Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ đặc trách châu Á Thái Bình Dương Randall Schriver ngày 16/8 khẳng định: Mỹ sẽ không cho phép Bắc Kinh "viết lại luật lệ" ở Biển Đôngvà sẽ yểm trợ đồng minh Philippines chống Trung Quốc xâm lấn. Theo trang mạng Philippines Rappler, ông Schriver đã tuyên bố như trong cuộc họp báo tại Manila.
Chuyên gia Úc: Mỹ phong tỏa đảo nhân tạo ở Biển Đông chắc chắn châm ngòi xung đột
- Cập nhật : 26/02/2017
CNN dẫn lời chuyên gia Úc cho biết việc ngăn tàu hải quân Trung Quốc không được tiếp cận các đảo đá Bắc Kinh kiểm soát trái phép trên Biển Đông chắc chắn sẽ kích động xung đột giữa Mỹ và Trung Quốc.
Với rất nhiều đảo nhỏ, đá và bãi cạn, Biển Đông là tuyến đường vận tải quan trọng và cũng là nơi xảy ra rất nhiều cuộc tranh chấp lãnh thổ phức tạp, khiến nhiều quốc gia kình chống lẫn nhau, kênh truyền hình Mỹ CNN đánh giá.
Căng thẳng trong vùng biển tranh chấp đã trở nên nghiêm trọng kể từ năm 2014, khi Trung Quốc đưa cát ra bồi lấp xây dựng trái phép các đảo nhân tạo, các phi trường, hải cảng và hệ thống vũ khí, đồng thời cảnh báo các tàu chiến và máy bay của Mỹ tránh xa các hòn đảo bồi lấp phi pháp này.
Mới đây, chính quyền tổng thống Donald Trump lại đổ thêm dầu vào lửa khi tuyên bố lập trường mang tính đối đầu với Bắc Kinh hơn so với người tiền nhiệm là ông Obama. Điều này có khả năng sẽ gây ra một giai đoạn đối đầu. Vậy điều gì nguy hiểm đang diễn ra?
Trung Quốc đưa ra cái gọi là “đường chín đoạn” để làm căn cứ cho các tuyên bố chủ quyền ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế của mình. Những tuyên bố này mở rộng hàng trăm dặm xuống phía nam và phía đông của đảo Hải Nam, giáp với khu vực nằm trong tuyên bố chủ quyền của các nước láng giềng và thậm chí còn xâm phạm vào các khu vực đó, trong đó có lãnh hải và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
CNN ghi nhận, quần đảo Hoàng Sa vốn là của Việt Nam nhưng đã bị Trung Quốc chiếm đóng từ năm 1974. Căng thẳng ở đây đã lên cao vào năm 2014 khi Trung Quốc đã hạ đặt dàn khoan Hải Dương 981 thăm dò các vùng lân cận quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam.
Tình hình ở quần đảo Trường Sa thậm chí còn phức tạp hơn. Quần đảo này thuộc chủ quyền Việt Nam, bao gồm 100 đảo đá và bãi cạn, tuy nhiên Trung Quốc và một số bên khác cũng đã tự ý tuyên bố chủ quyền (trái phép) với một số hoặc toàn bộ các đảo trong quần đảo này.
Trung Quốc đang xây dựng những gì?
Đầu năm 2014, Trung Quốc lặng lẽ bắt đầu tiến hành các hoạt động nạo vét lớn tập trung vào bồi lấp phi pháp bảy đá mà nước này đã kiểm soát trái phép trên quần đảo Trường Sa, bao gồm: Đá Chữ Thập, Đá Xubi, Đá Vành Khăn, Đá Châu Viên, Đá Gaven và Đá Tư Nghĩa. Theo thông tin từ phía Mỹ, Trung Quốc đã bồi lấp hơn 3.000 ha kể từ năm 2014.
Đá Subi đã bị Trung Quốc bồi lấp trái phép thành đảo nhân tạo với đường băng và các công trình quân sự kiên cố có quy mô tương đương căn cứ quân sự Mỹ tại Trân Châu Cảng
Trong chuyến thăm Washington năm 2015, chủ tịch Tập Cận Bình đã tuyên bố Trung Quốc không quân sự hóa các đảo này, nhưng theo một báo cáo của Sáng kiến minh bạch hàng hải châu Á (AMTI) hồi tháng 12/2016 cho biết, Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống vũ khí lên bảy đá này bao gồm cả các súng phòng không. Một số chuyên gia đã gọi những hòn đảo này của Trung Quốc chính là những “tàu sân bay không chìm”.
Quan điểm của Mỹ
Theo CNN, điều này có thể đang thay đổi. Mỹ vốn không tuyên bố lập trường đối với các tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông, nhưng Washinton liên tục khẳng định quyền tự do hàng hải trong các vùng biển tranh chấp, và quân đội Mỹ cũng cho tàu và máy bay tiến sát các đảo, đá mà Trung Quốc kiểm soát trái phép.
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson và tổng thống Mỹ Donald Trump vẫn chưa thể hiện lập trường phản đối về vấn đề này một cách rõ ràng mà chỉ gợi ý rằng Bộ Ngoại giao có thể thực hiện cách tiếp cận mạnh hơn.
“Xây dựng đảo nhân tạo (phi pháp) và sau đó đưa các thiết bị quân sự lên các đảo…là hành vi chiếm cứ lãnh thổ mà nước khác đã tuyên bố chủ quyền”, ông Tillerson phát biểu trong phiên điều trần trước Thượng viện.
Cụm tác chiến tàu sân bay Mỹ thường trực ở châu Á-Thái Bình Dương là lời nhắc nhở của Mỹ đối với những cái đầu nóng
“Chúng ta (Mỹ) phải gửi cho Trung Quốc một thông điệp rõ ràng rằng thứ nhất, việc xây dựng đảo phải dừng lại và thứ hai, nước này sẽ không được phép tiếp cận các hòn đảo nhân tạo này”.
Ngăn các tàu hải quân Trung Quốc không được tiếp cận các đảo đá trên Biển Đông chắc chắn sẽ kích động đụng độ giữa Mỹ và Trung Quốc, ông Ashley Townshend, một chuyên gia nghiên cứu tại Trung tâm nghiên cứu Mỹ tại Đại học Sydney nhận định.
“Vì nhiều đá trong số những đảo đá này là một phần của vùng biển quốc tế, ngăn chặn tàu thuyền Trung Quốc không cập bến hoặc lại gần các đảo đá này sẽ phá hoại nguyên tắc tự do hàng hải mà Mỹ bấy lâu nay duy trì”, ông Ashley bổ sung.
Trung Quốc có thể làm gì?
CNN đánh giá, vì Trung Quốc đang thể hiện sức mạnh như một siêu cường đang nổi lên, Biển Đông giàu trữ lượng dầu và khí đốt đã trở thành địa bàn thử nghiệm xem liệu nước này sẽ trỗi dậy thành một phần của trật tự quốc tế hiện tại hay vượt ra ngoài trật tự đó.
Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền ngang ngược, bất chấp luật pháp quốc tế đối với cả quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa (thuộc chủ quyền của Việt Nam), đồng thời Trung Quốc cũng đưa ra các bản đồ từ đầu thế kỷ XX để chứng minh cho điều này.
Trung Quốc cũng liên tục bảo vệ quyền xây dựng các cơ sở dân sự và quốc phòng trên các đảo mà nước này kiểm soát trái phép. Vào tháng 12/2016, một tàu chiến của Trung Quốc còn ngang nhiên thu giữ một tàu lặn không người lái dưới nước một cách phạm pháp từ một tàu hải dương học của Mỹ.
Tên lửa phòng không tầm xa HQ-9 Trung Quốc khai hỏa trong một cuộc tập trận. Trung Quốc đã triển khai trái phép loại tên lửa này tại đảo Phú Lâm, quần đảo Hoàng Sa
CNN cảnh báo một chiến lược mới mà Trung Quốc có thể thực hiện là tuyên bố vùng nhận dạng phòng không trên Biển Đông, yêu cầu mọi máy bay bay qua phải nộp lịch trình bay ngay cả khi họ không bay vào không phận Trung Quốc. Bắc Kinh cũng có thể lờ đi phán quyết lịch sử của Tòa Trọng tài thường trực The Hague hồi năm ngoái vì phán quyết cho rằng các tuyên bố chủ quyền hàng hải của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý.
CNN lo ngại rằng kể cả hiện tại mặc dù được pháp luật quốc tế ủng hộ, các bên yêu sách khác cũng chỉ có rất ít cơ hội để đối phó Trung Quốc. Philippine, nước kiện Trung Quốc ra Tòa Trọng tài quốc tế còn xoay hướng hẳn sang Trung Quốc khi ông Rodrigo Duterte lên làm tổng thống.
Đến nay, Trung Quốc vẫn gần như chưa chính thức lên tiếng về những lời bình luận của ông Tillerson và ông Trump, nhưng một số nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh sẽ sớm tìm cách thách thức tân tổng thống Mỹ.
Đặng Phương Thảo / theo viettimes.vn