Vũ khí đã trở thành một công cụ sắc bén của Trung Quốc để đạt được những ảnh hưởng về chính trị và quyền lợi về kinh tế ở châu Phi.
Thêm dấu hiệu Trung Quốc ôm tham vọng biển Đông
- Cập nhật : 07/03/2017
Tàu có trọng tải khoảng 3.000 tấn, chiều dài 87 m, chiều rộng 14 m, cao 7,6 m, mớn nước 4,8 m.
Theo Xinhua, ngày 3/3, Trung Quốc đã cho hạ thủy Song Hang, tàu khảo sát ngư nghiệp đầu tiên do Bắc Kinh tự nghiên cứu chế tạo, tại nhà máy đóng tàu Tân Cảng, Thiên Tân.
Song Hang được đóng với tổng chi phí hơn 80 triệu nhân dân tệ (hơn 11 triệu USD), có trọng tải khoảng 3.000 tấn, chiều dài 87 m, chiều rộng 14 m, cao 7,6 m, mớn nước 4,8 m.
Tàu được trang bị nhiều thiết bị, hệ thống hiện đại và phòng nghiên cứu để phục vụ hoạt động tìm kiếm, khảo sát, đánh bắt tài nguyên tại vùng biển xa bờ.
Đây là tàu khảo sát ngư nghiệp có trọng tải lớn nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh muốn phát triển hoạt động ngư nghiệp xa bờ do nguồn tài nguyên gần bờ của nước này đang dần cạn kiệt.
Nhiều chuyên gia nhận định, thông qua việc kiểm soát nguồn cá tại các vùng biển, Trung Quốc muốn thực hiện tham vọng bá quyền của mình trên vùng Biển Đông.
Trên thực tế, mặc dù không trực tiếp thừa nhận nhưng Bắc Kinh luôn có những động thái chứng minh cho điều này.
Vừa qua Trung Quốc tiếp tục tuyên bố cấm đánh bắt cá ở biển Đông bắt đầu từ 12h ngày 1/5 đến 16/8/2017. Trước đó, Trung Quốc từng đơn phương ngăn chặn hoạt động khai thác tài nguyên biển trong khoảng thời gian từ 16/5 - 1/8/2016 trên Biển Đông.
Trước động thái này của Bắc Kinh, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình tuyên bố, Việt Nam kiên quyết phản đối và bác bỏ quy chế này của phía Trung Quốc.
"Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với quần đảo Hoàng Sa cũng như các quyền hợp pháp đối với các vùng biển của Việt Nam được xác định phù hợp với Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982", ông nói.
Ông Bình khẳng định quyết định đơn phương trên của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, vi phạm các quyền và lợi ích pháp lý của Việt Nam trên các vùng biển của mình, vi phạm luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 và các văn bản pháp lý quốc tế liên quan, đi ngược lại Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), khiến tình hình Biển Đông tiếp tục trở nên phức tạp và căng thẳng.
Ngoài ra, Hội Nghề cá Việt Nam cũng kịch liệt phản đối hành động sai trái, ngang ngược, đơn phương của phía Trung Quốc. Yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay Quy chế cấm đánh bắt cá ở biển Đông nói trên.
Trước đó, hồi tháng 5/2016, Trung Quốc còn huấn luyện các ngư dân tại đảo Hải Nam để trở thành "dân quân" rồi xua xuống biển Đông, mang danh tàu đánh cá. Một số ngư dân tại Hải Nam khẳng định, nhiều tàu cá tại đây được trang bị vũ khí hạng nhẹ.
Để phát triển lực lượng dân quân biển, Trung Quốc đã đưa Lực lượng vũ trang nhân dân đến đảo Hải Nam để huấn luyện quân sự cho ngư dân. Hãng tin Reuters cho biết những ngư dân tham dự khóa học kéo dài bốn tháng, từ tháng 5 đến tháng 8, và đều được trả tiền.
Trong khi trả lời phỏng vấn với Reuters, các quan chức chính phủ, giám đốc các hãng đánh cá... của Trung Quốc còn cho biết ngư dân được huấn luyện các bài tập trên biển cũng như khả năng thu thập thông tin của tàu nước khác.
Ngoài việc huấn luyện quân sự cơ bản, Trung Quốc còn trợ giá để ngư dân đóng tàu thép, đồng thời trang bị thiết bị Định vị vệ tinh toàn cầu (GPS) cho 50.000 tàu cá để dễ liên lạc với Hải cảnh Trung Quốc với mục đích đối phó tàu nước ngoài.
Công ty quốc doanh đánh cá biển Đông tỉnh Hải Nam, Trung Quốc, còn ngỗ ngược phát biểu rằng mục tiêu là để cờ Trung Quốc bay khắp quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Dương Trí
Theo Báo Đất Việt