Tin Biển Đông

 
 
 

Tình hình căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên 18-09-2017:

  • Cập nhật : 18/09/2017

Khủng hoảng Triều Tiên: Mỹ tái khẳng định có giải pháp quân sự

 Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, H.R. McMaster ngày 15/9 tuyên bố Mỹ đang tới gần ranh giới cuối cùng của những gì mà các biện pháp chế tài và ngoại giao có thể đạt được trong việc kiềm chế chương trình vũ khí của Triều Tiên.

co van an ninh quoc gia h.r. mcmaster (phai) phat bieu ben canh dai su my tai lien hiep quoc nikki haley trong cuoc hop bao tai nha trang, washington, 15 thang 9, 2017.

Cố vấn an ninh quốc gia H.R. McMaster (phải) phát biểu bên cạnh Đại sứ Mỹ tại Liên Hiệp Quốc Nikki Haley trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng, Washington, 15 tháng 9, 2017.

 

Cố vấn an ninh quốc gia Nhà Trắng, H.R. McMaster ngày 15/9 tuyên bố Mỹ đang tới gần ranh giới cuối cùng của những gì mà các biện pháp chế tài và ngoại giao có thể đạt được trong việc kiềm chế chương trình vũ khí của Triều Tiên, VOA đưa tin.

Triều Tiên sáng sớm 15/9 bắn tiếp một phi đạn ngang qua đảo Hokkaido ở miền bắc Nhật Bản, nhà chức trách Nhật cho biết. Quân đội Mỹ xác định đó là một phi đạn đạn đạo tầm trung và không đề ra mối nguy nào đối với Bắc Mỹ hay lãnh thổ Guam của Mỹ ở Thái Bình Dương.

"Xin nói với những người cho rằng không có giải pháp quân sự rằng đích thực có phương án quân sự," ông McMaster khẳng định với báo chí tại Nhà Trắng nhưng nói rõ là đó không phải lựa chọn mà chính quyền ông Trump muốn đưa ra.

Cùng ngày, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Rex Tillerson cáo buộc Triều Tiên đe dọa cả thế giới sau khi Bình Nhưỡng lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng bắn một phi đạn nữa thách thức áp lực của quốc tế về chương trình phi đạn và hạt nhân của nước này.

Trong nỗ lực mới nhất để đối phó với một vấn đề gây đau đầu cho các cường quốc thế giới, Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc đã nhóm họp cùng ngày 15/9 để thảo luận về vụ phóng phi đạn, theo yêu cầu của Mỹ và Nhật Bản.

15 thành viên của Hội đồng trước đó đã nhất trí tăng cường các biện pháp chế tài nhắm vào Triều Tiên liên quan tới một vụ thử bom hạt nhân tiến hành vào ngày 3 tháng 9, áp đặt lệnh cấm xuất khẩu hàng dệt may của Bắc Triều Tiên và hạn chế nhập khẩu dầu thô.

Trước đó một ngày, Ngoại trưởng Mỹ kêu gọi Trung Quốc, đồng minh duy nhất của Bình Nhưỡng, và Nga gia tăng áp lực thêm nữa lên Triều Tiên bằng cách "thực hiện những hành động trực tiếp của chính họ."

Nhưng Bắc Kinh phản pháo.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh phủ nhận Trung Quốc nắm giữ chìa khóa giúp xoa dịu căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên và nói rằng bổn phận thuộc về các bên liên quan trực tiếp. Bà cũng nhắc lại lập trường của Trung Quốc rằng các biện pháp chế tài đối với Triều Tiên chỉ có hiệu quả nếu kết hợp với đàm phán.(Bizlive)
------------------------

Mỹ - Hàn nhất trí siết chặt trừng phạt Triều Tiên

Lãnh đạo Mỹ và Hàn Quốc nhất trí gây áp lực mạnh mẽ hơn thông qua các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên.

"Hai nhà lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác, áp dụng những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ và thực tế hơn đối với Triều Tiên để họ nhận ra rằng các động thái khiêu khích sẽ dẫn tới sự cô lập ngoại giao và áp lực kinh tế", phát ngôn viên phủ tổng thống Hàn Quốc, Park Soo-hyun, nói về cuộc điện đàm giữa lãnh đạo nước ông với Tổng thống Mỹ ngày 17/9, theo Reuters.

Nhà Trắng cho biết ông Trump và Tổng thống Hàn Moon Jae-in mạnh mẽ lên án vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, đồng ý rằng hai nước sẽ làm việc với cộng đồng quốc tế để thực hiện nghị quyết 2375 mới nhất của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Triều Tiên ngày 15/9 phóng một tên lửa đạn đạo qua lãnh thổ Nhật Bản để đáp trả lệnh trừng phạt mới của Liên Hợp Quốc. Hội đồng Bảo An Liên Hợp Quốc thông qua lệnh trừng phạt mới này sau khi Bình Nhưỡng thử hạt nhân lần thứ sáu, nhằm giảm lượng nhiên liệu Bình Nhưỡng được nhập khẩu và cấm các nước nhập hàng dệt may từ Triều Tiên, tước đi một nguồn ngoại tệ mạnh quan trọng của nước này.(Vnexpress)
-------------------------------

Tướng Mỹ dự đoán chiến thuật Donald Trump đang dùng ứng phó với Triều Tiên

Theo tướng quân đội Mỹ, Tổng thống Donald Trump đang tiếp cận Triều Tiên với cùng một chiến lược mà cựu Tổng thống Nixon đã sử dụng.

Theo tướng quân đội Mỹ, đồng thời là cựu giám đốc tình báo CIA David Petraeus, Tổng thống Donald Trump đang tiếp cận Triều Tiên với cùng một chiến lược mà cựu Tổng thống Nixon đã sử dụng.

Phát biểu trong cuộc tranh luận Intelligence Squared tại Đại học New York, ông David Petraeus cho rằng Tổng thống Donald Trump đang sử dụng chiến thuật Madman (gã điên) để tiếp cận vấn đề Triều Tiên, và đây là một chiến thuật rất rủi ro dù vẫn được coi là hợp pháp.

Theo ông Max Boot - đại diện Hội đồng quan hệ đối ngoại, người cùng tham dự cuộc tranh luận, cựu Tổng thống Nixon cũng từng sử dụng chiến lược này nhưng không thành công.

david petraeus va max boot trong cuoc tranh luan tai dai hoc new york. (anh: samuel lahoz/business insider) 

David Petraeus và Max Boot trong cuộc tranh luận tại Đại học New York. (Ảnh: Samuel Lahoz/Business Insider) 

 

Ông David Petraeus cho biết Madman là một lý thuyết đàm phán sử dụng sự thiếu nhất quán để khiến cho đối phương liên tục mất cân bằng. Ông nhận định chiến thuật Madman có thể tỏ ra hiệu quả nhưng sẽ dẫn đến thảm họa lớn nếu đối phương cho rằng bạn đang hành động vô lý. “Bạn không muốn phía bên kia nghĩ rằng mình có lí do để không tấn công trước hoặc làm điều gì đó tương tự, gọi là khiến cho họ không thể đoán được…”

Trong cuốn sách “Nghệ thuật đàm phán” (Art of the Deal), Tổng thống Donald Trump đã ủng hộ cho lối tiếp cận “chơi đùa với trí tưởng tượng của người khác”, và sẽ luôn phải phản ứng lại nếu thỏa thuận có vẻ đang không đi đúng hướng. Ông Trump từng nói: “Vì thế cường điệu một chút cũng không sao cả”.

Theo Business Insider, cách ông Trump tiếp cận với những phát ngôn hiếu chiến và hàng loạt thử nghiệm tên lửa của Triều Tiên thể hiện rõ nhất khi ông tuyên bố sẽ đáp trả sự hung hăng của lãnh đạo Kim Jong-un bằng “hỏa lực và cơn giận mà thế giới chưa từng thấy trước đó.” Dù tuyên bố này có thể đã bị cường điệu hóa, nhưng người Triều Tiên có khả năng thực sự xem đây là dấu hiệu để khởi động kế hoạch tấn công Guam hoặc Hàn Quốc.

Và những đe dọa của ông Trump cũng không khiến Triều Tiên lùi bước. Ngày 15/9, chưa đầy 2 tuần sau khi tuyên bố thử nghiệm thành công bom nhiệt hạch, Bình Nhưỡng đã lại phóng một vật được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung qua Nhật Bản. Theo các chuyên gia, tên lửa này có thể dễ dàng tiếp cận căn cứ quân sự của Mỹ tại Guam.

Theo Business Insider, bản thân lãnh đạo Kim Jong-un dường như cũng đang áp dụng hiệu quả chiến thuật Madman này, để Mỹ cùng các đồng minh cũng như cộng đồng quốc tế không thể đoán được bước đi tiếp theo của Triều Tiên. Chỉ một ngày trước lần phóng tên lửa gần đây nhất, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đã đưa ra lời đe dọa sẽ nhấn chìm Nhật Bản và khiến nước Mỹ chỉ còn bóng đêm và tro bụi.

Tuy thuyết Madman có thể có tác dụng nhất định trong các mối quan hệ quốc tế, nhưng đây là một chiến lược đầy rủi ro khi áp dụng với xung đột hạt nhân.(VTC)

Trở về

Xem thêm

Bài cùng chuyên mục