TIN BIỂN ĐÔNG

HOÀNG SA - TRƯỜNG SA - VIỆT NAM

Mời hợp tác kinh doanh

Tranh luận bầu cử ở Mỹ: Nhân tố nội trị trong chính sách đối ngoại

Phục hồi kinh tế, chống khủng bố và các vấn đề nội trị khác đều gắn với thái độ với Trung Quốc, chính sách với Trung Đông và nhiều đề tài khác trong đường lối đối ngoại của Mỹ.

 

Chờ xem chung cuộc lần thứ ba đêm 22.10 giữa hai ứng viên Romney (trái) và TT Obama, sẽ có kết quả vào sáng mai... Ảnh: internet

Phục hồi kinh tế, chống khủng bố và các vấn đề nội trị khác đều gắn với thái độ với Trung Quốc, chính sách với Trung Đông và nhiều đề tài khác trong đường lối đối ngoại của Mỹ.

Đêm nay, Trung Quốc là một trong năm đề tài hứa hẹn sẽ sôi nổi trong cuộc tranh luận.

Nhìn chung, vào lúc ông Romney tố cáo đương kim tổng thống nhu nhược trước Trung Quốc, thì Obama lại lên án Romney đã không ngần ngại cho di dời cơ sở sản xuất qua Trung Quốc, đẩy dân Mỹ vào cảnh mất việc.

Hai trong nhiều đề tài nóng

Tại cuộc tranh luận cách đây mấy hôm, Mitt Romney đã khẳng định thái độ cứng rắn của ông đối với Bắc Kinh khi lặp lại cam kết là trong ngày đầu tiên làm tổng thống, ông sẽ tuyên bố Trung Quốc là nước “thao túng ngoại hối” và sẽ bảo đảm sao cho mọi đối tác của Mỹ trên thế giới phải “chơi đúng luật lệ”. Romney cũng tố cáo Obama là gượng nhẹ Trung Quốc, cố tình ghìm giá nhân dân tệ so với USD để chiếm lĩnh các thị trường thế giới, gây hại cho kinh tế Mỹ và nhiều nước khác.

Lời cáo buộc của ứng viên đảng Cộng hoà bị ông Obama quyết liệt bác bỏ. Theo tổng thống Mỹ, dưới nhiệm kỳ của ông, Trung Quốc đã phải nâng giá nhân dân tệ, vì ông mạnh mẽ thúc đẩy Trung Quốc hành động như vậy. Chính phủ ông cũng đã gây áp lực thương mại chưa từng thấy và chính điều này đã và sẽ giúp tạo ra việc làm ở nước Mỹ.

Không chỉ nhấn mạnh đến chính sách đúng đắn của chính quyền, Tổng thống Obama còn tố cáo ngược lại đối thủ là từng về hùa với Trung Quốc. Đúng như ông đã lập luận trong lần tranh cãi thứ hai: “Khi ông Romney nói về việc cần phải cứng rắn với Trung Quốc, ta không nên quên rằng thống đốc Romney là người đã đầu tư vào các công ty đi đầu trong việc thuê gia công tại Trung Quốc và các công ty này đang đầu tư vào việc chế tạo các thiết bị giám sát cho Trung Quốc để họ do thám dân của họ”.

Tổng thống Obama đã nhận trách nhiệm cao nhất vì đã để xảy ra các sai sót an ninh, dẫn tới vụ tấn công, nhưng ông cũng tiếp tục chỉ trích phản ứng của ông Romney sau khi xảy ra vụ việc này.

Tổng thống Obama nói: “Trong khi chúng ta phải xử lý vấn đề các nhà ngoại giao bị đe doạ, thống đốc Romney lại ra một thông cáo báo chí để tìm cách lấy điểm chính trị. Và đó không phải là cách điều hành của một vị tổng tư lệnh. Chúng ta không thể biến an ninh quốc gia thành vấn đề chính trị”.

Thống đốc Romney phát biểu rằng thất bại của chính quyền ông Obama tại Benghazi biểu trưng cho sự thất bại của toàn bộ chính sách về Trung Đông. Và ông cho rằng chính ông Obama mới chơi trò chính trị sau khi xảy ra vụ tấn công.

Romney nói: “Một ngày sau khi xảy ra vụ tấn công, tổng thống bay đến Las Vegas để dự một buổi gây quỹ và ngày hôm sau thì tới Colorado để tham gia một sự kiện chính trị khác. Tôi nghĩ rằng các hành động đó của một vị tổng thống, một vị lãnh đạo, nói lên nhiều điều”.

Tuy nhiên, ông Obama đã mạnh mẽ bác bỏ lời cáo buộc này.

Đối ngoại phục vụ kinh tế

Trong một phát biểu trước đây, ông Romney đã công kích mạnh mẽ chính sách đối ngoại của ông Obama: “Không may thay, chính sách của tổng thống hiện nay không thể so sánh với những tấm gương sáng chói nhất của các nhà lãnh đạo thế giới”.

Hẳn nhiên, dư luận rất biết cách thu hút lá phiếu của cử tri về mình của các ứng viên. Nhưng một khi ngồi vào ghế tổng thống rồi, dù là đảng nào, người đứng đầu nước Mỹ sẽ phải điều chỉnh cho phù hợp với tình hình, gắn kết chính sách đối ngoại với đối nội trong một chiến lược chung.

Dưới nhiệm kỳ của Tổng thống Obama, một trong những mục tiêu chính quyền theo đuổi là tăng cường “năng lực quản lý kinh tế” của bộ Ngoại giao. Vị tổng thống tương lai không thể từ bỏ nhận thức rằng, sức mạnh kinh tế và vai trò lãnh đạo toàn cầu của Mỹ “là hai trong một”. Chúng vừa là động lực, vừa là phương tiện của quyền lực Mỹ; chúng vẫn là trọng tâm hoạt động và ưu tiên chính sách đối với cả kinh tế lẫn ngoại giao. Mỹ luôn hướng tới hai mục tiêu bao quát: tích hợp tư duy chiến lược giữa quyền lực chính trị với quyền lực kinh tế và tận dụng các cơ quan đại diện của Mỹ trên thế giới để hỗ trợ tối đa cho kinh tế trong nước.

Nước Mỹ đang gắn các giải pháp thị trường với việc giải quyết các vấn đề chiến lược, đang kết nối khu vực tư nhân để đạt các mục tiêu chung và đang vạch tuyến các quy luật phát triển cho kinh tế toàn cầu. Nhiều vấn đề an ninh của thế giới đã và đang được Mỹ quan tâm sát sao, như là khủng hoảng tiền tệ ở châu Âu, quá trình chuyển hoá dân chủ ở Trung Đông hay vấn đề tranh chấp lãnh hải trên Biển Đông.

Nhưng tất cả những vấn đề này rồi đây, càng phải tuỳ thuộc vào sự hồi phục kinh tế bên trong nước Mỹ. Sức mạnh kinh tế nội địa sẽ quyết định năng lực triển khai quyền lực toàn cầu. Trong ý nghĩa này, chính sách đối ngoại của Mỹ có thể và cần phải là một lực lượng để chấn hưng kinh tế trong nước.

Hoàng An Bình
Theo SGTT

Luật Biển Việt Nam
Tinbiendong.com trân trọng giới thiệu toàn văn Luật Biển Việt Nam đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 21-06-2012 và Chủ tịch nước ký lệnh công bố ngày 02-07-2012. Luật Biển Việt Nam gồm 07 chương 55 điều, có  hiệu lực thi hành từ ngày 01-01-2013.
Mời hợp tác kinh doanh
Copyright ©  2012  Tin Bien Dong . All rights reserved.
Trang tin đang trong quá trình chạy thử nghiệm và  chờ xin phép Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép hoạt động.
Mạng thông tin điểm tin, sưu tầm, lưu trữ thông tin Biển Đông và thế giới
Điện thoại:04.3972 4800 - Fax:04.3972 4801 - Mobile: 0127 399 6475 // 098 300 6168 ( Mr. Mạnh Toàn ) -  Email Tin kinh te