Vũ khí đã trở thành một công cụ sắc bén của Trung Quốc để đạt được những ảnh hưởng về chính trị và quyền lợi về kinh tế ở châu Phi.
Trung Quốc là quốc gia xét lại ở châu Á?
- Cập nhật : 23/02/2017
Các chính sách của Trung Quốc gần đây đưa đến quan ngại rằng nước này đang cố gắng tìm cách thay đổi trật tự địa chính trị thế giới vốn đã được định hình từ sau Chiến tranh Lạnh.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành các hoạt động hiện đại hóa quân đội, từng bước cân bằng quyền lực tại khu vực, thực hiện các chính sách quyết đoán tại các khu vực có tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông, phá vỡ nguyên trạng và bất chấp luật pháp quốc tế. Nhiều nhà quan sát cho rằng Đông Á sẽ đối mặt với cường quốc xét lại nguy hiểm này.
Trước đó, Mỹ cũng từng theo đuổi chính sách phá vỡ nguyên trạng thông qua việc phổ biến chủ nghĩa tự do, thị trường tự do và Mỹ đã gây ảnh hưởng trên toàn thế giới. Do đó, chủ nghĩa xét lại của Trung Quốc là một cảnh báo đối với Mỹ và nước này có lý do để lo ngại về các chính sách của Bắc Kinh. Khi trở thành tổng thống Mỹ, ông Donald Trump hiểu được mối quan ngại này. Tuy nhiên, nếu ông Trump thực hiện các chính sách gây mất ổn định tại khu vực thì rủi ro, bất ổn, thậm chí là chiến tranh, có thể xảy ra.
Các nhà lập pháp Trung Quốc không thừa nhận Trung Quốc là quốc gia theo chủ nghĩa xét lại. Họ cho rằng Trung Quốc chỉ đơn giản bảo vệ trật tự khu vực vốn đang bị Mỹ đe dọa, đồng thời ngụy biện rằng Trung Quốc có chủ quyền lịch sử đối với các đảo tranh chấp ở Biển Đông và Biển Hoa Đông. Đại sứ Trung Quốc tại Liên minh châu Âu (EU) Dương Yến Di trong bài viết trong năm 2016 cho rằng “Trung Quốc đã thụ hưởng chủ quyền đối với các quần đảo tại Biển Đông…và các vùng nước kề cận từ thời xa xưa”. Đại sứ Trung Quốc tại Vương quốc Anh Lưu Hiểu Minh năm 2016 cũng lớn tiếng phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài ở La-Hay (Hà Lan) liên quan tới vụ kiện của Philippines đối với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Ông này thậm chí cho rằng “Biển Đông đã và luôn là lãnh thổ của Trung Quốc, Trung Quốc luôn là nước duy trì trật tự thế giới, không phải là nước theo chủ nghĩa xét lại”.
Rõ ràng, Trung Quốc đang có nhiều hoạt động phá vỡ nguyên trạng tại Biển Đông. Vài năm trước đó, Trung Quốc đã tăng cường thực thi các hoạt động hiếu chiến tại các khu vực có tranh chấp. Năm 2012, Trung Quốc đã tuyên bố thiết lập Vùng Nhận dạng Phòng không bao trùm cả quần đảo Senkaku hiện do Nhật Bản kiểm soát nhưng Trung Quốc cũng có tuyên bố chủ quyền. Cũng trong năm 2012, Trung Quốc đã đẩy lùi Philippines để kiểm soát bãi cạn Scarborough, cách Philippines 100 hải lý nhưng cách Trung Quốc tới 500 hải lý. Hiện các lực lượng kiểm soát biển và tàu cá bán quân sự của Trung Quốc vẫn phong tỏa không cho tàu cá của Philippines tiếp cận bãi cạn này.
Bên cạnh đó, Trung Quốc còn tiến hành tôn tạo, xây dựng các công trình trên chuỗi đảo nhân tạo tại Biển Đông. Tổ chức Sáng kiến minh bạch biển châu Á mới đây đã chỉ rõ các công trình xây dựng của Trung Quốc tại đây có thể được sử dụng vào mục đích quân sự và nước này đang quân sự hóa tại các đảo ở Biển Đông. Thậm chí, Trung Quốc còn tiến hành hạ đặt giàn khoan dầu bất hợp pháp trong Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, bất chấp sự phản đối của Việt Nam…
Những năm gần đây, Trung Quốc không ngừng hiện đại hóa lực lượng quân đội. Theo James Fanell, người đứng đầu cơ quan tình báo của hạm đội Thái Bình Dương của Mỹ đã nghỉ hưu, Trung Quốc đã phát triển lực lượng kiểm soát bờ biển với tốc độ chóng mặt, trong đó nước này đã cho đóng một số tàu kiểm soát biển có trọng tải lớn nhất thế giới. Trung Quốc cũng đang cải tiến các tên lửa liên lục địa có thể đe dọa tới các căn cứ quân sự của Mỹ tại căn cứ quân sự quan trọng vào bậc nhất trên đảo Guam. Những động thái này đe dọa tới vị thế và lợi ích của Mỹ tại khu vực.
Ngoại trừ Trung Quốc, có lẽ tất cả các nước đều thấy rõ các hành động xét lại của nước này. Các nước đều cảnh giác với các hoạt động của Trung Quốc. Với Philippines, mặc dù dưới thời Tổng thống Rodrigo Duterte, nước này có dấu hiệu xích lại gần hơn Trung Quốc, nhưng trước đó Philippines đã kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài và biến Trung Quốc thành người thua cuộc. Úc cũng tăng cường quan hệ quân sự và đồng minh với Mỹ. Singapore mặc dù không phải là đồng minh của Mỹ nhưng cũng có các hoạt động hợp tác chặt chẽ với Hải quân Mỹ và đầu tư mua sắm nhiều hơn cho quân đội. Hợp tác an ninh giữa Việt Nam và Mỹ cũng ngày càng được tăng cường.
Các hành động của Trung Quốc cũng khiến Nhật Bản ngày càng lo lắng, từ đó có những thay đổi về mặt phát triển quân sự. Sau hơn một nửa thế kỷ, giờ đây dưới thời Thủ tướng Shinzo Abe, Nhật Bản đã điều chỉnh lại Hiến pháp, cho phép tiền hành các hoạt động quân sự nhiều hơn, đầu tư cho quân đội lớn hơn và quan hệ gần gũi hơn với các nước trong khu vực như Australia và Ấn Độ.
Như vậy, các hoạt động của Trung Quốc đang làm thay đổi nguyên trạng trật tự địa chính trị tại khu vực. Tuy nhiên, dưới thời Tổng thống Trump, với chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, rất có thể Washington sẽ chú trọng hơn đến lợi ích Mỹ thay vì các giá trị Mỹ. Do đó, Mỹ có thể bỏ qua lợi ích của các nước nhỏ để đàm phán với các nước lớn nhằm tối đa lợi ích Mỹ.
Tác giả là Giáo sư Jennifer Lind trường Đại học Dartmouth. Bài viết đăng trên "Foreign Affairs."
Vũ Hiền (gt)
Theo nghiencuubiendong.vn