Tin Biển Đông

 
 
 

Vì sao Biển Đông rất quan trọng đối với Mỹ?

  • Cập nhật : 24/02/2017

Biển Đông rất quan trọng đối với Mỹ, khi Trung Quốc ngày càng ngang nhiên thách thức những mục tiêu địa chính trị mà Washignton theo đuổi sau Thế chiến II.

Biển Đông rất quan trọng đối với Mỹ là nhận định của nhà phân tích Leszek Buszynski làm việc tại Đại học Quốc gia Australia, trong bài viết được đăng trên tạp chí The Conversation.

Theo nhà phân tích Buszynski, Trung Quốc muốn Mỹ rời bỏ Biển Đông và rút khỏi Tây Thái Bình Dương.

Trật tự ở Châu Á-Thái Bình Dương sau Chiến tranh thế giới thứ II vốn dựa trên sự hiện diện của Mỹ vốn bảo đảm cho tăng trưởng kinh tế ấn tượng và thịnh vượng trong khu vực mà không có sự đe dọa của chiến tranh hoặc xung đột.

 

uss lassen tuan tra bien dong, thuc thi chien dich “tu do hang hai”. anh: naval today 

USS Lassen tuần tra Biển Đông, thực thi chiến dịch “Tự do hàng hải”. Ảnh: Naval Today 

Trật tự này đảm bảo các tranh chấp hàng hải và chủ quyền lãnh thổ được giải quyết thông qua thương lượng, chứ không phải sức mạnh quân sự. Nó phục vụ cho sự phát triển của thương mại và quan hệ kinh tế khu vực mà từ đó tất cả các nước trong khu vực đều hưởng lợi.

Trung Quốc ráo riết thâu tóm Biển Đông

Mỹ rất quan ngại trước việc Trung Quốc đang ráo riết thâu tóm Biển Đông và các nguồn tài nguyên trong đó. Trung Quốc khăng khăng bám lấy yêu sách "chủ quyền không thể tranh cãi" đối với Biển Đông, trong khi một số nước tuyên bố chủ quyền khác - Việt Nam, Brunei, Malaysia và Philippines – lại có pháp luật quốc tế đứng về phía họ.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Bản (UNCLOS), tất cả các nước nói trên đều có Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở Biển Đông. Thế nhưng, Trung Quốc đã bác bỏ quyền chính đáng của các nước đó, với cái gọi là bản đồ “đường chín đoạn” quá đỗi mơ hồ và tham lam phi lý. Để làm rõ vấn đề này, Philippines đã kiện Trung Quốc lên Tòa Trọng tài được thành lập theo UNCLOS.

Vào tháng 7/2016, Tòa Trọng tài ở La Haye đã ra phán quyết tôn trọng quyền của các nước ASEAN ven Biển Đông trong các Vùng đặc quyền kinh tế EEZ của họ, lưu ý rằng các tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc là không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, Trung Quốc đã phớt lờ vụ kiện này và hậu thuẫn tuyên bố chủ quyền phi lý của mình bằng sức mạnh quân sự. Trên thực tế, Trung Quốc đã chà đạp lên các quy tắc và trật tự mà Mỹ đã thúc đẩy trong khu vực.

Trung Quốc đã phá vỡ nguyên trạng của Quần đảo Trường Sa bằng cách bồi đắp trái phép các đảo nhân tạo. Người Trung Quốc đã hút cát từ đáy biển, bồi đắp và mở rộng kích thước của bảy rạn san hô mà nước này đã ngang nhiên chiếm đóng.

Trung Quốc đã xây dựng ba sân bay trên các đảo nhân tạo mà nước này đã bồi đắp trái phép ở Quần đảo Trường Sa, với hai sân bay có đường băng dài 3.000 mét và một có đường băng dài 2.600 mét. Những sân bay này có thể cho phép các loại máy bay quân sự của Trung Quốc - bao gồm cả máy bay ném bom và máy bay vận tải cỡ lớn – hạ cất cánh. Với sự hiện diện quân sự hùng hậu này, Trung Quốc có thể kiểm soát toàn bộ Biển Đông. Đó là chưa kể sức mạnh quân sự được tăng cường của Trung Quốc ở Biển Đông cũng gây ra nhiều hậu quả địa chính trị bất lợi đối với Mỹ.

Chông gai còn ở phía trước

Biển Đông đã trở thành một khu vực quan trọng cho việc thực thi chiến lược hải quân của Trung Quốc, bao gồm cả phong tỏa Đài Loan và phô trương sức mạnh ở Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Đây cũng là một trong số các tuyến đường biển thương mại nhộn nhịp nhất thế giới.

Người Trung Quốc thường nói rằng họ tôn trọng tự do hàng hải, nhưng liệu tuyên bố đó có đáng tin cậy hay không?

Người Nhật cho rằng không đáng tin cậy. Trong một cuộc tranh chấp lãnh thổ với Nhật Bản hồi năm 2010, Trung Quốc đã cắt đứt việc cung cấp đất hiếm rất cần thiết cho ngành công nghiệp điện tử Nhật Bản. Trung Quốc cũng có thể ngăn chặn thương mại Nhật Bản đi qua Biển Đông và khiến cho nước này phải đi đường vòng với chi phí tăng lên gấp bội. Thật vậy, việc kiểm soát được Biển Đông sẽ cho phép Trung Quốc can thiệp vào khối lượng thương mại của Nhật Bản và Hàn Quốc đi qua vùng biển chiến lược này.

Đối với Mỹ, hành động kiểm soát Biển Đông của Trung Quốc đe dọa trật tự khu vực và an ninh của các nước đồng minh trong khu vực. Để duy trì vị thế địa chính trị ở phía tây Thái Bình Dương, Mỹ có nghĩa vụ bảo vệ các đồng minh trong khu vực và bảo đảm với họ rằng Washington rất lo ngại về ý đồ của Trung Quốc. Việc rời bỏ Biển Đông sẽ làm suy yếu hệ thống liên minh và sự hiện diện của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương. Trung Quốc sẽ trở thành thế lực thống trị và các nước trong khu vực sẽ bị hút vào quĩ đạo của Bắc Kinh.

Trong tháng 10/2015, chính quyền Obama đã phản ứng trước hành động ngang ngược của Trung Quốc bằng cách phát động chiến dịch "tự do hàng hải" với các cuộc tuần tra hải quân ở Biển Đông. Washington đã phát đi hiệu rõ ràng rằng Mỹ sẽ không từ bỏ khu vực này.

Một số dấu hiệu cho thấy, chính quyền Trump có thể sẽ mạnh bạo hơn trong việc đối phó với Trung Quốc ở Biển Đông và ngăn chặn sự xói mòn vị thế của Mỹ trong khu vực.

Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump đã phá vỡ một “cấm kị ngoại giao” bằng cách nói chuyện với nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn. Người ta chờ đợi tân chính quyền Mỹ dưới thời ông Trump sẽ thể hiện sự quyết đoán hơn nữa. Một khả năng có thể trở thành hiện thực là sự hiện diện thường xuyên của một đội tàu Hải quân Mỹ ở Biển Đông và khiến cho người Trung Quốc thấy rằng họ không thể thống trị vùng biển chiến lược tối quan trọng này. Chính quyền của ông Trump cũng có thể tăng cường quan hệ an ninh với Tokyo và cố gắng dàn xếp việc tạo ra một liên minh giữa các cường quốc khu vực như Australia, Ấn Độ và Nhật Bản... để đối phó với Trung Quốc.

 

Minh Châu (Theo The Conversation/ Kiến Thức)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục