Tin Biển Đông

 
 
 

Indonesia cần làm gì với Trung Quốc ở Biển Đông năm 2017?

  • Cập nhật : 23/02/2017

Cách tiếp cận nước đôi của Indonesia đối với Trung Quốc nếu không cẩn thận sẽ gây nguy hiểm cho nước này, thay vì có thể giúp Indonesia tránh hoặc vượt qua những thách thức do Trung Quốc gây ra.

3_10_13_tap_can_binh.jpg

Tình hình Biển Đông thời gian qua tiếp tục phức tạp khi Trung Quốc không ngừng tôn tạo, hoàn thiện các cơ sở hạ tầng ở các đảo có tranh chấp ở quần đảo Trường Sa của Việt Nam, đặc biệt là việc nước này bố trí các tên lửa tại các đảo này đã gây nên phản ứng giận dữ của cộng đồng quốc tế cũng như khu vực, trong đó có Indonesia, quốc gia dù không có tranh chấp trực tiếp với Trung Quốc ở Biển Đông song cũng đã nhiều lần bị Trung Quốc uy hiếp, xâm phạm vùng biển quanh quần đảo Natuna của mình.

Ngày 10/1, Bộ Ngoại giao Indonesia đã tổ chức cuộc họp báo quốc tế đầu tiên của năm 2017 nhằm đánh giá hoạt động đối ngoại trong năm 2016 và công bố một số trọng tâm của năm 2017. Tại cuộc họp báo, Bộ trưởng Ngoại giao Indonesia Retno Marsudi điểm lại tình hình thế giới, các hoạt động đối ngoại nổi bật của Indonesia trong năm 2016, khẳng định Indonesia sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác quốc tế để cải thiện ổn định, hòa bình và thịnh vượng của thế giới trong năm 2017.

Cũng giống như những năm trước đó, tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia dành nhiều trang để đánh giá về các bên liên quan, các đối tác, các vấn đề nóng bỏng mà nước này đang phải đối mặt, đồng thời đưa ra những ưu tiên chính sách đối ngoại của mình trong năm 2017. Tuy nhiên, có một thực tế là tuyên bố này chưa đề cập nhiều đến Trung Quốc. Khi đề cập đến vấn đề Biển Đông, tuyên bố có nêu là các bên cần tuân thủ luật pháp quốc tế, sớm đàm phán đi đến ký kết Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC), tuy nhiên báo cáo lại không đề cập trực tiếp cũng như không nói rõ chính sách đối ngoại cụ thể của Indonesia với Trung Quốc trong năm 2017.

Đây là một điều thật đáng tiếc vì Trung Quốc quá quan trọng để được đưa vào chương trình đối ngoại của Indonesia một cách cụ thể, và Indonesia không thể xử lý, giải quyết vấn đề trong từng trường hợp mà không có một kế hoạch rõ ràng. Một cách tiếp cận ngoại giao rõ ràng, chủ động là cần thiết và để người dân hiểu được chính sách đối ngoại của chính phủ. Đối với Indonesia, Trung Quốc hiện có mối quan hệ chặt chẽ với những vấn đề liên quan đến lợi ích kinh tế mà nước này cần phải cân nhắc mỗi khi đề cập hay phản ứng đối với họ.

Indonesia nhận thức được Trung Quốc là quốc gia quan trọng trong chính sách đối ngoại của mình. Trung Quốc có kinh nghiệm trong phát triển kinh tế, xã hội, để từ một quốc gia nghèo nàn, lạc hậu hiện trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới, điều mà trước đây nhiều người không thể tưởng tượng nổi. Hơn nữa, không giống như các cường quốc đang lên khác, tham vọng chiến lược của Trung Quốc là ở quy mô toàn cầu chứ không phải giới hạn trong khu vực. Đầu tư của Trung Quốc ở châu Phi, Nam Mỹ cũng như việc phát triển hải quân ở khu vực Ấn Độ Dương là minh chứng cho tham vọng này.

Điều đáng lo ngại là Bắc Kinh vẫn tiếp tục thể hiện thái độ quyết đoán, coi thường luật pháp và các chuẩn mực quốc tế trong các hành động của mình. Việc quốc gia này phủ nhận phán quyết của Tòa Trọng tài ở Biển Đông là một trong những dấu hiệu cho thấy Trung Quốc bây giờ cảm thấy đủ mạnh để thách thức trật tự thế giới vốn đã phải đánh đổi biết bao xương máu mới có được hòa bình và ổn định như hiện nay.

Có một thực tế rằng thật khó để tìm thấy những sự kiện lớn trên thế giới mà thiếu sự tham gia của Trung Quốc. Sớm hay muộn, các quốc gia trên thế giới - bao gồm cả Indonesia - cũng phải điều chỉnh chính sách và cách tiếp cận của mình trong điều kiện, tình hình mới này. Indonesia cũng phải thích ứng với điều kiện mới này và phải có chính sách đối ngoại cụ thể trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn trong bối cảnh trỗi dậy của Trung Quốc. Những chính sách này phải được nghiên cứu một cách cụ thể với tầm nhìn chiến lược về bản chất của tình hình, những thách thức phải đối mặt và biện pháp giải quyết để có thể giúp Indonesia đương đầu với những khó khăn, phức tạp trong thời gian tới.

Đồng thời, bất kỳ chính sách nào để đối phó với sự trỗi dậy Trung Quốc cũng phải đặt ra câu hỏi về tác động của nó đối với các quốc gia trong khu vực cũng như đối với Indonesia. Indonesia cần có sự nghiên cứu, đánh giá một cách khách quan, toàn diện để không sợ làm mếch lòng bất cứ ai và đảm bảo được các lợi ích của mình khi quan hệ, làm ăn với Trung Quốc. Cách tiếp cận nước đôi của Indonesia đối với Trung Quốc nếu không cẩn thận sẽ gây nguy hiểm cho nước này, thay vì có thể giúp Indonesia tránh hoặc vượt qua những thách thức do Trung Quốc gây ra.

Tác giả là hai nhà nghiên cứu A. Ibrahim Almuttaqi và Muhamad Arif  thuộc Chương trình nghiên cứu ASEAN, Trung tâm Habibie (Indonesia). Bài viết đăng trên báo “Bưu điện Jakarta”.


Lê Quang (gt)
Theo nghiencuubiendong.vn

Trở về

Xem thêm

  • 1

    ASEAN-Trung Quốc sẽ thảo luận về COC ở Thái Lan

    Tại cuộc gặp giữa Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia Hor Namhong với Ngoại trưởng Indonesia Marty M.Natalegawa ngày 22/10, hai bên đã thảo luận về vấn đề tranh chấp Biển Đông nhằm thực hiện Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới Bộ quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC).

  • Việt - Thái: quy chế mới, thách thức mới2

    Việt - Thái: quy chế mới, thách thức mới

    Mô thức “đối tác chiến lược” không chỉ để thúc đẩy quan hệ song phương cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, mà còn tạo dựng chất lượng mới cho vị thế địa - chính trị mỗi nước cũng như của toàn ASEAN.

Bài cùng chuyên mục