Tin Biển Đông

 
 
 

Việt - Thái: quy chế mới, thách thức mới

  • Cập nhật : 12/10/2016

Mô thức “đối tác chiến lược” không chỉ để thúc đẩy quan hệ song phương cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, mà còn tạo dựng chất lượng mới cho vị thế địa - chính trị mỗi nước cũng như của toàn ASEAN.

Hôm nay, 29.10, các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc dự kiến nhóm họp tại Phuket, Thái Lan để bàn về “dự thảo số 0” của Bộ quy tắc ứng xử giữa các bên ở Biển Ðông (COC). Thông tin này càng làm nổi bật ý nghĩa của phái đoàn hùng hậu do bà thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra dẫn đầu đến Hà Nội hôm 27.10 để tham gia cuộc họp liên chính phủ. Phái đoàn Thái Lan bao gồm một loạt các bộ trưởng: Ngoại giao, Quốc phòng, Tài chính, Thương mại, Du lịch và Thể thao, Phát triển Xã hội, Bộ trưởng đặc trách Văn phòng Thủ tướng, cùng với Tư lệnh Cảnh sát và Tổng thư ký phủ Thủ tướng. Hai bên đã ký 3 văn kiện: Tuyên bố chung về cuộc họp liên chính phủ; Tuyên bố chung về tầm nhìn an ninh giai đoạn 2012-2016 và Thỏa thuận thành lập Hội đồng doanh nghiệp ở mỗi nước.

Hài lòng về hiệu quả quan hệ

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp đón Thủ tướng Thái Lan Yingluck tại Hà Nội ngày 27.10. Ảnh: Reuters

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và đồng nhiệm Yingluck Shinawatra đã nhất trí để bộ Ngoại giao mỗi nước làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành liên quan thảo luận về nội hàm và lộ trình của việc nâng cấp quan hệ song phương lên “đối tác chiến lược” và đề xuất với lãnh đạo hai nước quyết định. Hai thủ tướng bày tỏ hài lòng về hiệu quả của mối quan hệ hiện nay. Kim ngạch thương mại song phương năm 2011 đạt gần 8,17 tỷ USD. Thái Lan hiện có 292 dự án đầu tư trực tiếp còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 6 tỷ USD, đứng thứ 10 trong 96 quốc gia có hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Hai thủ tướng cam kết tăng cường hợp tác về sản xuất/xuất khẩu gạo, phát triển cao su, hợp tác năng lượng, dầu khí, giao thông và kết nối giữa hai nước cũng như trên “hành lang Ðông-Tây” (EWEC).

Việt Nam và Thái Lan đã kết thúc cuộc họp chính phủ chung hai nước lần thứ hai tại Hà Nội ngày 27.10. Cơ chế hội nghị liên chính phủ đầu tiên diễn ra từ năm 2004. Tại phiên họp này hai thủ tướng đã nghe báo cáo kết quả làm việc của ba nhóm chuyên đề về: chính trị - an ninh; kinh tế - thương mại và văn hóa - xã hội. Phát biểu chỉ đạo và kết luận hội nghị, hai thủ tướng đã nhất trí với kết quả làm việc của ba nhóm chuyên trách trong việc đưa ra các biện pháp thúc đẩy hơn nữa mối quan hệ tốt đẹp sẵn có. Hai thủ tướng đã công bố những thỏa thuận giữa hai nước trong thời gian tới nêu rõ tại tuyên bố chung, liên quan đến các lĩnh vực trụ cột trong chính sách mỗi nước: chính trị - an ninh, kinh tế - thương mại - đầu tư, văn hóa - xã hội và giáo dục - đào tạo.

Các thủ tướng khẳng định cam kết tăng cường hợp tác về kinh tế, đẩy mạnh các chương trình xúc tiến thương mại, nỗ lực phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng thương mại hai chiều 20% mỗi năm và tiến tới đạt 18 tỷ USD vào năm 2015; hai nước sẽ thúc đẩy hợp tác đầu tư và kết nối EWEC; đẩy mạnh các mối liên hệ song phương/đa phương thông qua việc khai thác đường bay mới giữa các địa phương hai nước trong thời gian tới; tăng cường hợp tác trao đổi thông tin, thiết lập nhóm công tác để phối hợp giải quyết các vấn đề liên quan đến ngư dân và tàu cá. Hai thủ tướng nhất trí phấn đấu xây dựng quan hệ hữu nghị và hợp tác nhiều mặt giữa hai nước ngày càng phát triển cả về chiều rộng và chiều sâu, theo hướng “đối tác chiến lược”.

 

Thủ trướng Thái Lan Yingluck Shinawatra xem hàng trong một tiệm lụa trong dịp bà đi một vòng vào phố cổ Hà Nội hôm 27.10.2012 

Những thách thức phía trước

Việc thắt chặt hơn nữa quan hệ toàn diện giữa Việt Nam và Thái Lan sẽ góp phần tạo tiền đề thuận lợi cho quá trình hình thành “cộng đồng kinh tế ASEAN” (AEC) vốn được dự trù sẽ hoàn tất vào năm 2015. Nhưng theo đánh giá gần đây nhất của Cơ quan dự báo và tư vấn rủi ro (EIU/tập đoàn Economist), mục tiêu này khá tham vọng và đối mặt với không ít khó khăn. ASEAN với dân số khoảng 600 triệu người, GDP khoảng 2000 tỷ USD có sức nặng nhất định trong các vấn đề kinh tế toàn cầu. Tuy nhiên, các ưu tiên chính trị đã khiến ASEAN đang gặp một số trở ngại trong quá trình hội nhập giữa 10 thành viên khác biệt nhau về trình độ phát triển. Một số đã đề nghị trì hoãn lịch trình thực hiện AEC vào thời điểm cuối 2015 thay vì đầu 2015, thậm chí có nước còn muốn lùi lại sau 2015. Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng tới sẽ bàn kỹ chuyện này!

Hai thủ tướng cũng đã trao đổi về các diễn biến gần đây tại Biển Ðông và nhấn mạnh tầm quan trọng của hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải ở Biển Ðông, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, tuân thủ luật pháp quốc tế và Công ước LHQ về Luật Biển 1982; thực hiện đầy đủ Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Ðông (DOC), Tuyên bố ASEAN về nguyên tắc sáu điểm về Biển Ðông và sớm đạt được COC. Thủ tướng Việt Nam bày tỏ tin tưởng Thái Lan, với vai trò điều phối quan hệ ASEAN – Trung Quốc giai đoạn 2012-2015, sẽ thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc phát triển hơn nữa, qua đó đóng góp tích cực vào hòa bình, ổn định, an ninh và phát triển của khu vực.

Cuộc họp của các quan chức cấp cao ASEAN và Trung Quốc tại Phuket hôm nay là để chuẩn bị cho thượng đỉnh ASEAN và thượng đỉnh Đông Á (EAS) tại Phnom Penh (17-20.11). Người phát ngôn bộ Ngoại giao ta gần đây đã khẳng định: Việt Nam mong muốn các nước Đông Nam Á và Trung Quốc nhanh chóng khởi sự các cuộc đàm phán chính thức về dự thảo COC. Theo giới thạo tin, dự thảo này bao gồm các biện pháp xây dựng lòng tin và ngăn ngừa xung đột, đề ra cách thức xử lý trong trường hợp nổ ra xung đột để cho tình hình khỏi xấu thêm. Tuy nhiên, trong một trả lời phỏng vấn công bố hôm 26/10, tổng thư ký ASEAN Surin Pitsuwan đã loại trừ khả năng COC sẽ được ký kết sớm. Tài liệu cơ bản về các thành tố trong COC đã hoàn tất và đã được các ngoại trưởng ASEAN thông qua cách đây ba tháng.

Hoàng Dũng Nhân
Theo SGTT.VN

Trở về

Xem thêm

  • Tin Biển Đông: Trung Quốc và ASEAN lần đầu tập trận hải quân chung?1

    Tin Biển Đông: Trung Quốc và ASEAN lần đầu tập trận hải quân chung?

    Trung Quốc và ASEAN đang lên kế hoạch tiến hành cuộc tập trận hải quân đầu tiên; Philippines tăng cường hợp tác quân sự với Nga, Mỹ và Trung Quốc; tàu sân bay Mỹ Theodore Rooservelt tới châu Á - TBD... là những tin tức nóng nhất về Biển Đông.

  • Họp về COC: chỉ một bên không muốn thành sự2

    Họp về COC: chỉ một bên không muốn thành sự

    Cuộc họp ASEAN - Trung Quốc thảo luận về bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông đã vấp phải một trở ngại duy nhất: Trung Quốc.

  • Asean - Trung Quốc: mong đợi gì cho COC?3

    Asean - Trung Quốc: mong đợi gì cho COC?

    Sau những thất vọng hồi tháng 7 năm nay, khi lần đầu tiên AMM sau 45 lần họp đã không ra nổi một Tuyên bố chung, nhưng dư luận vẫn mong chờ một sự thay đổi trong kỳ họp thượng đỉnh ASEAN sắp tới sẽ diễn ra tại Phnompenh – thủ đô Campuchia. Một trong những nội dung trọng tâm mà thế giới cùng khu vực mong đợi ở Hội nghị thượng đỉnh ASEAN lần này là việc liệu ASEAN có thông qua được bản COC trên biển Đông hay không?

Bài cùng chuyên mục