh và những trung tâm dịch vụ bảo dưỡng những thiết bị quân sự đã được cung cấp trước đây. Ông này nói: "Cụ thể, ở đây nói về kế hoạch cùng phát triển nâng cấp tổ hợp tên lửa chống tàu biển trên cơ sở tên lửa Uran của Nga”.

 

Phương Hà
Theo Kinh Tế Đô Thị

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te