Sáng 21/2, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã có buổi tiếp ông Yitzhak Aharonovitch - Chủ tịch Tập đoàn IMI Systems đang có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
Việt Nam–Israel hợp tác sản xuất vũ khí: Tránh phụ thuộc Nga?
- Cập nhật : 24/02/2017
Việt Nam từ trước đến nay vũ khí quốc phòng phụ thuộc khá nhiều vào Nga. Việc đẩy mạnh đa dạng quan hệ với Israel là một chủ trương đúng đắn.
Hướng đi đúng đắn
Tiếp tục chia sẻ ý kiến xung quanh triển vọng hợp tác sản xuất vũ khí cũng như lĩnh vực quân sự, quốc phòng giữa Việt Nam và Israel, trao đổi với Đất Việt, ông Nguyễn Anh Sơn, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội khẳng định đây là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn.
Theo ông Sơn, trong những năm vùa qua, hợp tác quốc phòng giữa Việt Nam và Israel đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng. Đặc biệt, Israel có 1 số lĩnh vực rất mạnh và có ưu thế lớn về khoa học công nghệ như: vũ khí điện tử, tác chiến điện tử, những vũ khí kỹ thuật cao.
“Để phát triển tiềm lực quốc phòng thì từ xưa đến giờ, Việt Nam khá phụ thuộc vào Nga. Cho nên nhiều khi chúng ta không chủ động được về vũ khí. Do đó việc đẩy mạnh, mở ra quan hệ hợp tác với một đối tác mới như Israel tôi nghĩ cũng rất phù hợp. Hơn nữa, đối với Israel, chúng ta không chỉ nhắc đến việc mua vũ khí mà mục tiêu hướng đến còn xa hơn, đó là hợp tác và chuyển giao về kỹ thuật”, ông Sơn khẳng định.
Trong bối cảnh Israel bày tỏ thái độ cởi mở, mong muốn hợp tác với Việt Nam, chúng ta cũng không gặp phải những hạn chế, rào cản về mặt chính trị hay quân sự với các đối tác khác, ông Sơn đánh giá đây là cơ hội tốt để phía Việt Nam tận dụng cơ hội, đẩy mạnh hợp tác lên tầm cao mới.
“Tôi hi vọng việc này sẽ triển khai càng nhanh càng tốt. Trong vòng khoảng 3 năm trở lại nếu giữa 2 nước có những sản phẩm đầu tiên thì rất tuyệt vời. Việc này cũng cần có thời gian chứ không thể ngày một, ngày hai được”, ông Sơn nhấn mạnh.
Cùng đưa quan điểm, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nguyên Tư lệnh Quân khu 4, đại biểu Quốc hội khóa XIII, IX, X cho rằng việc đa dạng hóa các mối quan hệ hợp tác trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng là hết sức cần thiết. Đặc biệt khi sự hợp tác đó nhằm mục đích đảm bảo hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam và không đòi hỏi bất cứ một yêu cầu chính trị nào thì cần hoan nghênh.
“Việt Nam hiện đang mở rộng đối ngoại và đối ngoại quốc phòng theo tôi cũng là một kênh hết sức quan trọng. Chúng ta tăng cường sức mạnh quốc phòng của Việt Nam đồng thời gắn quốc phòng của Việt Nam với các nước để giữ gìn hòa bình nói chung, giữ gìn an ninh khu vực nói riêng và đặc biệt là giữ gìn yên bình Tổ Quốc. Đây là một chủ trương rất chính xác.
Tôi biết Israel là một quốc gia có nền khoa học công nghệ rất phát triển. Không chỉ trong lĩnh vực quốc phòng mà trong lĩnh vực nông nghiệp, kinh tế và các hệ thống khoa học tiên tiến khác, Israel cũng thế mạnh. Các trang bị vũ khí phục vụ của họ cũng được đánh giá tốt, ngang hàng với các quốc gia sản xuất vũ khí khác.
Cho nên việc đẩy mạnh hợp tác quốc phòng với Israel mà có lợi cho 2 bên thì tôi rất hoan nghênh”, Trung tướng Thước nêu quan điểm.
Theo tướng Thước, nếu Việt Nam chỉ duy trì một đối tác trong hoạt động an ninh, quốc phòng thì bên cạnh những thuận lợi cũng có nhiều điểm khó khăn. Vì vậy việc đa dạng hóa quan hệ quốc phòng đang là chủ trương được chúng ta hướng tới.
“Nếu chúng ta chỉ làm ăn với 1 quốc gia thì nếu quan hệ bình thường, tốt đẹp không sao. Tuy nhiên đến thời điểm nào đó có vấn đề khúc mắc, bất đồng thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc mua bán, hợp tác, chuyển giao công nghệ. Vì thế Việt Nam phải đa dạng mối quan hệ để phát triển công nghiệp quốc phòng”, tướng Thước khẳng định.
Nếu thừa vũ khí sẽ bán
Ông Nguyễn Anh Sơn cũng nhắc đến việc hiện nay Việt Nam đã tự chủ một số thiết bị quân sự. Ngoài ra chúng ta cũng có sự hợp tác sâu rộng, bền chặt trong lĩnh vực quốc phòng với Nga, dần dần mở rộng quan hệ Israel hay thậm chí là Ấn Độ.
Từ những tiềm năng trên, ông Sơn bày tỏ hi vọng Việt Nam có thể sớm trở thành công xưởng sản xuất vũ khí của thế giới. Tuy nhiên điều cần thiết nhất vào thời điểm này theo ông Sơn đó là Việt Nam phải nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, kỹ thuật cũng như cần đầu tư thêm những khoản kinh phí khác để hỗ trợ.
“Nếu làm được việc này thì rất tốt. Tôi chỉ lo tiềm lực kinh tế, kỹ thuật cũng chưa đáp ứng ở mức cao. Bây giờ khi hợp tác với Việt Nam thì các quốc gia, trong đó có Israel cũng đòi hỏi rất cao chứ không phải câu chuyện công xưởng nhỏ.
Ngoài ra, về mặt kỹ thuật,dù chúng ta đã đạt được ở mức nhất định nhưng để có một quy mô đủ lớn đối với ngành công nghiệp quốc phòng, đáp ứng được yêu cầu hợp tác cũng là một việc chúng ta cần phải tích lũy và có sự đầu tư không nhỏ.
Đặc biệt, kỹ thuật công nghiệp quốc phòng đầu tư rất lớn không như các loại ngành nghề công nghiệp khác. Đây là lĩnh vực cần sự đầu tư lớn từ phía nhà nước, quân sự của quân đội. Việc này chúng ta phải định hướng và tìm cách khắc phục. Nếu không đến thời điểm mở ra được cơ hội hợp tác mà Việt Nam không thực hiện được hay nắm bắt được thì rất đáng tiếc”, ông Sơn nhấn mạnh.
Từ những phân tích trên, nguyên Ủy viên Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội đề nghị, Việt Nam nên tập trung vào các ngành đòi hỏi kỹ thuật cao, đòi hỏi chất xám chứ không chỉ đơn thuần đòi hỏi về nguyên liệu thô như: tác chiến điện tử, kỹ thuật viễn thông...
“Lĩnh vực này đòi hỏi hàm lượng chất xám rất cao. Tuy nhiên những thứ đó Việt Nam hoàn toàn có khả năng và thậm chí có thể có ngay được.
Nếu bây giờ chúng ta hợp tác và đòi hỏi những yếu tố liên quan như công xưởng, đầu tư máy móc, nguyên liêu, vật liệu chất lượng cao thì sẽ rất khó khăn. Tôi nghĩ mục tiêu để đưa Việt Nam trở thành công xưởng của thế giới cũng không hề đơn giản. Chúng ta cần phải tích lũy dần dần không thể vội vàng được”, ông Sơn khẳng định.
Đưa ra quan điểm của riêng mình, Trung tướng Nguyễn Quốc Thước nhắc lại lập trường của Việt Nam từ trước đến này, đó là chúng ta tiếp nhận những công nghệ tiên tiến về quốc phòng từ các nước để đảm bảo hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ quốc gia cũng như hiện đại hóa trang thiết bị chứ không chú trọng đầu tư sản xuất vũ khí để buôn bán.
“Việt Nam không có chủ trương buôn bán vũ khí làm mục tiêu phát triển kinh tế. Chúng ta tiếp nhận công nghệ tiên tiến từ các nước về để sản xuất ra vũ khí thì mục đích đầu tiên và lớn lao nhất là bảo vệ hòa bình, toàn vẹn lãnh thổ, tự chủ của đất nước.
Tôi chưa bao giờ nghĩ chúng ta sản xuất vũ khí để đi bán cho các nước khác. Bây giờ chúng ta lo cho bản thân chưa đủ thì lấy đâu ra mà bán? Tuy nhiên đến khi chúng ta dư thừa ra và người ta cần thì chúng ta có thể giúp các nước khác”, ông Thước nhấn mạnh.
Về lâu dài, tướng Thước cho rằng Việt Nam cần hết sức chú trọng vào việc trang bị các loại vũ khí và hiện đại hóa các lực lượng, đặc biệt là hải quân, phòng không không quân, phát triển thông tin liên lạc.
“Việc hoàn thiện các lực lượng trên là hết sức quan trọng. Nhất là trong điều kiện hiện nay, công nghệ thông tin cũng phải hết sức đẩy mạnh, nhất là phối hợp với Israel vì đây là một quốc gia rất tiên tiến”, Trung tướng Thước nhắn nhủ.
NGuyễn Hoàn
Theo Báo Đất Việt