Tin Biển Đông

 
 
 

Tàu sân bay và ngoại giao pháo hạm của Trung Quốc

  • Cập nhật : 07/03/2017

Trung Quốc đã phô trương sức mạnh hải quân trong thời gian gần đây, đem tàu sân bay duy nhất tuần tra các vùng biển đầy sóng gió ở Châu Á.

Tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào tây Thái Bình Dương thông qua Biển Hoa Đông lần đầu tiên vào cuối năm ngoái. Sau đó, nó đã thay đổi hướng đi, vòng qua ngoài khơi bờ biển phía đông của Đài Loan đi vào Biển Đông và tiến hành tập cất, hạ cánh các chiến đấu cơ trên boong.

tau san bay lieu ninh, tau san bay dau tien cua trung quoc. anh: popular science

Tàu sân bay Liêu Ninh, tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Ảnh: Popular Science

Việc tàu sân bay Liêu Ninh tiến vào tây Thái Bình Dương và tập trận ở Biển Đông là một lời nhắc nhở cộng đồng quốc tế về sức mạnh quân sự gia tăng nhanh chóng của Trung Quốc trong những năm gần đây. Chỉ có điều, không nên quá đề cao hoặc quá hạ thấp sức mạnh thực sự của nhóm tác chiến tàu sân bay của Trung Quốc.

Chưa sẵn sàng chiến đấu

Có hai lý do chính khiến người ta không nên đánh giá quá cao khả năng tác chiến của tàu sân bay đầu tiên của Trung Quốc. Thứ nhất, Liêu Ninh vẫn không thể đảm nhận vai trò của một tàu sân bay thực thụ. Tàu sân bay Liêu Ninh không được trang bị máy phóng, tạo điều kiện cho các chiến đấu cơ cất cánh trên đường băng ngắn. Điều này buộc các chiến đấu cơ trên tàu sân bay Liêu Ninh “càng nhẹ càng tốt” vào lúc cất cánh, hạn chế số lượng tên lửa có thể mang theo và đẩy chúng vào thế bất lợi nghiêm trọng trong một cuộc không chiến.

Thứ hai, tàu sân Liêu Ninh không có đầy đủ các tàu hộ tống. Tàu sân bay là trái tim của một nhóm tác chiến, trong đó bao gồm các tàu hộ tống. Mặc dù Liêu Ninh đã được các tàu khu trục tên lửa dẫn đường hộ tống trong chuyến đi Tây Thái Bình Dương gần đây, nhưng lại thiếu tàu ngầm - một thành phần thiết yếu trong các nhóm tác chiến tàu sân bay.

Sự hộ tống của tàu ngầm là đặc biệt quan trọng đối với tàu sân bay. Chúng thường đi “tiền trạm” cho nhóm tác chiến tàu sân bay, xua đuổi hoặc tiêu diệt tàu ngầm của đối phương. Mặc dù có những cải thiện trong những năm gần đây, hiện chưa rõ liệu tàu ngầm Trung Quốc sẽ có thể bảo vệ được một tàu sân bay trong chiến đấu.

Trung Quốc đang sử dụng tàu sân bay Liêu Ninh như một công cụ của chính sách ngoại giao pháo hạm đương đại. Nhưng nếu tàu sân bay Liêu Ninh bị đối phương đánh chìm hoặc loại khỏi vòng chiến, Quân đội Trung Quốc sẽ bị mất nhuệ khí. Tàu sân bay là “con dao hai lưỡi” và vào thời điểm hiện tại, Quân đội Trung Quốc sẽ không dại gì đem “tài sản quí báu” này vào các trận thực chiến đầy rủi ro.

Chỉ có điều, Nhật Bản và các nước khác cũng không nên đánh giá thấp tầm quan trọng của tàu sân bay Liêu Ninh. Về thực chất, Liêu Ninh là một tàu sân bay thử nghiệm, giúp Trung Quốc dần dần đạt được những tiến bộ vững chắc để trở thành một lực lượng hải quân sở hữu các tàu sân bay tác chiến thực thụ.

Quân đội Trung Quốc đã sở hữu công nghệ hãm máy bay tiên tiến, cho phép các máy bay hạ cánh an toàn trên đường băng khá ngắn trên boong tàu sân bay Liêu Ninh.

Hầu hết các nước sở hữu tàu sân bay đều không muốn chuyển giao công nghệ hãm máy bay bằng dây cho nước khác. Trong thực tế, Nga đã từ chối cung cấp công nghệ này cho Trung Quốc.

Nhưng Trung Quốc tìm thấy một đồng minh không mấy ai ngờ tới là Brazil, nước đã mua một tàu sân bay cũ của Pháp và đặt lại tên cho nó. Sao Paulo là tàu sân bay duy nhất của Brazil và Trung Quốc dường như được chuyển giao công nghệ hãm máy bay hạ cánh bằng dây trên tàu sân bay từ Brazil, đổi lấy việc cung cấp viện trợ kinh tế và nhiều ưu đãi khác.

Trung Quốc hiện đang tự đóng hai tàu sân bay ở trong nước. Dựa trên công nghệ và dữ liệu thu được thông qua việc vận hành Liêu Ninh, Trung Quốc sẽ làm cho các tàu sân bay mới có khả năng sẵn sàng chiến đấu. Nếu tiếp tục đóng tàu với tốc độ hiện nay, Hải quân Trung Quốc có thể có số lượng tàu sân bay ngang bằng với Mỹ trong vòng 15 năm tới hoặc lâu hơn đôi chút.


Minh Châu (Theo Nikkei Asian Review/ Kiến Thức)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục