Đường biên giới “lưỡi bò” của Trung Quốc là yêu sách đã bị lên án và bác bỏ bởi hầu hết các quốc gia trong khu vực và quốc tế, do tính chất phản khoa học.
Con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc ‘điêu đứng’ tại Sri Lanka
- Cập nhật : 26/02/2017
Việc con đường tơ lụa trên biển của Trung Quốc bị "tắc nghẽn" tại Sri Lanka bắt nguồn từ phản đối của người dân sở tại đang gửi tới Bắc Kinh một thông điệp rõ ràng rằng xuất hiện cùng túi tiền lớn chưa hẳn đã đủ.
Khởi nguồn câu chuyện bắt đầu từ năm 2008 khi Sri Lanka khởi công cảng biển chiến lược Hambantota tại quận cùng tên với hơn 300 triệu USD vay từ Trung Quốc.
Cảnh sát Sri Lankan cố gắng kiểm soát người biểu tình phản đối thỏa thuận để công ty Trung Quốc kiểm soát cảng Hambantota. Ảnh: AFP
Hiện Sri Lanka đang gặp nhiều khó khăn trong việc trả nợ, một phần do cảng Hambantota không đạt được hiệu quả kinh tế xứng tầm đầu tư. Cảng biển Hambantota được dự trù hoạt động phối hợp với khu công nghiệp sẽ xây gần đó nhưng nhiều đáng nói là vế còn lại của kế hoạch chưa bao giờ được khởi công.
Trung Quốc được coi là đối tác lớn nhất của Sri Lanka tại Hambantota với viễn cảnh một thành phố phố trỗi dậy từ khu rừng miền nam đóng vai trò 'trợ thủ" cho thủ đô Colombo cách đó 250km. Nhưng trên thực tế, Sri Lanka lại mắc kẹt vào đống hỗn độn của chi tiêu quá tay, dự án cơ sở hạ tầng dở chừng tiêu tốn hàng ''núi tiền", nợ quốc tế lớn và tình hình chính trị, xã hội trở nên bất ổn.
Trước diễn biến này, Bắc Kinh ngỏ ý với Sri Lanka về một thỏa thuận dự kiến sẽ được ký vào ngày 7/1 tạo điều kiện để công ty Trung Quốc giữ hơn 80% cổ phần của cảng Hambantota trong 99 năm và xây dựng khu công nghiệp tại đây, đổi lại Colombo nhận số tiền 1,1 tỉ USD bù đắp trả nợ. Đây được coi là bước đi của Trung Quốc nhằm giữ "chắc chân" trong vị trí chiến lược trên Ấn Độ Dương.
Tuy nhiên thỏa thuận này đã phải ngưng vô thời hạn bởi sự phản đối của công chúng địa phương. Trong tháng 1, khi thông tin 80% cảng Hambantota rơi vào công ty Trung Quốc đến tai người dân địa phương kèm theo nghi ngờ rằng đất đai của họ sẽ bị trưng dụng để xây khu công nghiệp trên diện tích khoảng 60 km vuông, biểu tình phản đối liền nổ ra.
Đám đông đưa vấn đề đến cơ quan chức năng, công đoàn và các chính trị gia đối lập được dẫn đầu bởi cựu Tổng thống Sri Lanka Mahinda Rajapaksa, người từng tiên phong phát triển Hambantota, khiến chặng đường để thỏa thuận 1,1 tỉ USD trên thực sự được triển khai càng thêm chông gai.
Với ý kiến của người dân, chính phủ Sri Lanka quyết định trì hoãn ký thỏa thuận về cảng biển và khu công nghiệp bất chấp trước đó Trung Quốc hứa hẹn đầu tư 5 tỉ USD cho quận Hambantota trong 5 năm tới.
Trước tình hình bế tắc, đại sứ Trung Quốc tại Sri Lanka Yi Xianliang khẳng định rằng trong khi Chủ tịch Tập Cận Bình và ông đang kiên nhẫn với Sri Lanka thì các nhà đầu tư Trung Quốc khó có thể từ tốn như vậy.
Theo đại sứ Yi Xianliang, có tới 10 công ty lớn của Trung Quốc sẵn sàng đầu tư 3 đến 5 tỉ USD cho Hambantota trong khoảng 2 đến 3 năm tới nếu không vấp phải bất ổn đang diễn ra. Vị đại sứ kết luận: “Chúng ta phải tiến lên phía trước hoặc dừng lại ở đây”.
Tình hình kinh tế hiện nay của Sri Lanka có nhiều khó khăn khi tính cuối năm 2016 nước này nợ khoảng 65 tỉ USD trong đó 8 tỉ USD là từ Trung Quốc.
Hà Linh (Theo Forbes)
Theo baotintuc.vn