Đông Bắc Á thực sự đang có những bước chuyển mới về cán cân sức mạnh quân sự do việc tăng cường tầm phóng tên lửa của Hàn Quốc và Đài Loan.
Tên lửa Hùng Phong-2 của Đài Loan |
Ngày 8/10, trang mạng tạp chí “Nhà ngoại giao” Nhật Bản có bài viết cho rằng, ngày 7/10, Hàn Quốc tuyên bố họ đã đạt được một thỏa thuận mới với Mỹ, Hàn Quốc có thể mở rộng tầm bắn tên lửa lên 800 km, đồng thời tên lửa của họ có thể mang theo trọng tải 2 tấn.
Cũng như Hàn Quốc, tầm phóng và đầu đạn của tên lửa Đài Loan cũng đã bị Mỹ hạn chế, điểm khác biệt là, chương trình tên lửa của Đài Loan tập trung mục tiêu vào công nghệ tên lửa hành trình – tên lửa dòng Hùng Phong.
Trong đó, công tác nghiên cứu chế tạo tên lửa tấn công đối đất tầm xa Hùng Phong-2E (XF-2E) từ khi bắt đầu đã bị Mỹ phản đối mạnh mẽ.
Nhưng, nếu hành động tăng tầm phóng tên lửa của Hàn Quốc thành công, khả năng răn đe của nước này thực sự được tăng cường, như vậy tiếp theo Mỹ có thể sẽ muốn để cho Đài Loan cũng có ưu thế tương tự, từ đó làm thay đổi thái độ đối với Hùng Phong-2E.
Bài báo cho rằng, tăng tầm phóng và tăng trọng tải của tên lửa là một biện pháp tăng cường vai trò ảnh hưởng của Hàn Quốc đối với CHDCND Triều Tiên. Vào năm 2001, Seoul và Washington từng ký một thỏa thuận, cấm Quân đội Hàn Quốc phát triển tên lửa đạn đạo có tầm phóng trên 300 km, trọng tải hơn 500 kg.
Trước khi ký thỏa thuận này, tầm phóng tối đa của tên lửa đạn đạo Hàn Quốc chỉ là 180 km, nhưng tên lửa Taepodong-1 do CHDCND Triều Tiên phóng năm 1998 bay qua bầu trời Nhật Bản đã thúc đẩy Mỹ thay đổi hạn chế đối với tên lửa của Hàn Quốc.
Tên lửa hành trình Hùng Phong-2E Đài Loan |
Thỏa thuận này năm 2001 đã thể hiện phương châm chỉ đạo theo quy định của “Chế độ kiểm soát tên lửa và công nghệ của nó” (MTCR), đây là một cơ chế kiểm soát tự nguyện, chủ yếu nhằm kiểm soát phổ biến vũ khí hạt nhân và vận chuyển đầu đạn hạt nhân. Cơ chế này đã vận hành được vài năm, Washington lo ngại xóa bỏ cơ chế này có thể sẽ gây ra cuộc chạy đua vũ trang ở châu Á.
Tuy nhiên, những nỗ lực tiếp tục phát triển tên lửa tầm xa và công nghệ hạt nhân của CHDCND Triều Tiên hầu như làm cho Mỹ tin rằng để cho đồng minh khu vực của họ phát triển khả năng răn đe tự thân sẽ đem lại ưu thế. Dựa vào quy định của thỏa thuận mới sau khi sửa đổi, tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc sẽ có thể bao trùm lên toàn bộ CHDCND Triều Tiên.
Nhưng, mặc dù mở rộng tầm phóng lên 800 km, tên lửa đạn đạo của Hàn Quốc cũng không thể đe dọa các nước khác như Trung Quốc, Nhật Bản. Hơn nữa, trọng tải của tên lửa được tăng tầm phóng không được vượt quá 500 kg, nhưng thỏa thuận mới cho phép tên lửa có tầm phóng tương đối ngắn mang theo trọng tải nhiều tới 2 tấn. Ngoài ra, thỏa thuận mới còn cho phép Hàn Quốc mở rộng tầm phóng và trọng tải của máy bay không người lái (nhiều tới 2,5 tấn) và trang bị vũ khí cho máy bay không người lái.
Cố vấn an ninh quốc gia Hàn Quốc Chun Yung-woo cho rằng, chính sách mới này nhằm giúp kiềm chế sự khiêu khích của CHDCND Triều Tiên, hơn nữa một người phát ngôn của Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak cũng cho biết, sự thay đổi này hoàn toàn không có nghĩa là chiến lược của Hàn Quốc sắp thay đổi.
Nhưng, ngày 8/10, báo chí Hàn Quốc đã dẫn lời một quan chức chính phủ giấu tên cho rằng, Hàn Quốc có kế hoạch đến năm 2015 chế tạo 2 loại tên lửa đạn đạo kiểu mới có tầm phóng lần lượt là 550 km và 800 km.
Tên lửa đạn đạo tầm ngắn Hyunmoo-2 của Hàn Quốc, tầm phóng 300 km. |
Tuy hiện còn chưa rõ thỏa thuận và tên lửa mới này phải chăng sẽ tăng cường khả năng răn đe cho Seoul hay không, nhưng chúng thực sự cho thấy Washington vừa lòng hơn với việc đồng minh khu vực của họ tăng cường sức mạnh quân sự, hơn nữa chính sách mới trên thực tế ăn khớp với chiến lược quay trở lại châu Á của Mỹ.
Sự quay trở lại ở đây hoàn toàn không phải chỉ giới hạn ở việc gia tăng sự hiện diện của quân Mỹ ở châu Á, mà còn có thể gồm có sự chuyển biến nhằm vào chính sách sức mạnh của đồng minh chủ yếu, từ đó tăng cường khả năng của họ (có thể tiến hành dưới sự hỗ trợ của Mỹ).
Bài báo cho rằng, hành động mở rộng tầm phóng tên lửa, tăng trọng tải tên lửa của Hàn Quốc có thể sẽ làm cho các nước khác ở châu Á-Thái Bình Dương và khu vực, đặc biệt là Đài Loan muốn hủy bỏ hạn chế trên lĩnh vực tương tự. Là một đồng minh khác của Mỹ tại châu Á, Đài Loan chắc chắn sẽ học hỏi sự phát triển này của Hàn Quốc.
Giống như Hàn Quốc, nhiều năm qua, Đài Loan luôn muốn thông qua triển khai tên lửa để tăng cường sự răn đe của họ. Giống như Hàn Quốc, tầm phóng và đầu đạn của tên lửa Đài Loan cũng bị Mỹ hạn chế. Điểm khác là, chương trình tên lửa của Đài Loan tập trung đặt mục tiêu vào công nghệ tên lửa hành trình – tên lửa dòng Hùng Phong, dòng tên lửa này do Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Sơn (CSIST) nghiên cứu phát triển.
Tên lửa chống hạm siêu âm Hùng Phong-3 do Đài Loan tự nghiên cứu chế tạo. |
Mặc dù tên lửa Hùng Phong đã được thiết kế thành tên lửa chủ yếu thực hiện nhiệm vụ chống hạm (Hùng Phong-1, Hùng Phong-2 và “sát thủ tàu sân bay” Hùng Phong-3), nhưng công tác nghiên cứu chế tạo tên lửa tấn công đối đất tầm xa Hùng Phong-2E (tầm phóng khoảng 650 km) ngay từ khi bắt đầu đã bị Mỹ phản đối mạnh mẽ.
Đối với vấn đề này, một số chuyên gia quốc phòng cho rằng, Đài Bắc quyết định tiếp tục thúc đẩy chương trình tên lửa Hùng Phong-2E có lẽ là do ban đầu Mỹ từ chối bán 66 máy bay chiến đấu F-16C/D cho Đài Loan (từ năm 2006, Đài Loan đã muốn mua loại máy bay chiến đấu này) và từ chối cấp thị thực (vi-sa) cho quan chức cấp cao của Viện Nghiên cứu Khoa học Trung Sơn.
Ngoài ra, có tin cho rằng, Washington phản đối chương trình này có lẽ đã làm cho một chương trình tên lửa đẩy không gian bị hủy bỏ.
Kế tiếp sau việc quan chức cấp cao Chính phủ Trần Thủy Biển – Đài Loan và một số học giả Mỹ cảnh báo, khi Trung Quốc sử dụng vũ khí đối với Đài Loan, tên lửa hành trình tấn công đối đất do Đài Loan phát triển có thể được sử dụng để tấn công các trung tâm đô thị của Trung Quốc (thậm chí đập lớn Tam Hiệp), thì cuộc khủng hoảng xung quanh chương trình tên lửa hành trình tấn công đối đất của Đài Loan càng thêm trầm trọng trong thời gian ngắn.
Sau đó, quan chức Đài Loan nói rõ rằng, loại tên lửa này sẽ trở thành một bộ phận của lực lượng phản kích/đánh lại, hay nói cách khác, chỉ dùng để tấn công các mục tiêu quân sự thuần túy.
Máy bay chiến đấu F-CK-1 Kinh Quốc của Không quân Đài Loan. |
Hiện nay, Quân đội Đài Loan vẫn đang tiếp tục phát triển và sản xuất tên lửa Hùng Phong-2E, hơn nữa tên lửa không đối đất tầm xa “Vạn Kiếm” của họ (phiên bản nâng cấp do Đài Loan sản xuất, được trang bị cho máy bay chiến đấu F-CK-1 Kinh Quốc) cũng sẽ bắt đầu sản xuất hàng loạt vào năm 2014.
Được biết, tên lửa Vạn Kiếm có thể mang tới 100 quả bom cỡ nhỏ, sẽ dùng để tiến hành tấn công áp chế đối với sân bay, cảng, bãi phóng tên lửa và trạm radar của đối phương.
Cho dù là đối với Hàn Quốc hay Đài Loan, những hạn chế do Washington đặt ra cũng có nguồn gốc từ việc Chính phủ Mỹ không sẵn sàng để cho họ phát triển hoặc giành được công nghệ tên lửa mang tính tấn công, để tránh làm cho sự căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên và eo biển Đài Loan trầm trọng hơn.
Nhưng, nếu CHDCND Triều Tiên chấp nhận Hàn Quốc có khả năng tên lửa mạnh hơn, đồng thời khả năng này thực sự đã nâng cao sự răn đe của Hàn Quốc, thì tiếp theo Mỹ có thể sẽ muốn Đài Loan cũng có ưu thế tương tự.
Việt Dũng
Theo báo Giáo dục Việt Nam