National Interest cho rằng một cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ rất khó tưởng tượng. Đó sẽ là một cuộc chiến nguy hiểm và khiến nhiều người thiệt mạng, và thậm chí có thể xảy ra nguy cơ sử dụng cả vũ khí hạt nhân.
Nhật báo Pháp Le Figaro nhận định, hai cường quốc hàng đầu thế giới là Mỹ và Trung Quốc phải thỏa thuận với nhau để đối phó với việc Triều Tiên leo thang hạt nhân. Tuy nhiên cũng còn nhiều điểm nóng khác nguy cơ bùng phát xung đột cũng tại khu vực châu Á.
Le Figaro cho rằng cuộc gặp gỡ đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Tập Cận Bình và Donald Trump tại Florida vừa qua chưa đủ để tháo gỡ các nguy cơ đối đầu ở châu Á. Hai lãnh đạo Mỹ-Trung không thỏa thuận được về phương thức chặn đứng cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân của Bình Nhưỡng. Bằng chứng là hôm 8/4, ông Trump quyết định điều một tàu sân bay hạt nhân cùng với hạm đội đến bán đảo Triều Tiên.
Bên cạnh đó, Đài Loan và tranh chấp ở Biển Đông, Biển Hoa Đông cũng là nguyên nhân gây căng thẳng cao độ giữa hai cường quốc. Nếu Bắc Kinh và Washington không cố gắng tránh mọi xung đột, khả năng xảy ra các sự cố nghiêm trọng trong khu vực là hiện thực.
Triều Tiên
Ông Donald Trump đã bóng gió nói có thể đơn phương tấn công Triều Tiên, nếu Bắc Kinh không gây thêm áp lực lên người láng giềng hay quậy phá đã liên tục cho thử hạt nhân và bắn tên lửa. Mối đe dọa trở nên cụ thể trong những ngày gần đây: sau khi tấn công phá hủy các mục tiêu ở Syria hôm 7/4, Mỹ đã điều một tàu sân bay cùng với hạm đội tiến về phía bán đảo Triều Tiên. Tuy vậy can thiệp chỉ là giải pháp cuối cùng vì hậu họa sẽ rất khốc hại với khu vực.
Chuyên gia về Trung Quốc Jean-Pierre Cabestan của một trường đại học ở Hong Kong nhấn mạnh: «Hậu quả sẽ rất khó kiểm soát. Một cuộc tấn công của Mỹ dù với mục tiêu rất cụ thể, có thể dẫn đến phản công ồ ạt của pháo binh Triều Tiên ở gần biên giới vào Seoul». Nhà chính trị học Willy Lam cũng ở Hong Kong nói thêm: «Cho dù ông Trump sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn ông Obama, nhưng đó sẽ là một quyết định rất khó khăn, cần có kế hoạch tỉ mỉ, do khả năng xảy ra thảm họa cao».
Trung Quốc vốn lo ngại chiến tranh hạt nhân ở gần biên giới, muốn tránh kịch bản này bằng mọi giá. Nhưng Bắc Kinh cũng không muốn bóp nghẹt kinh tế của đồng minh Bình Nhưỡng, do lo sợ Triều Tiên sụp đổ. Trung Quốc lo ngại luồng người tị nạn sẽ tràn vào miền đông bắc, và một nước Triều Tiên thống nhất khiến Hàn Quốc và đồng minh Mỹ bỗng ở sát nách.
Biển Đông
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson trước khi ông Donald Trump nhậm chức đã đe dọa phong tỏa, không cho Bắc Kinh đi vào các hòn đảo mà nước này đang kiểm soát phi pháp tại Biển Đông. Nay ông đã nhẹ giọng hơn, nhưng căng thẳng vẫn còn đó. Trung Quốc ngang ngược yêu sách gần như toàn bộ vùng biển này. Bắc Kinh đã cho bồi lấp, xây dưng phi pháp một số đảo nhân tạo, và xây dựng cảng biển, đường băng, cơ sở hạ tầng quân sự trên các thực thể chiếm giữ trái phép này.
Báo chí nhà nước Trung Quốc đã đe dọa là nếu ngăn cản Bắc Kinh kiểm soát các đảo, coi như đã gây chiến giữa hai cường quốc hạt nhân. Cho dù quân đội Mỹ hùng mạnh hơn «không chắc rằng ông Donald Trump sẵn sàng lao vào cuộc chiến tranh chấp chủ quyền. Vả lại, các nước Đông Nam Á liên quan cũng không đồng thuận về hành động khiến tình hình trở nên bất ổn trước người láng giềng khổng lồ Trung Quốc», nhà nghiên cứu Sophie Boisseau du Rocher, trung tâm châu Á của viện IFRI nhận định. Mỹ có thể tự bằng lòng với việc «bảo vệ tự do hàng hải, theo các tiêu chuẩn và quy định của Luật Biển».
Cận cảnh Đá Subi bị Trung Quốc bồi lấp, xây đảo nhân tạo trái phép với đường băng, nhà chứa máy bay và các công trình quân sự ở quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam
Nhưng khả năng xảy ra sự cố, nhất là giữa Trung Quốc và Mỹ, nghĩa là «các máy bay tiêm kích hay chiến hạm bất ngờ đụng độ nhau tại Biển Đông, là một nguy cơ lớn», ông Willy Lam nhấn mạnh. Tất cả tùy thuộc vào khả năng của các lãnh đạo không để xảy ra leo thang, mà theo các chuyên gia thì khó thành hiện thực.
Biển Hoa Đông
Trung Quốc và Nhật Bản tranh chấp một số đảo đá không người ở tại Biển Hoa Đông. Hiện nay do Nhật Bản kiểm soát với tên gọi Senkaku, Bắc Kinh gọi là Điếu Ngư. Chủ đề này vô cùng nhạy cảm từ nhiều thập niên, nhưng ông Trump đã khuấy động lên hồi tháng 2 vừa qua khi khẳng định vấn đề biển đảo nằm trong cam kết liên minh quân sự giữa Tokyo và Washington.
Khi thủ tướng Nhật sang thăm tổng thống Mỹ, cả hai nhà lãnh đạo cùng phản đối tất cả các hành động chống lại việc Nhật Bản quản lý Senkaku. Trung Quốc phản ứng bằng cách cáo buộc Washington «muốn gây bất ổn trong khu vực», vào đầu tháng 3 vừa qua đã điều ba tàu tuần duyên diễu quanh Senkaku/Điếu Ngư. Trước đó vào mùa hè 2016, Bắc Kinh cũng đã biểu dương sức mạnh tương tự. Rất có khả năng xảy ra các sự cố trên biển hoặc trên không tại vùng này.
Đài Loan
Trung Quốc vốn coi Đài Loan là một phần lãnh thổ của mình, chưa bao giờ từ bỏ khả năng sử dụng đến vũ lực để thống nhất. Quan hệ giữa đôi bờ eo biển càng căng thẳng hơn từ đầu năm 2016, khi bà Thái Anh Văn đắc cử lãnh đạo Đài Loan. Bà là người vẫn đòi có thái độ cứng rắn hơn trước Bắc Kinh, và Trung Quốc nghi ngờ bà có ý định tuyên bố độc lập.
Mối quan hệ này lại càng xấu đi từ sau cú điện thoại giữa bà Thái Anh Văn và tổng thống Mỹ Donald Trump tháng 12/2016. Trung Quốc luôn cấm đoán các nước có quan hệ ngoại giao với mình cũng đặt quan hệ với Đài Loan.
Bắc Kinh đã liên tục gây áp lực, đặc biệt về quân sự với Đài Loan: Cho tàu sân bay duy nhất Liêu Ninh với 5 chiến hạm hộ tống, chạy xuyên qua eo biển Đài Loan. Đài Loan mà Mỹ là nhà cung cấp vũ khí hàng đầu đã chuẩn bị cho khả năng tệ hại nhất và tìm cách tăng cường quốc phòng. Nhưng quân đội Đài Loan không thể kháng cự mà không có sự giúp sức của đồng minh Mỹ, theo giới quan sát.
Trước mắt khó thể xảy ra việc Trung Quốc tấn công, và bà Thái Anh Văn gần đây cũng tránh những hành động khiêu khích Bắc Kinh. Tuy nhiên trong tương lai Trung Quốc có thể mưu toan kiểm soát hòn đảo này bằng vũ lực. Chuyên gia Jean-Pierre Cabestan nhận định: "Tất cả các giải pháp tỏ ra ngày càng khó khăn. Thoạt đầu, Bắc Kinh có thể tiếp tục siết chặt gọng kìm qua việc o ép chính phủ đương nhiệm về kinh tế và ngoại giao, nhưng về lâu về dài, khoảng sau năm 2020, khả năng một cuộc tấn công vũ trang là không thể loại trừ». Vấn đề còn lại là Mỹ có can thiệp hay không.
Xung đột siêu cường khó tránh?
Sự cất cánh của Trung Quốc, vốn ngày càng ganh đua với Mỹ để giành quyền lãnh đạo thế giới, có thể tự động dẫn đến một cuộc đối đầu quân sự - theo dự báo của các chuyên gia bi quan nhất. Graham Allison, giáo sư trường đại học Havard viết rằng hai cường quốc sẽ «hướng đến một cuộc chiến tranh, trừ phi họ có được quyết định khó khăn và đau đớn để ngăn trở». Giáo sư Allison chuyên phân tích các cuộc xung đột trong lịch sử giữa Athens và Sparta, giữa Anh và Đức trước Thế chiến thứ nhất đúc rút, cứ mỗi lần cường quốc thống trị bị tranh giành vai trò đều xảy ra chiến tranh.
Không ai biết được liệu Trung Quốc có đi theo con đường này hay không, nhưng việc dồn sức để lấp đầy khoảng cách về quân sự với Mỹ đã gây ra nhiều lo ngại. Bắc Kinh muốn tăng ngân sách quốc phòng khoảng 7% cho năm 2017 để có thể «đẩy lùi ngoại xâm», trong khi tổng thống Donald Trump hứa hẹn tăng cường sức mạnh chưa từng thấy cho lực lượng Mỹ, qua việc tăng gần 10% ngân sách quốc phòng.
Mục tiêu của Trung Quốc là «đưa Đông Nam Á trở lại thành vùng ảnh hưởng truyền thống của Bắc Kinh, và như vậy về lâu về dài sẽ đẩy lùi Mỹ ra khỏi khu vực», nhà nghiên cứu Benoît de Tréglodé của Viện IRSEM nhận xét.
Ông nói thêm: «Trong 10 năm tới, hải quân của Trung Quốc sẽ có đông đảo chiến hạm trong vùng, mà Mỹ chưa bao giờ triển khai số lượng như thế". Trong trường hợp Mỹ rút dần lực lượng – một kịch bản chưa được khẳng định – chiến lược tăng cường quân sự này có thể giúp Bắc Kinh thực hiện được tham vọng của mình mà không cần chiến đấu.
Phú Lộc
Theo Viettimes.vn