Tin Biển Đông

 
 
 

Vì sao Châu Á lo ngại viễn cảnh xung đột Mỹ - Trung tại Biển Đông?

  • Cập nhật : 25/02/2017

Tạp chí National Interest nhận định, sự cạnh tranh giữa MỹTrung Quốc đang gióng lên những hồi chuông cảnh báo đối với các nước trong khu vực Đông Nam Á, khi nguy cơ xung đột đang xuất hiện.

Trung Quốc gần đây đã thực hiện những động thái chiến lược trên những khu vực tranh chấp và được cho là đã triển khai các loại vũ khí hiện đại trên các quần đảo Hoàng SaTrường Sa mà nước này chiếm đóng trái phép của Việt Nam.

my da co gang thuc hien cac cuoc tuan tra quan su tren bien dong.

Mỹ đã cố gắng thực hiện các cuộc tuần tra quân sự trên Biển Đông.

Chính quyền Tổng thống Donald Trump đã khẳng định rằng họ coi những hành động của Trung Quốc là thách thức trực tiếp đối với quyền tự do đi lại trên biển và trên không tại Biển Đông, một trong những tuyến đường biển quan trọng nhất trên thế giới, và là thách thức đối với lợi ích của Mỹ trong khu vực Tây Thái Bình Dương.

Tranh chấp Biển Đông và chính sách của ông Trump đối với châu Á mới đây là đề tài được nhắc đến trong cuộc hợp giữa ngoại trưởng các nước ASEAN tại đảo Boracay (Philippines). Họ đều bày tỏ lo ngại trước những hoạt động quân sự trong khu vực, song không trực tiếp đề cập đến Trung Quốc.

Với việc Philippines trở thành nước chủ tịch của ASEAN, nhiều người đã hi vọng một bước đột phá về ngoại giao sẽ xảy ra trong tương lai. Ít nhất họ hi vọng rằng sau hơn một thập kỷ đàm phán, ASEAN và Trung Quốc có thể thống nhất một Quy tắc Ứng xử hiệu quả khi hoạt động trên Biển Đông.

Cũng theo một số nguồn tin giấu tên, Philippines cũng đang gây sức ép với Trung Quốc bằng cách tận dụng việc họ thắng kiện trước tòa án quốc tế vào năm ngoái (rằng Trung Quốc không có chủ quyền lịch sử trên Biển Đông) cũng như Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển. Trung Quốc đã liên tục bác bỏ tính hợp pháp của phán quyết tòa án quốc tế.

Trước đây, khi Lào là nước chủ tịch ASEAN, cộng đồng này đã không dùng phán quyết của tòa án quốc tế để ngăn chặn các hoạt động của Trung Quốc trong khu vực. Năm nay, một số quốc gia ASEAN đang có mong muốn sử dụng phán quyết này để đảm bảo quyền lợi của mình trên Biển Đông.

“Một số bộ trưởng đã bày tỏ sự quan ngại đối với sự gia tăng các hoạt động quân sự trên Biển Đông, có thể khiến gia tăng căng thẳng và làm xói mòn lòng tin giữa các nước trong khu vực”, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay phát biểu. Mặc dù ông lo rằng căng thẳng Biển Đông sẽ không thể được giải quyết “khi chúng ta còn sống”, ông tỏ ra lạc quan rằng ASEAN và Trung Quốc sẽ cùng nhau thống nhất một quy tắc ứng xử vào giữa năm nay.

Mặc dù Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã công khai ủng hộ đàm phán với Trung Quốc do lo ngại xảy ra xung đột trực tiếp với họ, các quan chức quốc phòng Philippines đều lo sự rằng Bắc Kinh sẽ có những động thái không mong muốn trong các khu vực mà Manila coi là của mình. Trong lúc một số nước đã lặng lẽ ủng hộ ông Trump mạnh tay hơn ở Biển Đông, nhiều người lo rằng xung đột Mỹ - Trung trong khu vực sẽ ảnh hưởng rất lớn đến các quốc gia nhỏ lân cận.

Từ lâu ASEAN đã tìm cách ngăn chặn xung đột giữa các cường quốc xảy ra ở Biển Đông, bởi nó sẽ buộc các nước thành viên phải chọn đứng về phía Trung Quốc hoặc Mỹ. Đối với họ, điều tối quan trọng nhất là một mặt họ có thể tiếp tục mở rông quan hệ thương mại và đầu tư với Trung Quốc, đồng thời đảm bảo hợp tác quân sự với Mỹ.

tau san bay uss carl vinson da xuat hien tai bien dong.

Tàu sân bay USS Carl Vinson đã xuất hiện tại Biển Đông.

Trong trường hợp xung đột Mỹ - Trung xảy ra, chiến lược cân bằng trên sẽ bị thử thách nặng nề, đặc biệt là với những nước tuyên bố có chủ quyền trên Biển Đông. Bất kỳ sự leo thang xung đột ở Biển Đông sẽ ảnh hưởng đến hoạt động thương mại cũng như các mối quan hệ đầu tư, qua đó tổn hại đến kinh tế của các quốc gia này.

Một số nước cũng đang mong đợi Trump sẽ áp dụng chính sách “giữ nguyên trạng” khác với cách làm của người tiền nhiệm Barack Obama. Khác với việc chính quyền Obama chủ động liên lạc với các nước nhỏ ở châu Á, chính quyền Trump cho đến nay vẫn không có động thái nào với khu vực ASEAN và chỉ ưu tiên hội đàm với các nước Nhật Bản và Hàn Quốc.

Là lực lượng thúc đẩy sự hội nhập khu vực và là một trụ cột an ninh của khu vực Đông Á, ASEAN đang vội vàng tìm cách khẳng định vị trí của mình trong việc giải quyết xung đột Biển Đông. Thực tế, nhiều người lo sợ rằng ASEAN sẽ bị gạt sang một bên nếu không có một đường lối thống nhất và rõ ràng.

Trong lúc Trung Quốc tiếp tục khẳng định ảnh hưởng của mình đối với các nước Đông Nam Á, bao gồm Thái Lan và Philippines, những nước vốn là đồng minh của Mỹ, chính quyền Trump đang đối đầu với một thách thức lớn nhằm lấy lại ảnh hưởng trong khu vực đã mất dưới thời Obama. Thế nhưng hiện vẫn chưa rõ ông Trump có thể làm gì trước tình hình hiện tại.

Trong vài tháng tới, Hải quân Mỹ được cho là sẽ tiếp tục thực hiện các cuộc tuần tra trên biển. Ông Trump cũng sẽ yêu cầu các đồng minh trong khu vực, cụ thể là Nhật Bản và Úc, đóng góp nhiều hơn nữa nhằm cản trở tham vọng trên biển của Trung Quốc.

Kể từ đầu những năm 2000, Trung Quốc đã thực hiện những bước đi nhằm cản trở Mỹ tiến hành thăm dò quân sự trong khu vực đặc khu kinh tế của nước này. Đầu tháng nay, một máy bay của Trung Quốc đã áp sát phi cơ do thám P-3C Orion của Hải quân Mỹ khi nó đang bay trên Biển Đông.

Vụ việc một lần nữa khiến Đông Nam Á chấn động và cho thấy rằng những phát biểu mạnh mẽ của ông Trump vẫn chưa đủ để buộc Trung Quốc rút khỏi các vùng biển tranh chấp. Trung Quốc đã củng cố các cơ sở của mình trên quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa. Vài tuần trước khi ông Trump nhậm chức, Trung Quốc đã cho pháo cao xạ và các loại vũ khí tầm gần tới các bãi đá Tư Nghĩa và Ga Ven thuộc quần đảo Trường Sa, và xây dựng trái phép nhiều tháp rađa trên đá Chữ Thập.

Tại quần đảo Hoàng Sa, Trung Quốc đã mở rộng đảo Phú Lâm và nối với đảo Đá ở lân cận. Theo một số nguồn tin, đảo này giờ đây đã có một đường băng, khoang chứa máy bay và các tên lửa đất đối không HQ-9. Ngoài ra 5 đảo khác sẽ có cảng và bãi đỗ trực thăng, và đảo Quang Hòa sẽ có một căn cứ trực thăng.

Đáp lại, Washington chỉ mới triển khai tàu sân bay USS Carl Vinson cùng một loạt tàu hộ tống khác, một động thái cho thấy Mỹ cũng sẽ không ngồi yên để mất tầm ảnh hưởng của mình trong khu vực. Lần cuối cùng Mỹ thể hiện sức mạnh quân sự trong khu vực là vào đầu năm 2016, khi có những lo ngại rằng Trung Quốc đang bồi đắp bãi đá Scarborough mà Philippines coi là của mình.

Nếu chính quyền Tổng thống Trump không đưa ra một thông điệp mạnh mẽ và rõ ràng, Mỹ sẽ đứng trước nguy cơ để mất các đồng minh vốn có của mình vào tay Trung Quốc.


Anh Tuấn (lược dịch)
Theo Infonet.vn

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục