Với dự trữ ngoại tệ lên đến 70 tỷ USD, lãi suất vay nợ thấp sau khi được nâng hạng tín dụng thời gian gần đây, chính phủ Philippin đã cam kết dành 1 tỷ USD cho IMF để giúp vực dậy các nền kinh tế châu Âu đang khó khăn.
Lý giải về khoản tiền này, nghị sỹ quốc hội Mel Senen Sarmiento nói: “Trước đây khi kinh tế Philippin khó khăn và ngập trong khủng hoảng tài chính, chúng tôi cũng từng được giải cứu, và nay chúng tôi hành động giúp nước khác”.
Thời gian gần đây, kinh tế Philippin đón nhận hàng loạt tin tích cực. Ngày 04/07/2012, S&P nâng hạng tín dụng của Philippin lên trên mức đầu tư lên mức cao nhất tính từ năm 2003 và tương đương với Indonexia.
Nghiên cứu của HSBC cho thấy, kinh tế Philippin hiện đứng thứ 44 trên thế giới. Và nếu đà tăng trưởng hiện tại được duy trì, đến năm 2050, kinh tế Philippin có thể đứng thứ 16 trên thế giới.
Thị trường chứng khoán Philippin, một trong những thị trường tăng trưởng tốt nhất trong khu vực, mới đây đóng cửa ở mức cao kỷ lục nhờ quyết định nâng hạng tín dụng mà S&P đưa ra. Cùng lúc, đồng nội tệ chạm mức cao nhất 4 năm so với đồng USD.
Quý 1/2012, kinh tế Philippin tăng trưởng 6,4%, cao hơn tốc độ tăng trưởng của tất cả các nước trong khu vực ngoại trừ Trung Quốc. Các chuyên gia kinh tế tính toán kinh tế Philippin cũng tăng trưởng với tốc độ tương tự trong quý 2/2012.
Trước đây, người ta từng cho rằng tốc độ tăng trưởng dân số cao của Philippin gây cản trở tăng trưởng của kinh tế nước này. Thực tế chứng minh mọi chuyện hoàn toàn khác. Hiện khoảng 61% dân số Philippin đang thuộc độ tuổi lao động. Con số này còn đang tiếp tục tăng lên.
Nhiều nước láng giềng của Philippin không được may mắn như vậy, dân số nước họ đang già đi nhanh chóng.
Nguồn nhân lực khổng lồ này đang đáp ứng tốt cho ngành dịch vụ thuê làm bên ngoài (outsourcing) đang phát triển mạnh tại Philippin. Người lao động Philippin nói tiếng Anh rất tốt. Năm 2011, Philippin đã vượt qua Ấn Độ để trở thành nước cung cấp dịch vụ thuê ngoài lớn nhất thế giới. Tại Philippin, trung tâm cung cấp dịch vụ chăm sóc khách hàng mọc lên như nấm.
Tính toán của tổ chức đầu tư Philippin cho thấy các trung tâm liên lạc điện tử của nước ngoài hiện tuyển dụng khoảng 683 nghìn người trong năm 2011 và mang lại nguồn doanh thu khoảng 11 tỷ USD, tăng 24% so với năm trước đó. Chính phủ Philippin đặt kỳ vọng ngành này sẽ mang lại doanh thu khoảng 25 tỷ USD vào năm 2016.
Philippin còn giàu có lên nhờ nguồn kiều hối khổng lồ. 9,5 triệu người Philippin, tương đương khoảng 10% dân số đang làm việc ở nước ngoài, gửi về nước 20 tỷ USD trong năm 2011, cao hơn nhiều so với con số 7,5 tỷ USD của năm 2003.
Ông Trinh D Nguyen, chuyên gia kinh tế tại HSBC Hồng Kông chỉ ra rằng, người Philippin hưởng lợi nhiều từ việc chính phủ hoạt động hiệu quả, nguồn thu tốt cũng như các biện pháp quyết liệt nhằm đẩy lùi tham nhũng. Ông nói: “Nhà đầu tư nước ngoài đổ xô đến Philippin không phải chỉ bởi tăng trưởng kinh tế nước này trong ngắn hạn mà bởi nhiều yếu tố căn bản tốt”.
Tuy nhiên kinh tế Philippin còn nhiều điểm yếu. Đợt lũ lụt gần đây đã nhấn chìm đến 50% diện tích của thủ đô Manila. Nó cho thấy hạ tầng của Philippin còn rất yếu và dễ chịu tác động nặng nề từ thảm họa thiên nhiên.
Theo quan chức chính phủ Philipppin, các trận lũ lụt vừa qua tuy nhiên có thể giúp kinh tế tăng trưởng tốt bởi hoạt động tái thiết sẽ cần đến chi tiêu công và chính phủ sẽ luôn sẵn sàng đưa ra chương trình giúp ứng phó với thảm họa thiên nhiên.
Ngoài ra, Philippin cũng gặp khó với vấn đề làm sao quản lý và sử dụng tốt tài nguyên thiên nhiên. Philippin rất giàu tài nguyên thiên nhiên nhưng tăng trưởng kinh tế gần như chưa bao giờ được hưởng lợi bởi nguồn tài nguyên này không được quản lý tốt.
Theo TTVN/Nytimes/CafeF