Bản đồ Việt Nam thế kỷ XVII
Đây là bản đồ vùng Quảng Ngãi, trong tập bản đồ Việt Nam Đỗ Bá soạn vẽ vào giữa thế kỷ XVII. Trong lời chú giải bên trên bản đồ có nói rõ việc khai thác “Bãi Cát Vàng” của Chúa Nguyễn như sau:
“… Giữa biển có một dải cát dài, gọi là Bãi Cát Vàng, dài độ 400 dặm, rộng 20 dặm, đứng dựng giữa biển, từ cửa biển Đại Chiêm(1) đến cửa Sa Vinh(2). Mỗi lần có gió Tây Nam thì thương thuyền các nước đi ở phía trong trôi dạt ở đấy; có gió Đông Bắc thì thương thuyền chạy ở ngoài cũng trôi dạt ở đấy, đều cùng chết đói hết cả, hang hóa thì đều để nơi đó. Họ Nguyễn mỗi năm vào tháng cuối mùa đông đưa 18 chiếc thuyền đến lấy hàng hóa, được phần nhiều là vàng bạc, tiền tệ, súng đạn. Từ cửa Đại Chiêm vượt biển đến đấy thì phải một ngày rưỡi. Từ cửa Sa Kỳ đến đấy thì phải một ngày rưỡi…”