Tin Biển Đông

 
 
 

Tin thế giới đáng chú ý tối 17-09-2017

  • Cập nhật : 17/09/2017

Iran tuyên bố sở hữu “cha của các loại bom”

Iran nói rằng họ đã phát triển "cha của các loại bom" có thể làm lu mờ vũ khí phi hạt nhân mạnh nhất của Mỹ.

bom gbu-43/b cua my duoc biet den voi ten goi "me cua cac loai bom". anh: global look press.

Bom GBU-43/B của Mỹ được biết đến với tên gọi "mẹ của các loại bom". Ảnh: Global Look Press.

 

Quả bom được phát triển theo yêu cầu đặc biệt của Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), chuẩn tướng Iran Amir Ali Hajizadeh cho biết trong một cuộc phỏng vấn hôm 16/9, theo Press TV.

"Công nghiệp Quốc phòng của Iran đã sản xuất một quả bom 10 tấn", ông cho biết.

"Nó có thể được phóng từ máy bay Ilyushin và có sức công phá lớn", ông nói nhưng không cung cấp thêm chi tiết về khả năng của thiết bị.

Tướng Hajizadeh gọi thiết bị này là "cha của các loại bom", so sánh nó với bom GBU-43/B của Mỹ, thường được biết đến với tên "mẹ của các loại bom" (MOAB).

Vì thiết bị của Mỹ nặng 9,8 tấn và có sức công phá tương đương 11 tấn TNT, tướng Iran có thể đề cập đến trọng lượng của vũ khí mới của Iran thay vì tiềm năng phá hoại của nó khi so sánh với vũ khí Mỹ, theo RT.

MOAB được phát triển vào năm 2003 và lần đầu tiên được sử dụng trong chiến dịch tháng 4, khi Mỹ thả nó xuống một khu đường hầm ở vùng núi Afghanistan mà nhóm Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng sử dụng.

Tuy nhiên, cách gọi tên vũ khí mới của Iran có thể gây nhầm lẫn, vì Nga đã gọi bom nhiệt áp siêu lớn (AVBPM) của họ là "cha của các loại bom" (FOAB). Vũ khí của Nga sức công phá tương đương 44 tấn thuốc nổ TNT, cao hơn 4 lần so với MOAB. Bán kính hủy diệt của FOAB là khoảng 300 m, gấp đôi bán kính 150 m của GBU-43. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Graham Templeton cho rằng các thông số này chưa từng được kiểm chứng ngoài thực tế. (Vnexpress)
-----------------------------

Lầu Năm Góc bị tố giả mạo giấy tờ đưa vũ khí 2 tỉ USD tới Syria

Lầu Năm Góc tiếp tục đưa những chuyến vũ khí hàng tỉ USD tới Syria, theo báo cáo mới đây của 2 tổ chức giám sát, trong đó cũng tiết lộ Washington đang giảo mạo giấy tờ để che chắn dấu vết của những vũ khí này.

Đài RT ngày 15-9 đưa tin hai tổ chức Dự án báo cáo tham nhũng và tội ác có tổ chức (OCCRP) và Mạng lưới Báo cáo điều tra Balkan (BIRN) vừa phơi bày những bằng chứng tiết lộ Lầu Năm Góc không chỉ đưa số vũ khí lên tới 2 tỉ USD tới Syria thông qua những phương tiện mờ ám, mà họ còn cố tình che giấu hành trình của chúng.

quan noi day syria than my quen su dung vu khi thoi lien xo cu? anh: reuters

Quân nổi dậy Syria thân Mỹ quen sử dụng vũ khí thời Liên Xô cũ? Ảnh: Reuters

 

Chương trình bí mật này bắt đầu sau khi kế hoạch 500 triệu USD của Lầu Năm Góc để huấn luyện quân nổi dậy Syria kết thúc trong thất bại hồi tháng 10-2005. Lầu Năm Góc sau đó bắt đầu một chương trình mới, tập trung vũ trang cho lực lượng này, BIRN và OCCRP phác thảo về cuộc điều tra của mình được công bố trên trang Balkan Insight hôm 12-9.

Theo đó, cuộc điều tra nói trên được xây dựng trên những bằng chứng từ hàng ngàn tài liệu, trong đó có các hồ sơ thu mua, dữ liệu đường đi tàu thuyền, các báo cáo chính thức và thư điện tử cũng như các cuộc phỏng vấn.

Bản báo cáo dẫn một tài liệu ngân sách Lầu Năm Góc tháng 2-2016 yêu cầu số vũ khí, đạn dược và thiết bị quân sự trị giá 210.800.000 USD cho Lực lượng đối lập Syria được Mỹ hậu thuẫn, trong đó nói rõ lực lượng này cần những vũ khí và đạn dược thời Liên Xô cũ bởi họ đã quen sử dụng loại này. Cũng theo báo cáo, một cuộc họp báo của Bộ Quốc phòng Mỹ tháng 10-2015 đã đưa thông tin chi tiết về 50 tấn đạn dược chuyển cho “liên minh Syria-Ả Rập ôn hòa” ở Syria.

Báo cáo cũng xác định số vũ khí hơn 700 triệu USD có vẻ đã được chuyển cho quân nổi dậy Syria giữa tháng 9-2015 và tháng 5-2017. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Mỹ dành ngân sách 548 triệu USD cho các hoạt động vũ trang ở Syria năm 2017 và 2018, thêm 900 triệu sẽ được chi cho đạn được trong khoảng thời gian từ nay tới năm 2022.

Cũng theo báo cáo, đường đi của mạng lưới cung cấp vũ khí này từ Balkan, Đông Âu, Caucasus, bao gồm các nhà cung cấp vũ khí, các công ty vận chuyển hàng hóa và các căn cứ quân sự của Đức.

Phản ứng với báo cáo này, chính phủ Đức đang mở cuộc điều tra về thông tin các vũ khí nói trên được Mỹ đưa tới Syria qua căn cứ quân sự tại Đức.

Trong một diễn biến khác, đài Sputnik (Nga) hôm 17-9 dẫn lời một người phát ngôn của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) cho biết Mỹ vẫn tiếp tục cung cấp vũ khí hạng nặng và phương tiện bọc thép cho lực lượng này như một phần chiến dịch quân sự để giải phóng thành phố Raqqa và Deir ez-Zor ở Syria.

Người phát ngôn giấu tên này cho biết một lô vũ khí và xe bọc thép của Mỹ vừa được chuyển tới SDF hôm 13-9. Ông còn cho biết thêm lô vũ khí bao gồm tên lửa, tên lửa tầm nhiệt, súng máy hạng nặng, súng máy tự động, súng cối cà súng trường tấn công Kalashnikov.(NLĐ)
-------------------------

Mỹ bó tay với "bài toán hóc búa" ở Cuba?

21 nhân viên ngoại giao Mỹ bị thương trong làn sóng tấn công bí ẩn ở thủ đô Havana - Cuba

Vào đầu năm nay, Đại biện lâm thời Mỹ ở Cuba, ông Jeffrey DeLaurentis, bất ngờ được mời đến gặp Chủ tịch Raul Castro, sau khi Washington yêu cầu Havana trả lời về những vụ tấn công bí ẩn một số nhân viên ngoại giao Mỹ.

Phản ứng gây ngạc nhiên

Vài nguồn tin giấu tên tiết lộ với hãng tin AP rằng tại cuộc trao đổi trực tiếp hiếm hoi này, ông Raul Castro khẳng định Havana không liên quan gì đến vụ việc, cũng như lấy làm lo ngại và thấy khó hiểu không kém người Mỹ về những gì xảy ra. 

Phản ứng của chủ tịch Cuba khiến giới chức Mỹ ngạc nhiên. Họ từng nghĩ ông sẽ phản ứng theo kiểu "phòng thủ" hoặc từ chối hợp tác điều tra. Người Cuba thậm chí còn cho nhân viên Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) đến Havana để tìm hiểu vụ việc. Ngay cả khi quan hệ 2 nước cải thiện gần đây thì mức độ tiếp cận như thế cũng thật đặc biệt.

ben trong khach san capri o havana, noi duoc cho la xay ra mot so vu tan cong nham vao nhan vien ngoai giao my anh: ap

Bên trong khách sạn Capri ở Havana, nơi được cho là xảy ra một số vụ tấn công nhằm vào nhân viên ngoại giao Mỹ Ảnh: AP

 

Cuộc gặp trên diễn ra sau khi Mỹ lần đầu tiên phàn nàn với Cuba về vụ việc ngày 17-2. Khi đó, danh sách người bị nghi là nạn nhân của "một vụ tấn công sóng âm" ít hơn nhiều so với con số 21 tính đến ngày 15-9, chưa kể một số nhà ngoại giao Canada. Một số nhân viên người Mỹ bị mất thính lực lâu dài hoặc tổn thương não nhẹ. 

Một cuộc điều tra kéo dài nhiều tháng của Cuba, Mỹ và Canada vẫn chưa tìm ra thủ phạm hoặc thiết bị có thể giúp làm rõ mọi chuyện. Sự bí ẩn bao trùm khiến cộng đồng ngoại giao ở Havana không khỏi hoang mang. Pháp mới đây đã kiểm tra nhân viên đại sứ quán để xem có trường hợp tổn thương tương tự hay không nhưng không phát hiện gì.

Dù bác bỏ sự liên quan, chính phủ Cuba không phủ nhận có chuyện khác thường đang xảy ra trên lãnh thổ mình. Một giả thuyết được các nhân viên điều tra Mỹ xem xét là có những thành phần chống đối trong lực lượng an ninh nước chủ nhà ra tay, có thể là thông qua sự hợp tác với một nước khác, như Triều Tiên hoặc Nga. 

Trong lúc sự thật chưa được làm sáng tỏ, không có gì lạ khi sự giận dữ đang tăng ở Washington. Hôm 15-9, 5 thượng nghị sĩ Đảng Cộng hòa viết thư thúc giục Ngoại trưởng Rex Tillerson trục xuất toàn bộ nhà ngoại giao Cuba khỏi Mỹ và đóng cửa đại sứ quán mở lại gần đây ở Havana.

Bí ẩn nối tiếp bí ẩn

Trong nhiều thập kỷ qua, Cuba và Mỹ không ít lần "phá" nhân viên ngoại giao của nhau nhưng mọi chuyện dừng lại ở mục đích quấy rầy, chứ không gây hại. Tuy nhiên, những gì được báo cáo tại đại sứ quán Mỹ ở Havana vào tháng 11-2016 lại hoàn toàn khác khi một số nhân viên làm việc tại đó và người nhà họ đổ bệnh bí ẩn, trong đó có người mô tả từng nghe thấy những âm thanh kỳ lạ. 

Phải mất nhiều tuần để các quan chức đại sứ quán Mỹ xâu chuỗi những thông tin nhận được nhưng giới chức cấp cao ở Washington vẫn không hay biết gì về nó vào thời điểm nhiệm kỳ của ông Barack Obama chính thức khép lại. Đến khi ông Donald Trump nhậm chức, bức tranh mới bắt đầu rõ hơn.

Điều kỳ lạ là sau cuộc gặp giữa 2 ông Castro và DeLaurentis, các cuộc tấn công tạm ngưng một thời gian trước khi tái diễn. Trong làn sóng tấn công từ tháng 3 đến tháng 5 năm nay, 5-10 gia đình người Canada bị những triệu chứng như buồn nôn, đau đầu, chảy máu mũi… Những vụ tấn công này sau đó lại chấm dứt khiến nhà chức trách Mỹ không loại trừ khả năng đây là hành động cố tình làm rối cuộc điều tra, nhất là khi Cuba và Canada có quan hệ gần gũi.

Sau khi đến Havana, các nhân viên FBI đã kiểm tra những căn phòng được cho là nơi xảy ra các vụ tấn công. Danh sách này gồm một số ngôi nhà và khách sạn Capri do người Tây Ban Nha quản lý. 

Những chi tiết mới liên quan đến cuộc điều tra phần nào nêu bật sự kỳ lạ và bí ẩn của "vụ tấn công sức khỏe" nói trên. Có nạn nhân cảm thấy sự rung động hoặc nghe những âm thanh kỳ lạ (tiếng reng lớn hoặc tiếng kêu the thé giống tiếng dế hoặc ve sầu) hoặc bị tác động bởi những chùm âm thanh mạnh mẽ khi vào những phòng nhất định hoặc tại những vị trí nhất định của căn phòng. 

Chẳng hạn như một nhà ngoại giao Mỹ nghe thấy "tiếng rít lớn" khi nằm trên giường. Tuy nhiên, âm thanh đó biến mất khi người này di chuyển ra chỗ khác và rồi lại bắt đầu khi người này trở lại giường. "Giống như thể ông ấy bước qua một bức tường vô hình cắt ngang căn phòng" - hãng tin AP cho biết.

Các vụ tấn công dường như xảy ra vào buổi tối và kéo dài vài phút. Tuy nhiên, cũng có những người không nghe thấy hoặc cảm thấy gì nhưng vẫn mắc phải các triệu chứng. Sự hoài nghi ban đầu đổ dồn vào một loại vũ khí âm thanh nào đó. 

Dù vậy, kết quả chẩn đoán về tổn thương não nhẹ khiến FBI không khỏi đau đầu vì loại chấn thương này khó có thể do âm thanh gây ra. Một số nạn nhân giờ đây còn gặp rắc rối trong việc tập trung hoặc nhớ lại một số từ ngữ nào đó. Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy vụ tấn công gây ra tác hại nặng nề hơn suy nghĩ ban đầu.

Tóm lại, bài toán hóc búa nói trên càng thêm khó giải bởi "sự đa dạng" của các trường hợp. Nạn nhân cũng mắc những triệu chứng khác nhau và kể lại những câu chuyện khác nhau. "Không có giải thích hợp lý nào, chỉ là bí ẩn nối tiếp bí ẩn" - ông Fulton Armstrong, một cựu quan chức Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) từng làm việc tại Havana, thừa nhận. 

Ngay cả các chuyên gia âm thanh và sức khỏe cũng thấy khó hiểu. Việc tấn công bằng âm thanh là có thể nhưng có lẽ đòi hỏi một thiết bị kích thước lớn và không dễ che giấu. Ngoài ra, hiện chưa có thiết bị âm thanh nào có thể gây ra tổn thương não như triệu chứng của một số nạn nhân. (NLĐ)

Trở về

Xem thêm

  • Tin thế giới đáng chú ý 20-01-20181

    Tin thế giới đáng chú ý 20-01-2018

    Ấn Độ thử tên lửa tầm xa để răn đe Trung Quốc?; Biển Đông: Nhật Bản sắp điều tàu sân bay tuần tra, Trung Quốc hậm hực; Đô đốc Mỹ vạch mặt Trung Quốc là "thế lực gây rối" tại biển Đông; Ukraine thông qua luật gọi Nga là nước xâm lược

  • Tin thế giới đáng chú ý chiều 17-09-20172

    Tin thế giới đáng chú ý chiều 17-09-2017

    Mỹ rập rình trước cửa, Trung Quốc đứng ngồi không yên; Đức chi hơn 2 tỉ USD đóng 5 khinh hạm cho hải quân; Mỹ nhượng bộ Nga trên chiến trường chống IS

  • Tin thế giới đáng chú ý trưa 17-09-20173

    Tin thế giới đáng chú ý trưa 17-09-2017

    Báo Anh "soi" tàu sân bay tự chế thứ hai Trung Quốc; NATO tăng cường an ninh đối phó tập trận Nga - Belarus; Ông Duterte có thể thiết quân luật toàn Philippines

Bài cùng chuyên mục